Công tác tuyên truyền để người dân nắm bắt được tầm quan trọng của việc sử dụng nước sạch đạt chuẩn từ Công trình cấp nước tập trung chưa đáp ứng yêu cầu; tại một số khu vực, đơn vị cấp nước đã đầu tư đấu nối tuyến đường ống cấp nước, tuy nhiên số hộ dân lắp đặt đồng hồ sử dụng nước còn thấp (như tại các xã Tân Hiệp, Long Phước, xã Long Đức, Lộc An, Bình Sơn, An Phước, Long An, Tam An của huyện Long Thành; các xã: Phú Lâm, Phú Xuân, Phú Thanh của huyện Tân Phú; các xã: Xuân Thành, Tâm Hưng Hòa, Xuân Hưng của huyện Xuân Lộc...), dẫn đến tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch từ công trình CNTT đạt thấp.
Về cơ chế chính sách: Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; trong đó ngân sách hỗ trợ lãi suất vay thương mại sau khi hoàn thành dự án cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; tuy nhiên đến nay chưa xây dựng Nghị quyết quy định mức hỗ trợ làm cơ sở để thực hiện. Quyết định số 26/2015/QĐ-UBND ngày 04/9/2015 của UBND tỉnh về việc Quy định nguyên tắc huy động đóng góp tự nguyện hàng năm của Nhân dân và mức hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng của xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Đồng Nai; trong đó chưa quy định cụ thể về mức hỗ trợ nguồn vốn ngân sách để đầu công trình CNTT, đường ống dẫn nước sinh hoạt, nên các địa phương đang còn lúng túng trong quá trình triển khai thực hiện. UBND tỉnh Đồng Nai ban hành Quyết định số 35/2021/QĐ-UBND ngày 16/8/2021 quy định định mức hỗ trợ từng loại hạng mục, công trình đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Đồng Nai; tuy nhiên các quy định về giao đất, cho thuê đất, đấu giá quyền sử dụng đất; thủ tục lựa chọn nhà đầu tư đối với những dự án cấp nước sạch nông thôn chưa cụ thể, đến nay chưa có doanh nghiệp nào được hỗ trợ. Mức vốn cho vay tín dụng hỗ trợ xây dựng các công trình nước sạch hộ gia đình hiện nay là 10 triệu đồng/1 công trình, mức cho vay này rất thấp so với chi phí đầu tư một công trình nước sạch hộ gia đình khoảng từ 20 đến 35 triệu đồng.
Ông Thái Bảo - UV BTVTU, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại Hội nghị
Việc đầu tư xây dựng các dự án cấp nước sạch nông thôn: Đối với các dự án đầu tư từ nguồn vốn ngân sách, do phải điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại một số địa phương, tiến độ lập hồ sơ, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng kéo dài, chưa đảm bảo tiến độ của dự án. Ngoài ra trong quá trình thực hiện dự án phải điều chỉnh theo những quy định mới về quản lý đầu tư xây dựng..., nên tiến độ triển khai các dự án còn chậm so với yêu cầu. Đối với các dự án sử dụng nguồn vốn xã hội hóa: Hầu hết các dự án đều gặp vướng mắc về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quy trình, thủ tục lựa chọn nhà đầu tư; thủ tục giao đất, cho thuê đất, đấu giá quyền sử dụng đất (dự án cấp nước hồ Gia Măng, huyện Xuân Lộc; dự án trạm tăng áp xã Bình Sơn, huyện Long Thành; dự án xa lộ nước Long Thành).
Việc đấu nối, mở rộng phạm vi cấp nước: Hiện nay, nhiều khu vực đã có tuyến đường ống chính của công trình cấp nước đô thị đi qua (các huyện: Long Thành, Nhơn Trạch, Vĩnh Cửu, Thống Nhất, Xuân Lộc), tuy nhiên việc đầu tư đường ống nhánh chưa đem lại hiệu quả cho nhà đầu tư, dẫn đến việc đấu nối, mở rộng các tuyến ống nhánh phân phối nước đến hộ dân chưa đáp ứng yêu cầu. Đối với một số Công trình CNTTNT, do nguồn thu từ hoạt động cấp nước không đủ chi cho công tác quản lý vận hành công trình, nên không có kinh phí thực hiện mở rộng các tuyến ống nhánh. Ngoài ra do đời sống của một bộ phận người dân nông thôn còn khó khăn, nên việc huy động nguồn lực, đóng góp kinh phí để xây dựng các tuyến ống cấp nước sạch, lắp đặt thiết bị lọc nước hộ gia đình còn hạn chế.
Đối với lắp đặt thiết bị lọc nước hộ gia đình: Trong thời gian qua, hầu hết các thiết bị do người dân tự lắp đặt, các địa phương chưa quan tâm xây dựng kế hoạch, bố trí kinh phí ngân sách cấp huyện để thực hiện theo Đề án dẫn đến kết quả thực hiện chưa đạt yêu cầu.
Về công tác quản lý công trình: Hiện nay có 63 công trình cấp nước sạch nông thôn đang hoạt động, với tổng công suất thiết kế khoảng 66.963m3/ng.đêm, cấp nước cho khoảng 616.443 người; thực tế công suất cấp nước khoảng 32.345 m3/ng.đêm (đạt 48,3% công suất thiết kế), số người được cấp thực tế khoảng 293.548 người. Nguyên nhân các công trình chưa đạt công suất do tại một số khu vực dân cư người dân vẫn đang sử dụng nước từ hai nguồn (công trình cấp nước tập trung và giếng khoan, giếng đào hộ gia đình), mặt khác do nhiều công trình được xây dựng ở vùng nông thôn có mật độ dân cư thưa thớt, nên số lượng người dân sử dụng nước còn thấp.
Ngoài ra, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thành phố và các đơn vị thực hiện dịch vụ cấp nước chưa chủ động trong việc báo cáo kết quả triển khai thực hiện. Công tác báo cáo còn chậm, chưa thực hiện đầy đủ các nội dung theo yêu cầu, ảnh hưởng đến việc tổng hợp, tham mưu, đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo xử lý.
Thu Hương