Liên kết website


Specified argument was out of the range of valid values.

Trao Đổi TT Với Cử Tri

Từ điển trực tuyến

Tra từ:
Từ điển:

Hình ảnh hoạt động

Hộp Mail

Trang chủBản tin HĐND số 57-T09.2009

Tổ Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát kết quả việc thực hiện nâng cao chất lượng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục trên địa bàn huyện Tân Phú

Đăng ngày: 29/10/2009
Vừa qua, Tổ đại biểu HĐND tỉnh đơn vị huyện Tân Phú đã tiến hành giám sát kết quả việc thực hiện nâng cao chất lượng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục trên địa bàn huyện. Qua giám sát cho thấy, huyện Tân Phú đã có những giải pháp cơ bản để tiếp tục xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, giai đoạn 2006 – 2010.
Ông Nguyễn Văn Long-thành viên tổ Tân Phú phát biểu tại buổi giám sát
Được sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Huyện ủy đối với công tác đào tạo đội ngũ giáo viên cán bộ quản lý giáo dục, tính đến hết năm học 2008-2009, toàn huyện Tân Phú có 2.377 cán bộ, giáo viên, 181 cán bộ quản lý giáo dục, tăng 446 cán bộ so với năm 2004, tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn 97,53%...Việc xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu và chất lượng không ngừng được nâng cao là một nhân tố quan trọng giúp ngành giáo dục huyện Tân Phú đạt được những thành quả tích cực. Tân Phú là huyện miền núi, có đông con em thuộc các gia đình là đồng bào dân tộc đến trường,
đến nay, 100% số xã, thị trấn trong huyện đã hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học - chống mù chữ. Các cấp ủy đảng, chính quyền và ngành chức năng tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo và đầu tư phát triển cơ sở vật chất, chuẩn hoá đội ngũ giáo viên, hiện toàn huyện có 78 đơn vị, trường học với hơn 41.000 học sinh các cấp. Kết quả năm học 2008 - 2009, hoàn thành chương trình tiểu học đạt tỷ lệ 99,7%, tăng 2,5; Tốt nghiệp THCS đạt 98,1%, giảm 1,1%; Tốt nghiệp THPT đạt 83,19%, tăng 1,45% so với năm học trước và cao so với nhiều địa phương trong tỉnh và có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp, cao hơn tỷ lệ chung của tỉnh là 2,02%.

Qua hơn bốn năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40/CT-TW của Ban Bí thư Trung ương, Thông tri số 39-TT/TU của Tỉnh ủy; Quyết định số 09/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và hai năm thực hiện Quyết định số 1792/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai về việc triển khai xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục giai đoạn 2006 – 2010. Ngành giáo dục huyện Tân Phú đạt được một số kết quả: Thực hiện xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo, đào tạo lại và bồi dưỡng, đảm bảo đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục cơ bản đủ về số lượng, tương đối đồng bộ về cơ cấu; có năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn khá cao. Xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện chương trình ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, giảng dạy và học tập tương đối có hiệu quả, góp phần thực hiện chương trình đổi mới phương pháp giáo dục.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục ở huyện vẫn còn những hạn chế: Một số cán bộ giáo viên chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ nên trình độ yếu, không đáp ứng được so với yêu cầu; việc ứng dụng công nghệ thông tin trong nhà trường còn yếu và chưa kịp thời; việc sàng lọc, hiện vẫn còn 44 giáo viên chưa đạt chuẩn, chiếm 2,47%; Cơ cấu giáo viên phổ thông chưa đồng bộ giữa các môn học như: Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật, Công nghệ; ở cấp trung học cơ sở vẫn xảy ra tình trạng thiếu giáo viên (thiếu 59 GV). Số lượng giáo viên mầm non vẫn còn thiếu so với định mức quy định (thiếu 12 GV), chất lượng chuyên môn, trình độ nghiệp vụ của một bộ phận giáo viên chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, đổi mới phương pháp dạy còn nhiều hạn chế. Một khó khăn nữa giữa các trường mầm non, trung học phổ thông, rất khó cho việc xây dựng kế hoạch chiến lược phát triển của hệ thống sư phạm của từng trường. Kinh phí dành cho đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục còn rất ít, chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn...  

Để khắc phục những hạn chế này, huyện Tân Phú đã đề ra một số giải pháp: Lựa chọn cán bộ đi đào tạo phải đảm bảo chất lượng và sử dụng đội ngũ này có hiệu quả; đẩy mạnh phong trào tự học, tự rèn luyện trong mỗi cán bộ giáo viên; làm tốt công tác chọn cử cán bộ, giáo viên đi học các lớp Cao đẳng, Đại học chuyên tu, bồi dưỡng lý luận chính trị để nâng cao trình độ về chuyên môn nghiệp vụ; quan tâm đến đội ngũ cán bộ quản lý, Thanh tra giáo dục, Thư viện…Tiếp tục quy hoạch cán bộ quản lý giai đoạn 2006 – 2010, bổ sung cho các trường còn thiếu cán bộ quản lý để đảm bảo đủ về số lượng, đúng về chất lượng; làm tốt công tác đánh giá, xếp loại giáo viên, nhân viên, viên chức và chuẩn nghề nghiệp giáo viên theo quy định, quan tâm đến cán bộ, giáo viên các xã vùng sâu, vùng xa, trường Dân tộc nội trú của huyện.

Tuy còn nhiều khó khăn để có thể hoàn thành mục tiêu đã đề ra đến năm 2010, nhưng với sự quan tâm của các cấp, các ngành dành cho giáo dục, tin rằng những khó khăn trên sẽ từng bước được đẩy lùi và trong thời gian tới, ngành giáo dục của huyện Tân Phú sẽ tạo sự chuyển biến mạnh về chất lượng giáo viên, đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy, đáp ứng kịp với tình hình thực tiễn về công tác giáo dục và đào tạo của huyện trong những năm tiếp theo.

Lưu Hà