Chương trình hoạt động trọng tâm của HĐND tỉnh liên quan đến công tác tư pháp năm 2009 - 2010

Đăng ngày: 15/08/2011
Nhằm định hướng cho hoạt động của các cơ quan Tư pháp trong hai năm 2009-2010, Thường trực tỉnh ủy đã chỉ đạo các cơ quan Tư pháp xây dựng chương trình hành động. Với chức năng là cơ quan quyền lực nhà nuớc ở địa phương, HĐND tỉnh cũng có chương trình hoạt động liên quan đến công tác tư pháp. Theo nội dung chương trình đã đề ra, tập trung vào một số nội dung cụ thể như sau:
Giám sát của Ban Pháp chế tại Công an tỉnh
Trong giám sát, Thường trực và Ban Pháp chế HĐND tỉnh tổ chức các đoàn giám sát về việc thực hiện nhiệm vụ trong công tác điều tra, truy tố, xét xử, và các hoạt động bổ trợ khác của các cơ quan Tư pháp. Hoạt động giám sát phải đảm bảo xem xét hoạt động định kỳ của các cơ quan tư pháp nhưng có chú trọng đến những hoạt động thường xuyên, đột xuất, những vấn đề mang tính chất sự vụ trong những thời gian, thời điểm nhất định được dư luận và nhân dân đặc biệt quan tâm. Sau giám sát, phải đưa ra những kiến nghị sát thực để giúp các cơ quan tư pháp thực hiện tốt hơn nữa chức năng, nhiệm vụ của ngành cũng như kiến nghị các cơ quan ở Trung ương và địa phương tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động của các cơ quan tư pháp địa phương. Kết quả giám sát phải được báo cáo thường xuyên và tại các kỳ họp HĐND tỉnh để thông tin đến các đại biểu và cử tri về những vấn đề cơ bản của các cơ quan Tư pháp phục vụ cho việc thảo luận và quyết định tại kỳ họp về những vấn đề liên quan. Lựa chọn và tổ chức giám sát đối với những vụ việc khiếu nại, tố cáo của công dân có nội dung phức tạp, liên quan đến công tác tư pháp để có những kiến nghị phù hợp nhằm góp phần làm hạn chế tình hình khiếu nại, tố cáo liên quan thuộc lĩnh vực. Tiếp tục tổ chức các đoàn giám sát việc thực hiện tăng thẩm quyền của TAND cấp huyện để đánh giá về năng lực hoạt động của các cơ quan Tư pháp cấp huyện khi thực hiện thẩm quyền mới về xét xử dân sự, hình sự từ đó có những kiến nghị nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc (nếu có).

Giao trách nhiệm cho Ban Pháp chế HĐND tỉnh thực hiện chức năng giám sát tại kỳ họp thông qua việc xem xét, lập báo cáo thẩm ra về tình hình thực thi pháp luật trên địa bàn 6 tháng và cả năm. Các báo cáo thẩm tra phải đảm bảo việc đánh giá khái quát tình hình thực thi pháp luật; công tác điều tra, truy tố, xét xử và Thi hành án trong những khoảng thời gian cụ thể đồng thời nêu được những tồn tại, khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng đến hoạt động Tư pháp để kỳ họp xem xét và có hướng tháo gỡ cũng như đề nghị sự hỗ trợ của địa phương đối với hoạt động tư pháp theo tinh thần của Nghị quyết số 08-NQ /TW  ngày 02/01/2002 của Bộ Chính trị về “Một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới” và Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về “Chiến lược cải cách tư pháp” đến năm 2020.

Tại các kỳ họp thường lệ, HĐND tỉnh xem xét thông qua Nghị quyết về việc phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng của địa phương trong đó có những nội dung liên quan đến hoạt động của các cơ quan Tư pháp. Để giúp cho việc quyết định của kỳ họp được chính xác, phù hợp với tình hình cụ thể, tạo điều kiện cho các cơ quan tư pháp trong triển khai nhiệm vụ thời gian tiếp theo, HĐND sẽ dành thời gian cho các đại biểu thảo luận; lãnh đạo các ngành Tư pháp giải trình về những vấn đề còn khó khăn, vướng mắc mà kỳ họp quan tâm từ đó HĐND ban hành Nghị quyết làm cơ sở triển khai thực hiện. Phát huy vai trò của các đại biểu HĐND tỉnh, tùy vào tình hình thực tế hoạt động tư pháp trên địa bàn, các đại biểu HĐND tỉnh sẽ có những chất vấn đối với Lãnh đạo các cơ quan Tư pháp về những vấn đề liên quan đến trách nhiệm và việc thực thi nhiệm vụ, công vụ của ngành; theo dõi việc thực hiện nội dung trả lời chất vấn đó. Trong trường hợp cần thiết, HĐND tỉnh sẽ ban hành Nghị quyết về hoạt động tư pháp trên địa bàn để góp phần định hướng và đưa hoạt động tư pháp vào nề nếp, hiệu quả hơn.

Công tác đề nghị bổ nhiệm cán bộ tư pháp (bao gồm Thẩm phán và kiểm sát viên cấp tỉnh, cấp huyện) phải đảm bảo lựa chọn người thực sự có năng lực chuyên môn, phẩm chất chính trị và phẩm chất đạo đức giữ các chức vụ Tư pháp. Trong hoạt động Chủ tịch các Hội đồng tuyển chọn có trách nhiệm chính trong việc xác định điều kiện cần và đủ để đề nghị bổ nhiệm: khả năng thực hiện nhiệm vụ; mối quan hệ công tác; sự tín nhiệm của các cơ quan, tổ chức khác…. Đặc biệt lưu ý các trường hợp bổ nhiệm lại phải xem xét đến việc hoàn thành nhiệm vụ trong nhiệm kỳ trước; tính vô tư, khách quan trong thi hành nhiệm vụ; tình hình khiếu nại tố cáo có liên quan đến người bổ nhiệm …. Theo hướng dẫn chung và chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy. Đảm bảo việc xét và đề nghị bổ nhiệm kịp thời nhằm đáp ứng về yêu cầu công tác cán bộ của các cơ quan Tư pháp để giải quyết tình hình khối lượng công việc  thường xuyên quá tải trong các cơ quan tư pháp như hiện nay.

Đồng thời với công tác đề nghị bổ nhiệm, thực hiện việc đề nghị miễn nhiệm các chức danh tư pháp khi người giữ các chức danh đó không đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ. Trong xét bổ nhiệm, miễn nhiệm phải có sự tham khảo về kết quả hoạt động giám sát của HĐND và đảm bảo tính khách quan, vô tư, chỉ tuân theo pháp luật trong công tác bổ nhiệm, miễn nhiệm các chức danh tư pháp.

Ngoài các nhiệm vụ cơ bản như trên, HĐND tỉnh xác định còn thực hiện các nhiệm vụ khác như: Tham gia góp ý đối với việc thực hiện quy chế phối hợp hoạt động của các cơ quan Tư pháp trên địa bàn tỉnh; Xử lý các đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân liên quan đến công tác tư pháp, hoạt động của các cơ quan tư pháp và việc thực hiện nhiệm vụ của các CB-CC ngành tư pháp để có những kiến nghị xử lý kịp thời; miễn nhiệm, bầu bổ sung Hội thẩm Tòa án nhân dân tỉnh theo yêu cầu của tình hình thực tế và các việc khác theo yêu cầu.

Thường trực HĐND tỉnh có trách nhiệm theo dõi việc thực hiện chương trình này; báo cáo tình hình triển khai thực hiện với Thường trực Tỉnh ủy theo yêu cầu.

Nguyễn Thị Oanh