Tăng cường chỉ đạo công tác thanh tra nhà nước, tổ chức tốt công tác tiếp dân; giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của công dân theo đúng qui định của pháp luật và yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương; giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc liên quan đến an ninh, chính trị, trật tự an tòan xã hội; kiên quyết xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật đã tác động tích cực đến tư tưởng của nhân dân. Tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước, giữ vững ổn định chính trị đã góp phần tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương.
Vì vậy, công tác quốc phòng - an ninh chính trị và tình hình trật tự an toàn xã hội được giữ vững; nền quốc phòng toàn dân được cũng cố, thế trận an ninh nhân dân được xây dựng ngày càng vững chắc; đã gắn kết chặt chẽ giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội với đảm bảo quốc phòng - an ninh. Nét nổi bật là phong trào phòng chống tội phạm, toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc được phát huy; An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong các ngày diễn ra những sự kiện chính trị quan trọng được bảo đảm, tổ chức thành công cuộc bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016; Tình hình trật tự an toàn giao thông cơ bản ổn định; Công tác tuyển dụng, đào tạo và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức được chú trọng; Các hoạt động trong lĩnh vực Tư pháp tiếp tục đạt được những kết quả tích cực. Các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị đã chủ động, sáng tạo, tích cực tổ chức thành công cuộc bầu cử Đại biểu Quộc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011–2016.
Ông Phạm Ngọc Tuấn - Ủy viên thường trực, Tưởng ban pháp chế HĐND tỉnh phát biểu tại buổi giám sát tại UBND huyện Cẩm Mỹ
Công tác cải cách thủ tục hành chính đã có những chuyển biến, qua thực hiện đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính, thủ tục hành chính đã được đơn giản, thời gian giải quyết hồ sơ nhanh hơn trước, nhiều thủ tục không còn phù hợp đã được điều chỉnh bãi bỏ, cơ chế một cửa, một cửa liên thông tiếp tục áp dụng rộng rãi tại các cơ quan, đơn vị đã giúp người dân bớt đi lại nhiều lần, nhiều nơi, hạn chế tình trạng bị nhũng nhiễu, phiền hà. UBND tỉnh đã tổ chức Hội nghị tổng kết chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001 – 2010 và ban hành kế hoạch, chương trình thực hiện cải cách hành chính giai đoạn 2011 – 2015. Các địa phương cũng đã xây dựng kế hoạch, chương trình triển khai thực hiện, xác định chương trình trọng tâm, đảm bảo công tác cải cách hành chính được triển khai đồng bộ, thống nhất, đạt hiệu quả thiết thực...
Công tác phòng chống tham nhũng có sự chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả khá tốt; công tác tuyên truyền giáo dục được gắn liền với việc thực hiện Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" và gắn với các biện pháp giáo dục, quản lý cán bộ. Hoạt động của Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng tỉnh đã đi vào nền nếp và phát huy hiệu quả thiết thực, kịp thời tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh triển khai các chủ trương, giải pháp về phòng chống tham nhũng...
Toàn ngành tư pháp đã chú trọng triển khai kịp thời công tác phổ biến giáo dục pháp luật, nhất là các luật và văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành, tích cực đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền thu hút đông đảo nhân dân tham dự.
Hoạt động thanh tra, kiểm tra có nhiều tiến bộ, đã tập trung thanh tra kịp thời những vấn đề được dư luận xã hội và cử tri quan tâm. Qua thanh tra đã phát hiện nhiều sai phạm, kiến nghị chấn chỉnh, xử lý kịp thời các tổ chức, cá nhân có sai phạm, xử phạt 7,8 tỷ đồng. Các kết luận, kiến nghị của các đòan thanh tra đều được các cơ quan, đơn vị chấp thuận, các sai phạm của cá nhân, tổ chức bị phát hiện sau thanh tra đều được UBND các cấp chỉ đạo xử lý, làm rõ.
Công tác quản lý thị trường có nhiều chuyển biến tích cực, đã chủ động chỉ đạo tòan lực lượng tổ chức nắm sát diễn biến giá cả thị trường hàng ngày, tuần, theo dõi biến động các lọai hàng hóa thiết yếu phục vụ cho nhu cầu sản xuất và tiêu dùng, triển khai thực hiện có hiệu quả các biện pháp kềm chế lạm pháp theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/2/2011 của Chính phủ.
Công tác điều tra, truy tố, xét xử có nhiều chuyển biến tích cực so với năm 2010. Các cơ quan Công an, VKSND, TAND đã sửa đổi, bổ sung và thực hiện tốt quy chế liên ngành trong thực tiễn công tác điều tra, truy tố, xét xử; quá trình công tác điều tra được kiểm sát chặt chẽ, đã đẩy nhanh tiến độ điều tra, thu thập chứng cứ, các tình tiết tăng nặng cũng như giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của người phạm tội; công tác truy tố, xét xử các vụ án được đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật, đã hạn chế thấp nhất tình trạng oan sai trong tố tụng…
Công tác tuyển chọn gọi thanh niên nhập ngũ năm 2011 được thực hiện công khai, dân chủ đúng trình tự quy định, hoàn thành chỉ tiêu giao quân cả 3 cấp…
Tuy nhiên tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh vẫn còn diễn biến phức tạp, một số loại tội phạm có chiều hướng gia tăng. Đáng chú ý là tình hình hoạt động của các băng nhóm có nhiều đối tượng tham gia, mang tính chất lưu manh, táo bạo, coi thường pháp luật, sẵn sàng dùng hung khí tấn công nạn nhân hoặc lực lượng chức năng. Đặc biệt có vụ đối tượng giết người giữa ban ngày, công khai cướp, cướp giật tài sản và trộm cắp tài sản của cơ quan nhà nước và công dân trên các tuyến đường chính tại trung tâm thành phố Biên Hòa và thị trấn, tại các vũ trường, quán bar... gây chết người và thương tích cho nhiều người dân đã gây tâm lý hoang mang cho một bộ phận cán bộ và nhân dân trong tỉnh.
Tội phạm hình sự có chiều hướng gia tăng (tội phạm hình sự xảy ra 1.550 vụ, tăng 178 vụ so với cùng kỳ năm 2010, tăng 12,97%, làm chết 77 người, bị thương 202 người, tài sản thiệt hại trị giá 34 tỷ đồng). Trong đó, tội phạm cướp tài sản tăng đột biến (67,6%) với nhiều thủ đoạn mới, tính chất táo bạo; tội phạm xâm phạm tình dục trẻ em tăng mạnh (60,7%); tội phạm trộm cắp tài sản cũng tăng mạnh (chiếm 50% số vụ án tăng); tội phạm giết người xảy ra ở cả nông thôn và đối tượng gây án có độ tuổi khá trẻ (dưới 25 tuổi, chiếm 46%). Tình hình trộm cắp, vận chuyển, mua bán lâm sản trái phép diễn biến phức tạp... Tình hình tai nạn giao thông còn diễn biến phức tạp, nhất là lĩnh vực đường bộ và đường sắt, cụ thể như: Trong năm 2011, tai nạn giao thông đường bộ xảy ra 750 vụ, làm chết 298 người, bị thương 962 người; tai nạn giao thông đường sắt xảy ra 19 vụ (tăng 04 vụ), làm chết 23 người (tăng 09 người) bị thương 26 người (tăng 24 người).
Tội phạm kinh tế phát hiện 324 vụ, tăng 80 vụ so với cùng kỳ năm 2010. Tuy nhiên, số vụ được phát hiện đấu tranh chưa phản ánh đúng thực trạng tình hình tội phạm tham nhũng, tội phạm buôn bán hàng lậu, hàng giả trên địa bàn. Đáng chú ý là tình hình lừa đảo và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, gây thiệt hại lớn về tài sản; tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường đã phát hiện 235 vụ, đáng chú ý là tình hình xả nước thải không qua xử lý hoặc xử lý không đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật gây ô nhiễm môi trường, gây bức xúc dư luận như vụ Công ty Cổ phần Sonadezi Long Thành, vụ Công ty TNHH AB Mauri ở huyện Định Quán sản xuất gây ô nhiễm môi trường. Tình hình khai thác tài nguyên khoáng sản trái phép gây suy thoái môi trường diễn ra khá nghiêm trọng, nhất là khai thác cát trái phép với quy mô lớn (sạt lở), có những vụ đối tượng chống lại lực lượng truy bắt. Tình hình vi phạm các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm và vi phạm các quy định về bảo vệ động vật hoang dã vẫn tiềm ẩn nhiều phức tạp.
Tội phạm ma túy diễn biến phức tạp, các điểm ma túy đã được triệt phá, nhưng nhiều điểm mới tiếp tục phát sinh; số người nghiện mới được phát hiện còn cao (năm 2011 tăng 23 vụ 95 đối tượng). Vẫn còn xảy ra tình trạng trồng cây cần sa trái phép ở một số địa bàn như: huyện Vĩnh Cửu, Định Quán. Tệ nạn cờ bạc mặc dù đã được tập trung đấu tranh nhưng tình hình đánh bạc vẫn còn xảy ra nhiều; tệ nạn mại dâm được phát hiện đấu tranh triệt phá nhiều ở các địa bàn đô thị, tuy nhiên lại biến tướng diễn ra ở các địa điểm massage, quán cà phê đèn mờ, móc nối đến các nhà trọ, nhà nghỉ để thực hiện.
Tội phạm tham nhũng tuy số vụ phát hiện không nhiều nhưng có vụ gây bức xúc dư luận như vụ một số giáo viên và sát hạch viên của Trung tâm sát hạch lái xe loại I - Sở GTVT Đồng Nai nhận hối lộ của các thí sinh trong kỳ thi sát hạch lái xe... Tiến độ xử lý một số vụ việc tiêu cực, tham nhũng còn chậm, nhất là những vụ nghiêm trọng, phức tạp, liên quan đến nhiều tổ chức, cá nhân.
Nguyên nhân của tình trạng trên có cả nguyên nhân chủ quan và nguyên nhân khách quan như: Công tác phối kết hợp của các ban, ngành, đoàn thể các cấp tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật có lúc, có nơi chưa chặt chẽ, hiệu quả tổ chức thực hiện chưa cao. Phong trào toàn dân tham gia tấn công trấn áp tội phạm chưa đồng đều, có nơi còn hình thức, phương pháp, nội dung tuyên truyền chưa sát với từng đối tượng tuyên truyền; nhiều nơi quần chúng nhân dân bị bọn tội phạm đe dọa, chưa mạnh dạn tố giác tội phạm.
Công tác phòng ngừa xã hội hiệu quả còn hạn chế. Công tác quản lý nhân hộ khẩu, quản lý vũ khí, vật liệu nổ còn nhiều sơ hở, chưa chặt chẽ, thường xuyên để bọn tội phạm lợi dụng ẩn náu, hoạt động phạm tội. Việc phối hợp giữa lực lượng Công an với các ngành, các địa phương trong quản lý nhà nước về an ninh, trật tự chưa thường xuyên. Số đối tượng truy nã chưa bắt được còn nhiều, số đối tượng tù tha về, thanh thiếu niên chậm tiến, bỏ nhà đi chưa được quản lý chặt chẽ là những yếu tố tiềm ẩn gây mất ổn định về trật tự xã hội.
Công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các biện pháp phòng, chống tham nhũng có lúc, có nơi chưa thường xuyên, chưa hiệu quả. Vai trò giám sát của các tổ chức xã hội, của các Ban thanh tra nhân dân còn hạn chế, nên hiệu quả giám sát phát hiện tiêu cực, tham nhũng chưa cao. Hầu hết các vụ tham nhũng được phát hiện qua công tác nghiệp vụ của lực lượng công an, công tác thanh tra, kiểm tra hoặc đơn thư khiếu nại, tố cáo.
Công tác xây dựng lực lượng Công an viên tại một địa phương chưa bảo đảm biên chế theo quy định, số lượng Phó trưởng Công an xã và Công an viên còn thiếu nhiều. Việc trang bị phương tiện, công cụ hỗ trợ, tuy các ngành, địa phương đã có nhiều cố gắng thực hiện nhưng do thiếu kinh phí nên chưa được trang bị trang phục, phương tiện làm việc cho lực lượng Công an, đội dân phòng, xã đội đầy đủ, kịp thời theo đúng quy định. Đồng thời Quyết định 70/QĐ-UBND và 71/QĐ-UBND của UBND tỉnh chưa quy định cấp trang phục cho Trưởng công an xã và Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự xã.
Việc thực hiện, chi trả một số chế độ, chính sách cho lực lượng công an, quân sự và các đoàn thể chưa đúng quy định của pháp luật và nghị quyết HĐND tỉnh. Mặc khác, lực lượng công an, quân sự xã, ấp không được xếp hưởng lương theo bằng cấp; khi có thành tích hoặc tự học tập nâng cao trình độ nhưng không được nâng mức phụ cấp, chế độ hỗ trợ như cán bộ chuyên trách và công chức, phần nào đã gây tác động tâm lý đến hiệu quả công tác của đội ngũ cán bộ không chuyên trách xã, ấp và lực lượng công an, quân sự...
Sĩ Tiến