Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi, đối tượng áp dụng
1. Quy chế này quy định nguyên tắc, chế độ trách nhiệm, lề lối làm việc, quan hệ công tác và trình tự giải quyết công việc của Ban Pháp chế HĐND tỉnh (sau đây gọi tắt là Ban).
2. Trưởng Ban, Phó Trưởng Ban, các Ủy viên của Ban và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có quan hệ công tác với Ban chịu sự điều chỉnh của Quy chế này.
Điều 2. Nguyên tắc làm việc của Ban
1. Ban Pháp chế HĐND tỉnh làm việc theo nguyên tắc tập trung dân chủ; căn cứ vào chương trình hoạt động của HĐND tỉnh và Thường trực HĐND tỉnh, Ban xây dựng chương trình công tác phù hợp.
2. Ban giải quyết công việc đúng phạm vi, nhiệm vụ được phân công, đúng trình tự, thủ tục theo các quy định của pháp luật, chương trình, kế hoạch công tác và Quy chế làm việc của Ban; bảo đảm công khai, minh bạch và hiệu quả.
3. Các thành viên của Ban chịu trách nhiệm tập thể về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Ban; chịu trách nhiệm cá nhân về nhiệm vụ, quyền hạn theo phân công của Ban.
4. Ban bảo đảm yêu cầu phối hợp công tác, trao đổi thông tin, hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được pháp luật quy định.
Chương II
TRÁCH NHIỆM, PHẠM VI VÀ CÁCH THỨC
GIẢI QUYẾT CÔNG VIỆC
Điều 3. Phạm vi, cách thức giải quyết công việc của Ban
1. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được pháp luật quy định, Ban thảo luận tập thể và biểu quyết những vấn đề thuộc lĩnh vực Ban phụ trách, gồm:
- Báo cáo thẩm tra dự thảo nghị quyết, báo cáo, đề án liên quan đến lĩnh vực phụ trách do HĐND tỉnh hoặc Thường trực HĐND tỉnh phân công.
- Giám sát hoạt động của Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp; giám sát hoạt động của Ủy ban nhân dân và các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cùng cấp trong các lĩnh vực phụ trách; giám sát văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi phụ trách; giám sát chuyên đề theo Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.
- Kế hoạch giám sát, khảo sát tình hình thực hiện các quy định của pháp luật về lĩnh vực phụ trách do HĐND tỉnh hoặc Thường trực HĐND tỉnh phân công.
- Báo cáo kết quả hoạt động giám sát với HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh.
- Kết quả kiểm điểm, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ, thực hiện Quy chế làm việc của Ban; nhận xét, đánh giá hoạt động của từng thành viên Ban và những vấn đề khác mà pháp luật quy định thuộc thẩm quyền của Ban.
2. Ủy quyền Trưởng ban, Phó Trưởng ban quyết định các nội dung không thuộc Khoản 1, Điều 3 của Quy chế và định kỳ thông tin kết quả giải quyết công việc của Ban.
3. Cách thức giải quyết công việc của Ban
a) Thảo luận và quyết định từng nội dung, từng vấn đề tại các cuộc họp của Ban.
b) Đối với một số nội dung, vấn đề không tổ chức họp Ban, Trưởng ban gửi toàn bộ hồ sơ, tài liệu đến từng thành viên Ban để xin ý kiến. Trường hợp đa số thành viên Ban đồng ý, Trưởng ban thay mặt Ban ký phát hành văn bản và báo cáo kết quả với Ban tại cuộc họp gần nhất. Trường hợp đa số các thành viên Ban không đồng ý, Trưởng ban tổ chức họp Ban để thảo luận, làm rõ, quyết định theo quy chế.
4. Khi biểu quyết tại cuộc họp hoặc gửi Phiếu lấy ý kiến, trường hợp số phiếu đồng ý và không đồng ý bằng nhau thì quyết định theo ý kiến mà Trưởng ban đã biểu quyết.
Điều 4. Xây dựng, thực hiện chương trình công tác
1. Trên cơ sở nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, Ban xem xét, quyết định chương trình công tác quý, 6 tháng và cả năm.
2. Ban báo cáo kết quả thực hiện chương trình công tác hàng tháng, quý, 6 tháng đầu năm và hàng năm trước Thường trực HĐND tỉnh và HĐND tỉnh theo quy định.
Điều 5. Chế độ sinh hoạt của Ban
1. Hàng tuần Trưởng ban, Phó trưởng ban hội ý phân công công việc.
2. Định kỳ, Ban họp mỗi quý 1 lần; hoặc họp đột xuất khi cần thiết.
3. Ban họp thẩm tra các báo cáo, đề án, dự thảo Nghị quyết trước các kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh.
Điều 6. Phạm vi, trách nhiệm giải quyết công việc của thành viên Ban
1. Tham gia giải quyết các công việc chung của tập thể Ban; cùng tập thể Ban quyết định các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Ban; nghiên cứu, đề xuất với Ban các chính sách, giải pháp cần thiết thuộc thẩm quyền của Ban trong và ngoài lĩnh vực mình phụ trách.
2. Tham dự đầy đủ các cuộc họp của Ban, trong trường hợp không thể tham dự được thì phải báo cáo với Trưởng ban; trả lời kịp thời, đầy đủ các văn bản, ý kiến của Ban khi có yêu cầu; thực hiện đúng, đầy đủ, kịp thời chế độ thông tin, báo cáo; chủ động, tích cực tham gia góp ý sâu các báo cáo của Ban về lĩnh vực và địa bàn phụ trách.
3. Chủ động, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin để nhận, gửi thông tin, tài liệu, trao đổi ý kiến về các công việc có liên quan.
Điều 7. Phạm vi, trách nhiệm giải quyết công việc của Trưởng ban
1. Chịu trách nhiệm chung trước HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh về hoạt động của Ban.
2. Điều hành việc thực hiện chương trình công tác, chương trình giám sát, khảo sát, chuẩn bị nội dung; triệu tập và chủ trì các cuộc họp, các cuộc giám sát, khảo sát của Ban; trình bày báo cáo thẩm tra, báo cáo kết quả giám sát tại kỳ họp HĐND tỉnh; thay mặt Ban ký các quyết định, báo cáo, thông báo kết luận giám sát và các văn bản hành chính khác của Ban.
3. Giúp HĐND tỉnh thực hiện việc tự kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật của HĐND tỉnh theo quy định của pháp luật.
4. Thay mặt Ban tiếp nhận và xử lý, giải quyết các thông tin, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Đảng đoàn HĐND, Thường trực HĐND và các công văn, văn bản, đơn khiếu nại, tố cáo gửi Ban và báo cáo kết quả thực hiện với Ban tại các cuộc họp hoặc thông báo, cáo cáo chuyên đề, hoạt động của Ban; phân công thành viên Ban tham gia, dự hội nghị, hội thảo phục vụ nhiệm vụ của Ban; thực hiện, giải quyết các công việc thường xuyên của Ban trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn và ủy quyền theo quy chế và xử lý, giải quyết các công việc đột xuất khác.
5. Trực tiếp phụ trách lĩnh vực tư pháp, quốc phòng (trừ tuyển quân), an ninh, trật tự an toàn xã hội; theo dõi hoạt động các cơ quan Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Công an, Cục Thi hành án dân sự, Thanh tra tỉnh; tham gia các Ban chỉ đạo có quy định Ban là thành viên hoặc theo phân công của Đảng đoàn, Thường trực HĐND tỉnh.
6. Thay mặt Ban giữ mối quan hệ phối hợp, tham dự các cuộc họp của Tỉnh ủy, Đảng đoàn, Thường trực HĐND tỉnh, UBND tỉnh, các Ban của Tỉnh ủy, các Ban của HĐND tỉnh; Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Ban của Ủy Ban thường vụ Quốc hội khi các cơ quan này về công tác tại địa phương và tham gia các mối quan hệ công tác với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
7. Quan hệ, phối hợp, trao đổi công tác với Thường trực HĐND và Ban Pháp chế HĐND các huyện: Thống Nhất, Tân Phú, Định Quán, Nhơn Trạch, Cẩm Mỹ và thành phố Long Khánh; theo dõi tình hình thực thi pháp luật trên địa bàn các huyện: Thống Nhất, Định Quán, Cẩm Mỹ.
8. Khi vắng mặt hoặc xét thấy cần thiết, Trưởng ban có thể ủy quyền cho Phó trưởng ban thay mặt Trưởng ban điều hành công việc của Ban và giải quyết công việc do Trưởng ban phụ trách.
Điều 8. Phạm vi, trách nhiệm giải quyết công việc của Phó Trưởng ban
1. Giúp Trưởng ban thực hiện nhiệm vụ và được phân công trực tiếp phụ trách một số công việc của Ban tại điều này; chủ động giải quyết công việc được phân công đồng thời tích cực phối hợp thực hiện nhiệm vụ chung của Ban.
2. Trực tiếp phụ trách lĩnh vực xây dựng chính quyền địa phương, quản lý địa giới hành chính, biên chế, tuyển quân, quản lý thị trường, cải cách hành chính, bổ trợ tư pháp, theo dõi hoạt động của Hội Luật gia, Đoàn luật sư, Văn phòng Công chứng, Văn phòng Thừa phát lại, các sở, ngành liên quan.
3. Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện chương trình công tác, chương trình giám sát, khảo sát liên quan đến các nội dung lĩnh vực phụ trách.
4. Phối hợp Ban Tiếp công dân tỉnh về tiếp công dân; theo dõi, giám sát việc thực hiện giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân theo quy định pháp luật; tiếp nhận và xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân do Ban Pháp chế HĐND tỉnh tiếp nhận và Thường trực HĐND tỉnh chuyển Ban Pháp chế xử lý; tham gia cùng Thường trực HĐND tỉnh tiếp công dân.
5. Thay mặt Ban chỉ đạo, phối hợp với Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh (bộ phận giúp việc cho Ban) xây dựng chương trình, kế hoạch làm việc; xây dựng dự thảo văn bản để triển khai thực hiện nhiệm vụ, công việc của Ban và xử lý, giải quyết các công việc thường xuyên khác của Ban.
6. Quan hệ, phối hợp, trao đổi công tác với Thường trực HĐND và Ban Pháp chế HĐND các huyện: Xuân Lộc, Long Thành, Vĩnh Cửu, Trảng Bom và thành phố Biên Hòa; theo dõi tình hình thực thi pháp luật trên địa bàn các huyện: Xuân Lộc, Vĩnh Cửu, Long Thành, Trảng Bom.
7. Được quyền ký các văn bản của Ban và tổ chức các hoạt động của Ban trong phạm vi các lĩnh vực, công việc được phân công hoặc khi được Trưởng ban ủy quyền; đối với những vấn đề quan trọng thuộc trách nhiệm của Ban phải kịp thời báo cáo, xin ý kiến của Trưởng Ban trước khi triển khai thực hiện.
Điều 9. Trách nhiệm, quyền hạn của Ủy viên Ban
1. Ủy viên Ban giải quyết các công việc trong phạm vi, nhiệm vụ được phân công; nghiên cứu chuyên sâu một số vấn đề, chuyên đề thuộc lĩnh vực của Ban theo quy định pháp luật.
2. Thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn giám sát, khảo sát của Ban. Nghiên cứu tài liệu và tham dự đầy đủ các cuộc họp, giám sát, khảo sát của Ban, trong trường hợp không thể tham dự được thì phải báo cáo với Trưởng ban.
3. Theo dõi tình hình thực thi pháp luật trên địa bàn huyện, thành phố mình ứng cử và các lĩnh vực được phân công tại thông báo phân công của Ban.
Điều 10. Tổ chức thực hiện
1. Trưởng Ban, Phó Trưởng Ban và các Ủy viên Ban Pháp chế HĐND tỉnh khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026 và các tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm thi hành Quy chế này.
2. Quy chế này được tập thể Ban thống nhất thông qua và có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
3. Các nội dung trong quy chế có thể sửa đổi, bổ sung khi cần thiết./.