 |
Ông Tạ Trung Hiếu-Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh phát biểu tại buổi giám sát TTTGPL Tỉnh |
Trong năm 2008, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, biên chế chỉ có 10 người, cộng tác viên ký hợp đồng cộng tác Trung tâm và chi nhánh TGPL của các huyện là 104 người, chủ yếu là cộng tác viên cấp huyện 91 người,... nhưng Trung tâm trợ giúp pháp lý tỉnh và các Chi nhánh Trung tâm trợ giúp pháp lý các huyện đã có nhiều nỗ lực, phấn đấu để giải quyết tốt các vụ việc trợ giúp pháp lý liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích thiết thân của người nghèo, người có công, người dân tộc và các đối tượng chính sách khác. Thực hiện trợ giúp pháp lý và giải thích pháp luật được số lượng lớn các vụ việc (1.213 trường hợp), trong đó: Tư vấn trực tiếp tại trụ sở 735 vụ; Tư vấn qua điện thoại 04 vụ; Tư vấn qua trợ giúp pháp lý lưu động 368 vụ; Tư vấn pháp luật bằng văn bản 06 vụ; Cử người thực hiện trợ giúp pháp lý bằng hình thức đại diện ngoài tố tụng là 17 vụ …
Bên cạnh đó, Trung tâm trợ giúp pháp lý đã thực hiện tốt việc phân công Luật sư tham gia bào chữa và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các đối tượng được trợ giúp pháp lý, như trong năm 2008, Trung tâm đã cử Luật sư đại diện bào chữa, bảo vệ quyền lợi cho các đối tượng thuộc diện hộ nghèo, chính sách tại Tòa án nhân dân các cấp là 83 vụ việc, đến nay có 51 vụ việc hoàn thành, 32 vụ việc đang thực hiện (hình sự 26 vụ, dân sự 30 vụ, đất đai 17 vụ, hành chính – khiếu nại tố cáo 04 vụ, hôn nhân gia đình 06 vụ).
Thông qua công tác trợ giúp pháp lý, đã bảo vệ quyền lợi của đương sự trong các vụ án hình sự, quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong các vụ án dân sự, hành chính, lao động, hôn nhân và gia đình; giúp đỡ hoà giải, thực hiện những công việc liên quan đến thủ tục hành chính, khiếu nại và các hoạt động khác theo quy định của pháp luật; kiến nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, người có thẩm quyền xem xét, giải quyết. Nâng cao hiểu biết và ý thức tôn trọng pháp luật của nhân dân, góp phần phòng ngừa, hạn chế hành vi vi phạm pháp luật và tranh chấp do thiếu hiểu biết pháp luật, đảm bảo công bằng xã hội. Nâng cao trình độ nghiệp vụ, kỹ năng trợ giúp pháp lý cho Trợ giúp viên…
Ngoài ra, trong năm 2008, Trung tâm đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức trợ giúp pháp lý lưu động, tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thu hút được số lượng lớn người tham dự (3.310 lượt người tham dự), phát hành được 20.000 tờ bướm pháp luật, tổ chức khảo sát nhu cầu trợ giúp pháp lý của người dân và người lao động tại các phòng trọ công nhân vào ngày chủ nhật, và tổ chức tư vấn pháp luật lưu động vào ban đêm theo yêu cầu của địa phương. Xây dựng được chương trình phối hợp với các cơ quan tư pháp trong hoạt động tố tụng nhằm trợ giúp pháp lý cho các đối tượng thuộc diện chính sách, hộ nghèo và đồng bào dân tộc.
Trung tâm đã thành lập 38 Câu lạc bộ, trong đó có 28 Câu lạc bộ thành lập theo chương trình 135 giai đoạn II và 10 Câu lạc bộ trong khuôn khổ dự án. Hiện nay các Câu lạc bộ đã đi vào hoạt động, Trung tâm đã cử luật sư - cộng tác viên và chuyên viên pháp lý đến sinh hoạt cùng với Câu lạc bộ nhằm giúp cho các Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý sinh hoạt theo đúng tiêu chí của Cục trợ giúp pháp lý.
Tuy nhiên, mạng lưới cộng tác viên trợ giúp pháp lý mặc dù đã phủ toàn bộ các huyện, thị xã, thành phố nhưng ở một số xã vùng sâu, vùng xa chính là nơi có nhu cầu trợ giúp pháp lý cao nhưng việc xây dựng, phát triển được đội ngũ cộng tác viên còn ít và yếu so với yêu cầu; Mô hình bảng thông tin và hộp tin về TGPL đã triển khai nhưng chưa thật sự phát huy tác dụng, còn mang nặng tính hình thức; Việc tư vấn bằng văn bản chiếm tỷ lệ rất thấp, chỉ thực hiện tư vấn pháp luật bằng văn bản 06 vụ/1.213 vụ; Trung tâm chưa thực hiện tốt công tác kiểm tra họat động trợ giúp pháp lý của Trợ giúp viên pháp lý, cộng tác viên và các cán bộ khác của trung tâm và Chi nhánh; chưa tổ chức theo dõi, thống kê, đánh giá chất lượng kết quả bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý; chưa thực hiện tốt việc kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về những vấn đề liên quan đến thi hành pháp luật theo quy định tại điều 41 Nghị định số 07/2007?NĐ-CP; nhiệm vụ, trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức đối với công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật như Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp với Trung tâm trợ giúp pháp lý và các văn phòng tư vấn pháp luật của các tổ chức Chính trị, xã hội, nghề nghiệp và các cấp ở địa phương còn nhiều vướng mắc, chồng chéo trách nhiệm …
Sĩ Tiến