Sở Tài nguyên và Môi trường báo cáo, trả lời như sau:
Hiện nay trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có 27 KCN đã được thành lập, trong đó 21 KCN đã đi vào hoạt động. Tổng lượng nước thải trung bình tại các KCN này vào khoảng 68.000 m3/ngày.đêm; nguồn tiếp nhận nước thải chủ yếu là sông Đồng Nai (khoảng: 48.000 m3/ngày đêm), sông Thị Vải (khoảng: 20.000 m3/ngày.đêm).
Trong 21 KCN đã đi vào hoạt động, có 10 KCN đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung, với tổng lượng nước thải được xử lý khoảng 20.900 m3/ngày.đêm; 11 KCN còn lại chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung (trong đó, 03 KCN Xuân Lộc, Phân khu Formosa thuộc KCN Nhơn Trạch 3 và Tân Phú cam kết hoàn thành việc xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung theo đúng thời hạn; 04 KCN: Dệt may Nhơn Trạch, Định Quán, Bàu Xéo và Nhơn Trạch V hiện đã hoàn chỉnh hồ sơ thiết kế, đang trong giai đoạn chuẩn bị triển khai).
Để bảo vệ môi trường tại các khu công nghiệp, trong thời gian qua, với trách nhiệm của ngành, Sở Tài nguyên và môi trường thực hiện các biện pháp chủ yếu sau:
- Đề xuất Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo các công ty kinh doanh hạ tầng đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung tại các KCN (Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày10/01/2008 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Đồng Nai (khóa VIII); văn bản số 9726/TB-UBND ngày 30/11/2007; văn bản số 860/UBND-CNN ngày 29/01/2008 và văn bản số 3698/UBND-CNN ngày 14/5/2008 của UBND tỉnh).
- Duy trì và tăng cường công tác quan trắc môi trường các nguồn thải lớn tại các khu công nghiệp trong các năm 2006, 2007, 2008 theo chỉ đạo UBND tỉnh; đồng thời tăng cường công tác quan trắc môi trường chất lượng nước mặt các nguồn tiếp nhận trọng điểm như hồ Trị An, sông Đồng Nai, sông Thị Vải.
- Phối hợp với các đơn vị có liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc bảo vệ môi trường các doanh nghiệp trong KCN. Tính riêng trong năm 2007 và 6 tháng đầu năm 2008, Sở Tài nguyên và Môi trường đã kiểm tra, xử lý các vi phạm về BVMT đối với các công ty kinh doanh hạ tầng và các doanh nghiệp trong KCN theo quy định, tổng số tiền phạt khoảng 1,7 tỷ đồng.
Thời gian qua, mặc dù Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt; Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp Ban quản lý các khu công nghiệp thường xuyên kiểm tra, đôn đốc tuy nhiên, đến nay tình hình xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung tại các KCN trên địa bàn tỉnh chưa hoàn thành theo yêu cầu (nhiều công trình xử lý nước thải chưa được đầu tư hoặc đầu tư chưa đúng mức theo đúng quy định).
Bên cạnh những nguyên nhân khách quan do bất cập của Luật bảo vệ môi trường năm 1993, Quyết định số 62/2002/QĐ-BKHCNMT ngày 09/8/2002 của Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường và tiêu chuẩn Việt Nam về môi trường trong quy định về xây dựng và xử lý nước thải tập trung tại các khu công nghiệp, còn những nguyên nhân chủ quan sau:
- Các Công ty kinh doanh hạ tầng KCN chưa quan tâm đúng mức đến công tác thu gom xử lý nước thải; thiếu cán bộ chuyên trách về môi trường; chưa tính toán thực tế phát sinh nước thải để thu gom và xử lý dẫn đến tình trạng quá tải, ảnh hưởng hiệu quả xử lý.
- Hạ tầng kỹ thuật về môi trường bên ngoài KCN chưa đáp yêu cầu, một số khu vực chưa có hệ thống tiêu thoát nước mưa, nước thải dẫn vào nguồn tiếp nhận theo đúng quy định.
Để đẩy mạnh việc xây dựng hoàn thành hệ thống xử lý nước thải tại các KCN, trong thời gian tới, bên cạnh việc thực hiện các giải pháp nêu trên, Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục phối hợp các Sở, ngành có liên quan tham mưu đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện các giải pháp sau:
- Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp Ban quản lý KCN tăng cường theo dõi việc vận hành công trình xử lý nước thải đối với 10 KCN đã có hệ thống xử lý nước thải để đảm bảo việc thu gom, xử lý nước thải triệt để theo quy định; đôn đốc, kiểm tra 11 KCN chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung để khẩn trương xây dựng và đưa vào vận hành công trình xử lý nước thải theo đúng thời gian yêu cầu.
- Sau thời gian yêu cầu hoàn thành việc xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung, ngoài việc kiểm tra xử phạt theo quy định, kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo không cho phép các Công ty kinh doanh hạ tầng KCN thu hút dự án đầu tư mới; công bố các kết quả xử phạt cơ sở gây ô nhiễm môi trường, các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên các phương tiện thông tin đại chúng.
- Đề nghị UBND các huyện, thị xã Long Khánh và thành phố Biên Hòa tiếp tục thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh trong việc hỗ trợ các đơn vị kinh doanh hạ tầng KCN giải quyết việc giải phóng mặt bằng để xây dựng công trình XLNT tập trung; tổ chức triển khai các quy hoạch thoát nước và XLNT đô thị được phê duyệt.
- Đề nghị Sở Xây dựng khẩn trương triển khai chỉ đạo UBND tỉnh thực hiện đề án "Thoát nước mưa và thu gom, XLNT tập trung cho các đô thị trên địa bàn tỉnh Đồng Nai”; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các ngành có liên quan khẩn trương thực hiện dự án nạo vét suối Săn Máu, cống Lò Rèn.
Ban Biên tập