Ngày 23 tháng 11 năm 2024 - 14:55:28 | | |
|
Liên kết website
Specified argument was out of the range of valid values.
Lớp học tình thương phường Long Bình Tân thành phố Biên Hòa- điểm hẹn của những tấm lòng nhân ái Đăng ngày: 01/09/2009
Thực hiện Quyết định số 10/QĐ-HĐND ngày 12/3/2009 của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, vào ngày 24/3/2009, Thường trực HĐND tỉnh đã khảo sát Lớp học tình thương phường Long Bình Tân thành phố Biên Hòa. Tham gia đoàn giám sát gồm có ông Nguyễn Văn Dũng-Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh, trưởng đoàn; ông Nguyễn Văn Hùng- Trưởng Ban VHXH HĐND tỉnh, phó đoàn.
|
Cô giáo Bùi Thị Hoàn trăn trở về những khó khăn trước mắt để đả bảo cho hoạt động của lớp học | Lớp học tình thương phường Long Bình Tân, thành phố Biên Hòa do cô giáo Bùi Thị Hoàn làm chủ nhiệm, mở lớp học miễn phí cho trẻ em nghèo ngay tại nhà riêng của mình. Qua khảo sát cho thấy, lớp học hiện được xây dựng khang trang, về chất lượng đào tạo cũng đáp ứng một cách cơ bản yêu cầu giáo dục xóa mù chữ, bản thân cô Hoàn đã được ngành giáo dục công nhận đủ trình độ và khả năng sư phạm, có tư cách để ký hồ sơ cho các em cuối cấp 1 có nhu cầu thi tốt nghiệp và chuyển cấp. Thời gian qua, hoạt động của lớp đã tạo hiệu quả xã hội tích cực, giúp đào tạo các em về kiến thức phổ thông ( lớp 1-lớp 5), đồng thời cô Hoàn cũng chú trọng giáo dục đạo đức, nhân cách cho các em, biết cư xử ngoan ngoãn, lễ phép, có tinh thần vượt khó trong học tập, rất đáng khích lệ. Sau khi học hết lớp 5, các em được cô Hoàn làm thủ tục để dự thi tốt nghiệp tiểu học để tiếp tục đi học cấp 2 bổ túc văn hóa. Tuy nhiên, kết quả sau khi tốt nghiệp “trường cô Hoàn”, phần lớn các em không duy trì lâu quá trình học lên cao hơn, do điều kiện học tập tại trường không thuận lợi cho điều kiện sống và mưu sinh. Chính vì vậy, đến nay cô Hoàn tuổi đã ngoài 60 vẫn tự nguyện gắn bó với sự nghiệp trồng người. Cô đang tài trợ cho 02 em học lớp 12, chuẩn bị thi vào cao đẳng sư phạm để kế tục sự nghiệp của mình.
Lớp học ra đời tính đến nay đã 20 năm. Học sinh của lớp gồm những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, phải đi bán vé số, đánh giày, phụ cha mẹ đi ghe cào…vì vậy không có điều kiện đóng học phí và không có thời gian đến các trường chính quy, một số em bị thiểu năng trí tuệ, bị cha mẹ bỏ rơi, một số trẻ em là người dân tộc Kh’me, một số em khác do quá tuổi, không đủ giấy tờ hợp lệ ( cha mẹ di dân tự do, không có nhà, không đăng ký hộ khẩu tạm trú dài hạn). Các em được cô Hoàn vận động đến lớp để cô dạy đọc, viết, làm toán…vào buổi tối. Chính vì vậy mà đến nay, lớp học của cô vẫn thuộc hình thức “hỗn hợp”: chia làm nhiều nhóm, mỗi nhóm một trình độ. Tính đến nay, lớp học này đã dìu dắt, đào tạo kiến thức phổ cập cho 1.575 em học sinh, riêng năm học 2008-2009 có 58 em của 5 khối lớp ( từ lớp 1 đến lớp 5). Do số lượng học sinh khá đông, lại đủ mọi trình độ, lứa tuổi, vì thế cô Hoàn đã huy động thêm một trợ giảng là chính con gái của mình để phụ giúp mẹ trong công việc giảng dạy. Tuy nhiên, người con gái của cô giáo Hoàn-hiện đã có gia đình riêng, cũng chỉ có thể phụ giúp công việc dạy học với mẹ trong khả năng có thể, vì phải bận lo việc mưu sinh cho bản thân và gia đình riêng của mình.
Các em đến lớp của cô Hoàn, được dạy đọc, dạy viết, cá biệt có em khó khăn quá, cũng được cô pha cho gói mì để ăn cầm hơi, thậm chí khi mệt quá được ngủ luôn tại lớp, rồi nhu cầu vệ sinh, tắm giặt…cũng được cô chủ nhiệm lớp đáp ứng vì không nỡ từ chối các em. Khó khăn hiện tại của lớp học là do khả năng tiếp thu kiến thức của các em rất thấp, xuất phát từ hoàn cảnh khó khăn, bận mưu sinh, bản thân cha mẹ các em phần lớn không có nền tảng kiến thức vững vàng nên không thể giáo dục các em, cộng thêm một số em thiểu năng, có em đã học ở lớp học này trên 10 năm và vẫn không lên được lớp. Ngoài ra, việc tổ chức hoạt động của lớp hiện đang gặp khó hăn lớn về nguồn kinh phí. Trên thực tế, lớp học đã được sự tài trợ của nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh, nhưng việc tài trợ không phải là thường xuyên, trong khi nhu cầu hoạt động giáo dục của lớp diễn ra hàng ngày, đã dẫn đến không ít khó khăn cho giáo viên chủ nhiệm lớp khi mà hàng tháng phải trả tiền điện, nước, sách bút vở, phấn, dụng cụ học tập….Những giai đoạn có nhà tài trợ thường xuyên, cô Hoàn còn mua bảo hiểm y tế cho các em để giúp đỡ gia đình các em đỡ phần gánh nặng về thuốc men khi các em bị đau ốm, nằm bệnh viện. Hiện nay, chi phí tiền điện hàng tháng đã được Hợp tác xã Long Biên và cá nhân ông Ngô Minh Châu-Giám đốc hợp tác xã hỗ trợ chi trả. Còn lại các khoản chi khác vẫn đang là mối bận tâm lớn của cô giáo chủ nhiệm lớp. Riêng sách giáo khoa, hiện lớp của cô Hoàn còn thiếu khoảng 63 bộ sách giáo khoa phổ cập tiểu học, tương đương khoảng 6 triệu đồng và chưa biết sẽ xoay xở ra sao.
Về trách nhiệm quản lý của địa phương, thời gian qua UBND phường Long Bình Tân đã quan tâm tạo điều kiện hoạt động cho lớp học, cử cán bộ phường đến phụ giảng với cô giáo Hoàn, tuy nhiên cán bộ nghiệp vụ của phường không có nghiệp vụ sư phạm, vì vậy tuy có cố gắng nhưng chưa hỗ trợ được nhiều trong công tác giảng dạy. Ngoài ra, phường đã có quan tâm sâu sát, tạo điều kiện hoàn tất thủ tục cho các gia đình đủ tiêu chí hưởng trợ cấp theo Nghị định 67, đối với các gia đình không đủ tiêu chí, tiến hành rà soát hoàn cảnh cụ thể để trợ cấp khó khăn đột xuất cho gia đình các em, tuy nhiên việc trợ cấp này không thường xuyên ( một năm không quá 2 lần).
Thường trực HĐND tỉnh đã ghi nhận và đánh giá cao sự đóng góp của cô giáo Bùi Thị Hoàn đối với sự nghiệp giáo dục và đào tạo của Tỉnh. Kết quả công tác giáo dục và đào tạo của cô Hoàn đã giúp mang lại hiệu quả xã hội tích cực cho địa phương, vun đắp nền tảng tương lai cho những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, là tấm gương sáng cho nhiều thành phần trong xã hội noi theo, góp phần xây dựng một xã hội học tập, giúp ổn định tình hình an ninh trật tự tại địa phương. Tuy nhiên, Thường trực HĐND tỉnh cũng phân tích về sự cần thiết phải cho các em theo học tại môi trường chính quy để dễ hòa nhập xã hội. Điều này không chỉ nỗ lực của cô giáo Bùi Thị Hoàn mà phải có sự chung tay góp sức của cả cộng đồng.
Kim Chung
|
|
|