Phong trào "Ðền ơn đáp nghĩa"

Đăng ngày: 15/08/2011
Phong trào "Ðền ơn đáp nghĩa"
Lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh
Cuộc chiến đấu của nhân dân ta chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ để giành, giữ độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc đã phải chịu những tổn thất vô cùng to lớn: Hàng triệu người con ưu tú của Tổ quốc đã ngã xuống hoặc mang thương tật suốt đời, nhiều người còn mang trong mình hậu quả của chất độc màu da cam. Xuân về, Tết đến nhiều nhà không được hưởng trọn niềm vui sum họp, vì con em họ đi mãi không về. Sự hy sinh của các liệt sĩ, sự mất mát của thương binh, người có công với cách mạng vì dân tộc, vì đất nước là vô giá! Ðảng, Nhà nước, và nhân dân ta ghi nhớ mãi mãi sự cống hiến to lớn đó!

    Thể hiện truyền thống và đạo lý của dân tộc "Uống nước nhớ nguồn", "Ăn quả nhớ người trồng cây", Ðảng, Nhà nước đã sớm xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách, chế độ ưu đãi đối với thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng. Trong điều kiện nền kinh tế đất nước còn khó khăn, phải chăm lo đầu tư phát triển, xóa đói, giảm nghèo. Hàng năm Nhà nước đã dành hàng nghìn tỷ đồng từ ngân sách bảo đảm cuộc sống cho hàng triệu người có công, nhất là các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, thân nhân liệt sĩ, thương binh nặng,  nạn nhân chất độc da cam... Thông qua Pháp lệnh Ưu đãi người có công, Ðảng, Nhà nước và nhân dân ta khẳng định: Bảo đảm cuộc sống gia đình chính sách được bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của nhân dân nơi cư trú, được cải thiện theo đà tăng trưởng kinh tế- xã hội của đất nước.

    Trên địa bàn tỉnh Đồng Nai năm 2009, phong trào "Ðền ơn đáp nghĩa" ngày càng phát triển và mở rộng, như nhận phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; chăm sóc bố, mẹ liệt sĩ già yếu, đơn thân; đỡ đầu dạy nghề, tạo việc làm cho con liệt sĩ, con thương binh, chăm sóc thương binh nặng tại gia đình và cộng đồng; xây dựng và sửa chữa 295 căn nhà tình nghĩa, tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa, xây dựng Quỹ Ðền ơn đáp nghĩa khoảng 3.800 triệu đồng (qua 04 năm từ năm 2006-2009 đã huy động 24 tỷ đồng quỹ đền ơn đáp nghĩa). Tổng trị giá các hoạt động tình nghĩa lên đến hàng nghìn tỷ đồng, đem lại điều kiện sống ngày càng tốt hơn đến các gia đình chính sách, đồng thời mang đến ngọn lửa ấm nghĩa tình, của sự biết ơn và kính trọng của nhân dân ta đối với sự hy sinh vô giá của các Anh hùng liệt sĩ vì nền độc lập, tự do và thống nhất đất nước. Trong sự chăm lo của Nhà nước và xã hội, nhiều tập thể thương binh, các thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, người có công với cách mạng đã vượt khó vươn lên, trở thành những người sản xuất, kinh doanh giỏi, đồng thời thường xuyên giúp đỡ nhau trên tình đồng chí, đồng đội, phấn đấu là người công dân kiểu mẫu, gia đình cách mạng gương mẫu, là nhân tố, điển hình mới trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bài học quý được rút ra từ công tác thương binh, liệt sĩ những năm qua là: Thu hút và tổng hợp các nguồn lực từ Nhà nước, cộng đồng xã hội, sự năng động vượt khó của bản thân các đối tượng chính sách để bảo đảm cuộc sống vật chất và tinh thần cho hàng triệu người có công với đất nước và cách mạng. Công tác thương binh, liệt sĩ ngày càng vững chắc ở thế "kiềng ba chân", cùng với hiệu quả tốt của công tác xóa đói, giảm nghèo và giải quyết việc làm, đã góp phần ổn định chính trị - xã hội, tạo điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh công cuộc đổi mới đất nước, dưới sự lãnh đạo của Ðảng. Ổn định và nâng cao được mức sống của người có công là nhân tố cơ bản bảo đảm an sinh xã hội đất nước. Càng giá trị hơn, khi cả nước hiệp lực chống lạm phát và chống suy giảm kinh tế trong điều kiện bị tác động xấu bởi cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu.

    Trong thời gian qua việc thực hiện chính sách đối với người có công trên địa bàn tỉnh là tốt. Tỉnh tiếp nhận, quản lý, giải quyết 47.111 hồ sơ: đối tượng thương binh,liệt sỹ, lão thành cách mạng, tiền khởi nghĩa, truy và phong tặng danh hiệu Bà mẹ VNAH…các chế độ được thực hiện nghiêm túc và kịp thời. Tuy nhiên, về công tác quản lý mộ liệt sĩ, đối với các phần mộ liệt sĩ đưa về gia đình quản lý, hiện nay có những mộ đã xuống cấp (do gia đình liệt sĩ gặp nhiều biến động như cha mẹ mất, anh em ly tán…). Thực trạng này đòi hỏi sự rà soát của chính quyền địa phương để có biện pháp kịp thời di dời mộ liệt sĩ vào nghĩa trang để được chăm sóc chu đáo hơn.

    "Uống nước nhớ nguồn" là nét đẹp truyền thống nhân nghĩa của đất nước và nhân dân ta, là tình cảm và trách nhiệm của Ðảng, Nhà nước và cộng đồng xã hội đối với những cống hiến và hy sinh to lớn của thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng. Thực hiện tốt công tác “Đền ơn đáp nghĩa” chăm sóc thương binh, liệt sĩ là góp phần tạo sự ổn định về chính trị - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, đẩy nhanh sự nghiệp đổi mới đất nước, xứng đáng với sự hy sinh to lớn của các Anh hùng liệt sĩ, thương binh và người có công với cách mạng, đã có những chiến công hiển hách trong thời chiến đã để lại sự ấm no hạnh phúc cho nhân dân ta ngày nay.

Kim Ngọc