Ông Trần Văn tư, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy,
Chủ tịch HĐND tỉnh Đồng Nai
Hỏi: Thưa Chủ tịch, lâu nay có nhiều ý kiến cho rằng không nên đọc toàn bộ nội dung báo cáo tại kỳ họp HĐND, vì dễ gây nhàm chán mà nên dành thời gian cho hoạt động thảo luận, chất vấn tại hội trường để phát huy trí tuệ của đại biểu trong các quyết sách của HĐND và giải quyết những vấn đề cử tri quan tâm ngay tại kỳ họp. Ý kiến của Chủ tịch về vấn đề này như thế nào?
Trả lời: Việc đọc toàn bộ nội dung các báo cáo tại kỳ họp HĐND, nhất là kỳ họp HĐND cấp tỉnh là điều khó có thể thực hiện. Nói khó là bởi HĐND tỉnh thường tổ chức họp trong khoảng thời gian từ 3 đến 4 ngày; trong khoảng thời gian này thì hai hoạt động thảo luận, chất vấn và trả lời chất vấn đã chiếm một nửa, nửa còn lại là thông qua các báo cáo, tờ trình, đề án và HĐND thực hiện quyền quyết nghị. Khi nói đến quyết nghị là nói đến trọng trách của mỗi đại biểu trước cử tri; những quyết sách mà HĐND quyết nghị nó tác động đến sự phát triển của địa phương và tác động đến nhiều người. Do đó, thông tin đầy đủ đến từng đại biểu để xem xét, cân nhắc khi quyết định là điều tối quan trọng và đảm bảo cho sự chính xác khi quyết nghị.
Bên cạnh đó thì đây cũng là điều không nên thực hiện bởi lẽ như phóng viên đã đề cập là sẽ “dễ gây nhàm chán” cho đại biểu, cho cử tri và nhân dân - những người đang chờ đợi, đang rất quan tâm theo dõi kỳ họp.
Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai qua các nhiệm kỳ luôn xác định rõ những vấn đề gì cần tập trung xem xét tại kỳ họp; thấu hiểu được cử tri quan tâm, mong muốn gì ở kỳ họp từ đó có sự phân bổ chương trình họp lý, đảm bảo chất lượng, hiệu quả kỳ họp mà việc dành thời gian cho hoạt động thảo luận sâu, chất vấn rõ ràng, cụ thể là một cách thể hiện tinh thần đó.
Hỏi: Thực tế thời gian qua, nhiều địa phương đã rút ngắn thời gian đọc báo cáo tại kỳ họp bằng việc gửi trước tài liệu cho đại biểu nghiên cứu, tại hội trường chỉ đọc báo cáo tóm tắt những nội dung quan trọng, một số báo cáo đại biểu tự nghiên cứu. Cải tiến này HĐND tỉnh Đồng Nai thực hiện và đã đem lại hiệu quả như thế nào, thưa Chủ tịch?
Trả lời: Từ năm 2007, Đồng Nai đã ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào hoạt động HĐND tỉnh. Theo đó, mỗi đại biểu được cấp một địa chỉ hộp thư công vụ (có tên miền dongnai.gov.vn). Thông qua hộp thư này thì không chỉ tài liệu kỳ họp mà các tài liệu khác liên quan đến chủ trương Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tình hình kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh của địa phương; các hoạt động của HĐND kể cả các thông báo kết luận giám sát đều được gửi đến đại biểu thường xuyên. Đây là một kênh thông tin chính thống, quan trọng và cần thiết hỗ trợ cho hoạt động của đại biểu. Để vận hành được mô hình này đòi hỏi mỗi đại biểu phải có kiến thức và kỹ năng nhất định về công nghệ thông tin và các đại biểu của HĐND tỉnh Đồng Nai đã đáp ứng được yêu cầu này.
Tài liệu phục vụ các kỳ họp HĐND tỉnh Đồng Nai cũng được gửi theo phương thức này. Theo quy định thì hồ sơ dự thảo Nghị quyết phải được gửi đến đại biểu HĐND chậm nhất là 5 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp HĐND. Trong thực tế có một số tài liệu được gửi đến Thường trực HĐND từ rất sớm. Nếu như chúng ta để tài liệu đó, chờ đúng ngày mới gửi đến đại biểu là một sự lãng phí lớn.
Phương châm của Thường trực là “Có đến đâu, gửi đến đó” còn đại biểu là “Có đến đâu, nghiên cứu đến đó”. Cách làm này không khó khăn hay tốn kém vì chỉ bằng một thao tác bấm gửi trên máy tính thì tài liệu kỳ họp đã đến được với tất cả 80 đại biểu của HĐND tỉnh Đồng Nai trong khi nếu chuyển tài liệu giấy thì phải một đến hai ngày sau đại biểu mới nhận được. Chính vì vậy, đại biểu giảm được áp lực phải nghiên cứu một khối lượng thông tin lớn ngay sát ngày khai mạc kỳ họp mà giảm được áp lực này thì lượng thông tin đại biểu “thấm” được nhiều hơn, đầy đủ hơn; việc nghiên cứu tài liệu chất lượng hơn; thời gian tổ chức kỳ họp rút ngắn hơn do chỉ trình bày tóm tắt các nội dung trình ra kỳ họp. Quan trọng nhất là chất lượng các kỳ họp được bảo đảm và đánh giá chất lượng đó chính là sự quan tâm đặc biệt, sự hài lòng của cử tri và nhân dân đối với các kỳ họp HĐND tỉnh Đồng Nai.
Hỏi: Để thực hiện được như vậy, công tác chuẩn bị kỳ họp sẽ có thêm nhiều việc phải làm?
Trả lời: Đúng là để làm được điều đó thì trong công tác chuẩn bị kỳ họp, Thường trực, các Ban và Văn phòng có một số việc phải làm; tuy đây là những việc không khó nhưng sẽ bận rộn hơn; công tác theo dõi, nắm bắt tình hình phải chi tiết, cụ thể hơn và được thực hiện hàng ngày. Mặc dù “có thêm việc phải làm” nhưng chúng tôi cũng bớt được nhiều việc phải làm, ví dụ như việc in ấn tài liệu giấy; việc sắp xếp các tài liệu đó; việc đóng gói và gửi đi bên cạnh đó là việc tiết kiệm được kinh phí hoạt động HĐND. Nhưng quan trọng hơn hết là thấy được những việc làm đó là thiết thực, hiệu quả thì chúng tôi luôn quyết tâm và cố gắng.
Hỏi: Tận dụng tối đa thời gian tại kỳ họp cho đại biểu, việc tổ chức thảo luận tại tổ đại biểu về toàn bộ nội dung kỳ họp cũng được tổ chức trước kỳ họp. Nội dung này đã được thực hiện như thế nào để mang lại hiệu quả cao nhất, thưa Chủ tịch?
Trả lời: Tám mươi đại biểu của HĐND tỉnh Đồng Nai được chia về 5 cụm tổ thảo luận và tiến hành thảo luận trước phiên khai mạc từ 4 đến 8 ngày; thời gian thảo luận ít nhất trong một ngày làm việc, không kể ngày làm việc hay ngày nghỉ.
Thường trực HĐND tỉnh đã phối hợp với UBND tỉnh thống nhất thực hiện: Thảo luận tổ trước kỳ họp phải có sự tham dự của đại diện thành viên UBND tỉnh, lãnh đạo các ngành của tỉnh, của lãnh đạo địa phương. Mục đích là để trao đổi, giải trình ngay về những vấn đề đại biểu quan tâm, tránh tình trạng thông tin một chiều.
Thường trực HĐND tỉnh Đồng Nai cũng đã phân công các đại biểu HĐND tỉnh hoạt động chuyên trách tham gia thảo luận tổ. Đây là những đồng chí nắm rõ nhất hoạt động HĐND, lại vừa hoàn thành việc báo cáo thẩm tra phục vụ kỳ họp do đó sẽ mang đến thảo luận tổ nhiều thông tin bổ ích và có tính định hướng vào những vấn đề cần quan tâm, cần tập trung.
Hỏi: Như vậy, hầu hết thời gian tại hội trường sẽ dành cho đại biểu thảo luận và chất vấn. Đây là điều kiện quan trọng phát huy trí tuệ của đại biểu, Thường trực HĐND sẽ phát huy tinh thần trách nhiệm và trí tuệ của đại biểu như thế nào để kỳ họp được tổ chức thành công?
Trả lời: Thường trực HĐND tỉnh Đồng Nai với trách nhiệm của mình khi Chủ tọa kỳ họp, Thường trực phải khơi gợi được nội lực của đại biểu; gắn vai trò, nhiệm vụ của đại biểu với tổ đại biểu và vai trò của Tổ trưởng, Tổ phó trong tổ đó.
Tại thảo luận tổ, nếu có những nội dung đại biểu thấy chưa thỏa đáng hay đại biểu vẫn tiếp tục quan tâm thì đại biểu sẽ tiếp tục đưa vấn đề đó ra Hội trường, để phát huy thêm sức mạnh của HĐND.
Chúng tôi có quy định về đánh giá chất lượng hoạt động đại biểu. Việc đánh giá được “số hóa” cụ thể đến từng hoạt động, không đánh giá chung chung, cảm tính. Đại biểu tích cực trong việc phát huy tinh thần trách nhiệm và trí tuệ tại kỳ họp như thế nào, chúng tôi có cách đánh giá tương xứng. Tổ đại biểu có nhiều đại biểu hoạt động tốt thì tổ đó sẽ được đánh giá cao. Việc đánh giá có dựa trên cơ sở định tính và định lượng cụ thể. Đây vừa là chế tài, vừa là cách động viên, khích lệ đại biểu tham gia vào các hoạt động kỳ họp.
Không chạy theo thành tích hay bề nổi mà đại biểu, tổ đại biểu phải thể hiện được vai trò đại diện của mình đối với cử tri và nhân dân tại địa bàn ứng cử. Tại kỳ họp, sẽ có 22 cử tri cùng tham dự để giám sát hoạt động của đại biểu HĐND tỉnh. Phiên thảo luận, phiên chất vấn sẽ được Đài Phát thanh truyền hình Đồng Nai truyền hình trực tiếp để cử tri và nhân dân theo dõi. Và cử tri sẽ là người đánh giá, rất khách quan đối với từng đại biểu. Nếu đại biểu không hoạt động tích cực, không thể hiện vai trò thì sau kỳ họp, đại biểu sẽ gặp cử tri tại Hội nghị tiếp xúc, và nghe cử tri đánh giá về mình. Tôi nghĩ rằng, đó cũng là một cách, Thường trực HĐND tỉnh nhờ cử tri, thông qua cử tri để tác động đến đại biểu để đại biểu hoạt động tích cực, hiệu quả hơn.
Xin trân trọng cám ơn!