Liên kết website


Specified argument was out of the range of valid values.

Trao Đổi TT Với Cử Tri

Từ điển trực tuyến

Tra từ:
Từ điển:

Hình ảnh hoạt động

Hộp Mail

Trang chủBản tin HĐND số 48-T11.2008

Thực tiễn và kinh nghiệm giám sát việc thực hiện Luật bảo vệ môi trường đối với các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Đăng ngày: 15/12/2008
Đồng Nai là một tỉnh phát triển các khu công nghiệp tương đối nhiều và hầu hết các huyện đều đã có KCN, trong đó tập trung nhiều nhất là Biên Hoà, Nhơn Trạch, Long Thành, Trảng Bom, Vĩnh Cửu.
Nghị quyết của HĐND tỉnh đã nêu rõ các mục tiêu, giải pháp về phát triển các khu công nghiệp phải kết hợp chặt chẽ với phát triển dịch vụ, đô thị, phát triển nông nghiệp nông thôn, đảm bảo điều kiện sinh hoạt cho người lao động nhất là nhà ở cho công nhân và bảo vệ môi trường. Chỉ tiêu của Đồng Nai đến năm 2010 xây dựng và phát triển 33 khu công nghiệp; đến năm 2015 xây dựng và phát triển 40 đến 42 khu công nghiệp và đến năm 2020 xây dựng và phát triển 45 đến 47 khu công nghiệp. Với tốc độ phát triển các KCN như vậy thì việc quan tâm hàng đầu là phải đảm bảo cho phát triển kinh tế bền vững, trong đó bảo vệ môi trường là một yếu tố quan trọng để phát triển kinh tế bền vững.

Do vậy HĐND tỉnh Đồng Nai đã rất quan tâm đến công tác chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường trong các KCN, hàng năm Thường trực HĐND tỉnh đều có chương trình giám sát và tái giám sát việc chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường, trong đó có cả những cuộc giám sát về trách nhiệm thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với công tác BVMT. Tại Hội nghị hoạt động HĐND các tỉnh miền Đông Nam Bộ được tổ chức tại Long An, Thường trực HĐND tỉnh Đồng Nai đã có bài tham luận về kinh nghiệm giám sát việc thực hiện Luật Bảo vệ môi trường đối với các Khu công nghiệp (KCN).

Thực tế, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến tháng 9/2008 đã có tới 29 khu công nghiệp được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thành lập với tổng diện tích 9.076 ha, diện tích đất dành cho thuê là 5.451 ha, đã cho thuê được 3.558 ha, đạt khoảng 65,2% diện tích đất dành cho thuê. Trong số đó có 7 KCN đã được các nhà đầu tư thuê hết 100% đất dành cho thuê, như: KCN Biên Hòa I, KCN Biên Hòa II, KCN Gò Dầu, KCN Loteco, KCN Nhơn Trạch II, KCN Tam Phước, KCN Định Quán. Tổng số dự án đầu tư nước ngoài là 948 DA với tổng vốn đăng ký 14,16 tỷ USD, dự án đầu tư trong nước 89 dự án với vốn đăng ký là 35.287 tỷ đồng tương đương 2,1 tỷ USD. Vốn đầu tư nước ngoài đã thật sự trở thành nguồn lực quan trọng để đầu tư phát triển sản xuất, tạo nguồn thu ngân sách lớn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương, nhất là đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Song song với phát triển KCN thì việc các KCN gây ô nhiễm môi trường cũng đang đà tăng khá, nó đã làm hạn chế tính bền vững của phát triển kinh tế tỉnh nhà. Do vậy về trách nhiệm của HĐND tỉnh là phải thực hiện tốt chức năng giám sát để kiến nghị xử lý những Khu công nghiệp, những doanh nghiệp trong KCN không hoặc chưa thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

Thực hiện Chương trình giám sát của HĐND hàng năm, Thường trực HĐND đã tiến hành giám sát Về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về xử lý ô nhiễm môi trường ở các KCN. Qua giám sát có thể thấy tình trạng ô nhiễm môi trường ở các khu công nghiệp đang diễn ra hết sức phức tạp, có nhiều nơi là nghiêm trọng, đã và đang gây hậu quả nặng nề, lâu dài đối với hiệu quả tăng trưởng kinh tế cũng như đối với chất lượng cuộc sống và sức khỏe của người dân.

Trước hết muốn thực hiện 01 cuộc giám sát về môi trường, thì việc đầu tiên phải làm là công tác thu thập các thông tin liên quan đến nội dung cần giám sát. Như Khu công nghiệp nào có những bất cập trong đầu tư Hệ thống XLNT, chất thải, trong các KCN đó có bao nhiêu doanh nghiệp đã thực hiện tốt hay chưa tốt đối với công tác bảo vệ môi trường, nguyên nhân vì sao; tiếp theo đó là phải nghiên cứu các báo cáo của UBND và các cơ quan chuyên môn về các nội dung liên quan đến công tác BVMT, rà soát lại những phản ánh của cử tri, những đơn phản ánh, khiếu nại về ô nhiễm môi trường… Từ đó, sẽ quyết định thành lập Đoàn với thành phần và thời gian giám sát, trong quyết định nêu rõ nội dung giám sát, đơn vị chịu sự giám sát, đồng thời yêu cầu các đơn vị chịu sự giám sát gửi báo cáo về Thường trực HĐND trước ngày thực hiện giám sát ít nhất là 02 ngày để Đoàn giám sát nghiên cứu trước. Trong nội dung yêu cầu các đơn vị báo cáo, quyết định cũng phải nêu cụ thể những vấn đề cần báo cáo rõ, như việc chấp hành Luật BVMT, công tác thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo bệ môi trường, việc triển khai thực hiện các quy định của tỉnh và những vi phạm bị xử lý, việc khắc phục vi phạm trong thời gian qua… Quyết định giám sát này, Thường trực HĐND tỉnh phải gửi cho đơn vị chịu sự giám sát trước ít nhất là 07 ngày (tính từ ngày đơn vị nhận được) để đơn vị chuẩn bị báo cáo. Đối với Đồng Nai khi thực hiện các cuộc giám sát, thì đều có đi giám sát thực tế tại hiện trường, như giám sát về đầu tư Hệ thống XLNT thì sẽ xuống xem trực tiếp các hệ thống đó, hoặc nếu KCN, doanh nghiệp không có Hệ thống XLNT, đoàn giám sát cũng xuống giám sát tại hiện trường sản xuất để xem mức độ ô nhiễm của doanh nghiệp khi họ chưa có đầu tư Hệ thống XLNT … Sau khi đi giám sát thực tế tại hiện trường của các KCN và doanh nghiệp, đoàn giám sát sẽ bố trí làm việc trực tiếp với doanh nghiệp và các Công ty đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN để nghe họ báo cáo, trong đó chú ý đến những lý do vì sao họ chưa thực hiện các quy định của pháp luật BVMT, đồng thời tại buổi làm việc này, Đoàn giám sát cũng sử dụng những nguồn thông tin nắm được từ lúc thu thập để chất vấn các đơn vị được giám sát và chất vấn cả cơ quan quản lý vì thành phần Đoàn giám sát có cả UBND cùng các ngành chức năng liên quan, nhất là việc không thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật BVMT và những quy định của tỉnh.

Từ các quy định của Trung ương, địa phương, đối chiếu với kết quả báo cáo của đơn vị để yêu cầu họ giải trình những nội dung còn tồn tại, nêu những khó khăn vướng mắc trong quá trình đơn vị triển khai đầu tư Hệ thống XLNT tập trung, nếu do chủ quan họ thì phải yêu cầu họ thực hiện ngay, nếu do khách quan như chưa có mặt bằng, vướng đền bù giải tỏa… thì Đoàn giám sát yêu cầu các cơ quan chức năng liên quan khắc phục để có mặt bằng cho đơn vị đầu tư… vì trên thực tế rất nhiều KCN, doanh nghiệp họ chưa muốn đầu tư Hệ thống XLNT vì họ bỏ vốn vào SXKD thì thu lợi ngay trước mắt, còn đầu tư Hệ thống XLNT thì không thu được lợi nhuận từ đồng vốn bỏ ra mà chỉ là thực hiện nghĩa vụ và quyền lợi trong chấp hành pháp luật BVMT, mang lại quyền lợi cho cả cộng đồng, mặc dù trong đó có phần của họ.

 Thường trực HĐND tỉnh Đồng Nai trong 9 tháng đầu năm 2008 đã tiến hành giám sát và tái giám sát hàng chục khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Nhận xét chung là tình hình thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường còn nhiều tồn tại, yếu kém. Các yếu kém đó bộc lộ từ khâu quy hoạch đến việc triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng cũng như việc kiểm tra, đôn đốc (hậu kiểm) việc thực hiện các quy định pháp luật về trách nhiệm, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong hoạt động bảo vệ môi trường... Điển hình như: Có khu công nghiệp kêu gọi doanh nghiệp đầu tư trước, sau đó mới thành lập Công ty Cổ phần đầu tư hạ tầng, do vậy dẫn đến việc đầu tư hệ thống xử lý nước thải, chất thải không đáp ứng yêu cầu. Trong quá trình đầu tư và kêu gọi đầu tư, có nhiều KCN không thực hiện đúng quy hoạch thiết kế được duyệt, nhiều Công ty kinh doanh hạ tầng KCN và doanh nghiệp trong KCN chưa có ý thức tốt về thực hiện Luật BVMT, không chú trọng đầu tư Hệ thống XLNT và đã có KCN cho thuê luôn phần diện tích đất dùng đầu tư Hệ thống XLNT tập trung và doanh nghiệp thì mở rộng, đầu tư xưởng sản xuất hết cả phần đất dùng đầu tư Hệ thống XLNT cục bộ, những nội dung bất cập nêu trên cũng phần lớn do trước đây, những quy định của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền chưa đầy đủ, các văn bản còn vênh nhau. Cụ thể như ở Đồng Nai, thực hiện quy định cũ là các KCN khi cho thuê trên 70% diện tích thì mới đầu tư Hệ thống XLNT tập trung và các KCN trước đây đầu tư chỉ thực hiện xử lý nước đạt tiêu chuẩn môi trường nhóm B trước khi xả thải ra môi trường mà nước đạt tiêu chuẩn nhóm B thì khó có thể đảm bảo chất lượng nước tưới phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và lại càng không thể phục vụ cho sinh hoạt các khu dân cư… Đối với vấn đề bảo vệ môi trường, mặc dù một số quy định của pháp luật còn vênh nhau, cần được sửa đổi, bổ sung, nhưng nhìn chung chỉ cần thực hiện đúng các quy định của Luật Bảo vệ môi trường hiện hành thì môi trường đã tốt hơn nhiều so với hiện nay. 

 Luật Bảo vệ môi trường có tới 20 điều quy định trách nhiệm, nghĩa vụ của chính quyền cấp tỉnh, huyện, xã trong bảo vệ môi trường. Để xảy ra vấn đề ô nhiễm môi trường ở các khu công nghiệp như hiện nay, nguyên nhân chủ yếu chưa phải là do thiếu các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, mà do thực hiện không nghiêm các quy định đã có trong pháp luật hiện hành, trong đó, trách nhiệm trước hết thuộc về chính quyền và cơ quan quản lý nhà nước các cấp về môi trường chưa thực hiện đầy đủ, kịp thời chức năng, nhiệm vụ quy định cụ thể trong Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản pháp luật khác có liên quan. 

 Bảo vệ môi trường là 1 trong 3 trụ cột để phát triển kinh tế bền vững (2 trụ cột còn lại là phát triển kinh tế và thực hiện công bằng xã hội). Nếu bảo vệ môi trường không tốt, đương nhiên sẽ làm giảm ý nghĩa, hiệu quả của tăng trưởng kinh tế, nếu không nói là lợi bất cập hại. Thực tế cho thấy ô nhiễm môi trường hiện nay là vấn đề rất nghiêm trọng và phải hành động quyết liệt, kịp thời hơn. 

 Hiện nay tại Đồng Nai đang nổi lên “sự kiện ô nhiễm” của Công ty Vedan, nhưng thực tế trong thời gian qua, Thường trực HĐND tỉnh chưa đi giám sát tại Công ty Vedan, vì Thường trực HĐND tỉnh chỉ mới xây dựng chương trình đi giám sát ở các KCN tập trung, còn các doanh nghiệp ngoài KCN chưa đi giám sát. Công ty Vedan là một doanh nghiệp đầu tư nước ngoài vào Đồng Nai từ rất sớm, lúc này Đồng Nai chưa thành lập các KCN, Vedan đầu tư trên 01 khu đất rộng 120 ha, tuy diện tích lớn, nhưng nó chỉ là 01 doanh nghiệp ngoài KCN. Việc Vedan cố tình xây dựng hệ thống cống ngầm để xả nước thải chưa qua xử lý ra sông Thị Vải, nếu Thường trực HĐND có đi giám sát thì cũng chẳng có đủ điều kiện, khả năng để phát hiện. Luật BVMT ban hành để mọi người phải nghiêm chỉnh chấp hành, đối với những chủ thể không chấp hành luật, cố ý đối phó bằng mọi thủ đoạn và hành vi để vi phạm luật, thì giám sát của HĐND không thể phát hiện được vì không đủ điều kiện và khả năng mà việc này thuộc về các cơ quan chuyên môn về môi trường và các cơ quan thực thi pháp luật.

Từ những vấn đề thực tế nêu trên, Thường trực HĐND tỉnh Đồng Nai kiến nghị đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ xem xét ban hành quy định về điều kiện, phương tiện phục vụ cho hoạt động giám sát của các cơ quan dân cử; đồng thời nên tăng cường cho hoạt động chuyên trách của HĐND.

 Nguyễn Thị Phi