Theo báo cáo cho thấy, toàn tỉnh có 58 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 10 trường Cao đẳng; 05 trường Trung cấp; 20 trung tâm Giáo dục nghề nghiệp; 23 cơ sở giáo dục nghề nghiệp khác tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Trong đó có 08/10 trường cao đẳng, 01/05 trường trung cấp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã triển khai xây dựng, vận hành, đánh giá, cải tiến và báo cáo hệ thống bảo đảm chất lượng. Kết quả tự đánh giá có 07 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, 05 trường cao đẳng đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; 02 trường Cao đẳng được chọn là Trường chất lượng cao theo Quyết định số 761/QĐ-TTg ngày 23/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Đề án phát triển trường nghề chất lượng cao đến năm 2020".

Sinh viên lựa chọn học nghề cơ khí tại các trường nghề trên
địa bàn tỉnh
Ngoài ra, theo quy hoạch nghề trọng điểm được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phê duyệt, tỉnh Đồng Nai có 07 trường được lựa chọn (trong đó có 06 trường Cao đẳng và 01 trường Trung cấp). Đến năm 2025, UBND tỉnh phấn đấu xây dựng 02 trường Cao đẳng của tỉnh thành trường chất lượng cao, có khả năng đào tạo một số nghề đạt chuẩn khu vực ASEAN và quốc tế. Đến năm 2030, Đồng Nai có ít nhất 2 trung tâm đào tạo nghề chất lượng cao chuẩn khu vực, quốc tế.
Dựa trên các quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo), hầu hết các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã xây dựng chuẩn đầu ra phù hợp với khối lượng kiến thức, kỹ năng của người học từng cấp độ, đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động và xây dựng các tiêu chí đánh giá chất lượng đào tạo nhân lực có tay nghề cao, điều này tác động tích cực đến kết quả học tập và rèn luyện, đánh giá đúng kỹ năng, kiến thức của người học. Chất lượng đào tạo nghề ngày càng được nâng lên đáp ứng thị trường lao động, thể hiện qua tỷ lệ học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp nghề có việc làm ngày càng tăng cao, người sử dụng lao động không phải đào tạo lại. Bên cạnh đó, phát triển đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên giáo dục nghề nghiệp là khâu then chốt quyết định đến chất lượng đào tạo nghề nhất là đào tạo nhân lực có tay nghề cao. Hiện nay, tỉnh Đồng Nai có 3.156 giáo viên giáo dục nghề nghiệp (1.892 giáo viên cơ hữu và 1.246 giáo viên thỉnh giảng), trong đó trình độ chuyên môn đào tạo có 935 người trình độ trên đại học (chiếm 29,62%); trình độ đại học 1.357 người (chiếm 43%); Trình độ Cao đẳng, Trung cấp, khác là 846 người (chiếm 27,38%).
Việc đầu tư kinh phí từ ngân sách tỉnh cho đào tạo nhân lực có tay nghề cao đã góp phần phát triển mạnh mẽ công tác giáo dục nghề nghiệp; trang thiết bị dạy nghề được đầu tư hiện đại, đa chủng loại đáp ứng với nhu cầu đào tạo; các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã phát triển đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên dạy nghề cả về chất lượng và số lượng, nhất là về chất lượng. Cán bộ và giáo viên được đào tạo, bồi dưỡng cả trong và ngoài nước về kỹ năng nghề, phương pháp sư phạm, ngoại ngữ, tin học...
Việc sử dụng lực lượng lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua được triển khai thực hiện hiệu quả, đặc biệt nguồn nhân lực chất lượng cao được bố trí làm việc ở các bộ phận hợp lý, phát huy cao nhất khả năng làm việc, đây chính là lực lượng nòng cốt, có vai trò quyết định tạo nên sự thành công của các doanh nghiệp, chất lượng của nguồn nhân lực đang ngày càng được nâng lên gắn liền với thu nhập và đời sống của người lao động; các quy định của nhà nước về chính sách tiền lương, thời gian làm việc, an toàn vệ sinh lao động, chế độ BHYT, BHXH cho người lao động được thực hiện tương đối tốt. Trong quản lý, việc bố trí công tác cho công chức, viên chức chất lượng cao được lãnh đạo các đơn vị quan tâm, có nhiều phương thức quản lý phù hợp, tạo môi trường thuận lợi để công chức, viên chức phát huy năng lực. Xây dựng tiêu chí thi đua khen thưởng theo đúng quy định, nhằm tôn vinh những công chức, viên chức có sáng kiến, ứng dụng khoa học-công nghệ vào sản xuất và đời sống xã hội, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Có thể thấy, mặc dù chất lượng nguồn nhân lực đã có sự cải thiện, nhưng để đáp ứng cho sự phát triển kinh tế - xã hội hiện nay, nguồn nhân lực của tỉnh đang đối mặt với khá nhiều thách thức do trình độ nguồn nhân lực còn thấp; cơ cấu lao động chưa hợp lý cả về trình độ và về phân bố theo khu vực; mất cân đối về cơ cấu lao động qua đào tạo giữa giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học; lao động phổ thông vẫn chiếm tỉ lệ cao, đặt ra vấn đề cấp thiết phải đào tạo nghề cho lực lượng này. Tỉnh chưa có cơ chế chính sách thu hút lao động ngoài tỉnh, sự phối hợp trong công tác tuyến dụng lao động của doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước còn ít. Trên thực tế người lao động tự đến các doanh nghiệp để tìm kiếm việc làm hoặc các doanh nghiệp tự thông báo tuyển dụng. Tại các Khu công nghiệp hệ thống nhà văn hóa, khu thể thao còn ít, chưa đáp ứng được nhu cầu của công nhân lao động. Ngoài ra, tại khu vực tập trung công nhân, hệ thống nhà trẻ, trường học, trạm y tế còn hạn chế.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao, một số giải pháp cần đề ra như cần ban hành những cơ chế, chính sách đặc thù mang tính đột phá, dài hạn, hấp dẫn, nhằm thu hút và giữ chân được người tài; đẩy mạnh công tác phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa cơ quan đơn vị triển khai chính sách thu hút nhân tài; gắn kết doanh nghiệp với cơ sở đào tạo, đặc biệt là các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhằm đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp và đảm bảo đầu ra cho các cơ sở đào tạo; có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng các thiết chế văn hóa trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, nâng cao đời sống tinh thần cho người lao động.
Lê Lài