Nhiệm vụ, quyền hạn của
Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh, huyện được quy định tại Điều 112, Luật Tổ chức chính quyền địa
phương năm 2015, cụ thể như sau: “Tổ đại biểu Hội dồng nhân dân giám sát việc
tuân theo Hiến pháp, pháp luật, văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên và nghị
quyết của Hội đồng nhân dân cùng cấp trên địa bàn hoặc về các vấn đề do Hội
đồng nhân dân hoặc Thường trực Hội đồng nhân dân phân công. Tổ đại biểu Hội
đồng nhân có trách nhiệm nghiên cứu tài liệu, chuẩn bị đóng góp ý kiến cho kỳ
họp Hội đồng nhân dân cùng cấp; tổ chức cho đại biểu Hội đồng nhân dân tiếp xúc
cử tri, thu thập ý kiến, kiến nghị của cử tri trước kỳ họp Hội đồng nhân dân và
để đại biểu Hội đồng nhân dân báo cáo với cử tri về kết quả kỳ họp sau kỳ họp
Hội đồng nhân dân.”
Căn cứ Nghị quyết số 26/NQ-HĐND ngày 09/7/2021 của Thường trực
HĐND tỉnh Đồng Nai, phân chia 81 đại biểu HĐND tỉnh khóa X thành 11 Tổ đại biểu
(tương ứng với 11 đơn vị hành chính cấp huyện), mỗi Tổ gồm 6 đại biểu, riêng tổ
Biên Hòa là 21 đại biểu và phân công Tổ trưởng, Tổ phó các Tổ đại biểu. Các Tổ
đại biểu HĐND tỉnh có trách nhiệm triển khai thực hiện hoạt động của Tổ đại biểu
theo quy định của pháp luật.
Đến nay, do có sự biến động
đại biểu, một số Tổ đại biểu có ít thành viên hơn hoặc có sự thay đổi thành
viên so với đầu nhiệm kỳ, nhưng các Tổ đại biểu HĐND tỉnh vẫn hoạt động, vận
hành nhịp nhàng, đồng bộ, các thành viên trong Tổ có sự trao đổi, phối hợp thống
nhất thực hiện các hoạt động thường xuyên, đột xuất của Tổ theo phân công, đảm bảo bố trí thời gian phù hợp tham gia các hoạt động chung của
Tổ.
Trong
những năm qua, Thường trực HĐND tỉnh đã từng bước quan tâm thực hiện các giải
pháp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của đại biểu HĐND tỉnh, Tổ đại biểu
HĐND tỉnh như: tăng cường phối hợp với Ban
công tác đại biểu tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng hoạt động cho các
đại biểu HĐND tỉnh; đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong
hoạt động của HĐND nhằm cung cấp thông tin cho đại biểu một cách hiệu quả, nhanh
chóng; mời Tổ trưởng Tổ đại biểu, các đại biểu tham dự phiên giải trình của
Thường trực HĐND tỉnh, khảo sát, giám sát của Thường trực, các Ban HĐND tỉnh
trên địa bàn và các cuộc họp liên quan đến hoạt động của HĐND tỉnh để nắm nội
dung, tạo điều kiện thuận lợi để các Tổ đại biểu trao đổi, có ý kiến đối với
các nội dung có liên quan đến trách nhiệm, những khó khăn, vướng mắc trong quá
trình thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời, Thường trực HĐND tỉnh còn định hướng,
hướng dẫn, điều hòa hoạt động của các Tổ đại biểu và đại biểu HĐND tỉnh tại các
phiên giải trình, thảo luận, chất vấn tại kỳ họp tạo không khí dân chủ trong hoạt
động của HĐND tỉnh, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành hoạt động của các
Tổ đại biểu HĐND tỉnh như: giao các Tổ đại biểu tổ chức giám sát đối với phản
ánh thông tin của báo chí, việc giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo của
công dân, giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri và các nội dung phát
sinh tại địa phương…
Kết
quả, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, dưới sự chỉ đạo của Thường trực HĐND tỉnh, các Tổ
đại biểu HĐND tỉnh đã triển khai hơn 22 cuộc khảo sát, giám sát về các nội dung
như: giám sát đối với các thông tin phản ánh của cử tri và báo chí liên quan
đến công tác quản lý đất đai, xây dựng, xử phạt
vi phạm hành chính tại thành phố Biên Hòa; huyện Vĩnh Cửu, Nhơn Trạch, Long
Thành; tình trạng phân lô, bán nền tại xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom, giám sát
công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư trên địa bàn huyện Tân Phú, Long
Thành, thành phố Long Khánh, giám sát kết quả thực hiện việc chăm lo, hỗ trợ
người lao động mất việc, tạm hoãn hợp đồng lao động trong dịp Tết Nguyên đán 2023 trên địa bàn
thành phố Long Khánh …Các Tổ đại biểu phối hợp tổ chức để các đại biểu thực hiện
09 đợt tiếp xúc cử tri nơi cư trú và trước, sau các kỳ họp thường lệ HĐND tỉnh.
Các đại biểu đã lắng nghe, ghi nhận những tâm tư, nguyện vọng của cử tri và tổng
hợp gửi về Thường trực HĐND tỉnh chuyển đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết,
trả lời và tiếp tục theo dõi, giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri
theo quy định. Qua đó có thể thấy, hoạt động của các Tổ đại
biểu thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực, sôi nổi, trách nhiệm hơn,
hoàn thành tốt các nhiệm vụ được phân công.
Tổ đại biểu Trảng bom khảo sát công trình cấp nước nước sạch tập trung
tại huyện Trảng Bom
Tuy
nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, nhìn nhận khách quan hoạt động của các
Tổ đại biểu HĐND tỉnh vẫn còn một số hạn chế nhất định, đó là: Trong hoạt động
giám sát của Tổ đại biểu có một số đại biểu kiêm nhiệm vừa là chủ thể thực hiện
giám sát, vừa là đối tượng chịu sự giám sát nên đôi lúc chưa thể hiện nét rõ vai
trò, trách nhiệm; hoạt động của một số ít Tổ đại biểu còn thiếu chủ động, chưa
phát huy hết vai trò, chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật; việc tổ
chức họp Tổ chưa thường xuyên; việc xây dựng kế hoạch và tổ chức các cuộc giám
sát của các Tổ đại biểu còn hạn chế, nội dung giám sát còn trùng lắp, chưa đa
dạng về nội dung; hoạt động tiếp dân, giám sát, đôn đốc giải quyết các kiến
nghị, khiếu nại, tố cáo của cử tri hiệu quả chưa cao; chưa có đề
xuất, kiến nghị về chương trình giám sát hàng năm của HĐND, Thường trực HĐND và
việc xây dựng, ban hành nghị quyết của HĐND …
Tổ đại biểu Trảng Bom giám sát công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư
Do đó, để góp phần nâng cao chất lượng hiệu
quả hoạt động của các Tổ đại biểu HĐND tỉnh cần tiếp tục thực hiện một số giải
pháp trọng tâm như sau: Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của Thường trực HĐND tỉnh
trong việc định hướng, điều hòa hoạt động các Tổ đại biểu HĐND; chỉ đạo các Tổ
đại biểu thực hiện hiệu quả hoạt động tiếp công dân, công tác tiếp xúc cử tri,
giám sát, chất vấn, thảo luận cụm tổ, thảo luận tại hội trường; chú trọng công
tác tập huấn bồi dưỡng nâng cao kỹ năng hoạt động của các Tổ đại biểu; đánh giá
đúng thực chất chất lượng hoạt động hàng năm của Tổ đại biểu và các đại biểu
HĐND tỉnh. Tăng cường công tác phối hợp của các
cơ quan, tổ chức, địa phương nơi Tổ đại biểu HĐND hoạt động để đại biểu thực
hiện tốt nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó, các Tổ đại biểu HĐND cũng cần chủ
động xây dựng kế hoạch, chương trình công tác hàng năm để triển khai thực hiện,
tích cực tham gia các hoạt động của HĐND; các đại biểu HĐND phải dành đủ thời
gian để thực hiện nhiệm vụ của đại biểu HĐND tỉnh theo quy định; tích cực tham
gia các hoạt động giám sát của HĐND và các cơ quan của HĐND tỉnh, tham gia các
hoạt động chung của Tổ đại biểu HĐND. Phát huy hơn nữa vai trò của Tổ trưởng Tổ đại
biểu tỉnh chủ động điều hành triển khai các nhiệm vụ của Tổ. Các đại
biểu trong Tổ cùng nỗ lực, trách nhiệm, tham gia đóng góp ý kiến đối với hoạt
động của Tổ đại biểu để hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ theo quy định.
Với
yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao, đòi hỏi hoạt động của HĐND nói chung và của các
Tổ đại biểu HĐND tỉnh nói riêng luôn phải không ngừng đổi mới, nâng cao chất
lượng, hiệu quả; đặc biệt sâu sát hơn trên nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế
xã hội gắn với từng địa bàn phụ trách, vì vậy Thường trực HĐND tỉnh cho rằng
việc tăng cường, phát huy vai trò, hiệu quả hoạt động của Tổ đại biểu HĐND hiện
nay cần được quan tâm chỉ đạo thực hiện đồng bộ trong thời gian tới./.
Ngọc Diệp