 |
Sĩ số học sinh trong một lớp học quá đông so với quy định, nên ảnh hưởng đến việc giảng dạy và học tập của thầy và trò |
Trường THCS bán công Hoàng Diệu
Trường THCS bán công Hoàng Diệu là Trường phải tiếp nhận học sinh không được vào trường công lập ở phường Hố Nai, thu nhận hầu hết số học sinh lớp 6 không được tuyển vào trường công lập Bùi Hữu Nghĩa của phường Hố Nai, cũng như số học sinh của các phường lân cận như Tân Biên, Tân Hiệp, Tân Hòa, Trảng Dài và một số học sinh con em gia đình di dân tìm việc làm tạm trú tại phường Hố Nai.
Nhìn chung, những học sinh vào trường có hoàn cảnh gia đình khó khăn, là con em của các gia đình lao động nghèo, thu nhập thấp, việc làm và chỗ ở không ổn định, vì lý do mưu sinh nên phụ huynh ít quan tâm tạo điều kiện học tập cho con em. Một số em ngoài giờ lên lớp phải phải phụ giúp kinh tế gia đình đã ảnh hưởng đến việc học tập của các em. Điều này cũng gây khó khăn không nhỏ cho giáo viên trong việc truyền đạt kiến thức cho học sinh. Hệ quả là năm học 2008 - 2009 số học sinh lớp 6, 7, 8, lưu ban nhiều tuy đội ngũ cán bộ, giáo viên, công nhân viên nhiệt tình công tác, có năng lực về chuyên môn, đội ngũ giáo viên có nhiều giáo viên dạy giỏi cấp thành phố, cấp tỉnh. Nhưng do chất lượng học sinh đầu vào thấp, có nhiều học sinh yếu kém, còn thiếu ý thức học tập, đặc biệt là các phong trào về học tập không cao, không có học sinh giỏi cho các phong trào mũi nhọn. Đồng thời, sĩ số học sinh quá cao trên mỗi lớp, điều đó đã là sai quy định, đồng thời làm ảnh hưởng đến sức khoẻ của giáo viên và kết quả học tập của học sinh. Mặc khác, cũng do sự thiếu quan tâm chăm sóc, quản lý của gia đình, một số em đã bị các phần tử xấu lợi dụng, lôi kéo gây ảnh hưởng xấu làm cho việc giáo dục đạo đức của nhà trường, như các em trốn học đi chơi trò chơi điện tử, tụ tập gây gỗ đánh nhau. Tỷ lệ học sinh bỏ học ở trường trung học bán công cao hơn nhiều so với trường công lập do học sinh ở trường bán công điều kiện kinh tế gia đình khó khăn lại phải đóng học phí cao, điều này cũng ảnh hưởng đến công tác phổ cập giáo dục trung học của thành phố, địa phương phải tốn công sức nhiều trong việc vận động học sinh bỏ học ra lớp, nhà nước phải dành kinh phí nhiều hơn cho công tác phổ cập giáo dục.
Ban giám hiệu Trường THCS bán công Hoàng Diệu cho biết việc nhà trường đề xuất phương án chuyển đổi sang loại hình trường công lập là dựa trên thực trạng: phụ huynh có thu nhập không cao, mức thu hiện không đủ chi, nguồn gốc đất …
Trường THPT bán công Lê Hồng Phong
Thành lập năm 1993, Trường THPT Bán công Lê Hồng Phong là một trong những trường được thành lập sớm trên địa bàn TP Biên Hòa. Trường nằm trong khu vực đông dân cư thuộc 06 phường (Hố Nai, Tân Biên, Tân Hòa, Trảng Dài, Tân Hiệp, Long Bình), trường được sự hỗ trợ, quan tâm của chính quyền địa phương, Sở Giáo dục-Đào tạo và các cơ quan ban ngành trong tỉnh và thành phố Biên Hòa.
Trong 15 năm hoạt động, trường liên tục phát triển về số lượng, chất lượng và hiệu quả đào tạo. Đội ngũ giáo viên trường ổn định, nhiều kinh nghiệm, năng lực chuyên môn giỏi. Lực lượng giáo viên trẻ nhiệt tình, năng động, đoàn kết tự giác, có tinh thần trách nhiệm, thực hiện nề nếp chuyên môn tốt. Hàng năm, trường thu nhận trên 700 học sinh bằng hình thức xét tuyển. Qua từng năm số học sinh tăng lên, đến nay trường có 2.135 học sinh với 40 lớp. Cơ sở vật chất: Diện tích đất: 16.265,6 m2, với 7 phòng làm việc, 34 phòng học (phòng đạt tiêu chuẩn: 30, phòng cấp 4: 04). Từ năm 2003 đến nay, số học sinh tốt nghiệp THPT đạt trên 93%. Tỉ lệ học sinh đậu cao đẳng, đại học ngày càng tăng: năm 2005 là 27,57%, năm 2006 là 29,43%, năm 2007 là 35,42%, năm 2008 là 41,01%.
Về công tác tài chính, từ khi hoạt động đến năm học 2005-2006, số thu từ học phí và các khoản thu gắn với hoạt động của đơn vị đủ để chi trả lương và các hoạt động khác của trường, đồng thời có tích lũy, dự phòng để đầu tư mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác dạy và học. Tuy nhiên, đến năm học 2007-2008, ngân sách phải hỗ trợ thêm trên 700 triệu đồng, do các khoản chi tăng (chủ yếu là lương) nhưng học phí không tăng.
Bên cạnh kết quả trên, trong thực hiện loại hình bán công, trường gặp những khó khăn: đội ngũ giáo viên biên chế chỉ chiếm 32,91%, số còn lại là hợp đồng; chất lượng tuyển sinh đầu vào còn thấp; cơ sở vật chất phục vụ cho dạy và học còn thiếu và chưa đồng bộ; từ năm học 2007-2008, thu từ học phí không đủ chi cho hoạt động, đầu tư trang thiết bị phục vụ cho công tác giảng dạy và không có tích luỹ, dự phòng; sự quan tâm đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất cho trường của ngành giáo dục chưa nhiều.
Thöïc hieän chuû tröông xaõ hoäi hoùa giaùo dục, qua 15 năm hoạt động theo loại hình trường bán công, trường THPT Lê Hồng Phong liên tục ổn định và phát triển cả về số lượng và hiệu quả đào tạo, được ngành Giáo dục và nhân dân tin tưởng. Hoạt động của trường đã góp phần giải quyết nhu cầu học tập của con em của 08 phường trên địa bàn Tp Biên Hòa, một số học sinh huyện Trảng Bom và các địa phương khác trong tỉnh. Trường đã huy động được sự đóng góp đáng kể của xã hội thông qua học phí và đóng góp hỗ trợ của phụ huynh và các đơn vị.
Đạt được kết quả trên, nhờ có sự chỉ đạo thực hiện sâu sát của Sở GD-ĐT; sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền địa phương; sự năng động trong tổ chức, quản lý, điều hành của Ban Giám hiệu; đội ngũ giáo viên ổn định, nhiệt tình, năng lực chuyên môn tốt. Kết quả này đã minh chứng rằng chủ trương xã hội hóa các hoạt động giáo dục theo Nghị quyết 90/CP ngày 21/8/1997, Nghị quyết 05/2005/NQ-CP ngày 18/4/2005 của Chính phủ là đúng đắn, phù hợp với tình hình, điều kiện phát triển kinh tế, xã hội của nước ta trong thời gian qua. Trong nhiều năm, trong điều kiện kinh phí còn nhiều khó khăn, ngân sách Nhà nước đã tiết kiệm được một khoản chi không nhỏ, nhưng cái được lớn hơn chính là xây dựng được ý thức cộng đồng trách nhiệm của toàn xã hội đối với giáo dục.
Tuy nhiên, theo Luật Giáo dục năm 2005 và các văn bản hướng dẫn thi hành luật, đến 2010, không còn loại hình bán công ở bậc giáo dục phổ thông. Vì thế, đề nghị trường căn cứ vào các văn bản hướng dẫn và điều kiện thực tế của nhà trường, tham mưu cho Sở GD-ĐT xây dựng đề án chuyển đổi hoạt động sang loại hình phù hợp (công lập hoặc tư thục), trình cấp thẩm quyền xem xét, quyết định để thực hiện trong năm học 2009-2010 sắp đến.
Trường mầm non bán công Hướng Dương
Tiền thân của trường là trường Mầm Non trực thuộc Ty Giáo dục Đồng Nai theo quyết định số 1797/QĐUB ký ngày 08/10/1979. Đến tháng 3/1988 bằng nguồn ngân sách và quỹ xổ sổ kiến thiết của tỉnh đã đầu tư xây dựng (giai đoạn 1) trường mẫu giáo trọng điểm của tỉnh và từ năm học 1988 - 1989 trường được dời về trụ sở hiện nay thuộc địa bàn phường Quyết Thắng- Biên Hòa và được đổi tên là trường mẫu giáo Hướng Dương thuộc Sở Giáo dục- Đào tạo Đồng Nai. Đây là trường đầu tiên của tỉnh được xây dựng với quy mô lớn nhằm thu nhận con em nhân dân thuộc địa bàn thành phố Biên Hòa.
Năm học 2003 - 2004 Sở Giáo dục- Đào tạo Đồng Nai đã ra quyết định số 1342/CV- GDMN chọn trường mẫu giáo Hướng Dương thực hiện thí điểm theo loại hình trường bán công. Ủy ban nhân dân tỉnh ra quyết định số 3699/QĐ ngày 27/8/2004 về việc chuyển đổi trường mẫu giáo Hướng Dương từ loại hình trường công lập sang loại hình trường bán công và đổi tên thành trường mầm non bán công Hướng Dương cho đến nay và trường liên tục giữ vững danh hiệu là lá cờ đầu của ngành học mầm non của tỉnh và được Ủy ban nhân dân tỉnh tặng cờ thi đua xuất sắc hàng năm. Trường đã được Bộ Giáo dục- Đào tạo công nhận là trường mầm non đầu tiên của tỉnh được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2002-2005. Từ tháng 6/2008 trường được chuyển giao về thành phố Biên Hòa theo quyết định số 2050/QĐ của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Năm học 2008 - 2009 trường có 765 học sinh. Tổng số lớp 17 lớp, trong đó 02 nhóm trẻ với 63 cháu. Tổng số CB- GV- CNV của trường: 58 người; Ban giám hiệu: 03 người. Giáo viên: 39 người, biên chế: 22 người, hợp đồng dài hạn: 17 người. Đội ngũ cán bộ, giáo viên, công nhân viên của trường có nhiều năm kinh nghiệm trong công tác quản lý, chăm sóc giảng dạy, đạt chuẩn và trên chuẩn về chuyên môn. Có trên 18 cán bộ, giáo viên, công nhân viên đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở và chiến sĩ thi đua cấp tỉnh (tỉ lệ trên 30%), trên 98% cán bộ, giáo viên, công nhân viên đạt danh hiệu lao động tiên tiến. Diện tích sử dụng: 8.304 m2 , Diện tích xây dựng: 3210 m2 , Số phòng học: 14 phòng đạt chuẩn quốc gia. Cơ sở vật chất khang trang, thoáng mát, có đủ đồ dùng, đồ chơi phục vụ cho việc chăm sóc giáo dục trẻ theo chương trình đổi mới. Phụ huynh học sinh rất quan tâm đến chất lượng chăm sóc giảng dạy của trường nên thường xuyên hỗ trợ trong việc nâng cao chất lượng nuôi dạy và đầu tư cơ sở vật chất.
Tuy đạt được những kết quả nêu trên, nhưng nhà trường cũng còn có những khó khăn, khó khăn lớn nhất của trường hiện nay là vấn đề kinh phí, do học phí thu theo quy định của tỉnh không đủ chi lương và các hoạt động sự nghiệp khác. Hàng năm ngân sách phải hỗ trợ kinh phí cho đơn vị để đủ chi lương cho đội ngũ biên chế; vì vậy việc đầu tư cơ sở vật chất nhằm đáp ứng yêu cầu thực hiện đổi mới của ngành học mầm non không thực hiện được. Do vậy, kế hoạch hoạt động của đơn vị thiếu chủ động do phải chờ ngân sách hỗ trợ. Do trường bán công phải đóng học phí cao, nên phụ huynh đòi hỏi thái độ phục vụ cho trẻ phải tận tình hơn. Cho nên cường độ lao động của cán bộ, giáo viên, công nhân viên của trường cao hơn, nhưng chế độ đãi ngộ, khen thưởng không có. Đây là điều bất cập và rất khó khăn cho cán bộ quản lý trong việc quản lý nhân sự giúp đội ngũ an tâm công tác. Do vậy, nguyện vọng của trường là được chuyển đổi sang loại hình trường công lập vào đầu năm học 2009 - 2010. Nhằm được sự đầu tư của nhà nước về cơ sở vật chất, để đạt trường chuẩn theo quy định. Vì đây là trường trọng điểm chất lượng cao của ngành mầm non tỉnh và thành phố Biên Hòa.
Tuy nhiên, qua khảo sát, trong thực hiện nhiệm vụ Theo Luật Giáo dục năm 2005 và các văn bản hướng dẫn thi hành luật, đến 2010 không còn loại hình trường công lập, bán công ở bậc mầm non đối với địa bàn thuận lợi như thành phố, huyện mà chỉ còn trường mầm non công lập ở vùng khó khăn, vùng xa. Vì thế, đề nghị trường căn cứ vào các văn bản hướng dẫn và điều kiện thực tế của nhà trường, tham mưu cho Phòng GD-ĐT thành phố Biên Hòa xây dựng đề án chuyển đổi hoạt động sang loại hình phù hợp (công lập hoặc tư thục), trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định để thực hiện trong năm học 2009-2010.
Kim Ngọc