Liên kết website


Specified argument was out of the range of valid values.

Trao Đổi TT Với Cử Tri

Từ điển trực tuyến

Tra từ:
Từ điển:

Hình ảnh hoạt động

Hộp Mail

Trang chủBản tin HĐND số 81-T1&T2-2012

Việc phân loại, xử lý đơn có tiến bộ, nhưng tiến độ giải quyết vẫn đạt tỷ lệ thấp

Đăng ngày: 30/05/2013
​Tình hình khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh nhìn chung có giảm so với năm 2010 kể cả về số lượng đơn và các vụ việc đông người, phức tạp. Công tác tiếp dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2011 có những chuyển biến tích cực, nhiều vụ việc được giải quyết dứt điểm đã hạn chế được việc khiếu nại, tố cáo vượt cấp, phát sinh điểm nóng.

​     Công tác tiếp dân trên toàn tỉnh được duy trì thường xuyên, có mở sổ sách ghi chép, theo dõi. Trong năm, toàn tỉnh đã tiếp 5.978 lượt công dân đến các cơ quan nhà nước để khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị (tăng 426 lượt người so với cùng kỳ năm 2010. Trong đó, lãnh đạo các cấp, các ngành tiếp 912 lượt người. Có 41 lượt đoàn đông người đến khiếu nại, phản ánh, kiến nghị, giảm 21 lượt đoàn so với cùng kỳ năm 2010. Thông qua tiếp công dân, cán bộ tiếp công dân kết hợp hướng dẫn, giải thích người khiếu nại, tố cáo hiểu quyền và trách nhiệm của mình khi thực hiện việc khiếu nại, tố cáo theo quy định pháp luật, góp phần hạn chế tình trạng khiếu kiện đông người, vượt cấp. Thủ trưởng các cơ quan Nhà nước có chú trọng tiếp công dân định kỳ theo quy định, qua đó kịp thời chỉ đạo giải quyết các vụ việc phát sinh, nhất là những vụ việc đông người, phức tạp. Đặc biệt, trong thời gian diễn ra cuộc bầu cử Quốc hội khóa XIII và bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016, tình hình an ninh - chính trị tại địa phương được ổn định, không xảy ra tình huống phức tạp. Trong năm 2011, công tác tiếp dân nhìn chung có nhiều chuyển biến tích cực so với trước đây. Tuy nhiên, cá biệt vẫn còn một số địa phương, đơn vị chưa thực hiện nghiêm túc. Công tác tiếp dân của một số lãnh đạo cấp cơ sở chưa được thường xuyên, vì vậy công tác tiếp dân đạt hiệu quả chưa cao. 

     Việc phân loại, xử lý đơn có tiến bộ hơn trước. Quá trình giải quyết đơn được thực hiện theo đúng trình tự pháp luật quy định, đảm bảo yếu tố pháp lý, chất lượng giải quyết đơn nhìn chung được nâng lên. Các cấp, các ngành đã xây dựng kế hoạch tập trung lực lượng để giải quyết kịp thời những vụ việc khiếu nại, tố cáo, nhất là các vụ khiếu nại đông người, phức tạp không để kéo dài phát sinh thành điểm nóng, góp phần đảm bảo trật tự an toàn xã hội tại địa phương. Đơn thuộc thẩm quyền giải quyết trong năm của toàn tỉnh là 993 đơn (923 khiếu nại, 70 tố cáo), giảm 208 đơn so với cùng kỳ năm 2010; đã giải quyết 719 đơn (660 khiếu nại, 59 tố cáo), đạt tỷ lệ chung là 72%. Hiện còn tồn 274 đơn (263 khiếu nại, 11 tố cáo) thuộc thẩm quyền đang trong quá trình giải quyết. Trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân cơ bản được thực hiện đúng trình tự quy định của pháp luật, chú trọng việc đối thoại trực tiếp với công dân trước khi ban hành giải quyết khiếu nại lần đầu. Có sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, các đoàn thể trong giải quyết khiếu nại. Quyết định giải quyết đơn được tổ chức theo dõi, đôn đốc thực hiện. Công tác tập huấn nghiệp vụ, thanh tra, kiểm tra trách nhiệm thực hiện pháp luật khiếu nại, tố cáo được chú trọng, kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc và chấn chỉnh việc thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

     Tuy nhiên, tiến độ giải quyết đơn nhìn chung còn chậm, đạt tỷ lệ thấp do vướng mắc trong việc áp dụng quy định pháp luật để xem xét, giải quyết 169 đơn thuộc dự án Hồ chứa nước Sông Ray, UBND tỉnh đang chờ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Công tác xử lý đơn thư còn một số trường hợp chưa đảm bảo đúng trình tự, thủ tục theo quy định, chưa xác định đúng tính chất và nội dung đơn dẫn đến một số trường hợp phản ánh, kiến nghị việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không đúng quy định pháp luật, chồng, lấn sai thửa khi xem xét, giải quyết UBND cấp huyện không căn cứ vào quy định tại Điều 21 Nghị định số 84/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007 của Chính phủ (nay là Điều 25 Nghị định số 88/2009/NĐ-CP ngày 19/10/2009) để xử lý, mà đưa vào thụ lý giải quyết đơn theo trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại, nên khi công dân khiếu nại lần hai lên tỉnh, UBND tỉnh phải hủy quyết định giải quyết cấp huyện và chỉ đạo UBND huyện xem xét, giải quyết lại theo đúng quy định, làm ảnh hưởng đến thời gian, hiệu quả công tác. Một vài trường hợp phức tạp, cơ quan tham mưu tiến hành thẩm tra, xác minh chưa thu thập đầy đủ chứng cứ, nên khi báo cáo đề xuất chưa đảm bảo chặt chẽ về tính pháp lý, do đó người có thẩm quyền giải quyết phải giao rà soát lại. Việc theo dõi nắm thông tin và kết quả các trường hợp khởi kiện ra tòa án nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, dẫn đến chưa có thông tin để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành.

DSC02865.jpg
Ông Phạm Ngọc Tuấn – UVTT, Trưởng Ban pháp chế HĐND tỉnh
phát biểu tại ​buổi giám sát KNTC tại UBND huyện Xuân Lộc​
 

     Công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo còn một số trường hợp chưa chủ động, phối hợp kịp thời, như: chậm trễ trong việc thống nhất giải pháp tổ chức thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực thi hành, dẫn đến còn 122 quyết định chưa thực hiện xong. Cá biệt có địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh phải chỉ đạo nhiều lần nhưng vẫn còn chậm trễ trong việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân.

     Nguyên nhân của tình trạng trên do nhiều lý do, có cả chủ quan và khách quan, như: Do vướng mắc khi áp dụng pháp luật về đất đai để xem xét, giải quyết các đơn khiếu nại của công dân yêu cầu hỗ trợ “đất vườn, ao thực tế đang sử dụng” theo qui định tại Khoản 2, Điều 43 Nghị định số 84/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007 của Chính phủ. Mặc khác pháp luật về khiếu nại, tố cáo chưa quy định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc thực hiện quyết định giải quyết khiếu nại, các biện pháp chế tài đối với cơ quan không chấp hành quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật. dẫn đến một số trường hợp không chấp hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực thi hành. Bên cạnh đó, công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật tại các địa phương chưa được quan tâm đúng mức; chưa có sự phối hợp tốt giữa cơ quan liên quan trong quá trình giải quyết khiếu nại cũng như tổ chức thực hiện quyết định (các cơ quan liên quan chưa chủ động, thống nhất biện pháp để tháo gỡ những vướng mắc việc thẩm định phương án bồi thường bổ sung cho công dân),  chưa có giải pháp xử lý đối với trường hợp khiếu nại không chấp hành quyết định giải quyết có hiệu lực thi hành. Một thực tế khác là hiện nay, số lượng cán bộ, công chức làm công tác tiếp dân hiện nay còn thiếu; trình độ, nghiệp vụ chuyên môn, nghiệp vụ của một bộ phận chưa đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ, một số người công tác lâu năm có kinh nghiệm được luân chuyển sang làm công tác khác. Do đó, ảnh hưởng đến hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo.

                                                                                Sĩ Tiến