Liên kết website


Specified argument was out of the range of valid values.

Trao Đổi TT Với Cử Tri

Từ điển trực tuyến

Tra từ:
Từ điển:

Hình ảnh hoạt động

Hộp Mail

Trang chủBản tin HĐND số 91-T12-2012

Trao đổi thông tin với cử tri

Đăng ngày: 17/06/2013
​Trao đổi thông tin với cử tri.

​     1. Nông dân hai xã Bình Lợi và Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu đề nghị tỉnh đầu tư cho việc sản xuất nuôi cây giống gốc nấm xanh (vi sinh) để bảo vệ cây trồng an toàn theo công nghệ mới. Đồng thời đề nghị tổ chức nhiều lớp tập huấn chương trình sản xuất nông nghiệp xanh, nhằm giúp nông dân có nhiều kiến thức và kỹ năng nông nghiệp hiện đại.

     Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời tại văn bản số 1589/SNN-KHTC ngày 05/7/2012,  như sau:

      Việc đầu tư sản xuất nuôi cấy giống gốc nấm xanh (vi sinh) để bảo vệ cây trồng theo an toàn theo công nghệ mới. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đầu tư và phát triển Chương trình này từ năm 2011, tuy nhiên chưa được đầu tư rộng khắp các địa bàn toàn tỉnh. Trong thời gian tới nếu có điều kiện Chương trình sẽ được nhân rộng đến bà con nông dân

      Căn cứ trên nguồn kinh phí được phân bổ ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã lập kế hoạch triển khai nhiệm vụ của ngành năm 2012 và cũng đã có thông báo đến các địa phương để cùng phối hợp thực hiện. Trong đó có các công tác tập huấn, tuyên truyền và hướng dẫn kỹ thuật sản xuất nông nghiệp cho nông dân các xã trên địa bàn huyện và của tỉnh

      Với ý kiến của Cử tri đề nghị tổ chức nhiều lớp tập huấn Chương trình sản xuất nông nghiệp xanh, nhằm giúp nông dân có nhiều kiến thức và kỹ năng nông nghiệp hiện đại. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ ghi nhận, tiếp thu ý kiến đóng góp của Cử tri, trong thời gian tới khi xây dựng kế hoạch của ngành Sở Nông nghiệp và PTNT sẽ chý ý và ưu tiên hơn đến công tác tập huấn Chương trình sản xuất nông nghiệp xanh như quý Cử tri đã đề nghị.

      2. Cử tri xã Xuân Hòa, huyện Xuân Lộc phản ánh, việc khai thác đá quý tại mỏ đá xã Xuân Hòa (diện tích 20ha) đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của các hộ dân sống khu vực xung quanh mỏ đá, xe vận chuyển đá làm hư hỏng đường giao thông nông thôn. Cử tri đề nghị UBND tỉnh kiểm tra, xem xét việc thực hiện dự án khai thác đá quý tại xã Xuân Hòa  để đảm bảo đời sống cho nhân dân.

    Sở Tài nguyên và Môi trường lời tại văn bản số2090/STNMT-VP ngày 04/7/2012, như sau:

      Ngày 22/6/2012, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Xuân Lộc, UBND xã Xuân Hòa khảo sát thực địa khu vực mỏ đá xây dựng Xuân Hòa, kết quả như sau:

      Khu vực mà cử tri xã Xuân Hòa phản ánh là khu vực quy hoạch khai thác đá làm vật liệu xây dựng thông thường chứ không phải đá quý theo phản ánh cử tri. Khu vực này UBND tỉnh Đồng Nai đã cấp giấy phép thăm dò cho Tổng Công ty Phát triển Khu công nghiệp theo quyết định số 1590/QĐ-UBND ngày 27/6/2011 với diện tích thăm dò là 20ha. Tiếp theo ngày 31/01/2012, UBND tỉnh Đồng Nai đã phê duyệt trữ lượng báo cáo thăm dò mỏ đá xây dựng Xuân Hòa theo quyết định số 306/QĐ-UBND.

      Qua khảo sát thực địa, đoàn khảo sát không phát hiện hoạt động khai thác khoáng sản tại khu vực mỏ đá xây dựng Xuân Hòa như cử tri xã Xuân Hòa, huyện Xuân Lộc đã phản ánh.

     Đoàn khảo sát đã tiếp xúc với người dân trong khu vực mỏ đá xây dựng Xuân Hòa, trong đó có ông Lê Quang Trọn sinh năm 1926, địa chỉ ấp 2 xã Xuân Hòa (là cử tri đã phản ánh về việc này) thì người dân ở đây lo ngại khi dự án mỏ đá xây dựng Xuân Hòa đi vào hoạt động sẽ làm ảnh hưởng đến môi trường sống và sức khỏe của người dân trong khu vực như đường xá hư hỏng, môi trường không khí bị ô nhiễm, nhà cửa bị chấn động do nổ mìn...

     Theo biên bản làm việc ngày 15/6/2012 tại UBND xã Xuân Hòa giữa Tổng Công ty Phát triển Khu công nghiệp và thường trực 04 bên của xã Xuân Hòa về các giải pháp bảo vệ môi trường dự án đầu tư khai thác và chế biến mỏ đá xây dựng Xuân Hòa của Tổng Công ty Phát triển Khu Công nghiệp thì các giải pháp bảo vệ môi trường khi dự án đi vào hoạt động chưa được Lãnh đạo địa phương đồng tình cũng như sự đồng thuận của người dân sống xung quanh khu vực mỏ. Do đó Lãnh đạo UBND xã Xuân Hòa yêu cầu Tổng Công ty Phát triển Khu Công nghiệp nghiên cứu lựa chọn những giải pháp bảo vệ môi trường hợp lý để giải trình và thuyết phục nhân dân sinh sống xung quanh khu vực mỏ.

    Qua kết quả làm việc với Tổng Công ty Phát triển Khu Công nghiệp vào ngày 26/6/2012 thì Tổng Công ty đã chỉ đạo đơn vị tư vấn hoàn thiện lại báo cáo đánh giá tác động môi trường và dự án cải tạo, phục hồi môi trường của dự án đầu tư khai thác chế biến đá xây dựng mỏ đá xây dựng Xuân Hòa với các giải pháp khắc phục các tác động đến môi trường khi dự án đi vào hoạt động theo các ý kiến góp ý của chính quyền địa phương và người dân sinh sống xung quanh khu vực dự án như sau:

     - Để giảm thiểu các tác động đến môi trường sống của người dân ở khu vực phía Tây dự án cũng như việc học tập của con em tại phân hiệu Trường Tiểu học Hòa Hiệp (nằm dọc đường Sóc Ba Buông) Tổng Công ty sẽ bố trí mặt bằng sân Công nghiệp nằm về phía Đông Bắc mỏ, đồng thời phối hợp cùng chính quyền địa phương để khảo sát và đầu tư tuyến đường chuyên dùng để vận chuyển sản phẩm từ mỏ ra Quốc lộ 1.

     - Khi hoàn thành công tác hỗ trợ bồi thường và được Nhà nước bàn giao mặt bằng Tổng Công ty sẽ triển khai việc đắp bờ bao và trồng cây xanh xung quanh khu vực mỏ và dọc đường vận chuyển để hạn chế bụi phát tán ra môi trường xung quanh trong quá trình khai thác. Trước mắt Tổng Công ty sẽ đầu tư 01 giếng khoan công nghiệp để có nguồn nước phục vụ cho việc chống bụi trong những tháng mùa nắng.

     - Để giảm chấn động khi nổ mìn khai thác đá Tổng Công ty sẽ sử dụng phương pháp nổ mìn vi sai phi điện.

     3. Cử tri phường Bửu Long, thành phố Biên Hòa phản ánh về quy hoạch Khu du lịch Bửu Long: 

      - Khu du lịch Bửu Long quy hoạch đã có quyết định từ năm 2002 nhưng đến nay chưa triển khai thực hiện. Năm 2011 có quyết định mới nhưng không bỏ quyết định cũ như vậy có đúng không? Nếu triển khai thực hiện thì bố trí tái định cư cho các hộ giải tỏa trắng ở khu vực nào?

     - Đề nghị UBND tỉnh giải thích tại sao thực hiện khu du lịch Bửu Long không giao cho Công ty du lịch Đồng Nai thực hiện mà lại giao cho Tổng công ty Công nghiệp thực phẩm Đồng Nai đầu tư? Nguồn vốn đầu tư của Công ty hay của ngân sách nhà nước? Việc triển khai thực hiện dự án đến năm 2020 có khả năng thực hiện không?

     - Đề nghị UBND tỉnh công bố quy hoạch tỷ lệ 1/500 dự án khu du lịch Bửu Long cho các hộ dân được biết.

     Sở Công thương trả lời:

     1). Khu du lịch Bửu Long quy hoạch đã có quyết định từ 2002 nhưng đến nay chưa triển khai thực hiện. Năm 2011, có quyết định mới nhưng không bỏ quyết định cũ như vậy đúng không? Nếu triển khai thực hiện thì bố trí tái định cư cho các hộ giải tỏa trắng ở khu vực nào?.

     - Về việc thẩm định, tham mưu UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch thuộc chức năng nhiệm vụ của Sở Xây Dựng.

     - Về việc bố trí tái định cư cho các hộ bị giải toả trắng khi thực hiện dự án: Theo Quyết định số 972/QĐ-UBND ngày 09/4/2012 của UBND tỉnh duyệt quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Khu du lịch và Dân cư Bửu Long tại thành phố Biên Hoà và huyện Vĩnh Cửu dự. Khu tái định cư thuộc khu dân cư số 3 (phạm vi phường Bửu Long), quy mô khoảng 48,78 ha. Dự kiến giải quyết cho 1.000 hộ thuộc phường Bửu Long.

    2). Đề nghị UBND tỉnh giải thích tại sao thực hiện khu du lịch Bửu Long không giao cho Công ty Du lịch Đồng Nai mà lại giao cho Tổng công ty Công nghiệp Thực phẩm Đồng Nai đầu tư ? Nguồn vốn đầu tư của công ty hay ngân sách nhà nước? Việc triển khai thực hiện dự án đến năm 2020 có khả năng thực hiện không?.

     - Công ty Du lịch Đồng Nai (nay là Công ty cổ phần Du lịch Đồng Nai) được UBND tỉnh giao quản lý và khai thác khu du lịch Bửu Long (khu du lịch) từ năm 2002, trong quá trình quản lý và điều hành khu du lịch, công ty đã có nhiều cố gắng cải tạo, nâng cấp cảnh quan, cơ sở hạ tầng, nhân lực tại khu du lịch góp phần duy trì cảnh quan xanh, sạch, đẹp tại khu du lịch và từng bước cải thiện nâng cao đời sống của người lao động. Tuy nhiên, do tiềm lực kinh tế của doanh nghiệp còn nhiều hạn chế đồng thời dự án khu du lịch Bửu Long là một dự án rất phức tạp, liên quan đến thay đổi chỗ ở, việc làm lớn của người dân nên khả năng đầu tư phát triển khu du lịch khó đảm bảo thực hiện. 

     - Tổng Công ty Công nghiệp Thực phẩm là một doanh nghiệp có tiềm lực kinh tế mạnh, có nhiều kinh nghiệm trong triển khai thực hiện các dự án lớn, đồng thời với mục đích xây dựng khu du lịch Bửu Long trở thành một khu du lịch quy mô, hiện đại với nhiều dịch vụ phong phú, đa dạng đáp ứng được nhu cầu vui chơi giải trí của khách du lịch trong và ngoài nước, bên cạnh đó, dự án đi vào hoạt động sẽ tạo sự phát triển đột phá về lĩnh vực dịch vụ du lịch và góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Đồng Nai đã có công văn số 3158/UBND-KT ngày 03/5/2007 giao Tổng công ty Công nghiệp thực phẩm Đồng Nai tiếp nhận khu du lịch Bửu Long để đầu tư phát triển. Để thực hiện dự án nêu trên, ngày 05/02/2009, Tổng Công ty Công nghiệp Thực phẩm đã ban hành Quyết định 24/QĐ-HĐQT về việc thành lập Công ty TNHH MTV Đầu tư Phát triển Bửu Long.

     - Nguồn vốn để triển khai thực hiện dự án từ vốn của doanh nghiệp và vốn kêu gọi đầu tư, hiện nay, Công ty TNHH MTV Đầu tư Phát triển Bửu Long đã ký hợp tác đầu tư vào khu du lịch với Công ty cổ phần giải trí Chòm Sao Việt (TP.HCM) để đầu tư xây dựng một số hoạt động vui chơi, giải trí mới, đồng thời trong những năm tiếp theo, doanh nghiệp tiếp tục kêu gọi hợp tác đầu tư từ các thành phần kinh tế để thực hiện dự án.

     - Tiến độ triển khai thực hiện dự án đến năm 2020 như sau:

    + Giai đoạn 1 (từ 2012 – 2015): Đền bù, giải phóng mặt bằng, xây dựng khu tái định cư, đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật như: san nền, thoát nước mưa, thoát nước thải, cấp điện, cấp nước, thông tin liên lạc, xây dựng khu vui chơi giải trí trung tâm, khu thể dục thể thao và trò chơi vận động, các công trình phục vụ chung, tôn tạo các di tích danh thắng.

     + Giai đoạn 2 (từ 2015 – 2018): Đầu tư hoàn thiện khu dân cư, khu vui chơi giải trí trung tâm, xây dựng hoàn thiện khu thể dục thể thao, trò chơi vận động và các công trình phục vụ chung, xây dựng khu lịch sử văn hóa, khu động thực vật, khu cắm trại dã ngoại, khu nghỉ dưỡng ven sông và khu dịch vụ cao cấp.

     + Giai đoạn 3 (từ 2018 – 2020): Đầu tư xây dựng hoàn chỉnh toàn bộ công trình dự án. 

     3). Đề nghị UBND tỉnh công bố quy hoạch tỷ lệ 1/500 dự án khu du lịch Bửu Long cho các hộ dân biết.

     Đến nay, dự án khu du lịch Bửu Long chưa được UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt chi tiết 1/500; do đó, quy hoạch sẽ công bố cho các hộ dân trên địa bàn biết khi dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

     4. Cử tri nhiều phường, xã của thành phố Biên Hòa kiến nghị UBND tỉnh tập trung chỉ đạo việc kiểm tra, rà soát các quy hoạch và dự án trên địa bàn, nếu thực hiện thì triển khai sớm, không nên kéo dài quá nhiều năm; nếu không thực hiện thì thông báo cho dân biết để ổn định cuộc sống người dân. Cụ thể: dự án KCN Sonadezi (Thác Giang Điền) kéo dài 5 - 6 năm. Khu phố 6 và 7 của Phường An Bình quy hoạch di dời kéo dài 20 năm nhưng không có khu tái định cư, cuộc sống người dân rất khó khăn. Tại các phường Thống Nhất, Trung Dũng, Quang Vinh, Thanh Bình, Hòa Bình, Quyết Thắng, Bửu Long, công tác đầu tư xây dựng các khu tái định cư chưa tốt dẫn đến các hộ thuộc diện tái định cư không có đất, nhà ở khi nhà nước giải tỏa mà phải thuê nhà ở trong thời gian dài.

   Sở Kế hoạch và Đầu tư lời tại văn bản số 1389/SKHĐT-HTĐT ngày 09/7/2012, như sau:

     - Khu công nghiệp Giang Điền có diện tích 529 ha thuộc địa bàn xã Giang Điền, An Viễn huyện Trảng Bom, và xã Tam Phước thành phố Biên Hòa, được cấp giấy chứng nhận đầu tư năm 2008. Đến nay KCN Giang Điền đã hoàn tất công tác bồi thường giải phóng mặt bằng tại các xã An Viễn và Giang Điền huyện Trảng Bom với diện tích khoảng 380 ha.

     Riêng phần diện tích khoảng 149ha KCN thuộc địa bàn xã Tam Phước,  thành phố Biên Hòa, do thành phố Biên Hòa tiếp nhận bàn giao địa giới hành chính mới từ huyện Long Thành và là vùng giáp ranh với huyện Trảng Bom, ranh giới địa chính có biến động, nên thành phố Biên Hòa thực hiện hồ sơ bồi thường mất nhiều thời gian. Thành phố Biên Hòa đang thực hiện công tác kiểm kê xác nhận nguồn gốc đất, dự kiến hoàn tất công tác bồi thường giải phóng mặt bằng trong năm 2013. Hiện nay, KCN Giang Điền đã đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng giai đoạn 1 diện tích 100ha bao gồm các hạng mục: Hệ thống đường giao thông, cấp điện, cấp nước, thoát nước, thông tin, nhà máy xử lý nước thải và đã cho thuê được khoảng 20 ha.

      Do ảnh hưởng của suy giảm kinh tế toàn cầu và thực hiện chủ trương kiềm chế lạm phát trong năm 2011, 2012 nên việc phân chia tiến độ đầu tư hạ tầng KCN Giang Điền để đưa vào khai thác từng phần như nói trên là phù hợp. Riêng phần bồi thường giải phóng mặt bằng phần diện tích còn lại, đề nghị UBND tỉnh yêu cầu UBND thành phố Biên Hòa tập trung thực hiện dứt điểm trong năm 2013.

     - Đối với việc tái định cư khu phố 6 và 7 của phường An Bình: việc tái định cư khu phố 6 và 7 của phường An Bình liên quan dự án đầu tư chỉnh trang KCN Biên Hòa 1, việc bồi thường giải tỏa tiến hành từ năm 2004 và thực hiện theo qui định tại Nghị định số 22/NĐ-CP ngày 24/4/1998 của Chính phủ về việc đền bù thiệt hại khi Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng. Vào thời điểm trên, ngoài việc bồi thường hỗ trợ bằng tiền, những hộ dân có nhu cầu tái định cư thì được xem xét giải quyết vào khu dân cư An Bình do Tổng Công ty phát triển KCN đầu tư. Sau này khi thực hiện các chính sách mới về bồi thường giải tỏa, thành phố Biên Hòa đã thống kê rà soát thì tại khu phố 6 và 7 còn 574 hộ cần bố trí tái định cư. Do nhu cầu tái định cư lớn, thành phố Biên Hòa tiếp tục có kế hoạch đầu tư bố trí vào các khu tái định cư 14,2ha tại  phường Long Bình và khu tái định cư tại phường Long Bình Tân . Hiện nay 2 khu tái định cư này đang thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng, dự kiến quí 4/2012 khởi công xây dựng hạ tầng và đến quí 4/2013 bàn giao mặt bằng tái định cư cho các hộ tái định cư.

     - Đối với việc tái định cư các phường Thống Nhất, Trung Dũng, Quang Vinh, Thanh Bình, Hòa Bình, Quyết Thắng, Bửu Long: Trong kế hoạch đầu tư mới và chỉnh trang đô thị, thành phố Biên Hòa có số lượng hộ gia đình thuộc diện tái định cư rất lớn. Thời gian qua, thành phố Biên Hòa đã tập trung đầu tư xây dựng 24 khu tái định cư, gồm 103 căn hộ và 1.355 nền nhà, tổng vốn đầu tư khoảng 225 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành trong năm 2012. Tuy nhiên với số lượng căn hộ và nền đất tái định cư nêu trên, thành phố Biên Hòa cũng chỉ giải quyết tồn tại trước mắt nhu cầu tái định cư.

     Việc xây dựng các khu tái định cư cần có nguồn vốn rất lớn và thường phải thực hiện tái định cư của vị trí dự kiến xây dựng khu tái định cư nên thường kéo dài thời gian. Do vậy UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND thành phố Biên Hòa tiếp tục tập trung đầu tư hoàn thành các khu tái định cư để đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển kinh tế xã hội của thành phố Biên Hòa. 

     5. Cử tri thuộc Chi hội Hội Cựu chiến binh ấp Thanh Hoa, xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom phản ánh ý kiến của công nhân lao động trên địa bàn lo ngại về tình trạng các suất ăn cho công nhân không đảm bảo vệ sinh; việc tăng ca, làm thêm của lao động nữ trong các công ty ảnh hưởng đến việc chăm sóc con nhỏ; chỗ ở không đáp ứng đủ điều kiện.

     Ban Quản lý các Khu công nghiệp trả lời tại văn bản số 790/KCNĐN-LĐ  ngày 06/7/2012, như sau:

      Trên địa bàn huyện Trảng Bom hiện nay có 04 khu công nghiệp là Hố Nai Sông Mây, Bàu Xéo và Giang Điền, thu hút 176 dự án trong và ngoài nước với tổng số vốn đầu tư là 1.196,62 triệu USD và 2.895,78 tỷ đồng. Đã có 158 doanh nghiệp đi vào hoạt động, trong đó có 136 doanh nghiệp FDI, giải quyết việc làm cho 86.720 người (lao động nữ chiếm 58%), tập trung chủ yếu vào các ngành giày da, may mặc, cơ khí và gỗ.

     Trong năm 2011, trên địa bàn Khu công nghiệp của huyện Trảng Bom đã xảy ra 11/144 vụ đình công (chiếm tỷ lệ 7,6%), 06 tháng đầu năm 2012 có 02/31 vụ đình công (chiếm tỷ lệ 6,5%). So với các doanh nghiệp KCN tại các địa bàn khác, các doanh nghiệp tại KCN Hố Nai, Sông Mây và Bàu Xéo là những doanh nghiệp tương đối ổn định, ít xảy ra các vụ tranh chấp lao động và đình công. Điều này, cũng xuất phát từ việc chấp hành các quy định pháp luật của doanh nghiệp ngày càng dần được cải thiện, nâng cao. Trong đó,việc sắp xếp tăng ca, làm thêm giờ của người lao động tại các doanh nghiệp dựa trên sự thoả thuận giữa doanh nghiệp và người lao động. Cho đến hiện nay, Ban Quản lý chưa có thông tin khiếu nại của người lao động về việc doanh nghiệp ép tăng ca, làm thêm giờ ảnh hưởng đến việc chăm sóc con nhỏ. 

     Đồng thời, hiện nay suất ăn của người lao động tại các KCN huyện Trảng Bom trung bình là 12.000-15.000 đồng/phần. Trước 2009, người lao động tổ chức đình công do chất lượng bữa ăn chiếm tỷ lệ khá cao trong các nguyên nhân xảy ra đình công, tuy nhiên đến nay tỷ lệ này đã giảm dần (người lao động hiện nay chủ yếu đình công yêu cầu tăng lương, thưởng).

    Về vấn đề nhà ở cho công nhân tại huyện Trảng Bom, Công ty Cổ phần Phát triển KCN Sông Mây đang tiến hành san lấp mặt bằng để xây dựng khu dân cư và nhà ở công nhân xã Bắc Sơn khoảng 30 ha. Các KCN trên địa bàn Trảng Bom đã có 08 doanh nghiệp xây dựng ký túc xá cho người lao động (sức chứa hơn 7.000 người), ngoài ra còn có doanh nghiệp tiến hành xây dựng nhà trẻ cho con em người lao động tham gia học tập (Đồng Nai Việt Vinh, Đông Phương Đồng Nai, Dona Pacific, Dona Victor Molds).

     Là cơ quan quản lý Nhà nước trực tiếp tại các KCN, để thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng sống của người lao động, Ban Quản lý các KCN Đồng Nai đã phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện một số công tác sau:

     - Tổ chức tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn việc thực hiện pháp luật lao động đến người sử dụng lao động, tổ chức công đoàn cơ sở và người lao động, thông qua các buổi tập huấn, các buổi họp giao ban định kỳ 06 tháng và năm của Ban Quản lý và các chương trình hỗ trợ pháp luật;…trung bình hàng năm tổ chức 30 - 40 buổi tập huấn tại các địa bàn KCN.

    - Phối hợp Sở Lao động Thương binh và Xã hội thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp trong lĩnh vực chấp hành pháp luật lao động (năm 2011 thanh tra 29 doanh nghiệp, 06 tháng đầu năm 2012 thanh tra 09 doanh nghiệp), kịp thời phát hiện và chấn chỉnh các vi phạm pháp luật của doanh nghiệp.

     - Năm 2011, Ban Quản lý phối hợp Chi cục Vệ sinh An toàn Thực phẩm (Sở Y tế) tổ chức thanh tra, kiểm tra chất lượng vệ sinh và an toàn thực phẩm tại 03 doanh nghiệp trong KCN trên địa bàn huyện Trảng Bom; 

     ​Trong thời gian tới, Ban Quản lý phối hợp với Chi cục Vệ sinh An toàn Thực phẩm, Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Sở Xây dựng và các cơ quan ban ngành thực hiện: khảo sát nhu cầu về suất ăn của các doanh nghiệp khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, cập nhật danh sách các cơ sở dịch vụ cung cấp suất ăn công nghiệp có đủ điều kiện kinh doanh về cung cấp suất ăn công nghiệp lên Website của Ban Quản lý các KCN để các doanh nghiệp có nhu cầu biết, liên hệ; tăng cường công tác thanh, kiểm tra, kịp thời phát hiện và chấn chỉnh các vi phạm pháp luật của các doanh nghiệp, thực hiện tốt hơn nữa các chế độ, chính sách đối với người lao động; kiểm tra các dự án xây dựng khu nhà ở công nhân, kiểm tra điều kiện tại các khu nhà trọ xung quanh các KCN, đáp ứng tiêu chuẩn của Quy định quản lý nhà ở cho người lao động ngày càng cải thiện chất lượng sống của người lao động tại các KCN nói riêng và trên địa bàn tỉnh Đồng Nai nói chung.