Liên kết website


Specified argument was out of the range of valid values.

Trao Đổi TT Với Cử Tri

Từ điển trực tuyến

Tra từ:
Từ điển:

Hình ảnh hoạt động

Hộp Mail

Trang chủBản tin HĐND số 54-T06.2009

Tin về hoạt động Ban HĐND cấp xã

Đăng ngày: 02/09/2009
Trao đổi kinh nghiệm hoạt động Ban HĐND cấp xã (thí điểm) cụm Trảng Bom, Thống Nhất
Báo cáo tổng hợp chung về tình hình hoạt động của các Ban HĐND cấp xã tại hai huyện thể hiện: Trong năm 2008, tám Ban thí điểm đã tổ chức giám sát 57 cuộc, nhiều nhất là lĩnh vực Văn hóa xã hội; thẩm tra 48 báo cáo phục vụ kỳ họp. Hoạt động của các Ban nhìn chung đã theo sát kế hoạch đã đề ra. Hoạt động của các Ban HĐND cấp xã đã nhận được sự đồng tình của cấp ủy, UBND, UBMTTQVN và cử tri.

Tại Hội nghị, các đại biểu kể cả đơn đã tổ chức thí điểm và chưa tổ chức thí điểm đã đóng góp nhiều ý kiến sôi nổi. Theo đại biểu thì trước khi thành lập Ban, vai trò của đại biểu mờ nhạt nhưng sau khi có Ban thì vấn đề này đã được khắc phục. Có đại biểu còn dùng hình tượng so sánh, Ban là cầu nối giữa Thường trực HĐND và UBND bởi lẽ trước đây các kiến nghị của Thường trực HĐND cấp xã đặc biệt là những ý kiến phản biện thường được đánh giá là ý kiến chủ quan của cá nhân Phó Chủ tịch HĐND nhưng khi có ban thì ý kiến này trở thành ý kiến tập thể, đó là một thuận lợi trong việc phối hợp chung. Về chất lượng giám sát và thẩm tra đều được nâng lên so với trước khi tổ chức thí điểm. Vấn đề có hay không tình trạng lúng túng trong triển khai hoạt động của Ban, các đại biểu nhất trí cho rằng tình trạng này chỉ xảy ra trong truờng hợp Trưởng Ban là người hoạt động HĐND trong nhiệm kỳ đầu tuy nhiên số lượng này là rất ít.

Tuy nhiên, còn nhiều ý kiến băn khoăn về việc thành viên Ban là người hoạt động ở các đoàn thể hầu hết tham gia làn thành viên các Ban chỉ đạo ở cấp xã nên khi tham gia giám sát của Ban sẽ có hai vai trò trong cùng lúc; kiến nghị việc xem xét cơ cấu, thành phần của Ban phải được tính toán từ đầu nhiệm kỳ. Có ý kiến đề nghị cơ cấu Tổ truởng các Tổ đại biểu là thành viên của Ban; UBND cấp huyện khi gửi văn bản cho UBND cấp xã cần gửi cho HĐND cấp xã biết tham khảo để phục vụ cho hoạt động giám sát.

Về tên gọi của Ban, có ý kiến cho rằng nên đặt tên là Ban Tư vấn hoặc Ban Tham mưu để thể hiện rõ vai trò của Ban HĐND cấp xã. Những ý kiến phát biểu sẽ là những thông tin quý báu cho Thường trực HĐND tỉnh nghiên cứu.

Nguyễn Thị Oanh

 

Kết quả hoạt động của Ban HĐND cấp xã (thí điểm) trên địa bàn thị xã Long Khánh trong năm 2008.

Năm 2008, Ban HĐND cấp xã trên địa bàn thị xã đã thực hiện được 48 cuộc khảo sát, giám sát trên các lĩnh vực như: Việc thực hiện Nghị quyết của HĐND; thực thi pháp luật; giải quyết khiếu nại, tố cáo; các lĩnh vực kinh tế, tài chính-ngân sách, văn hoá, xã hội và đời sống… Một số Ban đã tổ chức giám sát theo vụ việc, thời gian, thời điểm; giám sát theo nguồn thông tin phản ánh, kiến nghị của cử tri. Trung bình mỗi Ban thực hiện được 07 cuộc, trong đó Ban HĐND phường Xuân An tổ chức được nhiều cuộc khảo sát, giám sát nhất, với 14 cuộc, có 137 ý kiến, kiến nghị đối với UBND cùng cấp, các ban, ngành, đoàn thể và các đơn vị được khảo sát, giám sát. Đến cuối năm 2008 hầu hết các kiến nghị đã được UBND cùng cấp và các đơn vị tổ chức thực hiện.

Đối với hoạt động thẩm tra, trong năm 2008 Ban HĐND cấp xã trên địa bàn thị xã đã xây dựng được 66 báo cáo thẩm tra về các báo cáo, đề án, tờ trình của UBND cùng cấp. Trung bình mỗi Ban thực hiện được 09 báo cáo thẩm tra, trong đó Ban HĐND phường Xuân Thanh thực hiện được 15 báo cáo thẩm tra.Hoạt động thẩm tra được thực hiện theo hình thức phân công trách nhiệm cho các thành viên am hiểu trên từng lĩnh vực để nghiên cứu, phân tích, phản biện đối với các báo cáo, tờ trình, đề án…; sau đó tiến hành họp Ban để thống nhất nội dung báo cáo thẩm tra trình ra kỳ họp. Cách làm này đã nâng cao chất lượng thẩm tra, huy động trí tuệ tập thể, đưa ra những ý kiến một cách đầy đủ, sâu sắc, có tính phản biện để làm cơ sở cho đại biểu thảo luận một cách tập trung và xem xét, quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương.

Có thể nói, năm 2008 hoạt động của Ban HĐND cấp xã trên địa bàn thị xã Long Khánh đã có những chuyển biến khá tích cực, từ việc chuẩn bị nội dung, chương trình phục vụ các kỳ họp của HĐND xã, phường, xây dựng chương trình hoạt động, kế hoạch khảo sát, giám sát đến việc phân công nhiệm vụ cho từng thành viên. Với chức năng nhiệm vụ của mình, Ban HĐND cấp xã đã giúp HĐND cùng cấp thực hiện khá tốt chức năng giám sát hoạt động của UBND cùng cấp, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Ban HĐND cấp xã trên địa bàn thị xã còn những tồn tại cần được khắc phục, đó là: Trình độ chuyên môn của các thành viên nhìn chung chưa cao; chất lượng giám sát nhìn chung chưa sâu, nguyên nhân chủ yếu là do năng lực của từng thành viên của Ban còn hạn chế nhất định, kết luận sau giám sát của một số ít Ban HĐND chưa đạt yêu cầu đặt ra. Quy trình thực hiện các cuộc giám sát có lúc thiếu chặt chẽ; bên cạnh việc hạn chế về trình độ, việc cập nhật thông tin, tài liệu, văn bản hướng dẫn… chưa được đầy đủ, kịp thời và thường xuyên nên phần nào đã ảnh hưởng đến chất lượng công tác giám sát. Công tác thẩm tra phục vụ kỳ họp của một số Ban HĐND cấp xã chưa sâu, chưa thể hiện rõ nét tính phản biện; một số ít báo cáo thẩm tra còn lập lại số liệu của UBND, chưa phân tích, đánh giá tập trung vào các chỉ tiêu mà Nghị quyết HĐND đề ra, cũng như tình hình thực tế của địa phương và đề ra các giải pháp tổ chức thực hiện.

Trung Tín

Vĩnh Cửu: Ban HĐND xã (thí điểm) đạt được nhiều kết quả sau 02 năm hoạt động

Vĩnh Cửu là huyện được Thường trực HĐND tỉnh cho phép thành lập ban HĐND xã thí điểm vào giữa năm 2007 với 04 đơn vị là: Thiện Tân, Thạnh Phú, Tân Bình và thị trấn Vĩnh An. Việc thành lập Ban HĐND cấp xã được HĐND các địa phương thực hiện đúng chỉ đạo của Thường trực HĐND tỉnh và hướng dẫn của Thường trực HĐND huyện.

Các Ban đã tổ chức được 28 cuộc giám sát và khảo sát, nội dung các cuộc giám sát khảo sát tập trung vào các vấn đề như: biện pháp và kết quả thực hiện chỉ tiêu Nghị quyết của HĐND ở địa phương; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự; kết quả thực hiện dự toán thu - chi ngân sách; thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở… Kết thúc các cuộc giám sát khảo sát, Ban HĐND cấp xã đã đưa ra được 34 ý kiến kiến nghị đối với các cơ quan, đơn vị nhằm khắc phục hạn chế; kiến nghị của các Ban cơ bản sát thực tế, phù hợp với đặc điểm phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương và được UBND, các ban ngành ở địa phương đồng tình, tổ chức thực hiện.

Bên cạch việc tổ chức hoạt động giám sát khảo sát, các Ban HĐND xã đã tiến hành thẩm tra 53 báo cáo, tờ trình của UBND trình tại các kỳ họp HĐND, nội dung chủ yếu về lĩnh vực kinh tế, ngân sách, tài chính và một số vấn đề bức xúc của cư tri. Kết thúc thẩm tra, các Ban đều lập được báo cáo thẩm tra và làm tài liệu cung cấp cho đại biểu HĐND nghiên cứu tại kỳ họp; báo cáo đã giúp cho đại biểu có cơ sở xem xét và quyết định các vấn đề tại kỳ họp.

Ngoài ra, các Ban HĐND xã còn tiến hành xem xét quy trình cũng như tính phù hợp của văn bản quy phạm pháp luật do UBND xã ban hành, tuy nhiên số lượng ban hành văn bản quy phạm pháp luật của UBND cấp xã ít nên nhiệm vụ này chưa được thực hiện thường xuyên.

Nhìn chung hoạt động giám sát, khảo sát của các Ban HĐND cấp xã cơ bản đảm bảo được từ khâu chuẩn bị đến khâu kết thúc theo quy định về hoạt động giám sát khảo sát đối với Ban HĐND cấp tỉnh và cấp huyện; các cuộc giám sát đều có sự phân công thành viên của Ban am hiểu về nội dung giám sát nghiên cứu và chuẩn bị tài liệu liên quan cung cấp cho thành viên Ban nghiên cứu trước hoạt động giám sát, vì vậy kết quả các cuộc giám sát cơ bản đạt được yêu cầu đề ra.

Thường trực HĐND huyện Vĩnh Cửu cho biết, kể từ khi được thành lập ban HĐND cấp xã thí điểm thì số lượng các cuộc giám sát ở các xã có ban HĐND đều tăng lên; hoạt động giám sát giữa hai kỳ họp được thực hiện thường xuyên hơn, bình quân mỗi ban thí điểm thực hiện được từ 04 đến 08 cuộc giám sát/ năm (trước khi thành lập ban mỗi xã chỉ thực hiện được từ 02 đến 03 cuộc/ năm); các bức xúc của cử tri ở địa phương cơ bản được giải quyết; cái khác cơ bản và mang tính đổi mới rõ nét nhất sau khi thành lập Ban là việc thẩm tra báo cáo, tờ trình do UBND xã trình tại kỳ họp HĐND đã được các ban HĐND xã thực hiện mang tính “chuyên nghiệp” như các ban của HĐND cấp tỉnh và cấp huyện. Khi thẩm tra, các Ban có sự phân công thành viên có kiến thức chuyên môn liên quan đến nội dung báo cáo, tờ trình nghiên cứu, phân tích, đặc biệt quan tâm đến các nội dung có tính phản biện đối với dự thảo nghị quyết, báo cáo, tờ trình của UBND xã, vì vậy đã giúp cho HĐND xã ban hành các nghị quyết đúng, phù hợp và có chất lượng cao hơn.

Hạn chế trong hoạt động  hoạt động của các ban HĐND xã là: Cơ cấu thành viên của ban chưa hợp lý; thực tế có biểu hiện coi các ban HĐND xã là bộ phận giúp việc và làm thay nhiệm vụ giám sát cho Thường trực HĐND; nội dung báo cáo thẩm tra của các ban phần lớn là xuôi chiều, ít nội dung có tính phản biện; nguyên nhân là do trình độ, năng lực chuyên môn của đại biểu HĐND cấp xã nói chung và trình độ của thành viên các ban HĐND xã thí điểm nói riêng thấp; đại biểu có năng lực thì kiêm nhiệm nhiều việc nên có ảnh hưởng đến hoạt động của các ban HĐND xã thí điểm.

Được biết, Thường trực HĐND huyện Vĩnh Cửu có hai kiến nghị đối với cơ quan nhà nước có thẩm quyền là: Đề nghị cho phép được thành lập ban HĐND cấp xã chuyên trách ở nhiệm kỳ 2011-2015 và quy định tiêu chuẩn đại biểu HĐND cấp xã ít nhất phải có trình độ tốt nghiệp THPT.

Đặng Quang Huy