Thực hiện "gói kích cầu", trong đó chủ yếu là tài trợ 4% lãi suất- Doanh nghiệp cần tận dụng để tái cấu trúc doanh nghiệp

Đăng ngày: 15/08/2011
Đó là nội dung được tọa đàm nhiều nhất tại buổi gặp mặt đầu xuân của tỉnh Đồng Nai. Với mục tiêu chia sẻ khó khăn, vượt qua thách thức năm 2009, tại nhà hàng Cọ Dầu- Đồng Nai đã diễn ra buổi họp mặt với sự tham dự của các vị Lãnh đạo của Bộ, ngành Trung ương và HĐND, UBND cùng các cơ quan của địa phương đã cùng nhau trao đổi các ý kiến với gần 250 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Buổi tọa đàm gặp gỡ đầu xuân với doanh nghiệp trong tỉnh
Mở đầu buổi gặp mặt, ông Trần Du Lịch- Tiến sĩ, chuyên gia kinh tế cho biết về hiện trạng và triển vọng của kinh tế Việt Nam, ông cho rằng con tàu kinh tế Việt Nam đã vững vàng đi tới giữa lửa và tảng băng của sự suy th
oái và đã không bị lao vào "lửa" và cũng không bị tan bởi "tảng băng", nhưng năm 2009 sẽ chịu nh hưởng của thị trường xuất khẩu giảm, ngành du lịch gặp khó khăn, giải ngân FDI chậm, nguồn đầu tư gián tiếp cũng giảm. Theo tiến sĩ Trần Du Lịch, nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế gia công, tính gia công càng lớn thì các chính sách điều hành càng khó khăn. Tăng nguồn vốn đầu tư là điều không cần thiết mà cần nhất là tăng hiệu quả sản xuất của nền kinh tế. Ông khuyến cáo không nên đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao mà cần nghĩ đến vượt khó bền vững; nên xem "kích cầu" của Chính phủ là cơ hội tái cấu trúc lại nền kinh tế và tái cấu trúc doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp nâng hiệu quả tái cấu trúc thì cũng góp phần tái cấu trúc nền kinh tế cả nước theo hướng cạnh tranh. Tiến sĩ Trần Du Lịch nói: "Trong họa có phúc, năm 2009-2010 là cơ hội để Việt Nam bứt phá chuyển từ tăng trưởng số lượng sang chất lượng. Ngay như Đồng Nai nên đầu tư vào cơ sở hạ tầng, vào đường giao thông nông thôn thì sẽ tận dụng nguyên vật liệu sản xuất trong nước, tạo ra việc làm cho nhiều người, tạo ra sức mua trong nước". Đây cũng chính là một trong những giải pháp kích cầu, đặc biệt là cho thị trường nông thôn, nhằm duy trì tốc độ sản xuất khi xuất khẩu giảm và thực hiện chính sách "tam nông" một cách thiết thực, hiệu quả. Điều quan trọng là tính dự báo và định hướng phát triển phải căn cơ. Nông nghiệp vẫn bấp bênh với cây trồng và vật nuôi không ổn định, năng suất thấp, chất lượng sản phẩm không cao dẫn đến giá thành không thể cạnh tranh với hàng ngoại nhập. Nếu như làm tốt công tác khuyến nông thì  việc cung cấp sản phẩm cho thị trường sẽ được thực hiện bởi cam kết giữa nhà sản xuất và nhà phân phối trên cơ sở quy hoạch rõ ràng vùng trồng trọt, chăn nuôi và cây - con nào được khuyến khích, được đầu tư về giống, kỹ thuật để tạo ra sản phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng với giá cả cạnh tranh.

Về các giải pháp triển khai thực hiện "gói kích cầu" của Chính phủ, ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn- Thứ trưởng Bộ Tài chính đã cho biết, Chính phủ cũng như các Bộ, Ngành Trung ương đã ban hành rất nhiều các chính sách thuế nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Nhìn chung trong gói giải pháp kích cầu,  phần lớn được dùng hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp và giảm thuế thu nhập doanh nghiệp.

Để được chia sẻ để cùng vượt qua thách, nhiều doanh nghiệp đã đặt ra các câu hỏi với lãnh đạo các ngành Tài chính - ngân hàng và chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch, các câu hỏi và kiến nghị đều liên quan đến "gói kích cầu" 1 tỷ USD (tương đương 17.000 tỷ đồng Việt Nam) của Chính phủ. Trong đó, doanh nghiệp cũng băn khoăn về diện ưu đãi 4% lãi suất của Chính phủ, liệu có được thực thi công bằng. Một số chính sách, cơ chế và thủ tục hành chính về phá sản, miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, hoàn thuế... cũng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của doanh nghiệp nói riêng và xã hội nói chung.

Giám đốc Công ty CP Công ty cao su màu Trần Dục Dân cho rằng đầu tư công nghệ cao vào lúc này là hợp lý vì giá đang rẻ, vấn đề là DN có vay được vốn và với lãi suất như thế nào? Còn đối với ông Phạm Đức Bình- Chủ tịch Công ty TNHH Thanh Bình cho rằng chính sách chưa theo kịp thực tiễn, luật chưa đi vào cuộc sống. Và việc "thủ tục hành... là chính" còn tồn tại thì cũng khó mà nói chính sách kích cầu của Chính phủ sẽ có hiệu quả. Khi nền kinh tế đi xuống cũng là lúc sàng lọc doanh nghiệp. Do vậy sẽ xảy ra tình trạng mất khả năng chi trả, phá sản nhưng trên thực tế Luật Phá sản chưa đi vào cuộc sống, xã hội chưa xem chuyện phá sản là bình thường mà có cái nhìn "nặng nề" về sự phá sản của DN là chuyện hình sự, lao lý. Doanh nghiệp không có cơ hội thua keo này bày keo khác mà sẽ trắng tay vì cái nhìn định kiến của xã hội! Đối với DN mất khả năng chi trả, thì thủ tục hành chính cũng chưa mở ra cho doanh nghiệp để doanh nghiệp có thể thuê lại tài sản đã thế chấp ngân hàng tiếp tục kinh doanh. Vì với doanh nghiệp, tài sản đó là con gà có khả năng đẻ trứng nhưng với ngân hàng có khi đó chỉ là đống sắt vụn hay tài sản cần thanh lý trong trạng thái "của đổ đi hốt lại được bao nhiêu cũng được". Ông Bình cũng phàn nàn về thủ tục hành chính, ông cho rằng cải cách thủ tục hành chính cũng là một cách kích cầu hiệu quả, vì hiện nay còn tồn tại nhiều những thủ tục gây khó khăn và làm mất nhiều thời gian cho doanh nghiệp về những thủ tục hành chính. Như hiện nay nhiều dự án đầu tư hay thủ tục mua bán, sáp nhập ở Đồng Nai... còn rất mệt mỏi, doanh nghiệp có khi theo đuổi 2 - 3 năm mà vẫn chưa thành.

Theo Ông Lê Văn Quyết- Giám đốc Ngân hàng Vietcombank Đồng Nai, trả lời những câu hỏi của  một số doanh nghiệp vừa và nhỏ: Năm 2009 vẫn chưa thể lường hết tình hình khó khăn của nền kinh tế tài chính thế giới. Nếu tình hình toàn cầu ổn định thì thị trường VN mới ổn định và hoạt động của ngân hàng nói chung, Vietcombank (VCB) nói riêng mới phục hồi nhịp độ tăng trưởng trở lại như trước. Năm nay, VCB Đồng Nai vẫn cố gắng duy trì tăng trưởng nguồn vốn huy động, xây dựng chiến lược lãi suất cho vay thích hợp, linh động đối với những đối tác khách hàng, nhất là các DN vừa và nhỏ, hơn nữa các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã được Ngân hàng đầu tư phát triển Việt Nam bảo lãnh vay vốn sản xuất kinh doanh, do vậy các doanh nghiệp này cố gắng xây dựng phương án sản xuất kinh doanh phù hợp với sức lực của mình để vuợt qua khó khăn thách thức năm 2009. Ông Trần Bá Dương- Chủ tịch Hội doanh nghiệp trẻ Đồng Nai đã cho rằng: Năm 2009 được đánh giá là năm khó khăn nhiều hơn cho các DN Việt Nam, mong sao các DN Việt có sự điều chỉnh kịp thời và đề ra những giải pháp thích hợp để ổn định và tiếp tục phát triển. Đây cũng là dịp DN nhìn lại mình để khắc phục những nhược điểm sau quá trình tăng trưởng "nóng" . Giai đoạn này cũng là sự sàng lọc, DN nào không vượt qua "bão" sẽ phải trả giá. Điều này sẽ làm cho cộng đồng DN mạnh hơn, đi những bước vững chắc hơn.

Nhìn chung năm 2009 được đánh giá là năm khó khăn nhiều hơn cho các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và Đồng Nai nói riêng, trong đó mong sao các doanh nghiệp có sự điều chỉnh kịp thời và đề ra những giải pháp thích hợp để ổn định và tiếp tục phát triển, trước hết là phải thực hiện tái cấu trúc lại kế hoạch kinh doanh sản xuất của doanh nghiệp. Đây cũng là dịp doanh nghiệp nhìn lại mình để khắc phục những nhược điểm sau quá trình tăng trưởng trong điều kiện khó khăn.

Nguyễn Thị Phi