Nguyên nhân chủ yếu của 5 địa bàn có tỉ trọng giá trị SXCN tăng cao là do có vị trí địa lý thuận lợi thu hút được nhiều dự án đầu tư trong và ngoài nước, trong khi đó 6 huyện còn lại cơ sở hạ tầng chưa phát triển, cach xa cảng biển, nguồn lao động thiếu…cho nên còn gặp nhiều khó khăn trong việc thu hút đầu tư. Về cơ cấu ngành, trong năm qua tình hình phát triển công nghiệp của các địa phương chủ yếu là các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp có quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội vùng. Có rất ít doanh nghiệp quy mô vừa và lớn đầu tư vào các địa bàn này.
Tình hình triển khai xây dựng hạ tầng các khu công ghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn một số huyện trong năm 2007 còn gặp một số khó khăn, thành phố Biên Hoà hiện không còn đất để bố trí cho các doanh nghiệp sản xuất gây ô nhiễm cần phải di dời ra khỏi các khu dân cư; tình hình triển khai xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp của các huyện còn chậm do gặp khó khăn trong giải tỏa mặt bằng và mời gọi các doanh nghiệp đầu tư xây dựng hạ tầng các cụm công nghiệp; không còn chính sách ưu đãi đầu tư cho các huyện miền núi như Tân Phú, Định Quán nên các huyện này rất khó thu hút các nhà đầu tư (KCN Định Quán giai đoạn 1 đã xây dựng hạ tầng, có 14 doanh nghiệp đăng ký đầu tư nhưng hiện chỉ có 5 doanh nghiệp đi vào hoạt động); nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp khó khăn về vốn để phát triển sản xuất kinh doanh, trong khi đó các doanh nghiệp này thường không đáp ứng được các thủ tục vay vốn của ngân hàng theo quy định. Cụ thể thành phố Biên Hoà đã quy hoạch 2 CCN là CCN gốm sứ Tân Hạnh với diện tích 54,83ha ( trong đó diện tích đất nông nghiệp 32,65ha để bố trí các cơ sở gốm di dời ra khỏi các khu dân cư(, hiện nay đang thi công hạ tầng gói thầu xây dựng 1 và 2, dự kiến trong quý II/2008 hoàn thành và quý III/2008 bắt đầu di dời các cơ sở gốm vào trọng cụm, đã có 41 cơ sở xin vào cụm, vượt quá diện tích cho phép. Đối với CCN gỗ Tân Hoà với diện tích 39,2ha ( trong đó diện tích đất công nghiệp 27ha nhằm di dời các cơ sở chế biến gỗ trong khu dân cư) hiện đang lập phương án bồi thường giải toả (125 hộ) và đang thẩm định hồ sơ thiết kế kỹ thuật tổng dự toán. Hiện nay đã có 60 cơ sở sản xuất đăng ký vào cụm này. Tại huyện Trảng Bom hiện đã và đang quy hoạch 7 CCN với diện tích 315 ha, trong đó CCN vật liệu xây dựng Hố Nai 3 đã cơ bản xong hạ tầng và lấp đầy 100% diện tích, các CCN còn lại đang trong giai đoạn quy hoạch gồm CCN Hưng Thịnh, An Viễn, CCN Hố Nai 3, CCN Suối Sao, Thanh Bình và Sông Thao. Đối với các CCN này, khó khăn lớn nhất là kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng hạ tầng CCN. Đối với huyện Xuân Lộc và huyện Thống Nhất cũng gặp khó khăn tương tự. Trên địa bàn huyện Xuân Lộc đã có 2 CCN Xuân Hưng ( 20ha) và Suối Cát ( 20ha) nhưng chưa xây dựng cơ sở hạ tầng, trong đó tại CCN Suối Cát đã có 2 nhà máy hoạt động trước khi quy hoạch là Nhà máy chế biến hạt điều của Công ty Donafoods và DNTN Bửu Phúc Đạt (sản xuất lưỡi câu). Đối với huyện Thống Nhất, đang quy hoạch CCN Quang Trung ( 100ha), CCN Hưng Lộc ( 40ha).
Về chương trình cơ giới hoá nông nghiệp, nông thôn trong năm 2007 tăng so với năm 2006 và đạt tỉ lệ cơ giới hóa cao trong các khâu làm đất, bảo quản, sơ chế. Năm 2007, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã tiêu thụ được 410 máy và thiết bị nông nghiệp Việt Nam các loại, trị giá trên 1,52 tỉ đồng. Các nhà sản xuất đã liên kết chặt chẽ với các cơ quan chức năng của các địa phương để nắm bắt nhu cầu tiêu thụ máy nông nghiệp do Việt Nam sản xuất, thực hiện bán ra dưới nhìêu hình thức linh động như: bán lẻ, bán trả chậm với lãi suất thấp, bán trả chậm không lấy lãi…ngoài ra, các nhà sản xuất còn mở mạng lưới đại lý ( gồm 16 đại lý của Công ty Vikyno và Vinapro) bán máy trên địa bàn tỉnh, tổ chức giới thiệu, trình diễn kỹ thuật máy và thiết bị nông nghiệp kiểu mới, giúp người tiêu dùng nắm bắt được tính năng, tác dụng cũng như lợi ích của việc sử dụng máy nông nghiệp của Việt Nam sản xuất. Tuy nhiên, chương trình cơ giới hoá nông nghiệp còn gặp một số khó khăn do điều kiện khách quan như việc đồng ruộng còn phân tán nhỏ, cơ cấu cây trồng đa dạng, chưa hình thành các vùng chuyên canh nên khó khăn trong việc áp dụng cơ giới hoá; đa số nông dân thu nhập còn thấp, làm ăn nhỏ lẻ nên không có khả năng đầu tư máy móc thiết bị để thực hiện cơ giới hoá trong sản xuất; thực trạng giao thông thông thôn chưa phát triển gây khó khăn cho việc thực hiện cơ giới hoá ở đồng ruộng và vận chuyển nông sản. Ngoài ra, thông tin về công nghệ, máy móc thiết bị phục vụ cơ giới hoá nông nghiệp đến từng hộ nông dân còn thiếu cũng làm giảm mức độ đầu tư vào máy móc nông nghiệp.
Về tình hình triển khai công tác khuyến công trên địa bàn tỉnh đã đạt được một số kết quả nhất định. Trung tâm khuyến công và phòng kinh tế các huyện đã phối hợp thực hiện khảo sát thực trạng phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn, tổ chức các khoá đào tạo nghề cho lao động thuộc các ngành nghề truyền thống như mây tre, đan lát, gỗ mỹ nghệ, cơ khí sản xuất máy nông cụ…ngoài ra, tổ chức thực hiện các chuyên đề về công tác khuyến công trên sóng Đài PTTH Đồng Nai định kỳ 1 lần/tháng…Tuy nhiên, công tác khuyến công mới chỉ dừng lại ở khâu dạy nghề và xây dựng một số đề án khôi phục và phát triển các ngành nghề ở nông thôn. Nhìn chung, công tác này chưa xây dựng được các mô hình tiên tiến để làm điểm nhân rộng trong sản xuất tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Việc triển khai các đề án khuyến công còn gặp nhiều khó khăn về kinh phí thực hiện và thiếu mặt bằng sản xuất phục vụ cho việc triển khai các đề án khuyến công.
Công tác phát triển công nghiệp địa phương trong năm 2007 gặp khó khăn cũng một phần vì nguyên nhân do việc triển khai đầu tư lưới điện hạ thế gặp khó khăn về nguồn vốn đầu tư vì đa số khu vực cần đầu tư lưới điện đều là khu vực dân cư thưa thớt, sống không tập trung, đời sống kinh tế khó khăn, các khu vực đồng bào dân tộc…mà yêu cầu đầu tư trên diện tích rộng nhưng chỉ cung cấp điện cho một số ít hộ dùng, điều này làm cho suất huy động vốn đầu tư tính trên một hộ là khá cao, dẫn đến khó khăn trong việc huy động vốn đầu tư lưới điện hạ thế.
Kim Chung