Liên kết website


Specified argument was out of the range of valid values.

Trao Đổi TT Với Cử Tri

Từ điển trực tuyến

Tra từ:
Từ điển:

Hình ảnh hoạt động

Hộp Mail

 Hội Đồng Nhân Dân

Quy chế hoạt động của Ban KTNS HĐND tỉnh Đồng Nai khóa X


​QUY CHẾ LÀM VIỆC
CỦA BAN KINH TẾ - NGÂN SÁCH HĐND TỈNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 23/QĐ-HĐND
ngày 24 tháng 8 năm 2021 của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh)
  ​
 
Chương I 
QUY ĐỊNH CHUNG

Điều l. Phạm vi, đối tượng áp dụng
1. Quy chế này quy định nguyên tắc hoạt động, chế độ trách nhiệm, lề lối làm việc và quan hệ công tác của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh.
2. Các thành viên của Ban Kinh tế - Ngân sách có trách nhiệm thực hiện các quy định trong Quy chế này.
Điều 2. Nguyên tắc hoạt động của Ban Kinh tế - Ngân sách 
1. Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ, công khai; quyết định tập thể đối với những nội dung thuộc nhiệm vụ, thẩm quyền của Ban.
2. Thành viên của Ban có trách nhiệm tham gia đầy đủ các hoạt động của Ban, đồng thời, chủ động thực hiện các nhiệm vụ được Ban phân công; chịu trách nhiệm tập thể về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Ban; chịu trách nhiệm cá nhân trước Trưởng Ban về thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được Trưởng Ban phân công.
3. Khi thảo luận, mọi thành viên có quyền phát biểu ý kiến của mình. Trường hợp có nhiều ý kiến khác nhau giữa các thành viên, Ban Kinh tế - Ngân sách sẽ lấy biểu quyết. Ý kiến của đa số thành viên sẽ là ý kiến chính thức của tập thể. Các ý kiến còn lại sẽ được thể hiện trong biên bản họp Ban Kinh tế - Ngân sách. Cá nhân có quyền bảo lưu ý kiến nhưng không được phát biểu ý kiến trái ngược với quyết định của Ban.

Chương II 
NHIỆN VỤ, QUYỀN HẠN VÀ PHẠM VI GIẢI QUYẾT CÔNG VIỆC 
CỦA BAN VÀ ỦY VIÊN BAN KINH TẾ - NGÂN SÁCH

Điều 3. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh
Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được quy định tại Điều 108 và Điều 109 Luật Tổ chức Chính quyền địa phương năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) như sau:
1. Tham gia chuẩn bị nội dung kỳ họp của HĐND tỉnh; thẩm tra dự thảo nghị quyết, báo cáo, đề án liên quan đến lĩnh vực phụ trách, gồm: kinh tế, ngân sách, đô thị, giao thông, xây dựng, khoa học, công nghệ, tài nguyên và môi trường trên địa bàn tỉnh.
2. Giúp HĐND tỉnh thực hiện giám sát hoạt động của UBND và các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, giám sát văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực phụ trách.
3. Tổ chức khảo sát tình hình thực hiện các quy định của pháp luật về lĩnh vực phụ trách do HĐND hoặc Thường trực HĐND tỉnh phân công.
4. Báo cáo kết quả hoạt động giám sát với HĐND và Thường trực HĐND tỉnh; báo cáo công tác hàng tháng, quý trước Thường trực HĐND tỉnh.
5. Chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước HĐND tỉnh; trong thời gian HĐND tỉnh không họp thì báo cáo công tác trước Thường trực HĐND tỉnh.
Điều 4. Nhiệm vụ, quyền hạn của Trưởng ban Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh
1. Trưởng ban Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh hoạt động chuyên trách, chịu trách nhiệm chung về chỉ đạo, điều hành toàn bộ hoạt động của Ban. 
2. Trưởng ban Ban Kinh tế - Ngân sách thực hiện thêm một số nhiệm vụ, quyền hạn sau:
- Thực hiện nhiệm vụ Thành viên Thường trực HĐND tỉnh theo phân công.
- Báo cáo kết quả hoạt động của Ban với HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh.
- Theo dõi tình hình thực hiện nhiệm vụ của Ban và của các thành viên Ban Kinh tế - Ngân sách để làm cơ sở cho việc đánh giá chất lượng hoạt động của Ban và các thành viên của Ban hàng năm và cuối nhiệm kỳ.
- Chịu trách nhiệm về công tác đối nội, đối ngoại của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh.
Điều 5. Nhiệm vụ của Phó Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách  
1. Phó Trưởng ban Ban Kinh tế - Ngân sách hoạt động chuyên trách giúp Trưởng Ban điều hành hoạt động theo các lĩnh vực của Ban. 
2. Phó Trưởng ban Ban Kinh tế - Ngân sách  thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn sau:
- Giúp Trưởng Ban chỉ đạo việc thực hiện thẩm tra dự thảo nghị quyết, báo cáo, đề án trình kỳ họp HĐND tỉnh. 
- Tổ chức đoàn khảo sát, giám sát, theo dõi việc thực hiện Nghị quyết HĐND tỉnh và việc chấp hành pháp luật trên lĩnh vực của Ban trên địa bàn tỉnh khi được Trưởng ban phân công.
- Chuẩn bị các điều kiện để tổ chức phiên họp 6 tháng, năm; phiên họp thẩm tra, giám sát do Ban Kinh tế - Ngân sách tổ chức.
- Tổ chức theo dõi việc thực hiện chương trình hoạt động của Ban để lập các báo cáo kết quả hoạt động hàng tháng, quý, 6 tháng, năm và báo cáo kết quả hoạt động của Ban cho Thường trực HĐND tỉnh đúng quy định.
- Tham dự các cuộc họp, các hoạt động giám sát khi được mời hoặc được Trưởng ban phân công.
- Tham gia góp ý xây dựng dự án luật của Trung ương, các văn bản quy phạm pháp luật của địa phương thuộc lĩnh vực cá nhân được Trưởng Ban phân công phụ trách.
- Điều hành một số công việc của Ban theo sự ủy quyền của Trưởng ban khi Trưởng ban vắng mặt.
Điều 6. Nhiệm vụ, quyền hạn và phạm vi giải quyết công việc của Ủy viên Ban Kinh tế - Ngân sách 
1. Ủy viên Ban Kinh tế - Ngân sách hoạt động kiêm nhiệm, được Trưởng ban phân công phụ trách, theo dõi một hoặc một số lĩnh vực cụ thể thuộc phạm vi giải quyết công việc của Ban. 
2. Ủy viên Ban Kinh tế - Ngân sách thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn sau:
- Tham gia các phiên họp do Ban Kinh tế - Ngân sách tổ chức để bàn bạc, thảo luận và biểu quyết các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Ban.
- Tham gia các Đoàn khảo sát, giám sát do Ban Kinh tế - Ngân sách tổ chức.
- Tham gia nghiên cứu các báo cáo, đề án, Tờ trình, dự thảo nghị quyết để cho ý kiến dự thảo các báo cáo thẩm tra trình kỳ họp HĐND tỉnh.
- Tham dự các cuộc họp, các hoạt động giám sát khi được mời hoặc được Trưởng ban phân công.
- Tham gia theo dõi việc thực hiện Nghị quyết HĐND tỉnh và việc chấp hành pháp luật đối với các lĩnh vực thuộc trách nhiệm của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh.
- Thực hiện một số công việc khác do Trưởng Ban phân công.
3. Phân công phụ trách lĩnh vực
- Bà Nguyễn Thị Thu Vân: Phụ trách, theo dõi lĩnh vực kinh tế, khoa học và công nghệ; theo dõi địa bàn thành phố Biên Hòa và Trảng Bom.
- Ông Nguyễn Tuấn Anh: Phụ trách, theo dõi lĩnh vực nông nghiệp và tài nguyên - môi trường trên địa bàn tỉnh; theo dõi địa bàn huyện Định Quán, Xuân Lộc và thành phố Long Khánh.
- Bà Nguyễn Thị Thùy Linh: Phụ trách, theo dõi lĩnh vực đầu tư, tài chính, ngân hàng trên địa bàn tỉnh; theo dõi địa bàn huyện Long Thành và Cẩm Mỹ.
- Ông Nguyễn Văn Dũng: Phụ trách, theo dõi lĩnh vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ, phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; theo dõi địa bàn huyện Nhơn Trạch và Thống Nhất.
- Ông Phạm Văn Cường: Phụ trách, theo dõi lĩnh vực lĩnh vực Giao thông, đô thị và xây dựng trên địa bàn tỉnh; theo dõi địa bàn huyện Vĩnh Cửu và Tân Phú.
Điều 7. Tiếp công dân
1. Trưởng Ban, Phó Trưởng Ban và các Ủy viên Ban Kinh tế - Ngân sách  thực hiện tiếp dân nơi địa bàn mình ứng cử. 
2. Trưởng Ban, Phó Trưởng ban tiếp công dân theo sự phân công của Thường trực HĐND tỉnh.

Chương III
CHẾ ĐỘ LÀM VIỆC VÀ QUAN HỆ CÔNG TÁC 

​Điều 8. Chế độ làm việc của Ban Kinh tế - Ngân sách 
Ban Kinh tế - Ngân sách họp ít nhất 06 tháng một lần. Ngoài ra, Ban tổ chức các cuộc họp khi có việc đột xuất. Ban Kinh tế - Ngân sách hoạt động theo chế độ tập thể. Tập thể trao đổi, thảo luận và quyết định theo đa số đối với mọi công việc thuộc trách nhiệm của Ban, bao gồm: Chương trình công tác của Ban; thẩm tra dự thảo nghị quyết trình kỳ họp HĐND tỉnh; báo cáo kết luận giám sát của Ban; phân công công việc cho các thành viên trong Ban; đánh giá chất lượng hoạt động của từng thành viên và của Ban. Đối với các hoạt động thường kỳ, gồm: xây dựng nội dung và kế hoạch giám sát, cho ý kiến góp ý đối với dự thảo văn bản lấy ý kiến của các cơ quan trung ương, địa phương, Trưởng và Phó trưởng ban chuyên trách chủ động thực hiện, đảm bảo thời gian và kế hoạch đề ra.
Cuộc họp thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách phải có ít nhất 50% tổng số thành viên Ban tham dự.

Chương IV 
QUAN HỆ CÔNG TÁC CỦA BAN KINH TẾ - NGÂN SÁCH 

Điều 9. Đối với các Ủy ban của Quốc hội
Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh có trách nhiệm phối hợp với Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi các cơ quan này về công tác ở địa phương.
Điều 10. Đối với Thường trực HĐND tỉnh
1. Ban Kinh tế - Ngân sách chịu sự điều hòa hoạt động của Thường trực HĐND tỉnh theo quy định của pháp luật. 
2. Ban Kinh tế - Ngân sách có trách nhiệm báo cáo kết quả hoạt động với Thường trực HĐND và HĐND tỉnh.
3. Mời Thường trực HĐND tỉnh tham dự các cuộc họp, giám sát, thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách.
Điều 11. Đối với UBND tỉnh
1. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn giúp HĐND tỉnh giám sát hoạt động của UBND tỉnh.
2. Phối hợp UBND tỉnh trong việc chuẩn bị nội dung, chương trình kỳ họp HĐND, dự thảo nghị quyết, đề án, báo cáo trình HĐND tỉnh.
3. Tổ chức họp, tham dự các cuộc họp của UBND tỉnh để bàn về các vấn đề có liên quan.
4. UBND tỉnh có trách nhiệm cung cấp thông tin, tài liệu về những vấn đề mà Ban Kinh tế - Ngân sách yêu cầu.
Điểu 12. Đối với Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh
- Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh bảo đảm các điều kiện, phương tiện, cơ sở vật chất cần thiết và kinh phí hoạt động của Ban đúng chế độ quy định.
- Công chức được phân công tham mưu, phục vụ hoạt động của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh thực hiện một số nhiệm vụ như sau:
+ Chủ động phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh, các sở, ban, ngành có liên quan tiếp nhận hồ sơ dự thảo nghị quyết, báo cáo trình kỳ họp HĐND tỉnh để gửi đến Ban đúng thời gian quy định.
+ Căn cứ chương trình giám sát hàng năm, chủ động tham mưu xây dựng dự thảo quyết định giám sát, kết luận giám sát của Ban; theo dõi các tổ chức, cá nhân thực hiện các kết luận, kiến nghị giám sát của Ban. Chậm nhất 5 ngày sau khi kết thúc giám sát, Văn phòng phải trình dự thảo kết luận giám sát cho phó đoàn giám sát.
+ Tham mưu nội dung các cuộc họp, hội nghị, hội thảo, trao đổi kinh nghiệm của Ban và các cơ quan, đơn vị khác mà Ban tham dự.
+ Lập các báo cáo tháng, quý, 6 tháng, 9 tháng, năm, nhiệm kỳ; báo cáo theo dõi kiến nghị sau giám sát của Ban và các báo cáo đột xuất; theo dõi hoạt động của các thành viên Ban, công tác thi đua, khen thưởng của Ban và một số nhiệm vụ khác khi được lãnh đạo Ban phân công.
Điều 13. Quan hệ công tác với Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên của Mặt trận
Ban Kinh tế - Ngân sách chịu sự giám sát của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên của Mặt trận; Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh mời đại diện UBMTTQVN và các tổ chức thành viên của mặt trận tham gia các hoạt động giám sát, thẩm tra kiểm tra của mình khi xét thấy cần thiết.
Điều 14. Quan hệ công tác với Ban Văn hoá - Xã hội, Ban Pháp chế HĐND tỉnh và Ban Kinh tế - Xã hội HĐND cấp huyện
Ban Kinh tế - Ngân sách có quan hệ phối hợp trong công tác và trao đổi kinh nghiệm về các lĩnh vực thuộc trách nhiệm của Ban với các Ban HĐND tỉnh, Ban Kinh tế - Xã hội HĐND cấp huyện. 

Chương V 
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 15. Triển khai thực hiện Quy chế
Trưởng Ban, các thành viên Ban Kinh tế - Ngân sách có trách nhiệm triển khai thực hiện có hiệu quả Quy chế này.
Điều 16. Sửa đổi, bổ sung Quy chế
Trong quá trình thực hiện Quy chế này, nếu có khó khăn, vướng mắc, hoặc không phù hợp, thành viên Ban Kinh tế - Ngân sách phản ánh và đề xuất kịp thời với Trưởng ban để xem xét điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.


Hình ảnh hoạt động

Chuyên mục

Hộp Mail