Vai trò của thông tin đối với đại biểu HĐND
Thông tin giúp cho
đại biểu chủ động trong việc lên kế hoạch tham gia các hoạt động của HĐND; giúp
cho đại biểu có cái nhìn khách quan, sinh động, không chủ quan, phiến diện, một
chiều về những vấn đề mà đại biểu quan tâm; giúp cho đại biểu tự tin hơn khi
tham gia thảo luận, quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền của mình; giúp cho
đại biểu có sự nhìn nhận, đánh giá một cách khách quan về đối tượng chịu sự
giám sát, tránh sự cảm tính, thiếu vô tư hoặc hời hợt, hình thức; giúp cho đại
biểu thực hiện tốt nhiệm vụ tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, tham gia giải quyết
khiếu nại, tố cáo.
Về kỹ năng thu
thập thông tin
Điều 99 Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định
cơ
quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm cung cấp thông tin cho đại biểu: “1. Khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu, đại biểu HĐND có quyền
yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến
nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân đó. 2. Người đứng đầu cơ
quan, tổ chức hoặc cá nhân có trách nhiệm trả lời những vấn đề mà đại biểu HĐND
yêu cầu theo quy định của pháp luật.”.
Các thông
tin bằng văn bản thông thường gồm các loại sau đây: Các báo cáo công tác của
HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, UBND, TAND, VKSND, Cơ quan THADS cùng
cấp, báo cáo công tác Mặt trận tham gia xây dựng chính quyền… Các tài liệu liên
quan đến việc ra nghị quyết của HĐND bao gồm: Tờ trình, dự thảo nghị quyết, báo
cáo đánh giá tác động của nghị quyết, báo cáo góp ý của các cơ quan, tổ chức,
các tài liệu tham khảo liên quan… Các tài liệu liên quan đến hoạt động giám
sát: Việc ra nghị quyết tổ chức giám sát: Tờ trình, dự thảo nghị quyết, báo cáo
tổng hợp ý kiến các ngành, các đại biểu HĐND đề xuất nội dung giám sát…Việc tổ
chức giám sát: Nghị quyết của HĐND, Thường trực HĐND về tổ chức đoàn giám sát;
quyết định, kế hoạch cụ thể của Thường trực HĐND về việc tổ chức đoàn giám sát
theo nghị quyết của HĐND hoặc Thường trực HĐND; báo cáo của các chủ thể thuộc
đối tượng bị giám sát…Việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với
người do HĐND bầu: Báo cáo kiểm điểm việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của
người được lấy phiếu tín nhiệm; ý kiến nhận xét, đánh giá của cơ quan có thẩm
quyền đối với người được lấy phiếu tín nhiệm…
Việc tự thu
thập thông tin tuy không bắt buộc với đại biểu nhưng để thực hiện tốt hơn vai
trò, trách nhiệm của mình trước cử tri và nhân dân thì đại biểu không thể không
chủ động thu thập thông tin. Việc thu thập thông tin của đại biểu thông thường
qua các “kênh”: Tiếp xúc cử tri; tham vấn cử tri; tiếp công dân; thông qua các
hoạt động giám sát, khảo sát; thông tin do cử tri, người dân gửi đến đại biểu.
Ngoài ra, đại biểu tự nghiên cứu các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, các chính
sách pháp luật của Nhà nước; đọc báo, nghe đài, đọc mạng xã hội…
Về kỹ năng xử lý
thông tin
Đại biểu cần chủ
động xử lý thông tin, phân loại, sắp xếp thông tin
sau khi thu thập được cần một cách rành mạch, thông thường nên sắp xếp theo thứ
tự: Thông tin từ các chủ trương, chính sách của Đảng; thông tin từ các văn bản
quy phạm pháp luật (của Quốc hội, Chính phủ, cơ quan nhà nước cấp trên, của
HĐND, UBND cùng cấp); thông tin từ các nguồn “sơ cấp” qua tiếp xúc cử tri; qua
tham vấn ý kiến cử tri; qua tiếp công dân; qua hoạt động giám sát, khảo sát…Đối
với mỗi nội dung mà đại biểu có ý định tham gia từ việc xây dựng và ban hành
nghị quyết, thảo luận về kinh tế - xã hội đến chất vấn… đều phải sắp xếp theo
thứ tự nêu trên để việc sử dụng có tính khoa học, từ đó mà ý kiến của đại biểu
có sức thuyết phục hơn đối với người nghe.
Để có thể sử dụng
một cách hiệu quả thông tin có được, bên cạnh nỗ lực nghiên cứu của cá nhân thì
đại biểu HĐND cần chủ động tham vấn các chuyên gia hay những người có am hiểu
về những lĩnh vực mà mình mong muốn được đóng góp. Việc sử dụng chuyên gia không
chỉ bó hẹp trong các thông tin đã thu thập được mà họ còn có thể cung cấp cho
đại biểu các thông tin hữu ích khác về vấn đề mà đại biểu quan tâm. Các chuyên
gia có thể tư vấn cho đại biểu nên sử dụng loại thông tin nào, thông tin nào
mang tính quyết định, thông tin nào chỉ để tham khảo khi đại biểu tham gia thảo
luận về những vấn đề liên quan
Vấn đề sau cùng là lựa chọn thông tin để sử
dụng vào các nội dung phù hợp. Đây là nội dung
quan trọng nhất của việc “xử lý thông tin”. Với nguồn thông tin vừa nhiều, vừa
đa dạng, nếu đại biểu không biết cách để xử lý thì các thông tin đó trở nên vô
giá trị. Ngược lại, nếu đại biểu có phương pháp sử dụng thông tin một cách hợp
lý, khoa học thì sẽ làm chủ được thông tin mình có để phục vụ tốt nhất cho hoạt
động giám sát của mình.
Thu Hương (tổng hợp)