Những khó khăn, vướng mắc trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo

Đăng ngày: 15/08/2011
Giải quyết khiếu nại, tố cáo luôn là một nhiệm vụ phức tạp của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Yêu cầu của công tác giải quyết khiếu nại tố cáo là đúng pháp luật, tuy nhiên trong thực tế hiện nay thì chính việc một số quy định của pháp không hoàn chỉnh hoặc không thống nhất như hiện nay đã gây không ít khó khăn cho công tác này.
Tổ chức đối thoại với công dân trong giải quyết KNTC
Vướng mắc lớn nhất hiện nay đó là việc không thống nhất giữa cơ quan Hành pháp và Tư pháp trong việc phân định thẩm quyền giải quyết khiếu nại, khởi kiện hành chính liên quan đến đất đai giữa UBND các cấp và Tòa án nhân dân. Trong khi cơ quan Hành pháp cho rằng công dân có quyền khởi kiện quyết định hành chính lần hai thì cơ quan Tư pháp lại không công nhận và không thụ lý đơn khởi kiện này. Điều này gây khó khăn cho nhân dân trong việc thực hiện quyền khiếu nại. Nhằm tháo gỡ vấn đề, UBND tỉnh đã có văn bản xin ý kiến Thanh tra Chính phủ và nhận được văn bản trả lời số 1871/TTCP-PC ngày 11/8/2009 với quan điểm cho rằng Luật khiếu nại tố cáo có giá trị cao hơn pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính đồng thời ban hành sau Luật đất đai nên phải áp dụng theo quy định của Luật khiếu nại tố cáo để giải quyết. Tuy nhiên vấn đề này chưa có sự thống nhất giữa các cơ quan Trung ương mà chỉ là quan điểm của riêng Thanh tra Chính phủ nên việc giải quyết ở địa phương vẫn tiếp tục … vướng. Để giải quyết vấn đề này, Thường trực Tỉnh ủy đã chỉ đạo cho Đảng đoàn HĐND tỉnh có sự lãnh đạo và giao nhiệm vụ cho Thường trực HĐND tỉnh tổ chức họp với các ngành có liên quan để thống nhất việc giải quyết trong phạm vi tỉnh; đối với những vấn đề vượt quá thẩm quyền thì kiến nghị với các ngành Trung ương hướng dẫn xử lý tránh tình trạng kéo dài hay phát sinh tư tưởng cho rằng các cơ quan nhà nước đùn đẩy trách nhiệm trong nhân dân.

Trình tự, thủ tục giải quyết đơn xin đòi lại đất đai, tài sản hiện nay cũng còn có sự nhận thức khác nhau giữa các địa phương về hình thức văn bản giải quyết (có nơi ban hành quyết định, có nơi ban hành văn bản trả lời) do đó cũng cần được hướng dẫn để thực hiện một cách thống nhất.

Một khó khăn có thể nói là tương đối phổ biến hiện nay, đó là việc đơn đã được giải quyết theo đúng quy định của pháp luật, đã có quyết định cuối cùng hoặc lần hai nhưng công dân vẫn không đồng ý với nội dung giải quyết và tiếp tục có đơn gửi đến nhiều cấp, nhiều ngành kể cả Trung ương và địa phương và không cung cấp được những tình tiết mới. Lượng đơn này tiếp tục được các cơ quan chuyển về địa phương đề nghị xem xét, trả lời cho cơ quan chuyển đơn và người khiếu nại do đó gây mất nhiều thời gian của cơ quan có thẩm quyền để xử lý.

Việc người khiếu nại không hợp tác với cơ quan có thẩm quyền trong giải quyết vẫn tiếp tục xảy ra. Nhiều trường hợp cơ quan thụ lý đơn mời nhiều lần nhưng người khiếu nại không đến (thậm chí trả lại giấy mời làm việc) hoặc đến làm việc nhưng không ký vào biên bản. Khi gặp trường hợp này, một số cơ quan tham mưu giải quyết đề nghị xếp hồ sơ tuy nhiên Luật khiếu nại tố cáo và các văn bản hướng dẫn không đề cập đến tình huống này nhưng nếu vẫn thụ lý giải quyết thì không có cơ sở, không đảm bảo trình tự theo quy định.Vấn đề này cũng cần phải được tiếp tục hướng dẫn để tạo thuận lợi cho các địa phương trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo hiện nay.

Nguyễn Thị Oanh