Giảm họp để nâng cao chất lượng các cuộc họp.

Đăng ngày: 15/08/2011
Với mục tiêu giảm số lượng và nâng cao chất lượng các cuộc họp, ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý công việc, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, góp phần đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả cải cách hành chính trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước phục vụ hoạt động của HĐND, vừa qua Thường trực HĐND tỉnh đã ban hành Quy định thực hiện giảm họp đối với Thường trực, các Ban, các tổ đại biểu và Văn phòng ĐĐBQH&HĐND tỉnh.
Theo quy định mới, tổ đại biểu Long Khánh, Xuân Lộc, Long Thành sẽ kết hợp họp tổ với giám sát của tổ hàng quý
Với quan điểm là không mâu thuẫn với các hoạt động chuyên môn theo Luật định của HĐND tỉnh được quy định bởi Luật tổ chức HĐND&UBND, Thường trực HĐND tỉnh đã quy định đối tượng, phạm vi điều chỉnh của Quy định này chỉ bao gồm một số cuộc họp liên quan đến Thường trực - các Ban HĐND tỉnh, tổ đại biểu HĐND tỉnh, Văn phòng ĐĐBQH&HĐND tỉnh, Thường trực- các Ban HĐND cấp huyện. Vì vậy những nội dung hoạt động về kỳ họp, các hoạt động giám sát, thẩm tra sẽ không bị điều chỉnh bởi quy định này.

Trên cơ sở đó, qua quá trình nghiên cứu thực chất các cuộc họp thuộc phạm vi điều chỉnh, Thường trực HĐND tỉnh nhận thấy để bảo đảm các hoạt động theo luật định, hàng năm HĐND tỉnh có trung bình 74 cuộc họp liên quan như các cuộc họp trước và sau các kỳ họp HĐND để chuẩn bị và rút kinh nghiệm kỳ họp, họp giao ban Thường trực, các Ban, các tổ đại biểu HĐND tỉnh với các Thường trực, các Ban HĐND cấp huyện… Như vậy, nếu tính trung bình mỗi cuộc họp chiếm 2 giờ đồng hồ, mỗi cuộc họp trung bình 10 người dự, thì thời gian họp trong năm của tất cả CBCC của cơ quan Văn phòng ĐĐBQH&HĐND tỉnh  (bao gồm cả các đại biểu HĐND tỉnh chuyên trách) là 74 cuộc họp x 2 giờ/cuộc họp x trung bình 10 người tham dự/cuộc = 1.480 giờ. Nếu tính số CBCC cơ quan thường xuyên tham dự họp của HĐND tỉnh là 24 người, thì tổng số thời gian mỗi CBCC tham dự họp trong một năm là 1.480: 24= 61 giờ, tương đương 07 ngày làm việc. Tuy nhiên, ngoài các cuộc họp do cơ quan tổ chức, các CBCC còn tham dự các cuộc họp, hội nghị, hội thảo do Trung ương, Tỉnh ủy triệu tập, các cuộc họp do UBND tỉnh và các sở, ngành mời. Số lượng cuộc họp loại này bằng khoảng 1 lần số cuộc họp do cơ quan tổ chức. Như vậy mỗi CBCC trung bình tham dự 07 ngày + 07 ngày= 14 ngày họp trong năm.

Số ngày làm việc trong năm là 22 ngày/tháng x 12 tháng =264 ngày. Như vậy, trong số 264 ngày làm việc thì CBCC mất 14 ngày để dự họp, chiếm tỉ lệ 5% quỹ thời gian làm việc của một năm. Đây thực chất là con số khiêm tốn nếu xét trên thực trạng chung về việc họp của các cơ quan hành chính nhà nước hiện nay của tỉnh. Tuy nhiên, đây chỉ mới tính đến các cuộc họp để giải quyết các công việc thường xuyên theo quy chế. Ngoài ra, CBCC còn rất nhiều việc phải làm, trong đó việc chính là phục vụ các kỳ họp HĐND, các hoạt động giám sát, khảo sát, thẩm tra…là những hoạt động chiếm nhiều thời gian nhất. Không những thế, CBCC còn cần phải dành thời gian nghiên cứu, giải quyết công việc mang tính chất sự vụ, chuẩn bị cho các cuộc họp trong thời gian tiếp theo, chưa kể thời gian làm công tác ngoại giao, đón tiếp và làm việc với các đoàn khách các tỉnh khác, chưa kể các cuộc họp giao ban vào đầu giờ làm việc vì đây là những cuộc hội ý nhanh, cần thiết trao đổi công việc, không ảnh hưởng đến công việc trong ngày (gồm có Họp giao ban Thường trực-các Ban-Văn phòng hàng tuần; Họp các phòng nghiệp vụ hàng tuần, hàng tháng).

Như vậy, việc tổ chức các cuộc họp liên quan đến hoạt động của HĐND tỉnh là không nhiều, thực chất những hoạt động theo quy chế, theo luật định đều được thực hiện đạt chất lượng cao, đã tính toán đến việc lồng ghép thực hiện đảm bảo tính hiệu quả. Tuy nhiên, qua nghiên cứu Thường trực HĐND tỉnh nhận thấy còn một vài nội dung có thể nghiên cứu để giảm tiếp, quan điểm của Thường trực HĐND tỉnh là việc giảm họp không được mâu thuẫn với các nội dung hoạt động theo luật và quy chế mà chỉ thay đổi phương thức tổ chức một số cuộc họp như giãn thời gian, lồng ghép, thay đổi hình thức (xin ý kiến qua mạng…) tùy theo nội dung, tính chất cuộc họp, đồng thời bổ sung thêm một số quy định để nâng cao chất lượng cuộc họp.

Chính vì vậy, Thường trực HĐND tỉnh đã quy định việc họp giao ban hàng quý giữa các Ban HĐND tỉnh với các Ban HĐND cấp huyện sẽ được thực hiện lồng ghép với cuộc họp giao ban giữa Thường trực HĐND tỉnh với Thường trực HĐND cấp huyện hàng quý. Vì vậy, trong công tác điều hành, Thường trực HĐND tỉnh sẽ chú trọng sắp xếp chương trình hợp lý, bố trí đủ thời gian để các Ban HĐND cấp tỉnh, cấp huyện có điều kiện đánh giá chất lượng, hiệu quả các hoạt động phối hợp, đồng thời các Ban HĐND chủ động chọn chuyên đề có ý nghĩa thiết thực để hội nghị trao đổi, thảo luận, nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan dân cử. Đối với các cuộc họp tổ đại biểu hàng quý đối với 03 tổ đại biểu Xuân Lộc, Long Khánh, Long Thành sẽ tiến hành lồng ghép thực hiện nội dung họp tổ tại cuộc giám sát của tổ trong quý.

Để việc giảm họp vẫn đảm bảo yêu cầu về nội dung, Thường trực HĐND tỉnh đã quy định cụ thể việc nâng cao chất lượng cuộc họp. Theo đó, cuộc họp giao ban giữa Thường trực HĐND tỉnh với các Ban, Văn phòng ĐĐBQH&HĐND tỉnh hàng tháng theo quy định sẽ được tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện theo hướng đổi mới hình thức, nâng cao chất lượng nội dung bảo đảm các hoạt động chủ đạo trong tháng, việc triển khai thực hiện các kiến nghị sau giám sát và các vấn đề kinh tế xã hội quan trọng phát sinh. Đối với cuộc họp tổ đại biểu HĐND tỉnh hàng quý của 08 tổ đại biểu chưa thực hiện đề án “Nâng cao chất lượng hoạt động và hoạt động giám sát của tổ đại biểu HĐND tỉnh” sẽ được giữ nguyên, chú trọng việc kết hợp với các cuộc họp tổ trước các đợt TXCT trước và sau các kỳ họp trong năm. Về công tác tổ chức, nội dung cuộc họp phải được chuẩn bị kỹ, phải có dự thảo gửi trước cho đại biểu ít nhất 5 ngày làm việc; Tại cuộc họp không đọc báo cáo mà người chủ trì chỉ trình bày hướng dẫn đại biểu tập trung thảo luận những vấn đề trọng tâm, trong điểm, những nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau. Nếu cơ quan triệu tập hội nghị chưa chuẩn bị được những yêu cầu trên thì Thường trực HĐND tỉnh sẽ kiên quyết chưa triệu tập hội nghị; Kết thúc cuộc họp phải có thông báo kết quả và có phân công tổ chức và cá nhân chịu trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các ý kiến kết luận cuộc họp. Đối với cơ quan phục vụ hoạt động HĐND tỉnh phải tăng cường cung cấp thông tin đến đại biểu thông qua hộp thư công vụ và các phương thức giao tiếp khác.

Kim Chung