Tin tổng hợp

Đăng ngày: 15/08/2011
Tin tổng hợp
1. Kỷ niệm Ngày thơ Việt Nam  

Tối 21-2 (rằm tháng Giêng), tại Văn miếu Trấn Biên, Hội thơ Nguyên tiêu Biên Hòa 2008 nhân Ngày thơ Việt Nam lần thứ 6 đã diễn ra với nhiều hình thức phong phú và sinh động. Với chủ đề “Lời của trái tim”, Hội thơ năm nay đã thu hút khá đông những nhà thơ trong tỉnh cùng về dự và có những tác phẩm hay trình diễn tại đêm thơ. Điểm khác biệt tại Hội thơ năm nay là không chỉ có riêng hoạt động về thơ mà còn kết hợp nhiều hình thức nghệ thuật khác để tôn vinh thơ như: thả diều thơ, ngâm thơ,… Trong đó, hoạt động ẩm thực giới thiệu các món ăn dân gian cũng được Ban tổ chức triển khai trong đêm Hội thơ. Vật phẩm gồm gần 20 loại bánh, chè và các món ăn dân dã khác đã tồn tại từ lâu đời trong dân gian được làm từ các sản vật nông nghiệp dễ tìm ở làng quê Việt Nam. Sau khi được dâng lên các bậc tiền nhân, các loại thực phẩm trên đã được mang ra phục vụ cho khách tham dự Hội thơ.

2. Tọa đàm về đẩy mạnh xã hội hoá trên lĩnh vực y tế   

Sáng ngày 21-2, tại khách sạn New Star (Thành phố Biên Hòa), Báo Đồng Nai đã phối hợp với Sở Y tế Đồng Nai tổ chức toạ đàm đẩy mạnh xã hội hóa trên lĩnh vực y tế. Trong thời gian qua, ngành y tế Đồng Nai đã có những nỗ lc quan trọng trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ nhân dân trên địa bàn. Trong đó, thực hiện chủ trương của Nhà nước về đẩy mạnh xã hội hóa, ngành y tế đã từng bước huy động các nguồn lực trong ngành và trong xã hội, góp phần đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khoe của nhân dân. Không chỉ có bệnh viện tuyến tỉnh mà các bệnh viện tuyến huyện cũng đã triển khai xã hội hóa. Ngoài các cơ sở công lập, tính đến nay toàn tỉnh đã có 11 cơ sở, doanh nghiệp sản xuất dược phẩm, 10 phòng kham đa khoa, trên 1.700 cơ sở hành nghề y, trên 900 cơ sở y học cổ truyền, trên 1.100 cơ sở hành nghề dược… Thông qua đó, người dân đã và sẽ thuận lợi hơn trong việc tiếp cận với các dịch vụ y tế hiện đại và được chăm sóc ngày càng chu đáo, hiệu quả hơn. Tuy nhiên, so với tiềm năng của một tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm như Đồng Nai thì xã hội hóa y tế trong thời gian qua còn rất khiêm tốn. Chính vì vậy, tại buổi tọa đàm các đại bieu đã tập trung nhiều thời gian bàn biện pháp giải quyết những vướng mắc về cơ chế chính sách trong việc triển khai xã hội hóa tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh.        

3. Thành lập ban chỉ đạo xây dựng khu trung tâm hành chính Biên Hòa  

Ngày 18-2, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Một đã chủ trì cuộc họp giữa lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh với lãnh đạo UBND TP.Biên Hòa để bàn các giải pháp đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án 87ha đầu tư xây dựng khu trung tâm hành chính, văn hóa và thương mại của thành phố. Do vướng mắc về thẩm quyền, cơ chế chính sách nên dự án này kéo dài nhiều năm, đến nay vẫn đang ở giai đoạn đầu của khâu tái định cư, đền bù, giải tỏa. Chủ tịch UBND tỉnh đã thống nhất cho phép thành lập ban chỉ đạo cấp tỉnh để chỉ đạo, điều hành nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện dự án. Ban chỉ đạo có trách nhiệm phối hợp với các sở, ngành và UBND TP.Biên Hòa để xử lý các vướng mắc phát sinh và chủ động tìm đối tác đầu tư hạ tầng khu trung tâm hành chính, văn hóa và thương mại của thành phố. Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo tập trung xây dựng các khu tái định cư để di dời khoảng 1.600 hộ dân đang sinh sống tại hai phường Thống Nhất và Tân Mai. Lãnh đạo tỉnh cũng đề nghị các cơ quan chức năng cần xúc tiến đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng các cầu nối từ khu trung tâm sang cù lao Hiệp Hòa, trien khai xây dựng đường ven sông từ phường Quyết Thắng đến phường Bửu Long; có chiến lược dài hạn xây dựng các khu chung cư để bố trí tái định cư tập trung cho người dân trong diện bị giải tỏa.

4. Tết thầy tại Văn miếu Trấn Biên  

Sáng 9-2 (tức mùng 3 Tết Mậu Tý), tại Văn miếu Trấn Biên, UBND TP.Biên Hòa đã tổ chức Lễ Tết thầy năm 2008. Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Lê Hồng Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Một, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh uy Huỳnh Văn Tới, Phó chủ tịch HĐND tỉnh Huỳnh Chí Thắng, các phó chủ tịch UBND tỉnh: Đinh Quốc Thái, Huỳnh Thị Nga, Ao Văn Thinh, đại diện các sở, ngành cùng đông đảo giáo viên, học sinh, người dân TP.Biên Hòa và các vùng lân cận đã về dự lễ. Lễ Tết thầy được tổ chức trang trọng tại Văn miếu Trấn Biên với các nghi thức dâng hoa kính tặng thầy cô giáo, dâng hương, tưởng niệm bày tỏ lòng ghi nhớ công ơn các bậc danh nhân văn hóa, các the hệ nhà giáo. Sau nghi thức là các cuộc gặp mặt của các thế hệ thầy cô giáo và học sinh. Đây là một sinh hoạt truyền thống  nhằm giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp, tinh thần “tôn sư trọng đạo” của dân tộc Viet Nam đã được Đồng Nai tổ chức đều đặn mỗi dịp Tết

5. Sản xuất công nghiệp tháng 2/2008 đạt 5.537,2 tỷ đồng  

Nguồn tin từ Sở công nghiệp Đồng Nai cho biết, giá trị sản xuất công nghiệp tháng 2-2008 trên địa bàn tỉnh ước đạt 5.537,2 tỷ đồng, tuy có giảm so với tháng 1 nhưng nhiều ngành vẫn đạt mức tăng trưởng cao. Nguyên nhân giá trị sản xuất công nghiệp giảm so với tháng 1 là do tháng 2 trùng vào với kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Mậu tý, thời gian nghỉ Tết khá dài, bình quân từ 6 – 10 ngày. .Tuy nhiên trước tết do phải chuẩn bị hàng hóa phục vụ  trong dịp tết, nhất là các mặt hàng tiêu dùng như may mặc, chế biến thực phẩm, đồ uống, các sản phẩm tiêu dùng cho sinh hoạt…. nên mặc dù giá trị sản xuất trong tháng có giảm nhưng mức giảm không đáng kể. Một số ngành công nghiệp vẫn duy trì được mức sản xuất tăng như ngành công nghiệp chế biến đồ uống, thực phẩm… So với giá trị sản xuất tháng 1, giá trị sản xuất công nghiệp tháng 2 giảm 5, 8% nhưng tổng 2 tháng đầu năm nay giá trị sản xuất công nghiệp tăng 19,5 % so với cùng kỳ năm trước.

6. Khai trương Cửa hàng thực phẩm an toàn số 1  

Sáng 23-1-08, Cửa hàng thực phẩm an toàn số 1 (D&F Mart) đặt tại số 238, quốc lộ 15, phường Thống Nhất đã chính thức khai trương.  Cửa hàng có diện tích 500m2 bày bán gần 1000 mặt hàng thực phẩm tiêu dùng cơ bản, được tuyển chọn kỹ từ những nhà cung cấp để đảm bảo độ tươi sạch và an toàn cao nhất. Ngoài chức năng bán lẻ, cửa hàng còn có khả năng phục vụ cung cấp thực phẩm cho hệ thống các Nhà hàng, khách sạn, cơ quan, xí nghiệp, trường học trên địa bàn tỉnh. Được biết, Tổng công ty Công nghiệp thực phẩm Đồng Nai đang xây dựng một mô hình hoàn chỉnh từ khâu chế biến thức ăn gia súc, chăn nuôi, giết mổ đến chế biên thực phẩm, tổ chức hệ thống bán sỉ và lẻ đưa sản phẩm từ trang trại đến bàn ăn của người dân đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cao nhất thông qua các giải pháp công nghệ hiện đại nhất. Trên cơ sở Nhà máy chế biên thực phẩm Đồng Nai vừa khánh thành đưa vào sử dụng, Tổng công ty tiếp tục triển khai các dự án gắn kết với Nhà máy, xây dựng chuỗi khép kín, đảm bảo cung cấp cho người tiêu dùng những sản phẩm thức ăn đủ dinh dưỡng, đạt chất lượng và đảm bảo an toàn cao nhất. Cửa hàng Thực phẩm an toàn số 1 được coi là một trong những bước đi quan trọng của mô hình này.

7. Khởi công bệnh viện quốc tế Viet-Sing ST.Andrew  

Sáng ngày 27-1, tại phường Tân Mai, TP. Biên Hòa, Công ty TNHH Donatoyo đã tổ chức lễ động thổ Bệnh viện quốc tế Viet-Sing ST.Andrew. Đây là bệnh viện liên doanh giữa Tổng công ty công nghiệp thực phẩm Đồng Nai với tập đoàn New Toyo Pulppy (Hồng Kông, được xây dựng theo mô hình bệnh viện đạt chuẩn quốc te với quy mô 250 giường, tổng vốn đầu tư là 20 triệu USD. Khi đi vào hoạt động, bệnh viện sẽ tập trung vào 4 chuyên khoa điều trị gồm: nội, phẫu thuật, nhi và sản phụ khoa. Tại buổi lễ, chủ đầu tư cam kết sẽ cung cấp những dịch vụ y tế hoàn hảo nhất cho người dân TP. Biên Hòa đồng thời sẽ tiếp tục mở rộng giai đoạn hai của dự án sau khoảng 3 năm bệnh viện đi vào hoạt động. Đây là bệnh viện liên doanh đầu tiên của tỉnh được xây dựng từ chủ trương xã hội hóa trên lĩnh vực y tế. Dự kiến công trình sẽ hoàn thành và đi vào sử dụng trước năm 2010.

8. Dự án "Ngăn ngừa ô nhiễm nguồn nước hồ Trị An và hạ lưu sông Đồng Nai"  

Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN-PTNT) vừa tổ chức hội nghị triển khai dự án "Ngăn ngừa ô nhiễm nguồn nước hồ Trị An và hạ lưu sông Đồng Nai". Mục tiêu của dự án là tìm ra các giải pháp hữu hiệu và khả thi nhằm góp phần khắc phục ô nhiễm nước hồ Trị An và hạ lưu sông Đồng Nai. Dự án này cũng sẽ nghiên cứu các phương án nhằm bảo đảm lợi ích cho các vùng và các khu dân cư sinh sống phụ thuộc vào nguồn nước sông Đồng Nai. Tổng đầu tư cho dự án là 550.000 USD do Vương quốc Đan Mạch tài trợ. Sau hội nghị, đoàn đã tổ chức chuyến khảo sát trên sông Đồng Nai và tìm hiểu tình hình xử lý môi trường tại một số công ty có nước thải ra sông Đồng Nai.

9. Sản xuất vật liệu bền ma sát

Đề tài nghiên cứu khoa học do Công ty chế biến xuất nhập khẩu nông sản thực phẩm Đồng Nai (Donafoods) đang tiến hành thực hiện, mang tên “Sản xuất vật liệu bền ma sát từ dầu vỏ điều thành sản phẩm xuất khẩu” dự kiến hoàn thành vào tháng 6/2008. Mục tiêu nhằm đa dạng hoá các sản phẩm trong chế biến điều, tăng giá trị gia tăng dầu vở hạt điều xuất khẩu, từ đó tăng hiệu quả kinh tế trong việc sản xuất sản phẩm xuất khẩu đồng thời tao sản phẩm sản xuất trong nước thay thế các sản phẩm cùng loại nhập khẩu. Dùng dầu vỏ điều để sản xuất bột ma sát chế tạo các vật liệu bền ma sát như: má phanh xe ô tô, các vật liệu bền ma sát trong công nghiệp sản xuất ô tô, vecni cao cấp dùng cho đồ gỗ…đã được nhiều nước trên thế giới nghiên cứu, áp dụng như: Nhật, Trung Quốc, Mỹ, châu Âu…Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay chưa có doanh nghiệp nào sản xuất và xuất khẩu bột ma sát. Dầu vỏ hạt điều chủ yếu xuất khẩu bán thành phẩm giá trị thấp. Do đó, việc nghiên cứu sản xuất bột ma sát, các vật liệu bền ma sát từ dầu vỏ hạt điều có giá trị thực tiễn rất lớn, sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao. Theo tính toán, lợi nhuận một tấn dầu vỏ điều xuất khẩu là 20 USD/tấn thì lợi nhuận một tấn bột ma sát xuất khẩu là 60-70USD/tấn, cao gấp hơn 3 lần. Kết quả dự kiến của đề tài sẽ tạo ra một quy trình công nghệ sản xuất bột ma sát từ dầu vỏ điều xuất khẩu với dây truyền sản xuất có công suất 1000 tấn bột ma sát/năm.

10. Sở Giáo dục – Đào tạo Đồng Nai ký kết ghi nhớ hợp tác với Đại học Cambridge   

Sáng ngày 17-1, Sở Giáo dục - Đào tạo Đồng Nai đã tổ chức lễ ký kết bản ghi nhớ với Hội đồng khảo thí tiếng Anh Đại học Cambridge – Vương quốc Anh để tiến hành triển khai chương trình bồi dưỡng học sinh năng khiếu tiếng Anh thuộc Chương trình 5 của tỉnh và cac kỳ thi tiếng Anh thuộc hệ thống chứng chỉ Cambridge trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Mục tiêu của bản ghi nhớ nhằm nâng cao chất lượng học tập tiếng Anh của học sinh tỉnh Đồng Nai để tham gia các kỳ thi chứng chỉ tiếng Anh quốc tế của Cambridge ESOL; tăng cường hỗ trợ nhằm phát triển chất lượng dạy tiếng Anh cho giáo viên của tỉnh, cung cấp phương pháp kiểm tra theo tiêu chuẩn quốc tế về kỹ năng sư phạm và khả năng sử dụng tiếng Anh; giảm lệ phí thi các kỳ thi quốc tế của Cambridge ESOL cho các em học sinh của Đồng Nai; hỗ trợ Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai dự án bồi dưỡng năng khiếu Anh ngữ cho học sinh của tỉnh.

11. 13 bác sĩ, dược sĩ được xét tặng danh hiệu Thầy thuốc ưu tú  

Đồng Nai có 13 bác sĩ vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Thầy thuốc ưu tú gồm có các bác sĩ, dược sĩ: Ngô Đức Đ (Trưởng khoa ngoại tổng hợp, Bệnh viện đa khoa Đồng Nai); Lý Nguyễn Hoàng (Trưởng khoa điều trị AIDS, Bệnh viện da liễu); Nguyễn Ngọc Thanh (Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa khu vực Thống Nhất); Sử Sơn (Giám đốc Bệnh viện đa khoa khu vực Xuân Lộc); Đinh Xuân Thiện (Phó giám đốc Trung tâm y tế dự phòng huyện Trảng Bom); Lê Viết Khánh Việt (Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng huyện Vĩnh Cửu); Trần Văn Lê Liêm (Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa TP. Biên Hòa); Nguyễn Thi Văn Văn (Phó giám đốc Trung tâm y tế dự phòng huyện Long Thành); Tăng Kim Đoan (nguyên Phó giám đốc Sở Y tế Đồng Nai); Phạm Long Thắng (Trưởng khoa chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện đa khoa Đồng Nai); Bạch Thái Bình (Trưởng phòng chỉ đạo tuyến, Bệnh viện da liễu); Vũ Thị Giang (nguyên Phó giám đốc Trung tâm bảo vệ sức khỏe lao động và môi trường tỉnh) và Trần Thị Kim Chi (Phó giám đốc Trung tâm răng hàm mặt). Lễ tôn vinh 13 Thầy thuốc ưu tú năm 2007 sẽ được ngành y tế tổ chức trọng thể vào đúng Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2 tới tại Văn Miếu Trấn Biên.

12. Giải đua thuyền truyền thống trên sông Đồng Nai năm 2008

Sáng ngày 10-2 (tức ngày mồng 4 Tết Mậu Tý), tại đoạn sông Đồng Nai trước đình Tân Lân đã diễn ra giải đua thuyền truyền thống năm 2008. Đây là giải truyền thống được Sở Thể dục - thể thao tổ chức hàng năm nhân dịp Xuân về. Giải năm nay quy tụ 9 đội thuyền đến từ các địa phương: Long Thành, Vĩnh Cửu (tỉnh Đồng Nai), Dầu Tiếng, Thạnh Phước (tỉnh Bình Dương), dự tranh 2 cự ly 500m và 2.000m. Đây là giải đầu tiên có sự góp mặt của 2 đội thuyền đến từ tỉnh Bình Dương. Kết quả, hai đội thuyền của huyện Long Thành là An Hòa 1 (thuyền số 7) và Long Hưng 2 (thuyền số 2) lần lượt về hạng nhất cự ly 500m và 2000m. Ngoài ra, Long Hưng 2 còn về nhì cự ly 500m và An Hòa 1 về thứ 3 cự ly 2000m. Một đội thuyền khác của huyện Long Thành là An Hòa 3 cũng giành hạng nhì cự ly 2000m. Hai đội thuyền của huyện Vĩnh Cửu năm nay thi đấu không thành công và bị thua ngay từ vòng loại. Hai đội thuyền khách mời đến từ tỉnh Bình Dương thi đấu rất ấn tượng ở vòng loại nhưng vì các đợt thi diễn ra liên tục mà các đoi lại không có người thay thế nên bị hụt hơi ở những đợt thi cuối và chỉ có đội Dầu Tiếng đoạt hạng ba cự ly 500 m.

Ban Biên tập

13. Giỗ tổ của ngành Y dược học Việt nam: Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông

Hội Đông Y tỉnh Đong Nai vừa tổ chức trọng thể Lễ giỗ tổ để tưởng niệm 216 năm ngày mất của Danh y Hải Thượng Lãn Ông, đồng thời tổng kết công tác năm 2007- phương hướng nhiệm vụ năm 2008 của Hội. Hải Thượng Lãn Ông là nhà Y học nổi tiếng của nước ta vào thế kỷ thứ 18. Sinh thời ông dòng giõi công khanh, từ thuở nhỏ văn hay chữ tốt nổi tiếng khắp vùng. Vào thời Trịnh Nguyễn phân tranh, ông tòng quân phò chúa Trịnh, lập nhiều chiến tích được đề bạt thăng quan tiến chức nhưng đều từ chối, cáo quan về quê và quyết tâm học thuốc. Qua hơn 30 năm hành nghề y, ông đã đúc kết được nhiều kinh nghiệm thực tiễn, đặc biệt ông nghiên cứu kinh điển Đông y kết hợp với các thành tựu của nền y học dân gian vận dụng một cách sáng tạo, biên soạn rất nhiều sách thuốc để truyền lại cho hậu thế. Ông là một thầy thuốc có tài đức vẹn toàn. Đến nay, 9 điều y huấn cách ngôn của ông đã được Bộ Y te ban hành làm Đạo đức hành nghề y học cổ truyền ở nước ta. Ngoài ra, từ năm 1971 Bộ Y tế đã quyết định lấy ngày giỗ của ông là Ngày truyền thống của Y học cổ truyền Việt Nam. Về chương trình công tác năm 2008, Hội ra chỉ tiêu khám và điều trị cho các thành hội, huyện hội tổng số 100.000 lượt người, ngoài ra tiếp tục duy trì các vườn thuốc đã có, phát triển tuyên truyền nhân dân để nuôi trồng thuốc, tổ chức thu mua và sử dụng rại các phòng chẩn trị từ thiện và duy trì việc biên soạn, dịch thuật tác tác phẩm về y học cổ truyền. Nhân lễ giỗ tổ,  Hội đã tổ chức trao tặng Kỷ niệm chương của Hội và Bằng khen của UBMTTQVN tỉnh cho nhiều tổ chức, cá nhân có đóng góp vào sự nghiệp Đông Y của tỉnh. Kim Chung

14. Câu lạc bộ Thầy thuốc trẻ làm công tác xã hội

Nằm trong chương trình hoạt động chào mừng kỷ niệm ngày Thầy thuốc Việt Nam, Hội LHTN Việt Nam tỉnh và Câu lạc bộ Thay thuốc trẻ tỉnh Đồng Nai gồm các y, bác sỹ trẻ của Bệnh viện đa khoa khu vực Thống Nhất, Bệnh viện đa khoa Đồng Nai đã đi khám bệnh và phát thuốc miễn phí cho 259 bà con đồng bào nghèo dân tộc Châuro tại xã Túc Trưng (huyện Định Quán) và 281 thanh niên Công nhân khu vực nhà trọ và bà con nghèo xã Hiệp Phước (huyện Nhơn Trạch). Ngoài ra, đoàn công tác còn tuyên truyền sâu rộng các biện pháp phòng tránh dịch bệnh và phòng ngừa lây lan đối với các bệnh truyền nhiễm, vệ sinh an toàn thực phẩm, cúm gia cầm, cấp phát tài liệu tuyên truyền về ma tuý, HIV/AIDS. Tổng số tiền cho đợt khám lần này trị giá 14 triệu đồng do Bệnh viện đa khoa khu vực Thống Nhất, Bệnh viện đa khoa Đồng Nai ủng hộ. Đây là một hoạt động thường xuyên và có ý nghĩa thiết thực của Câu lạc bộ thầy thuốc trẻ Tỉnh Đồng Nai trong việc chăm sóc sức khỏe nhân dân. Hải Thi

15. Bệnh viện đa khoa khu vực Thống Nhất tổ chức lễ kỷ niệm 53 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam

Sáng ngày 27 tháng 2 năm 2008, Bệnh viện Đa  khoa khu vực Thống Nhất đã tổ chức lễ kỷ niệm 53 năm ngày thầy thuốc Việt Nam, đồng thời tổng kết phong trào thi đua và đón nhận Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn môi trường ISO 140001:2004. Ông Huỳnh Chí Thắng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh đã đến tham dự. Trong thời gian qua, Bệnh viện đã đạt một số kết quả trong công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, gồm việc triển khai các kỹ thuật cao, đào tạo nguồn nhân lực và xây dựng cơ sở hạ tầng hoàn thiện của bệnh viện hạng II; nâng cao chất lượng công tác điều trị, chăm sóc người bệnh, thu hút bệnh nhân đến bệnh viện ngày càng đông thể hiện được sự tin tưởng của đông đảo các tầng lớp nhân dân trong và ngoài tỉnh đối với bệnh viện. Bệnh viện đã thực hiện tốt công tác chăm lo đời sống cho cán bộ viên chức và người lao động trong bệnh viện để có thể yên tâm dành toàn bộ thời gian, sức lực, trí tuệ để chăm sóc cho người bệnh. Bên cạnh đó, xây dựng và ứng dụng thành công các hệ thống quản lý môi trường theo tiêu chuẩn ISO 14000. Đây là bệnh viện công đầu tiên trên toàn quốc đạt được chứng nhận này. Nhân dịp này, Bệnh viện cũng đã tổ chức trao tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh, của Giám đốc Sở Y tế và Giám đốc Bệnh viện đa khoa khu vực Thống Nhất cho nhiều cá nhân, tập thể của Bệnh viện. Kim Chung