Theo gợi ý của đơn vị đăng cai, năm 2012 Hội nghị tập trung thao luận hai nội dung chính: Những yếu tố tác động đến năng lực cá nhân của đại biểu HĐND, giải pháp nâng cao năng lực đại biểu HĐND và thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại tố cáo. Ngoài ra, Hội nghị cũng dành thời gian để trao đổi về tổ chức và hoạt động của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh, thực trạng và những kiến nghị, đề xuất.
Đề xuất về việc nâng cao năng lực đại biểu, các ý kiến cho rằng tập trung nâng cao chất lượng đại biểu HĐND từ việc xây dựng cơ cấu hợp lý vừa đảm bảo tính cơ cấu vùng miền, dân tộc, tôn giáo và đại diện các lĩnh vực; đảm bảo tiêu chuẩn đạo đức, năng lực. Để thực hiện được điều này thì sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy địa phương giữ vai trò quan trọng. Bên cạnh đó, bản thân các đại biểu cũng phải ý thức tự rèn luyện, hoàn thiện kỹ năng, năng lực cá nhân để phát huy vai trò đại biểu của nhân dân, xứng đáng với niềm tin mà nhân dân giao cho.
Trao đổi tại Hội nghị, đoàn Đồng Nai và đoàn Tây Ninh có quan điểm tương đồng khi cùng đưa ra vấn đề cần ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin góp phần đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND và đại biểu HĐND. Thường trực HĐND các tỉnh, thành cũng đề xuất cần tập trung hoàn thiện các quy định của pháp luật, các cơ chế để đại biểu có đủ điều kiện và thực quyền khi thi hành nhiệm vụ, có chế tài khi các ngành chức năng không thực hiện nghiêm túc kiến nghị của đại biểu…
Đồng chí Huỳnh Thị Nga, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh
phát biểu tham luận tại hội nghị
Theo Thường trực Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành vấn đề quan trọng cần quan tâm để nâng cao chất lượng hoạt động tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo là các HĐND, đại biểu Hội đồng nhân dân cần tăng cường công tác giám sát và tái giám sát xem xét những khiếu nại, tố cáo đã được trả lời. Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Thường trực HĐND và lãnh đạo UBND và cơ quan liên quan để nắm kết quả giải quyết, xử lý đơn nhằm thống nhất trong việc trả lời công dân. Thường trực HĐND phải xây dựng quy trình xử lý đơn thư khiếu nại tố cáo nhằm thống nhất phương pháp quản lý, xử lý theo hướng nâng cao hiệu quả, chất lượng, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính. Đối với các cơ quan, tổ chức ở Trung ương, một số ý kiến cho rằng những trường hợp địa phương đã giải quyết xong thẩm quyền, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, khi công dân tiếp tục gửi đơn, cơ quan tổ chức Trung ương cần hướng dẫn, động viên công dân chấp hành; không nên chuyển về địa phương với đề nghị chung chung, không cụ thể gây khó khăn cho địa phương. Bên cạnh đó, cần sớm ban hành và hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến hoạt động HĐND như Luật Tổ chức HĐND&UBND, Luật Hoạt động giám sát của HĐND, Luật tiếp công dân trong đó quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn của HĐND, Thường trực HĐND, đại biểu HĐND và bộ phận chuyên trách tham mưu giám sát các cơ quan hữu quan về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo, kiến nghị của công dân.
Đối với người đại biểu HĐND, các ý kiến cho rằng người đại biểu phải có tầm, có quyết tâm cao, trong việc thực hiện nhiệm vụ đại biểu của mình. Hội đồng nhân dân các cấp cần nghiên cứu ban hành quy định cụ thể thời gian hàng tháng đại biểu phải dành cho hoạt động dân cử; xây dựng cơ chế để cử tri giám sát đại biểu; hàng năm đại biểu phải báo cáo kết quả hoạt động của mình với cử tri để cử tri tham gia đóng góp ý kiến và giám sát đại biểu.
Về hoạt động của Văn phòng Đoàn ĐBQH&HĐND tỉnh sau 5 năm thành lập theo Nghị quyết 545/NQ-UBTVQH12, ý kiến trao đổi của đại diện các Văn phòng đi sâu phân tích qua đó cho thấy bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn, vướng mắc cả về cơ cấu tổ chức; chức năng (quy định còn nặng về chức năng phục vụ hơn chức năng tham mưu); về chủ thể lãnh đạo; chi tiêu tài chính; về thu hút công chức có năng lực về công tác tại Văn phòng. Đa số các ý kiến đề nghị nên tách Văn phòng hiện nay thành hai Văn phòng riêng; một Văn phòng tham mưu, phục vụ cho Đoàn đại biểu Quốc hội và một Văn phòng tham mưu, phục vụ cho HĐND vì hai chủ thể lãnh đạo có chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn hoàn toàn khác nhau.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh: HĐND các cấp cần quan tâm đến công tác tiếp công dân, đại biểu HĐND cần lắng nghe ý kiến, kiến nghị của nhân dân và xử lý có hiệu quả các kiến nghị của cử tri mới có thể nâng cao được hiệu quả hoạt động của HĐND, nâng cao được niềm tin của người dân đối với cơ quan dân cử. Phó Chủ tịch cũng đề nghị Thường trực HĐND, các đại biểu cũng cần tự học hỏi, nâng cao tinh thần trách nhiệm, cần có cách làm sáng tạo, phù hợp với thực tế để nâng cao năng lực của HĐND, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin góp phần đổi mới, nâng cao hoạt động của HĐND và đại biểu HĐND.
Kết thúc Hội nghị, ông Ông Huỳnh Đức Hòa, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã trao cờ đăng cai Hội nghị lần thứ 4 năm 2013, nhiệm kỳ 2011 - 2016 HĐND các tỉnh miền Đông Nam bộ cho đại diện Thường trực HĐND tỉnh Tây Ninh.
Nguyễn Thị Oanh