Về nơi “cánh cửa thép” ngày xưa

Đăng ngày: 15/08/2011
Những ngày tháng tư lịch sử, chúng tôi về thị xã Long Khánh, nơi đã một thời được chính quyền Ngụy xây dựng phòng tuyến Xuân Lộc (tỉnh Long Khánh) trở thành “cánh cửa thép” chốt chặt hướng đông, nơi đặt niềm hy vọng cuối cùng để tiến vào đô thành Sài gòn, sào huyệt cuối cùng của chính quyền Sài Gòn. Về lại vùng đất lịch sử để thấy được sự đổi thay trên quê hương cách mạng, thấy những trăn trở của vùng đất một thời là chảo lửa chiến tranh...
Cánh cửa thép bị đánh sập

Lịch sử đã ghi lại vào ngày 9-4-1975, trận đánh Xuân Lộc đã mở màn cho cuộc tấn công đánh vào cánh cửa thép để 12 ngày sau, ngày 21-4-1975, cánh cửa thép Xuân Lộc- chốt bảo vệ Sài Gòn về hướng đông đã phải mở toang, mở màn cho những thất bại tiếp theo của Nguỵ quyền Sài Gòn, cứu cánh cuối cùng của Mỹ ở Việt Nam.

Trở lại Long Khánh trong những ngày này mới chỉ chớm đầu mùa mưa nhưng sự xanh tươi của cây cối, màu đỏ ối của đất đỏ bazan và những nhà vườn chôm chôm, sầu riêng chuẩn bị vào mùa làm nao nao lòng người. Đến nơi đây vào những ngày này nói về các đặc sản trái cây thì ngay cả đứa trẻ cũng trả lời vanh vách nhưng khi chúng tôi muốn hỏi về một thị xã Xuân Lộc, nơi có chiến thắng Xuân Lộc, thủ phủ của tỉnh Long Khánh trước đây và nhất là vị trí mà địch đã ném 2 quả bom CBU thì thật ít người biết. Chú Hai Nở, người đã là chính trị viên phó thị đội Long Khánh đơn vị vũ trang địa phương có nhiệm vụ tiêu diệt địch, giải phóng các vùng ven Long Khánh, tạo điều kiện cho quân chủ lực tấn công vào tỉnh lỵ nói rằng: “lẽ ra phải gọi cho chính xác là “cánh cửa thép” Long Khánh hoặc phòng tuyến Long Khánh thay vì gọi là phòng tuyến Xuân Lộc, “cánh cửa thép” Xuân Lộc như từ trước đến giờ. Bởi chỉ có ngay ở cái thị xã Long Khánh (thị xã bây giờ) mới diễn ra trận chiến kéo dài suốt 12 ngày đêm giữa sư đoàn 341, sư đoàn 7 của Quân đoàn 4; sư đoàn 6 chủ lực của Quân khu 7 với các sắc lính thiện chiến của quân đội Thiệu mới diễn ra”. Trầm ngâm 1 chút chú Hai Nở thở dài rồi nói: “nhiều anh em ở đơn vị tôi ngã xuống khi tuổi còn trẻ, chưa người yêu, chưa vợ con…” rồi chú kể tiếp: “từ khi chiến dịch giải phóng miền Nam bắt đầu, cấp trên đã xác định, tỉnh Long Khánh cách Sài gòn gần trăm cây số là cửa ngõ quan trọng. Cả ta và địch đều hiểu được điều này. Địch đã dựng lên ở đây một phòng tuyến với hoả lực và bộ binh rất mạnh, không đánh gục cửa ngõ này, mũi tấn công vào Sài Gòn của ta sẽ vô cùng khó khăn…Xác định tầm quan trọng này, ngày 9-4-1975, chiến dịch Xuân Lộc bắt đầu, đây là trận chiến vô cùng ác liệt, nếu cả chiến dịch Huế, Đà Nẵng trước đó đại quân ta chỉ mất có 9 ngày từ 21 đến 29-3-1975 để hoàn thành chiến thắng thì trận Xuân Lộc, Long Khánh ta phải mất trọn vẹn 12 ngày từ 9-4 đến 21-4-1975 mới hạ gục, mở toang được cánh cổng thép mà Nguỵ quyền dựng lên ở cái thị xã nhỏ bé này, góp phấn to lớn, thông đường cho quân ta tiến về giải phóng Sài Gòn…

Và đô thị mới Long Khánh hôm nay

Huyện Xuân Lộc trước đây có diện tích rất lớn, sau mới tách ra thành hai: huyện Xuân Lộc (cách thị xã Long Khánh hơn 10 km) và thị xã Long Khánh, nơi đã từng diễn ra cuộc chiến ác liệt trước khi quân ta vào giải phóng Sài Gòn. Long Khánh đã từng bị bom đạn chiến tranh cày đi xới lại, hậu quả chiến tranh còn khá nặng nề cách đây hơn chục năm nhiều ngôi nhà vẫn còn lỗ chỗ vết đạn, 20% người dân còn lâm cảnh đói nghèo, nay con số này chỉ còn dưới 2% (theo chuẩn mới của Đồng Nai, dân cư đô thị thu nhập bình quân dưới 650.000 đồng/người/tháng và nông thôn dưới 450.000 đồng/người/tháng). Từ năm 2005 đến nay, thu nhập bình quân đầu người của Long Khánh đều đạt trên 9,4 triệu đồng/năm. Nguồn thu của người dân từ cà phê, cao su, cây ăn trái tăng đáng kể do thị trường khá ổn định. Long Khánh đang chuyển đổi cơ cấu kinh tế bên cạnh thế mạnh là cây công nghiệp, Long Khánh đã phát triển kinh tế công nghiệp, mở rộng thương mại dịch vụ. 3 doanh nghiệp lớn có vốn đầu tư nước ngoài và hàng chục dự án nhỏ đã đầu tư hoạt động tại Long Khánh, trong đó có nhà máy sản xuất đồ hộp rau quả xuất khẩu được ứng dụng những thành quả mới của KH&CN, giúp cho bà con nông dân yên tâm vì có đầu ra ổn định và bảo quản tốt rau quả sau thu hoạch…

Công tác đền ơn đáp nghĩa được quan tâm để nhớ về quá khứ, hướng đến tương lai. Hàng năm, các ban, ngành thị xã đều quan tâm xây dựng nhà tình nghĩa cho các gia đình chính sách không có khả năng làm nhà, hỗ trợ kinh phí từ 6 đến 10 triệu đồng cho các đối tượng chính sách sửa nhà, xây dựng nhà tình thương; chỉnh trang nâng cấp nghĩa trang liệt sỹ với kinh phí hàng tỷ đồng. Hơn 3000 mộ liệt sỹ xếp đều tăm tắp như hàng quân trước ngày vào trận, nghĩa trang liệt sỹ toả ngát khói hương. Anh Vũ Lộc, quản trang nói: “trên mảnh đất miền Nam này, đâu đâu cũng có mộ liệt sỹ vô danh, nhưng ở đây liệt sỹ vô danh rất nhiều. Chính quyền thị xã tạo mọi điều kiện cho thân nhân đến thăm viếng mộ. Còn với tôi được chăm sóc phần mộ các anh tôi rất tự hào vì sự ngã xuống của các anh đã cho chúng tôi cũng như các thế hệ sau một màu xanh bình yên và quê hương no ấm. Nhiều thân nhân từ ngoài Bắc vô thăm mộ muốn xin di dời nhưng Nhà nước chưa có chủ trương, chúng tôi chỉ biết giải thích cho bà con. Khi ra về, bà con thấy rằng con em mình nằm lại Long Khánh vẫn được hương khói đầy đủ nên họ cũng vui vẻ…”

Long Khánh, vùng đất nằm ngay ngã 3 giao thương (quốc lộ 1, thành phố Hồ Chí Minh- Hà Nội; quốc lộ 20 thành phố Hồ Chí Minh –Đà Lạt; tỉnh lộ 2 Long Khánh- Bà Rịa Vũng Tàu) với đầy tiềm năng phát triển kinh tế thương mại, du lịch kết hợp với du lịch “về nguồn” mà chưa thực sự được phát huy. Rời Long Khánh đi giữa rừng cao su bạt ngàn và màu xanh cây trái, chúng tôi nhớ lại câu chuyện cách đây hơn ba mươi năm, đồng chí Nguyễn Thanh Ngạn, thay mặt Thị ủy trao lá cờ của Mặt trận giải phóng cỡ lớn cho mũi thọc sâu của Quân đoàn 2 trước khi vào giải phóng Sài Gòn. Lá cờ ấy mang trọn niềm tin của người dân Xuân lộc, Long Khánh trong mùa xuân đại thắng mà vẫn tung bay trong trái tim mỗi người dân Long Khánh hôm nay. Với niềm tin trọn vẹn chúng tôi tin rằng thị xã này tiếp tục có những đổi thay hơn nữa để làm yên lòng những người con đã ngã xuống vì cánh cửa thép ngày nào.

Long Khánh tháng 4-2009-N.Trinh