Liên kết website


Specified argument was out of the range of valid values.

Trao Đổi TT Với Cử Tri

Từ điển trực tuyến

Tra từ:
Từ điển:

Hình ảnh hoạt động

Hộp Mail

Trang chủHoạt động của HĐND

Những nội dung đại biểu cần tập trung nghiên cứu, đánh giá trong giám sát đầu tư xây dựng cơ bản của Hội đồng nhân dân

Đăng ngày: 15/07/2024
​Tại Hội nghị tập huấn đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai năm 2024, ông Bùi Đặng Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội khóa XIV đã trao đổi một số kỹ năng giám sát của Hội đồng nhân dân trong đầu tư xây dựng cơ bản.​

​ 15.07.2024.hdnd.taphuan2024.Dung.jpg

Ông Bùi Đặng Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội khóa XIV trao đổi tại Hội nghị bồi dưỡng đại biểu HĐND năm 2024 của tỉnh Đồng Nai

    Đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB) có vai trò quyết định trong việc tạo ra cơ sở vật chất, kỹ thuật cho xã hội, thúc đẩy sự tăng trưởng và phát triển kinh tế đất nước, tăng năng lực sản xuất, đóng góp quyết định vào phát triển kinh tế - xã hội trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đầu tư XDCB là một trong những nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước (NSNN), là một nội dung quan trọng của chi đầu tư phát triển và đầu tư công. Luật NSNN quy định: “Chi đầu tư xây dựng cơ bản là nhiệm vụ chi của NSNN để thực hiện các chương trình, dự án đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và các chương trình, dự án phục vụ phát triển kinh tế - xã hội”. Do đó, các kiến thức, kỹ năng của đại biểu về giám sát NSNN nói chung và giám sát đầu tư công nói riêng có thể áp dụng vào giám sát đầu tư XDCB. Trong thực tế hiện nay đầu tư XDCB là một bộ phận quan trọng của đầu tư công, chiếm rất nhiều vốn và có nhiều vấn đề phức tạp, thường xảy ra nhiều sai phạm, gây lãng phí thất thoát NSNN, ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng công trình và hiệu quả sử dụng, gây dư luận xấu trong xã hội. Do đó, việc giám sát đầu tư XDCB cần được các đại biểu HĐND xác định là một trong những nội dung trọng tâm trong hoạt động giám sát đầu tư công từ vốn NSNN. Đồng thời đầu tư XDCB có những đặc điểm riêng nên cần có sự nghiên cứu tiếp cận cụ thể trong hoạt động giám sát này. Về kỹ năng giám sát của Hội đồng nhân dân trong đầu tư xây dựng cơ bản, đối với đại biểu cần tập trung nghiên cứu, đánh giá những nội dung sau:

    Giám sát về chủ trương đầu tư: Sự cần thiết phải đầu tư XDCB và quy mô đầu tư; Sự phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; Nguồn nhân lực, nguồn vật tư, thiết bị; Khả năng nguồn vốn; Hình thức đầu tư (đầu tư công, đầu tư trong nước, đầu tư nước ngoài, đầu tư ra nước ngoài, các lĩnh vực đầu tư có điều kiện).

    Giám sát  việc lập và quyết định dự án đầu  tư  XDCB: Sự hợp lý về địa điểm, môi trường, quy hoạch; Phương án giải phóng mặt bằng; Phương án huy động vốn, khả năng hoàn vốn và có lãi; Phương án xây dựng, lựa chọn công nghệ, tiến độ dự kiến; và hiệu quả đầu tư mong đợi

    Giám sát thực hiện đầu tư XDCB: Đấu thầu, lựa chọn nhà thấu, đơn vị thi công; Đền bù, giải phóng mặt bằng; Mua sắm thiết bị, công nghệ; Thi công, xây lắp, thực hiện các hợp đồng các hạng mục; Quản lý kỹ thuật, chất lượng, an toàn lao động.

    Giám sát dự toán, chi phí đầu tư và thanh toán vốn đầu tư: Việc chấp hành định mức, đơn giá và chế độ, chính sách; Thủ tục thẩm định và phê duyệt; Giám sát tổng vốn đầu tư (Chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị xây dựng, chi phí xây dựng, mua sắm, lắp đặt thiết bị, chi phí kiến thiết cơ bản khác, chi phí thiệt hại, thu hồi (nếu có)); Tạm ứng vốn, thu hồi vốn tạm ứng và thanh toán vốn theo tiến độ đầu tư.

    Giám sát quá trình kết thúc xây dựng và đưa vào sử dụng: Nghiệm thu, bàn giao công trình; Vận hành, hướng dẫn sử dụng; Bảo hành công trình; Quyết toán công trình, quyết toán vốn; Thẩm tra, phê duyệt quyết toán; Chất lượng công trình. Nếu không đảm bảo chất lượng, nhanh chóng xuống cấp thì nguyên nhân do đâu (qui trình thi công, chất lượng vật tư, năng lực thi công, có tiêu cực, thất thoát, tham nhũng không). Cần kiểm tra thực tế công trình và kiến nghị xử lý kịp thời.

    Ngoài ra, đthực hiện tốt nhiệm vụ giám sát đầu tư XDCB, bên cạnh năng lực, chuyên môn, kinh nghiệm cá nhân, đại biểu HĐND cần có một số kỹ năng cần thiết như: Thường xuyên cập nhật, nghiên cứu các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến NSNN, đầu tư công, đầu tư XDCB; tham gia thảo luận, biểu quyết về quyết định chương trình, dự án đầu tư quan trọng của địa phương; trong hoạt động tiếp xúc cử tri cần lắng nghe ý kiến của người dân và tiếp nhận các thông tin về đầu tư XDCB, chú ý phát hiện những tiêu cực trong việc triển khai thực hiện đầu tư XDCB và giải phóng mặt bằng, huy động sự đóng góp của dân (nếu có). Giữ mối quan hệ tốt với Ban giám sát đầu tư của cộng đồng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã; tham gia các cuộc giám sát định kỳ thường xuyên và đột xuất của HĐND đối với hoạt động đầu tư XDCB tại địa phương. Đối với các đại biểu HĐND không chuyên trách, việc bố trí sắp xếp công việc và thời gian để tham gia các cuộc giám sát định kỳ thường xuyên và đột xuất của HĐND đối với hoạt động đầu tư XDCB tại địa phương là rất cần thiết và quan trọng vì đại biểu đại diện cho ý chí và nguyện vọng của cử tri, đồng thời việc giám sát đầu tư XDCB là khá phức tạp, yêu cầu nhiều thời gian và hiểu biết chuyên môn về lĩnh vực xây dựng. 

    Thu Hương​