Qua lấy ý kiến góp ý của 11 đơn vị liên quan cấp tỉnh đối với dự án Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai báo cáo tổng hợp một số nội dung cụ thể như sau :
1. Về phạm vi điều chỉnh (điều 1) : Đa số ý kiến nhất trí với dự thảo luật. Tuy nhiên, có một số ý kiến khác cho rằng dự thảo luật chỉ quy định về việc sử dụng năng lượng là quá hẹp. Đề nghị cần quy định rộng hơn, bao gồm toàn bộ các khâu bắt đầu từ khai thác, sản xuất các nguồn năng lượng, cho đến khâu cuối cùng là sử dụng năng lượng, vì quá trình khai thác, sản xuất cũng xãy ra thất thoát, lãng phí. Mặt khác, việc chỉ quy định về sử dụng mà không quy định về sản xuất năng lượng là chưa hợp lý.
2. Về đối tượng áp dụng (điều 2) : Đa số ý kiến nhất trí với dự thảo luật. Tuy nhiên, có một số ý kiến khác cho rằng đối tượng áp dụng luật này không chỉ là là tổ chức, cá nhân, hộ gia đình mà còn liên quan đến nhà khai thác, cung cấp các nguồn năng lượng. Vấn đề sử dụng nguồn năng lượng tiết kiệm và hiệu quả không phải ở người tiêu dùng mà còn do nhà cung cấp và đối tượng quan trọng mang tính chất quyết định là các cơ quan quản lý Nhà nước về năng lượng. Vì vậy, đề nghị luật nên quy định theo hướng đối tượng áp dụng bao gồm : các cơ quan quản lý nhà nước, nhà sản xuất, cung cấp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng năng lượng sẽ đầy đủ hơn.
3. Về giải thích từ ngữ (điều 3) :- Tại khoản 1, điều 26 dự thảo luật quy định : “Cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm gồm … do Chính phủ quy định” là nội dung giải thích từ ngữ đối với cụm từ “cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm”, do đó đề nghị đưa nội dung khoản 1, điều 26 về điều 3 dự thảo luật về giải thích từ ngữ để đảm bảo tính logich của luật.
4. Về áp dụng các quy định về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đối với công trình xây dựng dân dụng (điều 15) :Đa số ý kiến thống nhất với dự thảo luật. Tuy nhiên cũng có một số ý kiến cho rằng việc áp dụng các quy chuẩn kỹ thuật nước ngoài phù hợp với điều kiện Việt Nam về hiệu suất năng lượng cho các phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng là một nhiệm vụ quan trọng. Vì vậy, đề nghị luật bổ sung quy định theo hướng ngoài việc quy định tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cần có các biện pháp hỗ trợ các hoạt động này để khuyến khích doanh nghiệp tự giác thực hiện đồng thời nâng cao vai trò của nhà tư vấn nhiều hơn đối với việc áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn trong các công trình xây dựng.
5. Về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu thiết bị, phương tiện vận tải (điều 19) :Đa số ý kiến thống nhất với dự thảo luật. Tuy nhiên, có một số ý kiến cho rằng quy định như khoản 1, điều 19 dự thảo luật trong điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước ta hiện nay còn nhiều bất cập. Vì trên thực tế, có một số tổ chức, cá nhân sản xuất các phương tiện, thiết bị phục vụ sản xuất trong nước, về giá thành thường rẻ hơn so với sản phẩm ngoại nhập cùng loại nhưng về mức độ an toàn, ô nhiễm môi trường, định mức tiêu hao nhiên liệu chưa thể bằng hàng ngoại nhập, nhưng vì phù hợp với thu nhập của người tiêu dùng nên vẫn được sản xuất và tiêu thụ.
Do đó, để luật mang tính khả thi cao, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan của Chính phủ quan tâm xem xét, rà soát lại các vấn đề (như đã nêu) để xây dựng và công bố, công khai lộ trình thực hiện khi luật có hiệu lực thi hành.
6. Về trách nhiệm của các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm (điều 27) :Đề nghị quy định rõ “tiêu chí quản lý năng lượng” tại mục đ, khoản 1, điều 27 dự thảo luật.
7. Về quy định đối với chức danh quản lý năng lượng (điều 29) :Đa số ý kiến cho rằng quy định về điều kiện chỉ định vào chức danh quản lý năng lượng (mục a, khoản 1, điều 29) như vậy là chưa hợp lý, vì thiếu cơ sở khoa học trong việc xác định về bằng cấp chuyên ngành năng lượng hoặc ngành kỹ thuật liên quan đối với chức danh quản lý năng lượng. Việc giao Bộ Công Thương quy định nội dung, chương trình đào tạo, quy trình cấp chứng chỉ quản lý năng lực là chưa đầy đủ, thiếu khách quan nhất là trong tiến trình Nhà nước ta đang từng bước thực hiện chương trình xây dựng các nhà máy năng lượng hạt nhân.
Đề nghị chỉnh sữa khoản 3, điều 29 dự thảo luật theo hướng : Giao Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan của Chính phủ quy định nội dung, chương trình đào tạo, quy trình cấp chứng chỉ quản lý năng lượng.
8. Về trách nhiệm kiểm tra, đánh giá việc thực hiện các biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả của cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm (điều 30) :Đề nghị thay cụm từ “lưu giữ” bằng cụm từ “lưu trữ” (tại khoản 1), cho phù hợp với quy định pháp luật hiện hành của Nhà nước về công tác văn thư lưu trữ.
9. Về trách nhiệm của nhà nhập khẩu, phân phối phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng (điều 36) :Đề nghị bổ sung quy định biện pháp chế tài, xử phạt đối với các nhà nhập khẩu phương tiện, thiết bị thuộc danh mục các sản phẩm dưới hiệu suất năng lượng tối thiểu.
10. Về trách nhiệm của Ủy ban nhân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (điều 47) :Đề nghị bổ sung quy định trách nhiệm của Ủy ban nhân tỉnh trong việc tuyên truyền đến người dân trong việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
11. Một số ý kiến khác : Đề nghị luật bổ sung một số quy định về các vấn đề như sau : Quy định về trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc đưa kiến thức về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả vào chương trình dạy và học các cấp, nhằm tạo sự nhận thức cho học sinh, sớm ý thức được vấn đề này trong tương lai; Quy định về biện pháp chế tài đối với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân vi phạm Luật sử sụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Đề nghị Ban soạn thảo xem xét lược bớt cụm từ “sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả” vì trong dự thảo luật có quá nhiều cụm từ này; Trong nội dung dự thảo luật có chổ ghi “Chính phủ khuyến khích”, “Nhà nước khuyến khích”; đề nghị thống nhất dùng một cụm từ.
Như Ý