Vâng, vấn đề chính là "nên". Và để hỗ trợ cho việc XKLĐ, ngày 26 tháng 10 năm 2004, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1138/QĐ-TTg về việc cấp vốn ban đầu cho Quỹ hỗ trợ xuất khẩu lao động, trong đó quy định mức cho vay 80% tổng số chi phí cần thiết trong hợp đồng lao động, riêng đối tượng chính sách đi lao động tại Malaysia được vay vốn tối đa bằng 100% chi phí cần thiết ghi trong hợp đồng. Đối tượng được xét cho vay gồm: vợ ( chồng), con của thương binh liệt sỹ; thương binh, người hưởng chính sách như thương binh mất sức lao động 21% trở lên; con của Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng lao động, con của người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng được huân, huy chương kháng chiến, con của cán bộ hoạt động cách mạng trước tháng 8 năm 1945; NLĐ thuộc hộ nghèo theo danh sách các hộ nghèo ở địa phương.
Và thực tế, con số xuất khẩu lao động thực tế ở Đồng Nai từ năm 1995 đến nay là 4.800 người, nhưng có đến 4.000 người trong số đó là NLĐ do các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đưa đi học nghề nâng cao trình độ và tiếp thu công nghệ mới để về làm cho chính doanh nghiệp, còn lại số NLĐ đi nước ngoài làm việc có thời hạn ở nước ngoài thông qua các đơn vị xuất khẩu lao động chỉ có 800, trong đó 700 người đi Hàn Quốc, 30 người đi Đài Loan, 50 người đi Malaysia, còn lại 20 người đi các nước khác. Số lao động này chủ yếu đi trước năm 2000, những năm gần đây đi rất ít, từ năm 2003 đến nay chỉ đi khoảng 250 người.
Việc tạo điều kiện để đẩy mạnh XKLĐ là trách nhiệm của những ai? Về phía chính quyền tỉnh đã có sự hỗ trợ rất tích cực. Ngày 02 tháng 5 năm 2003 Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã có văn bản số 319/NHCSXH-KH hướng dẫn nghiệp vụ cho vay các đối tượng chính sách đi lao động có thời hạn ở nước ngoài. Sở Lao động-Thương binh&XH tỉnh cũng đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho các địa phương, đơn vị liên quan thực hiện. Nhưng, như con số thống kê đã nêu trên, tình hình XKLĐ gần đây có xu hướng giảm.
Vấn đề làm gì để tăng tỷ lệ XKLĐ lên hiện vẫn còn gây nhiều tranh cãi. Một số doanh nhân nhạy bén với thời cuộc đã "sờ" tới đối tượng lao động giúp việc để cung ứng cho thị trường Đài Loan, và họ đã ra tay. Việc đào tạo một số kỹ năng cho đối tượng này ( thường là phụ nữ) chiếm không nhiều thời gian, hơn nữa số lượng lại nhiều đáp ứng được nhu cầu của đối tác nước ngoài, có nghĩa là đã thành công về lợi nhuận.
Thế nhưng, nghe nhắc đến chuyện xuất khẩu lao động giúp việc, bản thân tôi, vâng, xin nhắc lại rằng đây chỉ là ý kiến cá nhân của người viết, vẫn cảm có chút gì đó không ổn. Tôi cũng xin được đính chính rằng tôi không có định kiến gì với đối tượng lao động này, vì họ là những người lao động chân chính, kiếm tiền một cách lương thiện từ mồ hôi nước mắt của mình. Rời quê hương, họ đi tha phương cầu thực, chỉ mong sau một số năm tuổi trẻ làm lụng cật lực, tích cóp được một số vốn liếng nho nhỏ để giúp đỡ gia đình, cho con cái đi học và có kế sinh nhai khi tuổi chiều xế bóng.
Thế nhưng, vâng, lại " thế nhưng", người Việt Nam mình có truyền thống hiếu học từ ngàn đời. Giờ đây, tạm gác bút nghiên, sang nước người để thực hiện kế mưu sinh. Trước đây đã có làn sóng xuất khẩu "cô dâu" sang Đài Loan làm tốn kém bao nhiêu là bút mực của giới báo chí, hậu quả gây nên làm lỡ dở hết bao cuộc đời son trẻ, bao đứa trẻ lai- mà hầu hết có bố là người khuyết tật hoặc thiểu năng trí não- đã được ra đời. Giờ đây, nếu lại thêm phong trào xuất khẩu Ô-shin thì có chắc là hiệu quả về kinh tế kia có gánh được hậu quả về xã hội không? Khách quan mà nói, loại hình XKLĐ này không có gì xấu, nhưng có lẽ nên có giới hạn về số lượng và có quy định chặt chẽ hơn về chất lượng. Thay vào đó, nên khuyến khích xuất khẩu lao động có kỹ thuật cao đi làm việc.
Trong năm 2005, riêng Trường Kỹ thuật và Công nghệ Lilama 2 đã thực hiện xuất khẩu được 48 học viên đi làm việc tại Hàn Quốc và Nhật Bản. Thực tế, đối tượng lao động này tuy chiếm số lượng không cao nhưng hiệu quả nhiều mặt là khá lớn. Họ không những được trả lương cao, nghĩa là giải quyết bài toán kinh tế cho bản thân và gia đình, mà phần đóng góp cho ngân sách cũng tăng tỷ lệ thuận. Khi về nước họ lại là lực lượng lao động kỹ thuật cao, đóng góp được nhiều cho sự nghiệp Công nghiệp hóa-Hiện đại hóa. Hiện tại, nhu cầu của các tập đoàn công nghiệp lớn về đối tượng lao động này là lớn hơn nhiều so khả năng cung của thị trường lao động . Như vậy, thay vì vắt óc nghĩ cách để tăng xuất khẩu lao động, nên chăng ngồi nghĩ ra cách đào tạo thật nhiều lao động kỹ thuật cao?
Kim Chung