 |
Bà Quách Ngọc Lan-Trưởng Ban KTNS HĐND tỉnh kết luận tại cuộc giám sát |
Để đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết, trong cuối quý I và đầu quý II/2009, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh đã phối hợp vối Ban Kinh tế - Xã hội HĐND cấp huyện tổ chức khảo sát, giám sát các cơ quan, đơn vị liên quan trong quản lý và sử dụng tài nguyên khoáng sản trên địa bàn.
Sau hơn hai năm thực hiện Nghị quyết, các sở chuyên ngành của tỉnh và địa phương đã có nhiều nỗ lực triển khai, thực hiện Nghị quyết và đã đạt được kết quả nhất định; các sở chuyên ngành và địa phương đã thực hiện QLNN đối với hoạt động khoáng sản theo phân cấp, phân nhiệm của UBND tỉnh. Việc triển khai các biện pháp thực hiện Nghị quyết đã tạo ra một hệ thống văn bản của Nhà nước ở địa phương nhằm quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản trên địa bàn; khắc phục cơ bản được việc khai thác tài nguyên khoáng sản trái phép phổ biến như ở thời điểm trước khi có Nghị quyết; tài nguyên khai thác được cung cấp và phục vụ chủ yếu cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; xác định cụ thể khu vực cấm khai thác, khu vực thăm dò khai thác và khu vực dự trữ tài nguyên khoáng sản để quản lý, bảo vệ; các hoạt động khai thác, kinh doanh, sử dụng khoáng sản được quản lý, từng bước đưa vào nề nếp, tạo ra nguồn thu đáng kể cho ngân sách địa phương.
Đặc biệt, đã tiến hành cắm được 1.177 mốc ở các khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực quy hoạch thăm dò và khu vực khai thác khoáng sản; việc cắm mốc được kiểm tra, nghiệm thu và lập biên bản bàn giao kèm theo bản đồ hoàn công từng vị trí, số hiệu các mốc và bàn giao cho các địa phương theo dõi, quản lý. Theo ông Lê Viết Hưng - Giám đốc Sở TN-MT cho biết, đây là việc làm đầy quyết tâm của các sở ngành và các địa phương, vì nó là việc làm rất phức tạp, đòi hỏi sự phối hợp cao của các cơ quan, đơn vị và địa phương, việc này các tỉnh khác trên toàn quốc chưa thực hiện được, Đồng Nai là địa phương đi đầu trong cả nước thực hiện việc này.
Bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện Nghị quyết vẫn còn một số hạn chế, các hạn chế đó đã được Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh và Ban Kinh tế - Xã hội HĐND cấp huyện nêu tại các đoàn giám sát, nội dung chủ yếu tập trung ở một số vấn đề sau:
Việc triển khai Nghị quyết được thực hiện tốt ở cấp tỉnh nhưng tại một số địa phương chưa được quan tâm đúng mức; nguyên nhân là do nhận thức của một bộ phận cán bộ ở cấp huyện cho rằng: việc triển khai Nghị quyết thuộc trách nhiệm của UBND và các sở chuyên ngành của tỉnh nên triển khai không đầy đủ nội dung Nghị quyết đến cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn, cũng như việc tổ chức thực hiện quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản theo phân cấp, phân nhiệm của UBND tỉnh. Việc phân cấp cấp giấy phép khai thác vật liệu san lấp và bùn trấp của UBND tỉnh nhằm tăng trách nhiệm quản lý cho cấp huyện, tạo điều kiện cho các địa phương chủ động nguồn nguyên liệu xây dựng công trình nhưng kết quả thực hiện cấp phép theo thẩm quyền còn hạn chế; thực tế các địa phương có nhu cầu sử dụng vật liệu san lấp và bùn chấp lớn, nhưng số trường hợp cấp phép, diện tích cấp phép còn ít, thậm trí có địa phương chưa thực hiện cấp phép như: Thống Nhất, Định Quán, Cẩm Mỹ và thành phố Biên Hòa.
Một số nhiệm vụ UBND tỉnh chưa giao cho sở ngành nào đảm trách như: quản lý đường chuyên dùng, quản lý và kiểm tra thiết kế mỏ...; hoạt động bơm hút cát trái phép trên sông Đồng Nai xảy ra ở nhiều điểm, tại nhiều địa phương; việc quản lý, cấp phép và kiểm tra các bến bãi tập kết kinh doanh khoáng sản trên địa bàn thực hiện chưa tốt. Tại cuộc giám sát của Ban Kinh tế - Ngân sách, ông Nguyễn Thanh Đạm - Phó phòng Kế hoạch Sở GT-VT cho biết, trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 23 bến bãi đang hoạt động, nhưng không biết bao nhiêu bến còn phép, bao nhiêu bến hết phép và bao nhiêu bến tự phát chưa quản lý…Việc quản lý chưa tốt, dẫn đến hoạt động của các bến bãi chưa tuân thủ quy định về bến bãi, gây ô nhiễm môi trường, chưa được xử lý; đây cũng là ý kiến phản ánh của nhiều cử tri tại các buổi tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp trong thời gian qua.
Mặt khác, qua khảo sát ở các mỏ cho thấy, đa số các dự án không xây dựng đường chuyên dùng cho việc khai thác và vận chuyển khoáng sản mà sử dụng chung với đường lưu thông của nhân dân, việc sử dụng chung đường đã ảnh hưởng đến môi trường và an toàn giao thông của người dân; nhiều mỏ đã kết thúc khai thác nhưng chưa lập thủ tục đóng cửa mỏ để bàn giao cho địa phương quản lý, sử dụng; tình trạng xe vận tải trở khoáng sản quá mức cho phép, phóng nhanh, vượt ẩu, không che đậy, làm khoáng sản rơi văng vãi trên đường, mất an toàn cho người và phương tiện tham giao thông, ô nhiễm môi trường xảy ra phổ biến ở các trục đường gần điểm đấu nối với các mỏ khai thác.
Về vấn đề thu ngân sách từ hoạt động khoáng sản, ông Nguyễn Văn Ngàn - Phó cục trưởng Cục thuế Đồng Nai cho biết: kết quả thu ngân sách từ hoạt động khoáng sản tuy được cải thiện tăng số thu qua các năm nhưng ngân sách nhà nước vẫn còn thất thu từ nguồn này, nguyên nhân là do: việc phản ánh sản lượng khai thác cũng như các khoản chi phí khai thác của các doanh nghiệp chưa đầy đủ, dẫn đến xác định giá bán các loại tài nguyên chưa chính xác; mặt khác, trong thời gian qua cơ quan thuế mới thực hiện quản lý nguồn thu thông qua số liệu tự kê khai của doanh nghiệp, chưa thực hiện kiểm tra, giám sát; việc quản lý về giá các loại tài nguyên các sở chuyên ngành chậm thgam mưu ban hành, điều chỉnh nên đã ảnh hưởng giảm nguồn thu ngân sách đối với hoạt động khoáng sản trên địa bàn.
Được biết, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh đã có kết luận chính thức về các cuộc giám sát nêu trên; theo đó, có 07 kiến nghị đối với UBND tỉnh, 15 kiến nghị đối với các sở: TN-MT, Xây dựng, Công Thương, Nội vụ, GT-VT, Tài chính và Cục thuế Đồng Nai thực hiện một số nhiệm vụ và có biện pháp khắc phục những hạn chế; UBND tỉnh đã có văn bản giao cho các sở chuyên ngành thực hiện các kiến nghị của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh.
Đặng Quang Huy