 |
Đại biểu HĐND tỉnh gặp gỡ và trao đổi với cử tri có ý kiến trái ngược nhau |
Có hai lý do dẫn đến việc xảy ra trong tình huống này, đó là do cử tri không thống nhất quan điểm về một vấn đề do mẫu thuẫn về quyền lợi cá nhân hoặc cử tri không thống nhất quan điểm do nhận thức khác nhau. Tùy từng trường hợp, đại biểu phải có quan điểm cá nhân cũng như thể hiện nhận thức của mình và thông tin đến cử tri những vấn đề có liên quan để định hướng đối với nhận thức của cử tri. Trường hợp không thể dung hòa hai luồng ý kiến trái ngược nhau mới chọn giải pháp cuối cùng là chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền đề nghị xem xét, trả lời.
Giải quyết tình huống trong trường hợp có mâu thuẫn về quyền lợi giữa cử tri, đại biểu nên đề nghị cử tri dừng tranh luận về vấn đề để bố trí gặp cử tri trong các buổi tiếp công dân theo quy định nhằm tránh mất thời gian của hội nghị tiếp xúc vì vấn đề mà cử tri phản ánh chỉ mang tính riêng lẻ, không đại diện cho lợi ích của cộng đồng dân cư nơi cư trú. Tuy nhiên cũng cần xác định là việc đề nghị cử tri dừng việc tranh luận là việc làm khó đòi hỏi người đại biểu phải thực sự là người có năng lực hoạt động đại biểu, có uy tín, khả năng thuyết phục và phải biết khơi dậy, tranh thủ được sự đồng thuận từ số đông các cử tri khác với đại biểu trong hội nghị tiếp xúc. Thực tế đã chứng minh nhiều trường hợp chính cử tri phản bác một cách rất thuyết phục ý kiến của cử tri khác mà chưa cần đến vai trò của người đại biểu bởi nhiều trường hợp cử tri này hiểu cử tri khác hơn đại biểu do đó tránh được tình trạng biến hội nghị tiếp xúc cử tri thành nơi cãi vã giữa một số cá nhân.
Trong tình huống cử tri không thống nhất quan điểm do nhận thức khác nhau, đại biểu phải có quan điểm của mình một cách thuyết phục, phải xem xét cử tri thuộc hai luồng ý kiến khác nhau đó có những điểm khác nhau cơ bản nào (như đặc điểm phong tục tập quán, thời gian sinh sống tại địa bàn, trình độ nhận thức…) để xử lý vấn đề cho phù hợp.
Theo quy định cũng như thực tế thì UBND có trách nhiệm cử người cùng tham gia tiếp xúc cử tri với đại biểu HĐND do đó giải quyết vấn đề này, đại biểu cũng cần đề nghị đại diện UBND có ý kiến để thông tin đến cử tri. Sau khi có ý kiến của UBND thì đại biểu thể hiện quan điểm cá nhân mình. Giải quyết tốt tình huống này đòi hỏi người đại biểu phải là người thực sự có năng lực; bảo vệ vấn đề đúng nhưng không được phép để cho cử tri hiểu lệch lạc vì cho rằng đại biểu đứng về một phía quan điểm vì những lý do cá nhân.
Là người đại diện cho ý chí nguyện vọng của nhân dân, đại biểu không chỉ là người biết lắng nghe mà còn phải hiểu và chia sẻ với cử tri về những vấn đề mà cử tri quan tâm, là người tuyên truyền, giải thích về các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến những người đã bầu ra mình. Để làm tốt chức trách được giao, bên cạnh những yêu cầu chung, người đại biểu cũng cần phải tự đặt ra các tình huống có khả năng phát sinh trên thực tế từ đó giải quyết tình huống đó để chủ động và ngày càng nâng cao chất lượng hoạt động của mình đáp ứng với sự mong muốn và tin tưởng của cử tri.
Nguyễn Thị Oanh