Liên kết website


Specified argument was out of the range of valid values.

Trao Đổi TT Với Cử Tri

Từ điển trực tuyến

Tra từ:
Từ điển:

Hình ảnh hoạt động

Hộp Mail

Trang chủBản tin HĐND số 81-T1&T2-2012

Triển khai chương trình nhà ở sinh viên, nhà ở công nhân, nhà ở cho người có thu nhập thấp trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn.

Đăng ngày: 29/05/2013
​Theo thống kê, hiện nay số học sinh, sinh viên (HS, SV) đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề trên địa bàn tỉnh khoảng 70.000 người, trong đó số có nhu cầu ở ký túc xá (KTX) gần 30.000 người. Tuy nhiên, mới có khoảng 15% số SV được giải quyết chỗ ở trong KTX, tương ứng khoảng 4.500 HS, SV. Dự báo đến năm 2015 có khoảng 141.000 HS, SV và số lượng có nhu cầu ở KTX là 57.000 HS, SV (trong đó chưa tính các cơ sở đào tạo sẽ thành lập giai đoạn từ nay đến năm 2015).

​     Theo Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 20/4/2009 của Chính phủ về một số cơ chế, chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở cho HS, SV các cơ sở đào tạo và Quyết định 65/2009/QĐ-TTg ngày 24/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ ban hành một số cơ chế, chính sách phát triển nhà ở cho SV các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề thuê thì mục tiêu đến năm 2015 có 60% số HS, SV các cơ sở đào tạo có nhu cầu được giải quyết chỗ ở tại các dự án trên địa bàn cả nước. Như vậy, tại Đồng Nai với số lượng 57.000 HS, SV có nhu cầu ở KTX, sẽ phải giải quyết chỗ ở theo dự án cho khoảng 34.200 HS, SV.

     Đến nay, trên địa bàn tỉnh hiện đang triển khai 21 dự án nhà ở SV với diện tích sàn xây dựng 185.500 m2, có khả năng bố trí cho gần 28.000 SV, cộng với 4.500 SV đã được bố trí ở tại các KTX thì còn lại hơn 1.700 SV cần được bố trí ở KTX theo mục tiêu của Quyết định 65/2009/QĐ-TTg ngày 24/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng đã phê duyệt và chỉ đạo triển khai đầu tư dự án nhà ở SV giai đoạn 1 tại phường Tân Hiệp thành phố Biên Hòa với tổng vốn đầu tư 205 tỷ đồng, thời gian thực hiện dự án từ năm 2010 - 2014 bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, dự án có quy mô 3 khối nhà cao 9 tầng, diện tích sàn xây dựng 35.084 m2, dự kiến bố trí cho 3.848 SV. Ngoài ra, UBND tỉnh cũng đã đăng ký vốn trái phiếu Chính phủ xây dựng 6 dự án nhà ở SV với số vốn 146 tỷ đồng. Tuy nhiên đến nay chưa có dự án nào được Bộ Xây dựng bố trí vốn.

     Đối với nhà ở công nhân: Tổng số công nhân làm việc tại các KCN, cụm công nghiệp trên địa bàn khoảng 400.000 người, trong đó công nhân ngoại tỉnh (nhập cư) chiếm khoảng 60%. Ước tính số công nhân KCN có nhu cầu thuê nhà ở chiếm gần 70%, tương ứng 280.000 người. Dự báo nhu cầu công nhân tại các KCN, cụm công nghiệp từ nay đến năm 2015 trên địa bàn tỉnh tăng thêm khoảng 120.000 người, trong đó nhu cầu nhà ở tăng thêm 80.000 người.

     Toàn tỉnh hiện có 72 dự án xây dựng nhà ở công nhân, trong đó có 18 dự án hoàn thành đưa vào sử dụng, có khả năng bố trí cho khoảng 20.000 chỗ ở (chiếm tỷ lệ 7,1% nhu cầu); số còn lại đa số là mới đăng ký, mới được giới thiệu địa điểm hoặc đang trong giai đoạn giải phóng mặt bằng, hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật, lập thủ tục đầu tư. Trong số 18 dự án hoàn thành, có 03 dự án của doanh nghiệp (DN) kinh doanh nhà ở; 03 dự án của DN kinh doanh hạ tầng KCN và 12 dự án của DN có sử dụng lao động. Tuy nhiên số công nhân vào ở tại các dự án này theo báo cáo của các các DN hiện chưa lắp đầy, nguyên nhân do công nhân chưa quen việc chấp hành nội quy, giờ giấc; điều kiện đi lại, mua sắm, giải trí không thuận tiện; giá thuê nhà cao so với thu nhập…

     Bên cạnh nhà ở do các DN có sử dụng lao động trong các khu, cụm công nghiệp; các DN kinh doanh nhà ở và DN xây dựng hạ tầng KCN đầu tư xây dựng, quản lý cho công nhân thuê, còn có nhà ở do các hộ cá thể, tư nhân xây dựng thành phòng trọ cho công nhân thuê với trên 200.000 chỗ ở (chiếm tỷ lệ 71,5% nhu cầu) và các dạng nhà ở khác (ở nhờ người thân, ở với gia đình...) khoảng 60.000 người (chiếm tỷ lệ 21,4% nhu cầu).

     Được biết, tháng 5/2010, UBND tỉnh ban hành Quyết định thành lập Ban điều phối dự án xây dựng cơ sở hạ tầng công cộng tạo môi trường sống cho công nhân KCN và Ban điều phối đã xác định vị trí để lập dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân với diện tích 12 ha tại khu vực IIC của KCN Amata. Nhóm nghiên cứu do tổ chức Nippon Koei của Nhật đã tiến hành điều tra môi trường sống và nhu cầu nhà ở công nhân tại các khu vực lân cận KCN Amata, KCN Loteco và đã lập báo cáo liên quan trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét vào cuối năm 2010. Theo thông tin từ Bộ Kế hoạch – Đầu tư, dự kiến cuối năm 2012 sẽ hoàn tất báo cáo kỹ thuật khả thi với tổng vốn đầu tư ODA từ Nhật Bản khoảng 20-30 triệu USD.

     Ngoài ra, trong năm 2010, Sở Xây dựng cũng đã có báo cáo, đăng ký với Bộ Xây dựng về nhu cầu vay vốn đối với dự án nhà ở công nhân tại xã Thạnh Phú (Vĩnh Cửu) do Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng nhà ở Sơn An làm chủ đầu tư.

     Đối với nhà ở thu nhập thấp tại đô thị: Người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị của tỉnh khoảng 165.000 người. Nếu tính bình quân 3,7 người/hộ thì toàn tỉnh hiện có gần 45.000 hộ gia đình có thu nhập thấp có nhu cầu về nhà ở (mua, thuê hoặc thuê mua).Thực hiện Nghị quyết số 18/NQ-CP và Quyết định số 67/2009/QĐ-TTg ngày 24/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ ban hành một số cơ chế, chính sách phát triển nhà ở cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch và các văn bản về việc triển khai các chính sách của Chính phủ về nhà ở thu nhập thấp, về chính sách vay vốn đối với dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở thu nhập thấp. Đến nay, UBND tỉnh đã ban hành quyết định phê duyệt, thỏa thuận địa điểm 13 dự án nhà ở cho người thu nhập thấp và nhà ở xã hội với tổng diện tích là là 82 hecta. Trong đó có 01 dự án nhà ở cho người thu nhập thấp tại phường Tam Hòa – thành phố Biên Hòa đang thi công do Công ty CP Đầu tư phát triển Đô thị Sơn An làm chủ đầu tư với quy mô 408 hộ.

     Nhìn chung, việc thực hiện các dự án xây dựng nhà ở SV, nhà ở công nhân, nhà ở cho người thu nhập thấp tại đô thị triển khai chậm và gặp nhiều khó khăn. Thứ nhất, về quỹ đất, Luật Nhà ở và Nghị định 90/2006/NĐ-CP (nay được thay thế bởi Nghị định 71/2010//NĐ-CP) quy định các dự án nhà ở thương mại trên 10 hecta phải dành 20% đất ở để phát triển nhà ở xã hội, tuy nhiên trên địa bàn tỉnh nhiều dự án được duyệt trước Luật Nhà ở và Nghị định 90/2006/NĐ-CP nên quỹ đất 20% chủ yếu dành cho tái định cư và tạm cư phục vụ bồi thường giải tỏa. Nhiều dự án nhà ở thương mại sau này chưa hoàn chỉnh hạ tầng cho nên một số doanh nghiệp trong KCN khi có nhu cầu xây dựng nhà ở cho công nhân thì chưa có sẵn quỹ đất sạch có hạ tầng hoàn chỉnh để giới thiệu, hoặc có nhưng không thuận lợi về vị trí. Thứ hai, về nguồn vốn, mặc dù Trung ương đã ban hành chính sách về vốn vay ưu đãi  từ Ngân hàng phát triển nhưng việc quy định chưa cụ thể, thực tế tỷ lệ doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn này rất thấp. Trong tình hình suy giảm kinh tế thế giới, đã ảnh hưởng đến kế hoạch, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong KCN, các công ty kinh doanh hạ tầng KCN và các đối tượng liên quan, dẫn đến giảm việc đăng ký xây dựng nhà ở cho công nhân trong KCN. Thứ ba, một số chính sách còn bất cập như quy định lợi nhuận định mức tối đa 10% không khuyến khích được nhà đầu tư áp dụng công nghệ xây dựng mới để giảm giá thành; mặt khác, hiện nay chưa có thiết kế mẫu nhà ở thu nhập thấp; chưa có chính sách khuyến khích các chủ đầu tư dự án nhà ở thu nhập thấp áp dụng công nghệ tiên tiến trong xây dựng để giảm giá thành xây dựng, do vậy giá bán nhà ở thu nhập thấp hiện nay còn cao.

     ​Ngoài ra, một số doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đến việc đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân do nhiều yếu tố: các thủ tục liên quan đến đất đai, thủ tục đầu tư xây dựng, chính sách ưu đãi cụ thể về tài chính, thuế, phương thức quản lý duy trì phát triển mô hình hoạt động…của cụm, khu nhà ở công nhân. Thực tế, thời gian qua, các doanh nghiệp trong KCN đã đăng ký quỹ đất để đầu tư xây dựng nhà ở công nhân, Ban Quản lý KCN đã chủ động phối hợp các địa phương xem xét, rà soát quỹ đất để giới thiệu đến doanh nghiệp nhưng tiến độ còn chậm; tình trạng các doanh nghiệp kinh doanh nhà ở đăng ký đầu tư nhà ở công nhân, nhà ở thu nhập thấp nhưng sau khi thỏa thuận địa điểm thì không tiếp tục triển khai dự án; hoặc doanh nghiệp đăng ký đầu tư nhà ở thương mại kết hợp nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, thu nhập thấp nhưng chủ yếu tập trung triển khai đầu tư nhà ở thương mại; việc đầu tư, quản lý sử dụng nhà ở công nhân còn gặp khó khăn do mức đầu tư lớn, khả năng thu hồi vốn chậm, việc quản lý còn nhiều phức tạp…                                                                                         

                                                                               Thùy Trang