Thực hiện Nghị quyết số 141/2009/NQ-HĐND ngày 16 tháng 7 năm 2009 của Hội
đồng nhân dân tỉnh về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công tác dân số - kế hoạch
hóa gia đình tỉnh Đồng Nai đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020; Quyết định số
83/2009/QĐ-UBND ngày 09 tháng 12 năm 2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành quy định về chế độ, chính sách khuyến khích thực hiện công
tác dân số - kế hoạch hóa gia đình tỉnh Đồng
Nai đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020; Kế hoạch số 5208/KH-UBND ngày 16 tháng 7 năm 2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh
về thực hiện Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản trên địa bàn tỉnh Đồng Nai
giai đoạn 2011 - 2015 định hướng đến năm 2020. Từ năm 2010 đến nay, công tác
dân số tỉnh Đồng Nai đã hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra như: Khống chế được
tốc độ gia tăng dân số, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên từ 1,10% năm 2010 giảm xuống
còn 0,91% năm 2020; Tỷ suất sinh thô từ 14,61%o năm 2010 giảm xuống còn 12,62%o
năm 2020. Tỷ lệ các cặp vợ chồng sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại tăng từ
72,8% năm 2010 lên 73,95% vào năm 2020. Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên từ 7,44%
năm 2010 giảm xuống còn 6,64% năm 2020. Tỷ số giới tính khi sinh năm 2010 là
111 trẻ em trai/100 trẻ em gái, đến 2020 là 107,5 trẻ em trai/100 trẻ em gái.
Trung tâm Y tế Biên Hòa tập huấn kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh cho học sinh
Tuy nhiên, đến hết năm 2020, các chính sách hỗ trợ hoạt động công tác
dân số trên đã hết hiệu lực. Công tác dân số hiện nay đang chuyển trọng tâm từ
dân số - kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển trong đó lấy mục tiêu
nâng cao chất lượng dân số làm nòng cốt, cần những chính sách mới phù hợp với vấn
đề dân số trong tình hình mới.
Vì vậy, nhằm thực hiện tốt công tác dân số trên địa bàn tỉnh trong thời
gian tới, Ủy ban nhân dân tỉnh đã giao Sở Y tế căn cứ hướng dẫn của Bộ Y tế, các
quy định của pháp luật và tình hình thực tiễn địa phương, tham mưu xây dựng
chính sách khen thưởng, hỗ trợ đối với tập thể, cá nhân thực hiện tốt công tác
dân số trên địa bàn tỉnh. Theo dự kiến của Sở Y tế, chính sách về công tác dân số
gồm ba chính sách lớn, cụ thể:
Thứ nhất, chính sách điều chỉnh
mức sinh. Đồng Nai là một trong 21 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp với số con
trung bình/người phụ nữ (TFR) năm 2022 là 1,87 (Mức sinh thay thế có TFR = 2,1
con/bà mẹ). Từ bài học kinh nghiệm của các nước phát triển đã cho thấy việc điều
chỉnh mức sinh từ thấp lên cao rất khó khăn vì đây là xu hướng đi cùng với sự
phát triển kinh tế - xã hội, do đó cần có những chính sách phù hợp nhằm thay đổi
hành vi, nhận thức của người dân trong việc không kết hôn muộn, không sinh con
muộn, sinh đủ hai con nhằm điều chỉnh mức sinh một cách hợp lý, ngăn chặn tình
trạng giảm sinh và tiến tới mức sinh thay thế.
Chi cục Dân số
kế hoạch hoá gia đình tỉnh tập huấn công tác truyền thông về dân số tại Trung tâm Y tế Biên
Hoà
Thứ hai, chính sách kiểm soát tình trạng mất cân bằng
giới tính khi sinh. Năm 2023, tỷ số giới tính khi
sinh ở Đồng Nai là 108 bé trai/100 bé gái, cao hơn mức cân bằng tự nhiên là
trong khoảng 103-107 bé trai/100 bé gái. Hiện nay, Đồng Nai có 655 số ấp, khu
phố đã đưa nội dung về kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh vào hương ước,
quy ước (chiếm 82,91% tổng số ấp, khu phố có hương ước, quy ước và chiếm 70,05%
tổng số ấp, khu phố). Vì vậy, có chính sách khen thưởng những ấp, khu phố đưa
nội dung về kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh vào hương ước, quy ước
nhằm động viên kịp thời những địa phương thực hiện tốt, tạo sự lan tỏa trong
cộng đồng, thay đổi hành vi của người dân về lựa chọn giới tính thai nhi.
Trung tâm Y tế Long Thành tập huấn kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh cho học sinh
Thứ ba, chính sách nâng cao chất lượng dân số. Người dân thuộc hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng bảo
trợ xã hội; sống tại vùng nhiễm chất độc dioxin, vùng đồng bào dân tộc thiểu số
khó tiếp cận với các dịch vụ sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh vì điều kiện
kinh tế. Mặt khác, Đồng Nai đang bước vào thời kỳ già hóa dân số với
339.448 người cao tuổi, trong đó người cao tuổi được cấp thẻ bảo hiểm y tế
300.031 người, chiếm 88,4% tổng số người cao tuổi. Số người cao tuổi được lập
hồ sơ theo dõi sức khỏe và khám sức khỏe định kỳ còn thấp (85.213 người, chiếm
25,1% trên tổng số người cao tuổi), cần có chính sách hỗ trợ, đẩy mạnh hoạt động
chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng.
Việc xây dựng và thực thi các chính sách khen thưởng, hỗ trợ
nêu trên, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu Nghị quyết số 21-NQ/TW của
Ban chấp hành Trung ương khóa XII; Nghị quyết số 137/NQ-CP của Chính
phủ về công tác dân số trong tình hình mới, Chiến lược dân số Việt Nam đến năm
2030 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Đức Thể