Ngày 08/12/2017, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 103/2017/NQ-HĐND về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp 5, trong đó có giao UBND tỉnh triển khai sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng giảm đầu mối, sáp nhập hoặc giải thể các cơ sở đào tạo hoạt động không hiệu quả. Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo nghề đáp ứng yêu cầu; trong đó, ưu tiên đầu tư, nâng cấp một số trường thành những trường nghề chất lượng cao có khả năng đào tạo một số nghề trọng điểm đạt chuẩn quốc gia, khu vực và quốc tế. Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý. Xây dựng mối liên kết, tăng cường phối hợp giữa cơ sở đào tạo nghề với doanh nghiệp trong việc đào tạo và giải quyết việc làm.
Theo báo cáo của UBND tỉnh, đến nay trên địa bàn tỉnh có 67 cơ sở đào tạo nghề; trong đó: trường cao đẳng là 12, trường trung cấp là 10, trung tâm Giáo dục nghề nghiệp là 25 và các cơ sở khác có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp là 20. Các trường cao đẳng đều được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội kiểm định chất lượng đào tạo nghề và công nhận đạt cấp độ 3. Có 3 trường cao đẳng được chọn là Trường chất lượng cao theo Quyết định số 761/QĐ-TTg ngày 23/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ. Có 2 trường cao đẳng được Chính phủ Đức chọn đầu tư thành Trung tâm đào tạo chất lượng cao chuẩn Quốc tế là Trường Cao đẳng Công nghệ Quốc tế Lilama 2 và Trường Cao đẳng Cơ giới và Thủy lợi, trong đó Trường Cao đẳng Công nghệ Quốc tế Lilama 2 đã hoàn thành và có khả năng đào tạo 7 nghề chuẩn quốc tế; Trường Cao đẳng Cơ giới và Thủy lợi đang trong quá trình thực hiện đầu tư dự án.
Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội báo cáo
Đối với việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo nghề đáp ứng yêu cầu, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Lao động, Thương binh & Xã hội chủ trì, phối hợp với các ngành có liên quan tiếp tục thực hiện Chương trình đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2016-2020; xây dựng kế hoạch đầu tư trang thiết bị dạy nghề cho 02 trường thuộc tỉnh quản lý (Trường Cao đẳng Kỹ thuật Đồng Nai và Trường Cao đẳng nghề công nghệ cao Đồng Nai) để mua sắm bổ sung thiết bị dạy nghề cho các nghề trọng điểm, từng bước nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác đào tạo nghề. Ngoài ra, theo kế hoạch đến cuối năm 2018, sẽ cung cấp gói thiết bị đào tạo nghề cho 02 trường nêu trên trị giá gần 129 tỷ đồng đầu tư cho các nghề trọng điểm, các nghề có nhu cầu sử dụng lao động cao tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trường trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Đồng Nai trong năm 2017 đã được đầu tư về trang thiết bị dạy nghề với kinh phí 29 tỷ đồng từ nguồn của tỉnh cho các nhóm nghề về Cơ khí, Điện và Công nghệ thông tin.
Về việc nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý. Năm 2018, sẽ tiếp tục tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên giáo dục nghề nghiệp như: về kỹ năng nghề cho 40 lượt người, về sư phạm nghề cho 60 lượt người, về chính trị cho 120 lượt người, về tin học và ngoại ngữ cho 130 lượt người, nâng cao trình độ quản lý cho 20 cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp.
Về việc xây dựng mối liên kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp trong việc đào tạo và giải quyết việc làm. Trong những năm gần đây, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo các trường cao đẳng, trung cấp trên địa bàn tỉnh chủ động tìm kiếm và tạo mối gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp trong các hoạt động đào tạo của trường; xem doanh nghiệp là chủ thể trong công tác đào tạo hợp tác trên nhiều lĩnh vực như: đóng góp xây dựng chương trình đào tạo phù hợp với điều kiện thực tế của doanh nghiệp; hỗ trợ trang thiết bị để học viên thực hành; nhận học viên đến thực tập tại doanh nghiệp để làm quen với máy móc, thiết bị; trợ cấp học bổng cho các học viên nghèo, có hoàn cảnh khó khăn; góp ý phương pháp, nội dung giảng dạy cho phù hợp với doanh nghiệp; tham gia ra đề thi, chấm thi tốt nghiệp; cử chuyên gia, kỹ thuật viên đến tham gia giảng dạy tại các trường nghề; cung cấp thông tin cho các trường nghề về nhu cầu tuyển dụng lao động (dài hạn, ngắn hạn), cơ cấu ngành nghề, trình độ đào tạo…
Nhằm không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo nghề, đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp của tỉnh nhà, trong thời gian tới, thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo rà soát, sắp xếp lại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp sao cho hợp lý và tổ chức đào tạo hiệu quả hơn.
Đức Thể