Mục tiêu chung của Đề án nhằm khuyến khích các tổ chức và cá nhân sản xuất, chế biến, kinh doanh nông, lâm, thủy sản thực hiện phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ nhằm tạo ra sản phẩm an toàn và chất lượng cao, nâng cao giá trị sản phẩm cao gấp 1,5 - 2,0 lần so với sản phẩm nông nghiệp thông thường; đảm bảo an toàn cho người sản xuất, bảo vệ sự đa dạng hệ sinh thái và môi trường; gắn với phát triển kinh tế nông nghiệp tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển nông nghiệp hữu cơ bền vững.
Mục tiêu cụ thể, phấn đấu đến năm 2030 nâng tổng diện tích trồng trọt hữu cơ và hướng hữu cơ trên địa bàn tỉnh đạt 4.400 ha, chiếm 2,13% diện tích đất sản xuất nông nghiệp toàn tỉnh; trong đó, diện tích trồng trọt hướng hữu cơ 3.242 ha, chiếm 1,57% diện tích đất sản xuất nông nghiệp toàn tỉnh và diện tích trồng trọt hữu cơ 1.158 ha, chiếm 0,56% diện tích đất sản xuất nông nghiệp toàn tỉnh. Phát triển chăn nuôi: Quy mô đàn bò đạt hữu cơ và hướng hữu cơ 1.030 con; trong đó, hướng hữu cơ 680 con, hữu cơ 350 con. Quy mô đàn heo đạt hữu cơ và hướng hữu cơ 10.200 con; trong đó hướng hữu cơ 7.850 con, hữu cơ 2.350 con; Quy mô đàn gia cầm đạt hữu cơ và hướng hữu cơ 507.500 con; trong đó, hướng hữu cơ 375.000 con, hữu cơ 132.500 con. Quy mô đàn dê đạt hữu cơ và hướng hữu cơ 1.700 con; trong đó, hướng hữu cơ 1.150 con, hữu cơ 550 con. Hình thành 01 vùng thủy sản nuôi quảng canh hữu cơ theo hình thức dưới tán rừng với diện tích nuôi là 400 ha. Ở mỗi vùng phát triển nông nghiệp hữu cơ tập trung, hình thành chuỗi liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ đối với từng ngành hàng. Giá trị sản phẩm nông nghiệp hữu cơ cao gấp 1,5 - 2,0 lần so với sản phẩm nông nghiệp thông thường.
Giải pháp để thực hiện mục tiêu trên là Quy hoạch, phát triển vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ tập trung, trong đó trên cơ sở Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, các địa phương căn cứ vào điều kiện đất đai, thổ nhưỡng để lựa chọn đối tượng cây trồng, vật nuôi phù hợp, có tiềm năng thị trường để định hướng phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ tập trung, chuyên canh. Xây dựng các dự án, chương trình, mô hình theo chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm hữu cơ tại các vùng sản xuất hữu cơ tập trung. Ưu tiên kết hợp với du lịch, nông nghiệp sinh thái. Xây dựng các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác với người dân trong sản xuất, chế biến, kinh doanh các sản phẩm hữu cơ tại các vùng sản xuất tập trung tạo ra hàng hóa quy mô lớn đối với các sản phẩm chủ lực của địa phương. Nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng khoa học - công nghệ, quy trình canh tác hữu cơ, trong đó hoàn thiện các quy trình canh tác ứng dụng công nghệ cao kết hợp với sản xuất hữu cơ, gắn với chuỗi giá trị cho các sản phẩm chủ lực nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giảm chi phí đầu vào và giảm phát thải khí nhà kính; đa dạng các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ chất lượng, có giá trị cao, đảm bảo tính cạnh tranh và đáp ứng nhu cầu thị trường. Nâng cao năng lực cho đội ngũ các cán bộ, công chức các cấp làm công tác quản lý, kiểm tra giám sát các doanh nghiệp, trang trại, hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất, kinh doanh dịch vụ sản phẩm hữu cơ. Xây dựng mô hình liên kết hình thành chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp hữu cơ từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ; ứng dụng công nghệ cao để chế biến sâu, chế biến tinh, tạo ra sản phẩm có giá trị đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong và ngoài nước…
Lê Lài