Liên kết website


Specified argument was out of the range of valid values.

Trao Đổi TT Với Cử Tri

Từ điển trực tuyến

Tra từ:
Từ điển:

Hình ảnh hoạt động

Hộp Mail

Trang chủBản tin HĐND số 88-T9-2012

Một số ý kiến về mối quan hệ giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội với HĐND tỉnh Đồng Nai

Đăng ngày: 07/06/2013
​Trong hệ thống pháp luật hiện hành, có nhiều văn bản quy định liên quan đến mối quan hệ giữa UBTVQH và HĐND. Ðiều 90 Hiến pháp 1992 quy định Ủy ban thường vụ Quốc hội có nhiệm vụ, quyền hạn: “Giám sát và hướng dẫn hoạt động của Hội đồng nhân dân; bãi bỏ các nghị quyết sai trái của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; giải tán Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong trường hợp Hội đồng nhân dân đó làm thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích của nhân dân”.

​     Căn cứ quy định tại Hiến pháp 1992, Quốc hội đã ban hành các Luật để cụ thể hóa quy định của Hiến pháp như: Luật tổ chức Quốc hội; Luật hoạt động giám sát của Quốc hội; Luật bầu cử Đại biểu Quốc hội; Luật Bầu cử đại biểu HĐND; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bầu cử Đại biểu Quốc hội và Luật bầu cử đại biểu HĐND; Luật Tổ chức HĐND và UBND; Quy chế hoạt động của UBTVQH; quy chế phối hợp giữa TAND tối cao và HĐND địa phương trong việc quản lý các Tòa án nhân dân địa phương về tổ chức; Pháp lệnh về Giám sát và hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hướng dẫn và kiểm tra của Chính phủ đối với Hội đồng nhân dân; các văn bản pháp luật hướng dẫn về công tác bầu cử; các quy chế hoạt động của HĐND, Văn phòng giúp việc. Nhìn chung, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của HĐND, các văn bản này đã kịp thời cụ thể hóa các quy định pháp luật hiện hành, góp phần giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong tổ chức và hoạt động của HĐND, đảm bảo áp dụng thống nhất các văn bản pháp luật. Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng đã cử thành viên tham dự một số kỳ họp của HĐND tỉnh Đồng Nai; đến dự và phát biểu ý kiến tại Hội nghị trao đổi kinh nghiệm của Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố khu vực miền Đông Nam bộ, mời đại diện Thường trực HĐND cấp tỉnh dự thính kỳ họp Quốc hội ... 

     Đầu nhiệm kỳ 2011-2016, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã ban hành các nghị quyết phê chuẩn kết quả bầu Chủ tịch, Phó Chủ tịch và Ủy viên thường trực HĐND tỉnh Đồng Nai nhiệm kỳ 2011-2016 đảm bảo cho công tác xây dựng tổ chức bộ máy tạo thuận lợi cho hoạt động của HĐND tỉnh. Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét tình hình hoạt động của HĐND Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai thông qua việc xem xét các báo cáo định kỳ hàng tháng, quý, 6 tháng, 9 tháng, hàng năm, giữa nhiệm kỳ và cả nhiệm kỳ.

     Tại địa bàn Đồng Nai, từ năm 2006 đã tổ chức thí điểm thành lập Ban HĐND cấp xã. Đây là một việc làm đổi mới về mặt tổ chức của HĐND với mục đích nâng cao chất lượng, hiệu quả cho hoạt động của HĐND cấp xã. Nhiệm kỳ 2011-2016, tỉnh Đồng Nai đã triển khai việc thành lập Ban HĐND đến 171/171 xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Trong suốt quá trình triển khai thí điểm, Thường trực HĐND tỉnh Đồng Nai đều báo cáo, xin ý kiến và nhận được sự đồng thuận, giúp đỡ của Ban Công tác Đại biểu của UBTVQH qua đó giúp cho việc hình thành và hoạt động của Ban HĐND các xã, phường, thị trấn.

     Hội đồng dân tộc, các ủy ban của Quốc hội, Ban Công tác đại biểu, Viện Nghiên cứu lập pháp và Văn phòng Quốc hội đã phối hợp với HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức nhiều cuộc hội thảo, hội nghị để triển khai thực hiện các nghị quyết, luật của Quốc hội, tham gia ý kiến về các Dự thảo luật, nghị quyết mà Quốc hội sẽ thông qua, trao đổi kinh nghiệm hoạt động đồng thời mời đại diện HĐND tỉnh Đồng Nai tham dự các Hội thảo về các vấn đề có liên quan. 

     Trong hoạt động giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát thường xuyên hoạt động của HĐND tỉnh Đồng Nai thông qua việc tham dự kỳ họp HĐND cũng như các Hội nghị, Hội thảo khoa học và tổ chức các đoàn giám sát. Để hoạt động giám sát có sự chủ động, chất lượng và đảm báo công tác  phối hợp giữa UBTVQH với HĐND cấp tỉnh, các đoàn giám sát chuẩn bị kế hoạch giám sát, chương trình giám sát, nội dung yêu cầu của việc giám sát... gửi đến địa phương để phối hợp hoạt động. Một số nội dung, các cơ quan của Quốc hội không tổ chức giám sát trực tiếp mà giao cho Thường trực HĐND, các Ban HĐND tỉnh giám sát, báo cáo kết quả để phục vụ cho công tác tổng hợp tình hình chung trong phạm vi toàn quốc.

     Khi tiến hành giám sát, đoàn giám sát yêu cầu cơ quan, đơn vị, tổ chức bị giám sát cung cấp các tài liệu liên quan với hoạt động giám sát, hoặc yêu cầu các tổ chức đơn vị, cá nhân trả lời những vấn đề mà đoàn giám sát quan tâm; đề nghị Thường trực HĐND tỉnh phối hợp, chỉ đạo cho Văn phòng tham mưu, giúp việc trong công tác tổ chức, bố trí địa điểm và chuẩn bị các điều kiện đảm bảo cho công tác giám sát.

     Hội đồng dân tộc và các ủy ban của Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Đồng Nai đã phối hợp với Thường trực và các Ban của HĐND  tỉnh Đồng Nai tổ chức nhiều đoàn giám sát, khảo sát ở địa phương: Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; hoạt động của các cơ quan Tư pháp; thực hiện chế độ, chính sách đối với thanh niên xung phong; thực hiên các chương trình, mục tiêu quốc gia; xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông vận tải; thực hiện các quy định của pháp luật về công tác bảo vệ môi trường, khai thác khoáng sản.

     Việc phối hợp giám sát đã tạo điều kiện đi sâu giám sát từng chuyên đề, trong phạm vi rộng, đưa ra được nhiều kiến nghị có tính toàn diện để gửi đến nhiều cơ quan, tổ chức, các cấp, các ngành. Bên cạnh đó, việc phối hợp giám sát còn tiết kiệm được thời gian, chi phí cho HĐND, tạo điều kiện cho Thường trực HĐND, các ban của HĐND tham khảo, trao đổi kinh nghiệm giám sát của các cơ quan của Quốc hội.

     Về hoạt động hướng dẫn, đầu nhiệm kỳ, UBTVQH ban hành Hướng dẫn số 738/HD-UBTVQH12 ngày 30/5/2011 về việc tổ chức kỳ họp thứ nhất của Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011 – 2016 và một số văn bản hướng dẫn liên quan đến hoạt động HĐND (như nêu trên) trong đó đáng chú nhất là Nghị quyết số 753/2005/NQ-UBTVQH11 ngày 02 tháng 4 năm 2005 kèm theo Quy chế hoạt động của HĐND. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để HĐND tỉnh Đồng Nai vận dụng, ban hành Quy chế hoạt động của HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016 ban hành kèm theo Nghị quyết số 15/NQ-HĐND sát với tình hình, yêu cầu cụ thể của địa phương, làm căn cứ để xây dựng tổ chức bộ máy và triển khai hoạt động trong nhiệm kỳ. Trong quá trình hoạt động, một số địa phương gặp khó khăn, vướng mắc trong việc vận dụng quy định của pháp luật để giải quyết về chế độ, chính sách, chế độ sinh hoạt phí cho người là đại biểu HĐND nhiều cấp, khen thưởng … đã được UBTVQH trả lời đồng gửi Thường trực HĐND tỉnh Đồng Nai biết, tham khảo.

     Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Chính phủ tổ chức Hội nghị về hoạt động của HĐND như: Hội nghị triển khai công tác trước, trong và sau bầu cử đại biểu HĐND; Hội nghị tổng kết giữa nhiệm kỳ, cả nhiệm kỳ; tham dự Hội nghị Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố khu vực miền Đông Nam bộ. Ủy ban Thường vụ Quốc hội tạo điều kiện để HĐND thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định thông qua các hoạt động: Gửi thông tin, tài liệu về các phiên họp của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; gửi các chương trình, kế hoạch hoạt động để có sự phối hợp công tác tránh tình trạng trùng lắp, chồng chéo. Các đoàn công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi về công tác tại địa phương đều có sự liên hệ với Thường trực HĐND tỉnh để các cơ quan dân cử phối hợp hoạt động nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ của từng cơ quan. 

     Hoạt động bồi dưỡng kỹ năng cho đại biểu HĐND: Trong các nhiệm kỳ, đặc biệt từ nhiệm kỳ 2004 - 2011 và nhiệm kỳ 2011-2016, Ban Công tác đại biểu của UBTVQH (cụ thể là trung tâm Bồi dưỡng đại biểu dân cử) đã tổ chức 04 hội nghị trao đổi kinh nghiệm, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng hoạt động cho đại biểu HĐND các cấp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai; cán bộ, chuyên viên Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND. Trong đó đại biểu cấp tỉnh được tham gia bồi dưỡng và trao đổi trực tiếp; đại biểu cấp huyện, cấp xã theo dõi trực tiếp qua sóng truyền hình. Các hoạt động nằm trong khuôn khổ chương trình bồi dưỡng đại biểu dân cử đã góp phần tích cực vào việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND tỉnh nói riêng và HĐND các cấp nói chung trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.  

     Để tiếp tục tăng cường mối quan hệ phối hợp trong thời gian tới, Thường trực HĐND tỉnh Đồng Nai có một số kiến nghị với Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác phối hợp trao đổi thông tin; về hoàn thiện cơ cấu tổ chức của HĐND trong đó xác định vị trí pháp lý của Thường trực HĐND; về công tác phối hợp trong hoạt động giám sát; trong công tác bồi dưỡng kỹ năng hoạt động đại biểu HĐND và công chức Văn phòng; về công tác thi đua khen thưởng. Về chủ thể hướng dẫn tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân: Xác định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban thường vụ Quốc hội và Chính phủ trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, giám sát hoạt động của HĐND.

     Về Văn phòng giúp việc, Thường trực HĐND tỉnh Đồng Nai đề nghị tiến hành tổng kết về tổ chức và hoạt động của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND từ đó quy định thống nhất một số vấn đề về mô hình tổ chức; chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức; quy định bổ sung các nhiệm vụ, quyền hạn của Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND phù hợp với yêu cầu nâng cao chất lượng công tác tham mưu, phục vụ trong giai đoạn hiện nay.

                                                                        Nguyễn Thị Oanh