Tại khoản 1, Điều 203, Bộ luật tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2015 quy
định thời hạn chuẩn bị xét xử các loại vụ án, trừ các vụ án được xét xử theo thủ
tục rút gọn hoặc vụ án có yếu tố nước ngoài, được quy định như sau:
“Đối với các vụ án giải quyết tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình được
quy định tại Điều 26 và Điều 28 BLTTDS năm 2015 thì thời hạn chuẩn bị xét xử là bốn tháng, kể từ ngày thụ lý vụ
án. Đối với những vụ án giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại và lao động
được quy định tại Điều 30 và Điều 32 BLTTDS năm 2015 thì thời hạn chuẩn bị xét
xử là hai tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án. Ngoài ra, đối với vụ án có tính chất
phức tạp hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan thì Chánh án Tòa án
có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử nhưng không quá 2 tháng đối
với vụ án giải quyết tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình; và không quá 01
tháng đối với vụ án giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại và lao động.”
Tuy nhiên trên thực tế hiện nay nhiều Tòa án nhân dân địa phương vẫn
còn lúng túng trong việc thụ lý và giải quyết các vụ án theo thủ tục tố tụng
dân sự, nhiều vụ án dân sự có thời hạn xét xử Tòa án giải quyết án kéo dài nhiều
năm, phải tạm đình chỉ giải quyết vụ án, tạm ngưng phiên tòa nhiều lần. Qua
theo dõi đối với một số đơn thư công dân gửi đến HĐND tỉnh có trường hợp vụ việc
đã kéo dài hơn 5 năm, 8 năm vẫn chưa được đưa ra xét xử. Mặc dù công dân đã có
nhiều đơn khiếu nại gửi đến Tòa án nhưng nội dung trả lời đơn của Tòa án vẫn
chưa rõ ràng, một số nguyên nhân, tồn tại dẫn đến vụ án kéo dài được đưa ra
như: do thay đổi thẩm phán, nguyên đơn của vụ án chết, chưa nhận được kết quả
thông tin đối với nội dung xác minh đã gửi UBND cấp huyện, cấp xã; có trường hợp
phải tạm đình chỉ vụ án để chờ kết quả cung cấp thông tin của các cơ quan hành
chính; thẩm phán, thư ký tiến hành tố tụng sẽ rút kinh nghiệm đối với việc không
gửi các quyết định gia hạn cũng như các quyết định tạm đình chỉ cho công dân
theo quy định… và rồi đề nghị công dân liên hệ trực tiếp Thẩm phán để theo dõi
việc thu thập tài liệu, chứng cứ và thực hiện quyền, nghĩa vụ liên quan; khi
nào đảm bảo điều kiện cần và đủ vụ án sẽ được đưa ra giải quyết.
Lãnh đạo TAND thành phố Long Khánh báo cáo liên quan đến công tác xét xử
vụ việc của công dân
Vì vậy, công dân không đồng
ý với kết quả trả lời của Tòa án và tiếp tục gửi đơn đến HĐND tỉnh kiến nghị xem
xét giúp đỡ để vụ án sớm được đưa ra xét xử. Sau khi xem xét nội dung đơn của
công dân, chia sẻ với những kiến nghị chính đáng của người dân, đồng chí Chủ tịch
HĐND tỉnh đã chỉ đạo Thường trực HĐND tỉnh có văn bản chuyển đơn và đề nghị
Chánh án Tòa án chỉ đạo thẩm phán sớm đưa vụ án trên ra xét xử và đề nghị thông
tin cho công dân và Thường trực HĐND tỉnh biết về thời gian dự kiến sẽ đưa vụ
án ra xét xử; đồng thời giao Ban pháp chế HĐND tỉnh tiếp tục theo dõi, giám sát
việc giải quyết các vụ việc trên.
Lãnh đạo Ban Pháp chế HĐND tỉnh làm việc
với các cơ quan tư pháp và UBND thành phố Long Khánh để giải quyết vụ việc của
công dân
Ngoài ra, qua giám sát của Ban Pháp chế HĐND tỉnh về việc
giải quyết một số đơn thư cụ thể của công dân cũng cho thấy, quá trình tiến
hành tố tụng của các cơ quan Tòa án, Viện kiểm sát vẫn còn một số tồn tại, hạn
chế như: Tòa án đã vi phạm về thời hạn chuẩn bị xét xử; nội dung bản án tuyên
chưa phù hợp với nội dung khởi kiện của nguyên đơn; việc phối hợp cung cấp
thông tin giữa Tòa án nhân dân và UBND cấp huyện trong quá trình xét xử các vụ
án dân sự là chưa chặt chẽ; Viện kiểm sát nhân dân chưa phát hiện những thiếu
sót của cơ quan tòa án, thi hành án mà đoàn giám sát đã chỉ ra; trong quá trình
tiếp nhận bản án, các cơ quan có thẩm quyền chưa chủ động kiến nghị, kháng nghị
dẫn đến bản án có hiệu lực pháp luật phải tổ chức thi hành án …Qua đó, đoàn
giám sát đã có những kiến nghị cụ thể đến Tòa án nhân dân hai cấp tổ chức kiểm
điểm rút kinh nghiệm trong quá trình giải quyết vụ án và kiến nghị Viện kiểm
sát nhân dân rút kinh nghiệm, tiếp tục tăng cường kiểm sát, kịp thời kiến nghị
khi phát hiện sai sót trong quá trình xét xử, thi hành án tại địa phương.
Như vậy có thể thấy, tình trạng các vụ án kéo dài quá lâu
cũng là một trong các lý do mang lại tâm lý e ngại cho người dân khi cần giải
quyết các tranh chấp dân sự phát sinh. Đây là vấn đề cần tiếp tục được các cơ
quan có thẩm quyền quan tâm chỉ đạo, có giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn
chế và nâng cao hiệu quả hoạt động xét xử của Tòa án trên địa bàn tỉnh, giúp
các vụ việc của người dân sớm được xem xét, giải quyết theo đúng quy định, hạn
chế tình trạng phát sinh đơn thư khiếu nại, kiến nghị kéo dài trong thời gian
tới./.
Ngọc Diệp