Khắc phục những bất cập sau hơn 12 năm thực hiện
Luật Tổ chức HĐND và UBND, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật giám sát
của Quốc hội và HĐND năm 2015 đã quy định cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn
của Tổ đại biểu HĐND cấp tỉnh, cấp huyện, trong đó có hoạt động giám sát, như
sau: “Tổ đại biểu HĐND giám
sát việc tuân theo Hiến pháp, pháp luật, văn bản của cơ quan Nhà nước cấp trên
và nghị quyết của HĐND cùng cấp trên địa bàn hoặc về các vấn đề do HĐND hoặc
Thường trực HĐND phân công”. Ngày 30/01/2019
Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV đã ban hành Nghị quyết số 629/2019/NQ-UBTVQH14
về việc hướng dẫn một số hoạt động của HĐND, trong đó có nội dung quy
định “Trong quá trình thực hiện
nhiệm vụ, quyền hạn của Tổ đại biểu HĐND, chữ ký của Tổ trưởng, Tổ phó Tổ đại
biểu HĐND là cơ sở xác nhận tính pháp lý của văn bản do Tổ đại biểu HĐND ban
hành”. Tiếp đó, Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15, ngày 12/9/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về hướng dẫn
hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, Ban HĐND, Tổ đại biểu HĐND và
đại biểu HĐND cũng đã hướng dẫn rõ thêm về hoạt động giám sát của Tổ đại biểu
HĐND, nhiệm
vụ của Tổ trưởng Tổ đại biểu, các thành viên Tổ đại biểu HĐND
trong hoạt động giám sát và quy định Thường trực HĐND phải thông báo mẫu chữ ký của Tổ
trưởng, Tổ phó Tổ đại biểu HĐND cùng cấp đến các cơ quan, đơn vị trên địa bàn
để xác nhận tính pháp lý của chữ ký đó.
Đây được đánh giá là bước tiến về mặt pháp lý giúp củng cố,
nâng cao vai trò hoạt động của Tổ đại biểu HĐND; qua đó giúp HĐND thực hiện có
hiệu quả chức năng giám sát, nhất là trong thời gian giữa 02 kỳ họp.
Căn cứ Nghị quyết số 26/NQ-HĐND ngày 09/7/2021 của Thường
trực HĐND tỉnh Đồng Nai, phân chia 81 đại biểu HĐND tỉnh khóa X thành 11 Tổ đại
biểu (tương ứng với 11 đơn vị hành chính cấp huyện) và phân công Tổ trưởng, Tổ
phó các Tổ đại biểu. Các Tổ đại biểu HĐND tỉnh có trách nhiệm triển khai thực
hiện hoạt động của Tổ đại biểu theo quy định của pháp luật.
Đến nay,
do có sự biến động đại biểu, một số Tổ đại biểu có ít thành viên hơn hoặc có sự
thay đổi thành viên so với đầu nhiệm kỳ, nhưng các Tổ đại biểu HĐND tỉnh vẫn
hoạt động, vận hành nhịp nhàng, đồng bộ, các thành viên trong Tổ có sự trao
đổi, phối hợp thống nhất thực hiện các hoạt động thường xuyên, đột xuất của Tổ
theo phân công, đảm bảo bố trí thời gian phù hợp tham gia các hoạt động chung
của Tổ.
Thời gian qua, với tư cách là một chủ thể thực hiện chức năng
giám sát, các Tổ đại biểu HĐND tỉnh đã chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch
cho hoạt động giám sát của Tổ. Từ đầu năm 2022 đến nay, các Tổ đại biểu HĐND
tỉnh đã tổ chức triển khai thực hiện hơn 18 cuộc khảo sát, giám sát về 15 nội
dung. Trong đó, các nội dung khảo sát, giám sát được Tổ đại biểu ưu tiên lựa
chọn là những vấn đề nóng phát sinh từ thực tiễn địa bàn được cử tri và nhân
dân quan tâm, giám sát kết quả thực hiện các kiến nghị sau
giám sát hoặc tái giám sát đối với những nội
dung đã được giám sát, kiến nghị nhưng chưa hiệu quả, còn tồn tại, hạn chế…;
đồng thời thực hiện giám sát 100% việc giải quyết kiến nghị của cử tri
trước, sau các kỳ họp thường lệ của HĐND tỉnh.
Tổ đại biểu Trảng Bom khảo sát tại xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom
Số lượng nội dung, chất lượng giám sát của các Tổ đại biểu được
Thường trực HĐND tỉnh xem xét là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh
giá hoạt động của các Tổ đại biểu cuối năm. Qua đó có thể thấy,
hoạt động giám sát của các Tổ đại biểu thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích
cực, sôi nổi, trách nhiệm hơn, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được phân công. Tuy
nhiên, không chỉ dừng lại ở đó, từ cuối năm 2022 đến nay, Thường trực HĐND tỉnh
còn đặc biệt quan tâm, muốn nâng cao, phát huy hơn nữa vai trò của các Tổ đại
biểu HĐND tỉnh - đây sẽ là cánh tay nối dài hoạt động giám sát của HĐND tỉnh,
giúp theo dõi, nắm thông tin kịp thời quá trình thực hiện pháp luật và nghị
quyết HĐND của các cơ quan, đơn vị hữu quan tại địa phương.
Cụ thể,
Thường trực HĐND tỉnh đã giao trực tiếp cho một số Tổ đại biểu tổ chức triển
khai giám sát đối với các thông tin phản ánh của cử tri và báo chí liên quan
đến công tác quản lý đất đai, xây dựng, xử phạt vi phạm hành chính tại phường
Bửu Hòa, thành phố Biên Hòa; xã Bình Lợi, huyện Vĩnh Cửu, xã Vĩnh Thanh, huyện
Nhơn Trạch, phường Phước Tân, thành phố Biên Hòa, xã Long An, huyện Long Thành;
tình trạng phân lô, bán nền tại xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom…; phối hợp theo
dõi giám sát kết quả giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân trên địa
bàn. Sau giám sát, các Tổ đại biểu đã
báo cáo kết quả về Thường trực HĐND tỉnh. Qua xem xét, Thường trực HĐND tỉnh đã
có văn bản đề nghị UBND tỉnh, các cơ quan, đơn vị liên quan chỉ đạo thực hiện
các kiến nghị của các Tổ đại biểu qua giám sát, đồng thời tiếp tục theo dõi,
đôn đốc kết quả thực hiện.
Tổ đại biểu Trảng Bom giám sát nội dung phản ánh của báo Sài Gòn Giải phóng theo chỉ đạo của Thường trực HĐND tỉnh
Trong quá
trình triển khai giám sát, với vai trò vừa là thành viên đoàn giám sát vừa là
lãnh đạo ngành, địa phương đã tạo điều kiện thuận lợi để các đại biểu HĐND tỉnh
có sự nắm bắt, đánh giá toàn diện tình hình địa bàn, giúp hoạt động giám sát
sâu, đúng trọng tâm, chỉ ra những tồn tại, hạn chế để kịp thời kiến nghị nâng
cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh.
Với yêu
cầu nhiệm vụ ngày càng cao, đòi hỏi hoạt động giám sát của HĐND luôn phải tiếp
tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả; đặc biệt sâu sát hơn trên nhiều địa
bàn, nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế xã hội, vì vậy Thường trực HĐND tỉnh
cho rằng việc tăng cường, phát huy vai trò, hiệu quả hoạt động giám sát của Tổ
đại biểu HĐND hiện nay cần được quan tâm thực hiện để đáp ứng được sự mong mỏi
của cử tri và nhân dân tại địa phương./.
Ngọc Diệp