Liên kết website


Specified argument was out of the range of valid values.

Trao Đổi TT Với Cử Tri

Từ điển trực tuyến

Tra từ:
Từ điển:

Hình ảnh hoạt động

Hộp Mail

Trang chủHoạt động của HĐND

Lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND bầu, công việc hệ trọng và ý nghĩa trong hoạt động dân cử.

Đăng ngày: 07/11/2023
  ​Nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, ngày 23/6/2023, tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết số 96/2023/QH15 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.
 

Nghị quyết số 96/2023/QH15 của Quốc hội quy định rõ về mục đích, đối tượng, thời hạn và thời điểm tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện. Cụ thể, về mục đích việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm là nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước; đánh giá uy tín và kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao của người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, làm cơ sở để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ. Đối tượng lấy phiếu tín nhiệm là Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Trưởng Ban của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện. Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân, các Ủy viên Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện; thời gian tổ chức lấy phiếu tín nhiệm một lần trong mỗi nhiệm kỳ vào kỳ họp cuối năm thứ ba của nhiệm kỳ.

Bên cạnh đó, nghị quyết cũng quy định việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm phải đảm bảo dân chủ, khách quan, công tâm, công khai, minh bạch, đánh giá đúng thực chất kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống của người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm. Về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm bảo đảm đúng đối tượng, nguyên tắc, thời hạn và quy trình theo quy định của Nghị quyết và quy định khác của pháp luật có liên quan. Đại biểu Hội đồng nhân dân có trách nhiệm tham gia lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, cân nhắc thận trọng, khách quan, công tâm, công bằng khi thể hiện mức độ tín nhiệm “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm”, “tín nhiệm thấp”. Người được lấy phiếu tín nhiệm phải báo cáo đầy đủ, trung thực kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao, phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, kê khai tài sản, thu nhập, những hạn chế, thiếu sót, phương hướng khắc phục và giải trình đầy đủ các nội dung mà cử tri và Nhân dân có ý kiến hoặc đại biểu Hội đồng nhân dân yêu cầu (nếu có). Nghiêm cấm người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm vận động hoặc có hành vi trái pháp luật như: hứa tặng, cho, ủng hộ tiền, tài sản, lợi ích vật chất, lôi kéo, mua chuộc nhằm tác động đến đại biểu Hội đồng nhân dân trong quá trình lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm được sử dụng để đánh giá cán bộ, làm cơ sở cho công tác quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, miễn nhiệm và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộđược công khai trên phương tiện thông tin đại chúng để cử tri và Nhân dân biết.

Ngoài những quy định nêu trên, Nghị quyết số 96/2023/QH15 có một số thay đổi so với Nghị quyết số 85/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội để bảo đảm đồng bộ, thống nhất với Quy định số 96-QĐ/TW của Trung ương, như: phạm vi đối tượng được lấy phiếu tín nhiệm chỉ thực hiện tại Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện,  không quy định Hội đồng nhân dân cấp xã lấy phiếu tín nhiệm đối với cán bộ cấp xã; không lấy phiếu tín nhiệm đối với người đã có thông báo nghỉ công tác chờ nghỉ hưu hoặc được bổ nhiệm, bầu cử trong năm lấy phiếu tín nhiệm, người ốm, người có đơn xin từ chức… Về quy trình lấy phiếu tín nhiệm bổ sung quy định, phiên họp lấy phiếu tín nhiệm chỉ được tiến hành khi có ít nhất 2/3 tổng số đại biểu tham dự; tỷ lệ tín nhiệm được tính trên tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân tham gia lấy phiếu tín nhiệm, thay vì tính trên tổng số đại biểu đại biểu Hội đồng nhân dân như trước đây. Hệ quả đối với người được lấy được lấy phiếu tín nhiệm cũng được thực hiện theo Quy định 96-QĐ/TW, theo đó, trường hợp người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa đến dưới hai phần ba tổng số phiếu đánh giá “tín nhiệm thấp” thì có thể xin từ chức; trường hợp có từ hai phần ba tổng số phiếu đánh giá “tín nhiệm thấp” trở lên thì tiến hành miễn nhiệm tại kỳ họp Hội đồng nhân dân.

Xác định việc lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp cuối năm 2023 của HĐND tỉnh là công việc hệ trọng và ý nghĩa trong hoạt động dân cử, Thường trực HĐND tỉnh đã triển khai Nghị quyết số 96/2023/QH15 đến các Ban, các Tổ đại biểu, đại biểu HĐND tỉnh, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh và Thường trực HĐND cấp huyện. Đồng thời, đề nghị phải có sự chuẩn bị thận trọng, chu đáo, thực hiện nghiêm túc, đúng mục đích, nguyên tắc, quy trình theo quy định. Đại biểu HĐND tỉnh phải thận trọng, khách quan, công tâm và chính xác khi thực hiện trọng trách cao cả của mình với ý nghĩa chính trị to lớn và phản ánh được ý chí, nguyện vọng của cử tri. Giúp cho người được lấy phiếu tín nhiệm thấy được mức độ tín nhiệm của mình để tiếp tục phấn đấu, rèn luyện, nâng cao năng lực, trách nhiệm, nâng cao hiệu quả công tác trong thời gian tới. Đảm bảo kết quả lấy phiếu tín nhiệm của Hội đồng nhân dân là cơ sở để cơ quan có thẩm quyền về công tác cán bộ xem xét, đánh giá, góp phần nâng cao hiệu quả công tác cán bộ tại địa phương.

Xuân Huyên