Theo báo cáo viên Bùi Đức Thụ, kỹ năng giám sát của Hội đồng nhân dân trong lĩnh vực đầu tư công gồm những nội dung sau:
Ông Bùi Đức Thụ, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách, tài chính - tiền tệ Quốc gia,
Nguyên Phó Trưởng ban Công tác đại biểu trao đổi tại Hội nghị tập huấn
- Chọn trúng vấn đề giám sát: Những vấn đề nóng, bức xúc, cần giải quyết; vấn đề cử tri, báo chí, các đại biểu nêu; những vấn đề có dấu hiệu vi phạm pháp luật; những vấn đề có dấu hiệu quản lý, sử dụng các nguồn lực kém hiệu quả; những vấn đề có vướng mắc về cơ chế, chính sách và tổ chức thực hiện…
- Xác định rõ đối tượng giám sát, phạm vi giám sát (về thời gian, không gian). Trường hợp có nhiều vấn đề cần giám sát thì ưu tiên các vấn đề nóng, quan trọng, cấp bách.
- Căn cứ vào mức độ quan trọng, phạm vi tác động để xác định vấn đề nào do HĐND giám sát tại kỳ họp, vấn đề nào giao cho Thường trực HĐND, các Ban của HĐND giám sát. Phối hợp các cơ quan hữu quan để xây dựng kế hoạch giám sát, hạn chế giám sát trùng, kém hiệu quả. Có thể tiến hành khảo sát trước khi ra Quyết định thành lập đoàn giám sát.
- Chuẩn bị tốt về số liệu, tài liệu, thông tin liên quan đến nội dung giám sát: Đây là một trong những yếu tố quan trọng quyết định thành công và chất lượng của giám sát. Căn cứ vào từng nội dung, nguồn vốn, cơ chế quản lý đầu tư xây dựng cơ bản… để xác định các số liệu, tài liệu, thông tin liên quan đến nội dung giám sát. Các tài liệu, thông tin liên quan đến nội dung giám sát đầu tư công bao gồm: Các quy định của pháp luật về đầu tư công; cơ chế quản lý, điều hành đầu tư công; các tài liệu của cơ quan Nhà nước, thống kê, kiểm toán nhà nước, thanh tra, báo chí qua các giai đoạn…cần phân loại, đánh giá về phạm vi, độ tin cậy của các số liệu, tài liệu.
- Về thành phần đoàn giám sát, thực hiện theo quy định của pháp luật, ưu tiên các thành phần có bản lĩnh, dám phản ánh trung thực, khách quan, đầy đủ các vấn đề đặt ra; có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sâu về đầu tư công; không liên quan trực tiếp đến việc lãnh đạo, điều hành về đầu tư công. Mỗi thành viên của đoàn phải nắm chắc nội dung giám sát nhưng đồng thời phải phân công từng đại biểu tập trung nghiên cứu sâu về một số vấn đề, tránh tình trạng nêu vấn đề chung chung, trùng lắp. Một số nội dung chuyên ngành, chuyên môn sâu, cần thuê chuyên gia, trưng cầu giám định. Trong giám một số vấn đề về đầu tư công thì cần tham vấn ý kiến nhân dân, lấy ý kiến của đối tượng áp dụng.
- Về chất lượng của kết luận giám sát đầu tư công phải chỉ rõ kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế, sai phạm; nguyên nhân chủ quan, khách quan; trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân; giải pháp và thời hạn khắc phục. Kết luận giám sát phải đúng với các quy định của pháp luật; phải trúng các vấn đề tồn tại, hạn chế; kiến nghị phải bảo đảm tính khả thi. Yêu cầu đối tượng bị giám sát thực hiện nghiêm, đầy đủ, kịp thời kết luận giám sát, định kỳ báo cáo kết quả thực hiện. Kiến nghị, yêu cầu các cấp, các ngành có liên quan chịu trách nhiệm chỉ đạo thực hiện nghiêm, kịp thời những vấn đề kết luận và kiến nghị trong báo cáo giám sát. Có cơ chế xử lý hậu giám sát, như: tổ chức giám sát lại những vấn đề đặt ra; đưa vào nội dung chất vấn; lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm các đối tượng này theo quy định của pháp luật. Trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì yêu cầu cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán hoặc chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra làm rõ như đã nêu ở trên.
Đại biểu Nguyễn Thanh Tuyền-Phó Chủ tịch HĐND huyện Vĩnh Cửu
đặt vấn đề trao đổi với báo cáo viên tại Hội nghị tập huấn
Theo báo cáo viên, ngoài các kỹ năng nêu trên để góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát lĩnh vực đầu tư công cần tranh thủ sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng từ khâu xây dựng chương trình đến khâu triển khai thực hiện; tăng cường sự thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Và có thể truyền hình trực tiếp, mời phóng viên, báo chí tham gia để đưa tin kịp thời về hoạt động giám sát, đồng thời tạo hiệu ứng tích cực trong việc nâng cao chất lượng hoạt động giám sát về đầu tư công.
Thu Hương