Liên kết website


Specified argument was out of the range of valid values.

Trao Đổi TT Với Cử Tri

Từ điển trực tuyến

Tra từ:
Từ điển:

Hình ảnh hoạt động

Hộp Mail

Trang chủBản tin HĐND số 81-T1&T2-2012

Tại sao còn 1% số hộ trên địa bàn chưa có điện sinh hoạt?

Đăng ngày: 29/05/2013
​Kết quả thực hiện các chỉ tiêu kinh tế xã hội của tỉnh năm 2011 cho thấy, tỷ lệ hộ dùng điện đạt 99% đạt mục tiêu Nghị quyết. Tuy nhiên, con số 1% nhỏ bé này lại tương đương khoảng 5.000 hộ (khoảng 25.000 người dân) chưa có điện sinh hoạt đã khiến cho nhiều đại biểu băn khoăn, cộng với thực tế các ý kiến phản ánh của cử tri qua đợt tiếp xúc cử tri trên địa bàn trước kỳ họp thứ ba đã khiến cho đại biểu Nguyễn Kim Hiệp quyết định đem vấn đề này ra chất vấn trách nhiệm quản lý nhà nước của Sở Công Thương. 

​     Đại biểu Nguyễn Kim Hiệp đã đề nghị Sở Công Thương cho biết, để xử lý dứt điểm số hộ chưa được cung cấp điện thì ngành công thương có biện pháp, giải pháp gì. Đồng thời, cho biết kết quả việc cung cấp điện tại vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc trong thời gian qua đã thực hiện như thế nào?

DSC01301.jpg
Đại biểu Nguyễn Kim Hiệp chất vấn trách nhiệm quản lý nhà nước
của Sở Công Thương về số hộ chưa được cung cấp điện.
 

     Qua kiểm tra, rà soát lại các chương trình, kế hoạch đã và đang triển khai trong công tác cung cấp điện cho khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, Sở Công Thương  đã  báo cáo như sau:

     Tỉnh Đồng Nai đã có 100% phường, xã có lưới điện quốc gia (từ năm 1996). Trong những năm gần đây, từ nhiều nguồn vốn khác nhau (vốn ngân sách, vốn vay và vay ưu đãi, vốn đầu tư của ngành điện, vốn tư nhân, doanh nghiệp tư đầu tư, vốn nhân dân đóng góp và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác …), địa phương và ngành điện đã đầu tư nhiều dự án điện để phát triển hệ thống nguồn và lưới điện trên địa bàn tỉnh. Các công trình này đã góp phần giải quyết được tình trạng quá tải trên lưới điện, tạo điều kiện phát triển thêm phụ tải mới, giảm tổn thất điện, phát triển thêm lưới điện phân phối đến tận các khu vực nông thôn hẻo lánh để cung cấp điện cho từng hộ dân và nâng cao tỷ lệ số hộ có điện của tỉnh Đồng Nai. Năm 1994, tỷ lệ số hộ có điện của tỉnh Đồng Nai là 47,2% và đến tháng 9/2011 tỷ lệ số hộ có điện đã đạt 99,27% (hoàn thành mục tiêu kinh tế xã hội của tỉnh về tỷ lệ số hộ có điện), riêng khu vực nông thôn đạt 98,92% xấp xỉ với mục tiêu nông thôn mới của tỉnh là 99% (mục tiêu thực hiện đến năm 2015).

     Qua kiểm tra, rà soát và thống kê thì số hộ còn lại (khoảng 0,73%) chưa có điện chủ yếu tập trung tại một số khu vực nông thôn vùng sâu, vùng xa nơi dân cư sống rải rác và thưa thớt, chủ yếu là các hộ sống kết hợp làm rẫy, trồng cây công nghiệp, khu vực cù lao trên sông …  nên việc đầu tư lưới điện đến các nơi này đòi hỏi chi phí cao nhưng hiệu quả đầu tư thấp. Ngoài ra, tại một số khu vực do người dân lấn chiếm vào đất rừng (xã Mã Đà), đất quốc phòng (khu vực phường Tân Phong, phường Long Bình …) nên không thể đầu tư lưới điện để cấp điện. Bên cạnh đó, các khu vực nằm trong các dự án đã quy hoạch triển khai xây dựng khu dân cư, đô thị, sân bay … phải giải tỏa trắng và các hộ này thuộc diện tái định cư trong các khu tái định cư cũng không được đầu tư lưới điện vì họ không định cư lâu dài tại khu vực.

     Tuy nhiên, để bảo đảm cho cuộc sống của người dân, đại biểu HĐND tỉnh vẫn kiến nghị cơ quan chức năng phải có giải pháp khắc phục tình trạng này, đặc biệt là đối tượng người dân ở vùng sâu vùng xa vì người dân đã định cư lâu dài tại địa bàn và cần được hưởng các điều kiện kết cấu hạ tầng tối thiểu. Hiện nay, Sở Công Thương đã và đang cùng ngành điện, địa phương tiến hành tổng rà soát để đánh giá và tổng hợp báo cáo đề xuất UBND Tỉnh xây dựng kế hoạch và giải pháp để mọi người dân đều có thể sử dụng lưới điện quốc gia. Các giải pháp và kế hoạch chủ yếu tập trung vào 3 nhóm nhiệm vụ chủ yếu sau:

     Thứ nhất, đầu tư lưới điện cho khu vực nông thôn. Cụ thể, tiếp tục tham gia và phối hợp cùng các sở ngành và địa phương liên quan rà soát và quy hoạch các điểm dân cư nông thôn để tập trung các hộ dân cư rãi rác trên địa bàn nhằm đảm bảo việc cấp điện cũng như các điều kiện an sinh xã hội khác. Bên cạnh đó, phối hợp cùng các ban ngành, ngành điện và địa phương rà soát đề xuất UBND Tỉnh có chủ trương hổ trợ đầu tư lưới điện hạ thế cho các xã anh hùng, vùng đồng bào dân tộc tại các khu vực vừa đầu tư lưới điện trung thế. Hiện, UBND Tỉnh đã có chủ trương đầu tư lưới điện hạ thế cho các xã anh hùng, vùng đồng bào dân tộc năm 2008 và năm 2010 (bao gồm vốn ngành điện, vốn ngân sách và vốn nhân dân tự nguyện đóng góp) với tổng mức đầu tư là 67,98 tỷ đồng để đầu tư 227,49km đường dây hạ thế. 

lưới điện nông thôn.jpg
Đầu tư lưới điện nông thôn​ 

     Việc đầu tư lưới điện cũng được thực hiện lồng ghép với chương trình điện khí hóa nông thôn. Hàng năm, Sở Công Thương chủ trì phối hợp cùng ngành điện và địa phương tiến hành rà soát và khảo sát để đề xuất UBND Tỉnh đầu tư phát triển lưới điện trung thế khu vực nông thôn. Qua kiểm tra, rà soát, để có thể đầu tư tất cả lưới điện trung thế theo nhu cầu tại khu vực nông thôn của tỉnh Đồng Nai để tạm thời cấp điện đến từng hộ dân tại thời điểm hiện tại thì cần khoảng 146,158 tỷ đồng để đầu tư 273,1km đường dây trung thế và tổng dung lượng trạm biến áp là 13.185KVA (chưa tính đến phần đầu tư hạ thế). Tuy nhiên, trong những năm qua, do nguồn vốn đầu tư không nhiều (lưới điện trung thế hiện nay chủ yếu đầu tư trong các khu vực vùng sâu, vùng xa nên hiệu quả đầu tư thấp trong khi nguồn vốn vay là từ nguồn vốn vay đáo hạn từ quỹ hỗ trợ đầu tư phát triển của tỉnh) nên việc đầu tư lưới điện trung thế nông thôn tập trung vào những khu vực nóng, có nhiều bức xúc và các khu vực còn lại sẽ được tiếp tục đầu tư trong các năm tiếp theo.

     Thứ hai, nâng cao chất lượng điện: Căn cứ vào quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2011-2015 đã phê duyệt, Sở Công Thương tiếp tục phối hợp cùng ngành điện và địa phương xây dựng kế hoạch đầu tư, cải tạo, nâng cấp lưới điện hiện hữu nhằm nâng cao chất lượng điện, tránh quá tải cục bộ cũng như đảm bảo cung cấp điện liên tục trên địa bàn.

     Thứ ba, hỗ trợ và giảm giá điện cho các hộ khu vực nông thôn:  Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương và UBND Tỉnh, trong các năm qua, Sở Công Thương đã phối hợp cùng ngành điện thực hiện chương trình xóa điện kế tổng và điện kế cụm trên địa bàn tỉnh để ngành điện có thể trực tiếp bán điện cho từng hộ dân theo giá điện quy định của Nhà nước. Đến nay, tỉnh Đồng Nai đã thực hiện xóa được 18 điện kế tổng và 82 điện kế cụm (còn lại 18 điện kế tổng, cụm nằm trong khu quy hoạch giải tỏa của địa phương, 01 điện kế cụm trong khu bảo tồn thiên nhiên và 01 điện kế cụm trong khu đất quân đội của Sư đoàn 302 nên ngành điện không đầu tư được lưới điện để bán điện trực tiếp cho các trường hợp này vì địa phương và Quân đội không chấp thuận).

     Để thực hiện giảm giá điện cho hộ nghèo, Sở Công Thương tiếp tục phối hợp cùng Sở Lao động, Thương binh, xã hội cùng ngành điện và địa phương kiểm tra, thống kê số hộ nghèo trên địa bàn tỉnh để hỗ trợ về giá điện theo quy định của Thông tư 05/TT-BCT ngày 25/2/2011 của Bộ Công Thương về giá bán điện năm 2011 và Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/2/2011 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội.

     Nhìn chung, việc cung cấp điện cho khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa trong thời gian qua là tương đối tốt. Lưới điện ở các khu vực này hầu hết đều mới được đầu tư theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật nên chất lượng điện ổn định và việc cung cấp điện đảm bảo liên tục.Thông qua chương trình xóa điện kế tổng và điện kế cụm nên ngành điện có thể bán điện trực tiếp đến từng hộ dân theo giá điện quy định của Nhà nước. Việc này góp phần cải thiện cuộc sống của người dân khu vực nông thôn cũng như giúp người dân giảm giá thành trong đầu tư tưới tiêu phục vụ nông nghiệp.

                                                                               Kim Chung