Liên kết website


Specified argument was out of the range of valid values.

Trao Đổi TT Với Cử Tri

Từ điển trực tuyến

Tra từ:
Từ điển:

Hình ảnh hoạt động

Hộp Mail

Trang chủBản tin HĐND số 66-T7-2010

Nguyên nhân dẫn đến vụ cá bè chết hàng loạt tại nhánh sông Cái trên sông Đồng Nai.

Đăng ngày: 14/05/2013
​Bức xúc việc 80 hộ dân làng cá bè phường Tân Mai, Thống Nhất, An Bình và xã Hiệp Hòa thành phố Biên Hòa bị thiệt hại nặng nề do cá chết hàng loạt, đại biểu Huỳnh Hữu Nghĩa đã chất vấn về trách nhiệm các cơ quan quản lý nhà nước về việc để các nguồn thải gây ô nhiễm nước sông. Tuy nhiên, đằng sau việc cá chết đó đã nói lên điều gì?

​     ​Môi trường nguồn nước tại nhánh sông Cái - sông Đồng Nai thường xuyên chịu tác động của nhiều nguồn thải có nồng độ và thải lượng ô nhiễm rất cao. Chỉ tính riêng nguồn nước thải từ sản xuất công nghiệp của KCN Biên Hòa 1, với 103 doanh nghiệp đang hoạt động, hàng ngày phát sinh khoảng 6.500 m3 nước thải công nghiệp. Trong thời gian qua, Công ty Phát triển Khu công nghiệp Biên Hoà đã thu gom nước thải tại KCN Biên Hoà 1, chuyển sang hệ thống xử lý nước thải tập trung của KCN Biên Hòa 2 để xử lý khoảng 500 m3/ngày; lượng nước thải còn lại (khoảng 6.000 m3/ngày) các doanh nghiệp tự xử lý cục bộ, sau đó thải ra khu vực nhánh Sông Cái mà chất lượng nước thải từ các nguồn thải này phần lớn là chưa đạt tiêu chuẩn môi trường. KCN Biên Hòa 1 hiện có 20 doanh nghiệp được đưa vào danh sách các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường và gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, trong đó có các doanh nghiệp có lượng nước thải lớn như: Công ty cổ phần gạch men Thanh Thanh, Công ty cổ phần đường Biên Hòa, Xí nghiệp ắc quy Đồng Nai, Công ty liên doanh thực phẩm và nước giải khát Dona Newtower, Nhà máy giấy Đồng Nai, Công ty liên doanh và sản xuất thức ăn gia súc Proconco... Bên cạnh đó là nước thải của một số cơ sở sản xuất nằm ngoài khu công nghiệp, chủ yếu là nước thải từ hoạt động sản xuất công nghiệp của Nhà máy giấy Tân Mai, nhà máy này hàng ngày thải ra môi trường khoảng 4.500m3 nước thải công nghiệp, chất lượng nước thải chưa đạt tiêu chuẩn môi trường. Nhà máy Giấy Tân Mai nằm trong danh sách các cơ sở gây ô nhiễm môi trường phải di dời khỏi thành phố Biên Hoà.

     Bên cạnh việc hứng chịu nguồn nước thải công nghiệp, nhánh sông Cái còn là nơi tiếp nhận lượng nước thải sinh hoạt từ thành phố Biên Hòa do thành phố chưa có hệ thống thu gom, xử lý nước thải đô thị nên toàn bộ lượng nước thải đô thị, bao gồm nước thải sinh hoạt trong khu dân cư, nước thải từ hoạt động chăn nuôi và từ các cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ nằm xen lẫn trong khu dân cư được thải trực tiếp ra sông Đồng Nai không qua xử lý, với lưu lượng khoảng 40.000 m3/ngày; trong đó có nhánh sông Cái thông qua các con suối như: suối Linh, suối Săn Máu, suối Chùa, suối Bà Lúa... và các con rạch nhỏ khác thải vào khu vực nhánh Sông Cái. Theo kết quả quan trắc hàng năm thì chất lượng nước các con suối trên bị ô nhiễm hữu cơ nghiêm trọng, các thông số môi trường đều vượt quy chuẩn cho phép, trong đó hàm lượng vi khuẩn vượt từ 3.200 đến 6.133 lần.

     Không chỉ là nơi tiếp nhận nguồn thải từ nơi khác đổ về, mà chính chất thải từ hoạt động nuôi cá bè tại khu vực Sông Cái cũng là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nơi đây. Theo quy hoạch của thành phố Biên Hòa đến năm 2010, khu vực nuôi cá bè chỉ còn 198 hộ được phép nuôi, trong đó trên đoạn Sông Cái chỉ còn 121 hộ, với 145 bè được quy hoạch tiếp tục nuôi cá bè. Tuy nhiên, hiện nay số hộ nuôi cá bè và số bè trên sông Cái vượt rất nhiều so với quy hoạch. Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì hiện trên khu vực nhánh Sông Cái có 866 bè đang nuôi cá. Hoạt động nuôi cá bè gây ô nhiễm nguồn nước sông chủ yếu là do thức ăn dư thừa trong chăn nuôi cá (phần lớn các hộ nuôi cá bè đều tự chế biến thức ăn cho cá từ thực phẩm tươi sống). Bên cạnh đó, việc sử dụng thuốc trị bệnh cho cá chưa rõ nguồn gốc và kiểm soát chưa chặt chẽ. Không những thế, lượng chất thải (nước thải, chất thải rắn sinh hoạt) của một số bộ phận người dân sinh sống trên lồng bè cũng được thải trực tiếp ra trên chính khúc sông mà họ tiến hành hoạt động nuôi trồng thủy sản.

     Với điều kiện về môi trường nước như thế thì việc cá bè chết là có thể hiểu được. Căn cứ kết quả quan trắc của Trung tâm Quan trắc và Kỹ thuật Môi trường về chất lượng nguồn nước tại khu vực này vào thời điểm cá bè chết, Sở Tài nguyên và Môi trường cùng các ngành liên quan đã họp, thống nhất đánh giá nguyên nhân gây chết cá bè, ngoài nguyên nhân từ các nguồn thải nêu trên trong một thời gian dài với nồng độ và thải lượng ô nhiễm cao, còn có yếu tố thời điểm do vào đầu mùa mưa, những cơn mưa lớn kéo dài trên diện rộng đã chảy tràn và cuốn trôi các chất thải bẩn theo các kênh, rạch đổ vào nhánh sông Cái (khu vực có làng cá bè), gây xáo trộn lớp bùn đáy, làm thay đổi chất lượng nước sông một cách đột ngột. Dưới tác động nêu trên, làm cho lượng ôxy hòa tan trong nước bị giảm sút mạnh, gây ra hiện tượng cá bị ngộp thở và chết liên tiếp sau những cơn mưa lớn (theo kết quả phân tích mẫu nước sông tại thời điểm cá chết thì hàm lượng ôxy hòa tan trong nước sông và trong các lồng bè bị giảm sút mạnh).

     Giải pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm nguồn nước sông Đồng Nai nói chung và Sông Cái nói riêng thì phải xử lý về bản chất của nguyên nhân gây ô nhiễm. Để giải quyết nguồn nước thải từ công nghiệp và sinh hoạt, một loạt các dự án đã được triển khai thực hiện. Đề án chuyển đổi KCN Biên Hòa 1 thành khu đô thị - thương mại - dịch vụ đã được sự chấp thuận về mặt chủ trương của Thủ tướng Chính phủ. Theo kế hoạch, dự kiến đến năm 2022 sẽ hoàn thành việc di dời các nhà máy khỏi KCN Biên Hoà 1. Để xử lý nước thải thành phố Biên Hòa, hiện nay dự án “Hệ thống thoát nước và xử lý nước thải thành phố Biên Hòa“ do UBND thành phố Biên Hòa làm chủ đầu tư đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa vào danh sách các dự án vay vốn ưu đãi của Chính phủ Nhật Bản, dự kiến vào tháng 8/2010 phía Nhật Bản sẽ qua Việt Nam và làm việc để thống nhất kế hoạch thực hiện. Đề án di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu đô thị, trong đó có Nhà máy Giấy Tân Mai cũng đã được khởi động. Hiện nay, Ban chỉ đạo di dời các cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu đô thị, khu dân cư tập trung trên địa bàn tỉnh đang tổng hợp danh sách cơ sở thuộc diện di dời, trước mắt đã xác định được 304 cơ sở cần di dời. Riêng Nhà máy giấy Tân Mai đã khởi công xây dựng cơ sở mới tại xã Long Phước, huyện Long Thành. Để xử lý các nguồn ô nhiễm khác, dự án Nạo vét Suối Săn Máu và các dự án bảo vệ môi trường nguồn nước sông Đồng Nai đã và đang được triển khai thực hiện.

     Như vậy, vấn đề còn lại chính là việc giải quyết hoạt động tại chỗ của chính làng cá bè. Người dân do thiếu hiểu biết nên đã không tuân thủ đúng quy trình và chất lượng thức ăn cho cá. Chính quyền địa phương đã làm gì để quản lý nhân hộ khẩu khu vực này, đồng thời triển khai thực hiện quy hoạch làng cá bè như thế nào? Năm 2006, UBND thành phố Biên Hòa phê duyệt quy hoạch khu vực nuôi cá bè trên địa bàn thành phố Biên Hòa. Tuy nhiên, qua 4 năm thực hiện thì đến ngày 29 tháng 4 năm 2010 phòng kinh tế thành phố mới có tờ trình kiến nghị UBND thành phố Biên Hòa phê duyệt danh sách các hộ nuôi cá bè đạt tiêu chí để sắp xếp vào quy hoạch làng bè, tức là chỉ hơn 1 tháng trước khi sự việc cá bè chết diễn ra, mà cũng chỉ là một tờ trình xin phê duyệt, chứ cũng chưa có một chuyển biến thực thể nào của dự án. Người dân không thể không tự hỏi, tại sao một việc không quá phức tạp mà UBND thành phố Biên Hòa thực hiện 4 năm chưa xong, trong khi việc cá bè chết tại khu vực này không phải mới xảy ra lần đầu? Chính quyền địa phương lẽ ra phải làm tốt công tác quản lý nhân hộ khẩu không để xảy ra tình trạng gia tăng số hộ và số bè nuôi trồng thủy sản đến mức báo động, vượt xa mức quy định như hiện tại, lẽ ra phải có biện pháp tích cực để tuyên truyền giáo dục, phổ biến kiến thức nuôi cá đúng cách cho người dân, có như vậy thì mới giúp hạn chế được tình hình cá bè chết mỗi khi mùa mưa về. Tại phiên chất vấn của kỳ họp thứ 19 HĐND tỉnh vừa qua, Chủ tọa kỳ họp cũng đã yêu cầu UBND thành phố Biên Hòa có giải pháp xử lý dứt điểm tình trạng hiện nay, bên cạnh việc tích cực đẩy nhanh tiến độ dự án đối với những hộ nằm trong quy hoạch, UBND thành phố Biên Hòa cần chủ động xây dựng kế hoạch di dời, hỗ trợ, chuyển đổi nghề nghiệp cho số hộ không thuộc diện quy hoạch, để giảm bớt khó khăn về đời sống và kế mưu sinh cho đối tượng này.

     Trở lại việc bàn về quyền lợi cho người nuôi cá bè sau sự kiện vừa qua, do đoạn sông Cái chảy qua làng cá bè tiếp nhận nhiều nguồn nước thải nên không thể xác định chính xác nguyên nhân do nguồn thải nào gây ra thiệt hại. Vì vậy, Sở TN&MT đã đề xuất phương án tổ chức cuộc họp do Sở Tài chính chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan xem xét, tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt mức hỗ trợ khó khăn cho các hộ nuôi cá bè bị thiệt hại theo quy định.

                                                                                  Kim Chung