Đây là dự thảo Luật
mới được xây dựng nhằm bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, bảo đảm
tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dân khi tham gia giao thông, xác định cụ
thể trách nhiệm quản lý nhà nước đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao
thông đường bộ, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý.
So với dự thảo Luật mà Chính phủ báo cáo UBTVQH tại phiên họp thứ 24,
dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp lần này gồm 9 Chương với 81 Điều, tăng 1
chương và 20 Điều, nội dung đã chỉnh lý, bổ sung ở tất cả các chương và nhiều
điều khoản.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, sáng
10/11/2023, Quốc hội đã thảo luận ở Tổ với 105 lượt ý kiến tham gia, nhiều ý
kiến tâm huyết, thẳng thắn, trí tuệ, tập trung vào các vấn đề được gợi ý. Báo
cáo tổng hợp ý kiến đã được gửi đến các vị ĐBQH. Ngày 20/11/2023, Chính phủ đã
có Báo cáo số 659 về hướng tiếp thu, giải trình ý kiến ĐBQH thảo luận tại tổ.
Tại phiên thảo luận này, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang
Phương đề nghị đại biểu làm rõ hơn một số vấn đề sau đây:
Đề nghị làm rõ hơn cơ sở chính trị, pháp lý thực tiễn, sự
cần thiết ban hành Luật và yêu cầu bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp
luật và tính khả thi của dự thảo Luật. Qua thảo luận ở tổ, đại đa số ý kiến
nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật nhưng cũng còn một số ý kiến băn khoăn
về các nội dung thể hiện ở hai Luật, nhất là những phạm vi, nội dung giao thoa,
các yếu tố giữa tĩnh và động, giữa cơ sở hạ tầng đường bộ và các yếu tố kiến
trúc thượng tầng, an toàn đường bộ. Một số ý kiến đề nghị rà soát các luật liên
quan để không quy định lại những nội dung đã được quy định để tạo sự thống nhất
.
Về tên gọi của dự thảo Luật, nhiều ý kiến nhất trí với tên
gọi của dự thảo Luật, cũng có ý kiến đề nghị đổi tên là Luật Trật tự, an toàn
đường bộ hoặc Luật Giao thông đường bộ thể hiện bao quảt hơn.
Về hồ sơ dự án luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang
Phương đề nghị đại biểu Quốc hội cho ý kiến về hồ sơ dự án Luật đã bảo đảm theo
quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, kể cả về đánh giá tác
động của các chính sách, nhất là các chính sách mới được bổ sung.
Về phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật, một số ý kiến nhất
trí với phạm vi điều chỉnh. Nhiều ý kiến đề nghị tiếp tục rà soát phạm vi điều
chỉnh của cả Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Đường bộ để
tránh trùng lặp, chồng chéo.
Một số ý kiến đề nghị chuyển nội dung các quy định về
phương tiện giao thông đường bộ, quy định về giao thông thông minh, quy định
một số nội dung của hai luật để hạn chế việc nhầm lẫn.
Về xử lý những nội dung còn chồng chéo hoặc giao thoa của
hai dự thảo Luật cho phù hợp, một số nội dung cụ thể của dự thảo luật, Phó Chủ
tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, nội dung dự thảo luật đã bám sát các
thông báo của Ủy Ban Thường vụ Quốc hội như bổ sung các báo cáo đánh giá tác
động để làm rõ đặc điểm giao thông hỗn hợp đường bộ Việt Nam hiện nay không
thuộc tập quán, yêu cầu xây dựng văn hóa giao thông thông minh, lồng ghép trật
tự an toàn giao thông với quy hoạch, đổi mới đăng kiểm, đăng ký đào tạo, sát
hạch, cấp phép lái xe. Phân định rõ hơn về phạm vi, nội dung điều chỉnh, về các
quy định về điều kiện phương tiện giao thông, điều kiện người điều khiển phương
tiện giao thông, quy định về nồng độ cồn, đào tạo, sát hạch, cấp phép lái xe,
chỉ huy giao thông, Trung tâm chỉ huy giao thông, hoạt động tuần tra, kiểm soát
với Trung tâm điều độ và lực lượng thanh tra đường bộ của Luật Đường bộ…
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề
nghị các vị đại biểu cần làm rõ thêm nội dung này cho phù hợp với thực tế giao
thông tại Việt Nam hiện nay.
Kim Chung