Liên kết website


Specified argument was out of the range of valid values.

Trao Đổi TT Với Cử Tri

Từ điển trực tuyến

Tra từ:
Từ điển:

Hình ảnh hoạt động

Hộp Mail

Trang chủBản tin HĐND số 81-T1&T2-2012

Kiên quyết ngưng việc đổ chất thải rắn công nghiệp vào bãi rác tạm Đồng Mu Rùa

Đăng ngày: 30/05/2013
​Ngày 25 tháng 11 năm 2011, tổ đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh đơn vị Nhơn Trạch đã tiến hành giám sát công tác quản lý bãi rác tạm Đồng Mua Rùa tại xã Phước An, huyện Nhơn Trạch. Đoàn do ông Quách Hữu Đức - Tổ trưởng tổ đại biểu HĐND tỉnh đơn vị Nhơn Trạch làm trưởng đoàn. 

​     Bãi rác tạm Đồng Mu Rùa tại xã Phước An huyện Nhơn Trạch là một trong số 47 bãi rác tạm trên địa bàn toàn tỉnh. Theo đúng quy hoạch thì khu xử lý chất thải rắn liên huyện tại xã Bàu Cạn huyện Long Thành quy mô 100 ha sẽ được triển khai xây dựng để hoạt động xử lý rác chung cho hai huyện Nhơn Trạch và Long Thành. Tuy nhiên, do tiến độ triển khai xây dựng khu xử lý chất thải rắn này chậm nên hiện tại rác thải sinh hoạt trên địa bàn huyện Nhơn Trạch đang được thu gom và đưa về xử lý tại bãi rác tạm Đồng Mua Rùa. 

DSC02028.jpg
Hiện trường bãi rác tạm Đồng Mu Rùa là bãi đất trống,
 không có tường rào, bụi khói bay mù mịt​
 

     Theo báo cáo, khối lượng rác thu gom khoảng 100 tấn/ngày tương đương 166 m3, trong đó rác thải sinh hoạt của các hộ dân và chủ yếu là rác thải sinh hoạt của khoảng 100 công ty, xí nghiệp trên địa bàn huyện. Từ tháng 6/2011 đến nay, một số đơn vị đã thu gom chất thải rắn công nghiệp về đổ tại bãi rác tạm Đồng Mu Rùa, khiến cho tổng khối lượng rác mà bãi rác tiếp nhận hàng ngày khoảng 200 tấn tương đương 333 m3 ngày, thành phần gồm rác thải sinh hoạt và chất thải rắn công nghiệp.

     Hiện trạng bãi rác thải là khu đất trống, không có tường bao che, đường vào xấu, lầy lội nên khả năng rác rơi vãi dọc đường và ảnh hưởng ra môi trường xung quanh là khá lớn. Vừa qua, Hợp tác xã (HTX) đóng tàu-xà lan Nhơn Trạch đã tự bỏ kinh phí ra để duy tu, sửa chữa tạm thời nhưng chất lượng cũng chưa đạt yêu cầu. Tại thời điểm giám sát, hiện trường bãi rác với khối lượng rác lớn, khói bụi và mùi hôi bốc lên rất khó chịu, trong khi đó số lượng công nhân tại hiện trường rất ít, không được trang bị bảo hộ lao động, có nguy cơ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của người lao động.

     Bãi rác tạm Đồng Mu Rùa là nơi tập kết rác thải sinh hoạt của các xã trên địa bàn huyện với diện tích 5 ha, trong đó chia thành hai phân khu giao cho hai đơn vị quản lý như sau: 

     – Khu 2ha được giao cho HTX Dịch vụ vệ sinh môi trường Hiệp Hòa quản lý, xử lý rác tiếp nhận từ 7 đơn vị đăng ký đổ rác tại đây. Hiện tại khu này gần như quá tải, diện tích trống còn lại khoảng 2.000 m3 có khả năng tiếp nhận khoảng 6.000 m3 tương đương 3.600 tấn rác thải, thời gian tiếp nhận chỉ khoảng hơn 1 tháng là đầy.

     – Khu 03 ha được giao cho HTX Đóng tàu- Xà lan Nhơn Trạch quản lý, tiếp nhận rác của hai đơn vị đổ rác là HTX Nhân Hòa và Công ty TNHH Bảy Hạ Long. Bãi rác được giao cho Hợp tác xã Dịch vụ vệ sinh môi trường Hiệp Hòa quản lý. Khu vực này có khả năng tiếp nhận 90.000 m3 rác thải sinh hoạt tương đương 54.000 tấn, thời gian tiếp nhận khoảng đến giữa năm 2013. 

     Qua làm việc với các đơn vị được giám sát cho thấy, nổi lên rõ nét nhất là những bất cập trong quản lý hoạt động của bãi rác tạm này. Do đặc điểm bãi rác là khu đất trống, không có tường rào, lại được giao cho nhiều đơn vị cùng quản lý dẫn đến việc rất khó kiểm soát được các đơn vị đến đổ rác tại đây. Theo báo cáo của Ban KTXH HĐND huyện Nhơn Trạch tại Thông báo kết luận số 31/TB-HĐND ngày 07/10/2011 thì HTX đóng tàu-xà lan Nhơn Trạch đang có biểu hiện cản trở, không cho các xe rác đi vào, làm ảnh hưởng đến tiến độ thu gom rác trên địa bàn các xã. Bên cạnh đó, Ban KTXH HĐND huyện Nhơn Trạch cũng đề nghị kiểm tra hai đơn vị HTX Nhân Hòa và Công ty TNHH Bảy Hạ Long trong việc đổ rác thải công nghiệp (bùn đen, hiện chưa rõ thành phần, có nhiều khả năng là bùn thải của các hệ thống xử lý nước thải của các khu công nghiệp) vào khu vực 3 ha do HTX đóng tàu-xà lan quản lý.

     Về công nghệ xử lý, hiện tại, rác thải sinh hoạt được xử lý rất đơn giản, gồm thu gom, phân loại tại bãi rác, ngoài phần rác tận thu được thì phần còn lại ủi xuống các hố cạn (chiều rộng 5-10m, chiều sâu 1,5m), sau đó được rải vôi bột nhằm hạn chế mùi hôi và dịch bệnh. Do công nghệ xử lý quá sơ sài như vậy nên tại thời điểm giám sát, khói bụi và mùi hôi bốc lên rất khó chịu. Bên cạnh đó, do thành phần rác tại khu vực có cả chất thải rắn công nghiệp (bùn đen) nhưng năng lực xử lý của các đơn vị được giao quản lý bãi rác không thể xử lý rác loại này, nên có khả năng lượng chất thải rắn này sẽ ngấm xuống nước ngầm, nước mặt, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm nguồn nước. Vì thế, cần kiên quyết cấm không cho các đơn vị đổ chất thải rắn công nghiệp vào khu vực này.

     Giải pháp để cải thiện tình hình ô nhiễm tại khu vực này cũng như tại 47 bãi rác trên địa bàn tỉnh, theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường thì Sở đã trình UBND tỉnh phương án xử lý thí điểm đối với bãi rác tạm Liên Kim Sơn huyện Long Thành theo công nghệ xử lý là đào xúc, sàng lọc, nén ép, đóng gói, chôn lấp hợp vệ sinh, dự kiến hoàn thành trong quý I năm 2012 sau đó sẽ tiến hành tổng kết rút kinh nghiệm để triển khai cho các bãi rác khác, trong đó có bãi rác Đồng Mu Rùa. Như vậy, nếu công việc này được thực hiện đúng tiến độ đề ra thì có thể cải thiện đáng kể tình trạng ô nhiễm môi trường tại khu vực, đồng thời có thể kéo dài thời gian tiếp nhận rác trong khi chờ bãi rác Bàu Cạn được hoàn thành.

     Để cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường, đoàn giám sát đã đề nghị UBND huyện Nhơn Trạch chấn chỉnh công tác quản lý hoạt động của bãi rác này, lựa chọn một đơn vị có đủ năng lực để giao quản lý toàn bộ hoạt động của bãi rác và chịu trách nhiệm trước cơ quan chức năng, trong đó nhấn mạnh việc đơn vị này cần cam kết không cho các đơn vị đổ chất thải rắn công nghiệp vào khu vực bãi rác. Chỉ đạo đơn vị này ban hành một quy chế phối hợp giữa các đơn vị có liên quan để thống nhất về cơ chế tiếp nhận và xử lý rác thải. 

DSC02039.jpg
Ông Quách Hữu Đức-Trưởng đoàn giám sát, kết luận buổi làm việc​ 

     Về cơ chế tài chính, UBND huyện cần chỉ đạo cơ quan chuyên môn của UBND huyện nghiên cứu, đề xuất một cơ chế tài chính rõ ràng, qua đó làm rõ từng công đoạn: mức phí thu gom rác của hộ dân và công ty, chi phí để được đổ vào bãi rác tạm, trách nhiệm của đơn vị tiếp nhận trong việc kiểm tra đầu vào để tiếp nhận nguồn rác, phân loại và tái chế đảm bảo yêu cầu hạn chế ô nhiễm. Qua các số liệu tính toán cụ thể về khả năng cân đối tài chính của các đơn vị, nếu với mức thu phí theo quy định hiện hành (theo Quyết định số 58/2011/QĐ-UBND ngày 16/9/2011 của UBND tỉnh) không đủ trang trải thì có thể đề xuất UBND huyện xem xét, kiến nghị UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí, hoặc UBND tỉnh sẽ tổng hợp tình hình toàn tỉnh, đề xuất HĐND tỉnh chấp thuận chủ trương điều chỉnh lại mức phí thu gom rác thải sinh hoạt trên địa bàn. 

     Bên cạnh đó, UBND huyện cần nghiên cứu, có hỗ trợ về kinh phí, nguyên liệu và công nghệ đối với các đơn vị được giao quản lý bãi rác tạm. Cụ thể, hỗ trợ vôi bột để diệt khuẩn nhằm hạn chế ô nhiễm. Đồng thời hỗ trợ một phần kinh phí để duy tu, bảo dưỡng con đường vào khu bãi rác để tạo điều kiện cho các đơn vị vào đổ rác, đồng thời hạn chế rơi vãi rác dọc đường gây ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Nếu trong khả năng ngân sách của huyện cho phép, có thể xem xét để hỗ trợ một phần kinh phí ủi rác tại khu vực 2 ha nhằm tăng khả năng xử lý rác tại bãi. Về công nghệ, huyện cần chủ động phối hợp chặt chẽ với Sở Tài nguyên và Môi trường để tham khảo mô hình xử lý rác thải tại bãi rác Liên Kim Sơn, trên cơ sở đó nghiên cứu, đề ra phương hướng xử lý rác thải tại bãi rác tạm Đồng Mu Rùa phù hợp với điều kiện về máy móc trang thiết bị, kinh phí của địa phương nhằm cải thiện tạm thời tình trạng môi trường khu vực này trước khi bãi rác này chính thức ngừng hoạt động.

     Bên cạnh các khoản hỗ trợ, huyện cũng cần tăng cường kiểm tra, giám sát để xử lý nghiêm nếu phát hiện có đơn vị không đăng ký đổ rác có hành vi đổ trộm rác vào khu vực bãi rác, hoặc cố ý trà trộn chất thải rắn công nghiệp với rác sinh hoạt để đổ vào bãi rác. Tiếp tục kiểm tra định kỳ chất lượng không khí, chất lượng nước ngầm và nước mặt xung quanh khu vực bãi rác để đảm bảo không ảnh hưởng đến đời sống nhân dân.

     Về trách nhiệm của các đơn vị được giao quản lý và xử lý rác tại bãi rác, đoàn giám sát đã đề nghị HTX Dịch vụ vệ sinh môi trường Hiệp Hòa và HTX đóng tàu-xà lan Nhơn Trạch trang bị bảo hộ lao động, tạo điều kiện cho các xã viên làm việc tại bãi rác được hưởng chế độ bồi dưỡng độc hại và đi khám sức khỏe định kỳ để bảo vệ sức khỏe cho người lao động.

                                                                                  Kim Chung