Hội đồng nhân dân hiệu quả

Đăng ngày: 15/08/2011
Hội đồng nhân dân hiệu quả được đảm bảo bởi việc Hội đồng nhân dân đó có những đại biểu hoạt động có hiệu quả, các ban HĐND, các tổ đại biểu HĐND hiệu quả, có Thường trực HĐND hiệu quả và thực hiện tốt vai trò của mình trong sự gắn kết các tổ chức và đại biểu hiệu quả đó.
Tổ chức tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, một cách thức nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND
Sự gắn kết thể hiện qua việc điều hành tại kỳ họp để có một HĐND thống nhất và thực hiện nhiệm vụ theo đúng quy định của pháp luật, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương; định hướng trong hoạt động thường xuyên cho các đại biểu; cung cấp thông tin cho đại biểu; tạo điều kiện để các đại biểu trao đổi thông tin về Thường trực HĐND. Hiệu quả của HĐND được đánh giá bằng kết quả giám sát và quyết định các vấn đề tại kỳ họp HĐND.

Trong hoạt động giám sát, để đánh giá về kết quả của hoạt động giám sát không yêu cầu nặng về số lượng giám sát bao nhiêu mà là giám sát vấn đề gì, giám sát như thế nào và tác động của hoạt động giám sát đó đối với sự phát triển kinh tế xã hội và ổn định an ninh quốc phòng như thế nào. Tại các kỳ họp thường lệ, HĐND được nghe báo cáo về kết quả hoạt động giám sát mà thông tin cần chuyển tải đến đại biểu và cử tri trong báo cáo này phải bao gồm cả số lượng và chất lượng giám sát. Giám sát bao nhiêu nội dung, có bao nhiêu kiến nghị đã được đưa ra sau giám sát; bao nhiêu kiến nghị được đơn vị chịu sự giám sát tiếp thu thực hiện, hoạt động giám sát đó giúp gì cho đại biểu trong việc quyết định các vấn đề tại Kỳ họp và tác động của hoạt động giám sát đó đối với địa phương như thế nào. Kiến nghị sau giám sát phải thể hiện cho được lý do tại sao các đoàn giám sát đưa ra kiến nghị đó, tuyệt đối tránh kiến nghị mang tính chung chung gây khó khăn cho đơn vị được kiến nghị trong việc xác định mình phải thực hiện như thế nào, tại sao phải thực hiện, thực hiện với mức độ như thề nào, trong khoảng thời gian nào.

Trong thực tế thì HĐND mỗi cấp, mỗi địa phương trong triển khai hoạt động giám sát không hoàn toàn giống nhau cả về số lượng và về nội dung vì vấn đề này còn phụ thuộc vào khả năng của đại biểu của HĐND đó, tình hình thực tế của địa phương đó và cấp của HĐND đó. Đơn cử như việc giám sát việc thực hiện quy chế Dân chủ, đối với HĐND cấp tỉnh, cấp huyện có thể giám sát toàn bộ nội dung nhưng đối với cấp xã, phường chỉ nên chọn một vài nội dung xác định là cần thiết (chẳng hạn chỉ giám sát việc công khai những việc dân biết, dân kiểm tra) để đảm bảo nội dung giám sát không dàn trải, không vượt  quá khả năng của HĐND.

Trong quyết định các vấn đề tại kỳ họp, hiệu quả của HĐND trong quyết định các vấn đề tại kỳ họp thể hiện bằng việc quyết nghị đó khi triển khai thực hiện trong thực tế có gặp những khó khăn, vướng mắc hay không ? Những khó khăn vướng mắc đó đã được dự liệu và đưa ra hướng tháo gỡ thể hiện trong quyết nghị của HĐND như thế nào ? Nếu như việc triển khai thực hiện có khó khăn không thể hoàn thành về nội dung cũng như thời gian hoặc không thể triển khai thực hiện thì có thể đánh giá rằng ở một lĩnh vực, khía cạnh nào đó, HĐND đó là một HĐND không hiệu quả.

Tuy nhiên, từ đây đặt ra một vấn đề: Như vậy có phải HĐND chỉ quyết định những vấn đề khi nhận thấy việc thực hiện là chắc chắn, còn những vấn đề việc thực hiện khó khăn, những vấn đề mang tính đổi mới, sáng tạo thì HĐND sẽ không quyết để ... an toàn là một HĐND hiệu quả ? Nếu quan niệm và thực hiện như vậy thì việc không quyết định của HĐND sẽ gây nên tác hại lớn cho địa phương và cho xã hội, làm kìm hãm sự phát  triển bởi lẽ có những vấn đề phải do HĐND quyết định mới được cụ thể hoá và triển khai thực hiện. Đối với những trường hợp này thì mỗi người đại biểu và HĐND phải thể hiện tầm của mình. Trong thực tế thì việc cơ quan có thẩm quyền trình một vấn đề nào đó ra HĐND nhưng sau đó khi không trả lời được hàng loạt các câu hỏi «tại sao», «như thế nào» ... của đại biểu tại kỳ họp HĐND thì đơn vị trình xin rút nội dung ra khỏi chương trình kỳ họp hoặc HĐND vẫn quyết nhưng là quyết không thông qua không phải là những trường hợp hiếm gặp.

Trong việc quyết định, bên cạnh trách nhiệm và năng lực của các đại biểu  thì vai trò của Thường trực và các Ban HĐND cũng có tầm quan trong không kém trong việc định hưóng cho các đại biểu HĐND trước khi quyết định thông qua báo cáo thẩm tra và điều hành kỳ họp của Chủ toạ. Theo quy định thì các vấn đề quyết định tại kỳ họp có giá trị trở thành một Quyết nghị để triển khai thực hiện nếu như đạt được tỷ lệ đại biểu nhất trí tán thành theo quy định. Đặt ra giả thiết nếu như vấn đề đưa ra quyết định tại kỳ họp không đạt được tỷ lệ đại biểu tán thành cần thiết thì HĐND đó có hiệu quả hay không ? Câu trả lời là có thể có mà cũng có thể là không. Trong trường hợp này thì Thường trực với vai trò Chủ toạ phải đưa ra quan điểm định hướng của mình với những phân tích lập luận về tính cần thiết hay không cần thiết, đúng hay sai và tại sao. Vẫn là một HĐND hiệu quả nếu như lý do mà các đại biểu không tán thành hoặc tán thành không cao là đúng, là vì lợi ích chung, không vì theo số đông, không vì một «cái tôi» nào đó, ở đây vấn đề thể hiện mối liên hệ mật thiết đến cái tâm, cái tầm của người đại biểu HĐND hiệu quả.

Vai trò của Thường trực HĐND trong việc xử lý các vấn đề phát sinh trong thời gian giữa hai kỳ họp cũng là một khía cạnh thể hiện hiệu quả của HĐND. Trong trường hợp này, khi UBND xin ý kiến về một vấn đề nào đó thì Thường trực HĐND (có từ 2 đến 3 người tuỳ theo từng cấp) sẽ quyết định theo tập thể để đại diện cho một tập thể lớn hơn, đó là HĐND để UBND cùng cấp có cơ sở triển khai thực hiện những vấn đề phát sinh cho kịp thời. Với vai trò là «Thường trực» của HĐND, Thường trực HĐND sẽ phải sáng suốt trong quyết định vấn đề, phải thể hiện vai trò đại diện của đại diện và cần sự tham mưu, giúp việc rất lớn của bộ phận Văn phòng.

Có nhiều yêu cầu đặt ra cho HĐND hiệu quả trong khi quyền đi liền với nghĩa vụ, trách nhiệm của đại biểu HĐND lại là phần rất nhỏ bé. Tuy nhiên đã tình nguyện làm một người đại biểu dân cử thì vấn đề không chỉ là được gì cho riêng mình mà còn là được gì cho cộng đồng, cho những người mà mình đại diện để mỗi đại biểu yên tâm phấn đấu trở thành một đại biểu HĐND hiệu quả từ đó xây dựng nền tảng cho một HĐND, cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương hiệu quả.

Nguyễn Thị Oanh