Với nhiệm vụ phải thực hiện 12 chỉ tiêu kinh tế để Phấn đấu năm 2008 đạt tỉ lệ tăng trưởng 15,5% so với thực hiện năm 2007

Đăng ngày: 15/08/2011
Kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh khóa VII đã quyết nghị thông qua mục tiêu, nhiệm vụ KTXH năm 2008, với các chỉ tiêu kinh tế là: Phấn đấu năm 2008 tăng trưởng 15,5% so với thực hiện năm 2007.
PCT.UBND tỉnh Đinh Quốc Thái báo cáo mục tiêu, giải pháp phát triển kinh tế xã hội năm 2008
Trong đó giá trị tăng thêm ngành công nghiệp - xây dựng là 17,2%; ngành dịch vụ là 17,3%; ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản là 4,5%. GDP theo giá hiện hành dự kiến 51.033 tỷ đồng, tương đương 3,168 tỷ USD; GDP bình quân đầu người là 20,578 triệu đồng, tương đương 1.277 USD (quy đổi 1 USD = 16.110 VNĐ). Cơ cấu kinh tế: Ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 57,8%; ngành dịch vụ chiếm 31,5%; ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 10,7%. Giá trị sản xuất công nghiệp-xây dựng tăng 23% so với năm 2007. Giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 5,5% so với năm 2007. Giá trị tăng thêm ngành dịch vụ 17,3% so với năm 2007. Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 27.000 tỷ đồng, chiếm 52,9% GDP. Trong đó vốn trong nước chiếm 50%, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chiếm 50% tổng vốn đầu tư. Thu hút đầu tư đạt 1,5 tỷ USD đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI); trong đó vốn đầu tư thuộc các ngành công nghiệp chiếm 65% (có trên 50% là các dự án công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch), dịch vụ 35%.  Thu hút vốn đầu tư trong nước thông qua cấp giấy chứng nhận đầu tư 16.000 tỷ đồng. Ưu tiên thu hút các dự án đang có nhu cầu cho sự phát triển của tỉnh. Doanh nghiệp trong nước đăng ký kinh doanh là 18.000 tỷ đồng (bao gồm đăng ký mới và đăng kỳ tăng vốn). Tổng kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn tăng 28%. Tổng thu ngân sách trên địa bàn phấn đấu đạt dự toán Trung ương giao. Bên cạnh các chỉ tiêu kinh tế, thì các chỉ tiêu về môi trường cũng rất quan trọng, do vậy Nghị quyết HĐND tỉnh đã đề ra trong năm 2008, phải phấn đấu thực hiện các chỉ tiêu về môi trường, như: Tỷ lệ hộ dùng nước sạch khu vực đô thị đạt 96%, khu vực nông thôn đạt 82%. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 27,5%. Thu gom 75% các loại chất thải rắn đô thị, chất thải rắn công nghiệp. Thu gom và xử lý theo tiêu chuẩn môi trường 85% chất thải y tế, 40% chất thải nguy hại.

Với các chỉ tiêu kinh tế phải phấn đấu thực hiện trong năm 2008, HĐND tỉnh cũng đã nhấn mạnh những nhiệm vụ cụ thể của các lĩnh vực kinh tế, như: Các ngành, các cấp, các doanh nghiệp tập trung thực hiện các giải pháp thúc đẩy nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững trong năm 2008 và những năm tiếp theo.  Duy trì tốc độ tăng trưởng cao của ngành công nghiệp, xây dựng đi đôi với giảm chi phí sản xuất, đổi mới công nghệ, nâng cao hiệu quả, chất lượng sản phẩm để tăng sức cạnh tranh, đứng vững và phát triển trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Khuyến khích phát triển ngành công nghiệp áp dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao gắn với phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Phát triển mạnh các ngành dịch vụ đi đôi với việc nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh, nâng cao tỷ trọng dịch vụ trong cơ cấu kinh tế. Bảo đảm duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định và bền vững của ngành nông, lâm ngư nghiệp. Áp dụng khoa học, kỹ thuật, giống mới; thực hiện thâm canh, tăng năng suất, hiệu quả đầu tư. Khuyến khích phát triển chăn nuôi tập trung theo hình thức trang trại, nuôi công nghiệp gắn với cơ sở chế biến tập trung và xử lý chất thải, an toàn dịch bệnh. Hỗ trợ khôi phục và phát triển các làng nghề, khuyến khích các hộ gia đình, tư nhân, hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp đa dạng, đáp ứng nhu cầu tại chỗ và tham gia xuất khẩu. Phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội, ưu tiên xây dựng các công trình trọng điểm, các công trình hạ tầng kinh tế xã hội phục vụ phát triển các vùng kinh tế, vùng nông thôn. Tiếp tục thu hút mạnh vốn đầu tư nước ngoài và vốn  đầu tư của khu vực dân doanh. Tập trung thu hút các dự án ít ảnh hưởng môi trường, dự án công nghệ kỹ thuật cao, các dự án thuộc lĩnh vực dịch vụ du lịch và đầu tư cơ sở hạ tầng. Trong lĩnh vực kinh tế đối ngoại và hội nhập kinh tế quốc tế, phải nhận thức và đánh giá đúng những thuận lợi, cơ hội phát triển và đặc biệt là những khó khăn, thách thức trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu và đầy đủ hơn vào kinh tế thế giới và khu vực. Thực hiện các cam kết và lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế; tạo điều kiện thu hút nguồn vốn đầu tư và công nghệ của nước ngoài, thúc đẩy xuất khẩu phát triển nhanh đi đôi với việc mở rộng thị trường.

Đồng thời với việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế thì công tác bảo vệ môi trường cũng đã được HĐND tỉnh giao cho UBND tỉnh chỉ đạo các ngành các cấp phải: Xử lý nghiêm các trường hợp gây ô nhiễm môi trường ở các doanh nghiệp, khu công nghiệp, các khu đông dân cư. Hạn chế ô nhiễm môi trường trên sông Đồng Nai, sông Thị Vải, sông Lòng Tàu, hồ Trị An và các kênh mương. Nâng cao khả năng tránh và hạn chế tác động xấu của thiên tai, sự biến động khí hậu bất lợi đối với môi trường; ứng cứu kịp thời và khắc phục hậu quả xấu do thiên tai gây ra. Sử dụng hợp lý, có hiệu quả và bền vững tài nguyên thiên nhiên, môi trường nước, bảo đảm cân bằng sinh thái, bảo tồn thiên nhiên. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao nhận thức về môi trường; coi giữ gìn và bảo vệ môi trường là trách nhiệm của toàn xã hội.

Các giải pháp để thực hiện nhiệm vụ kinh tế năm 2008, đã được kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh khóa VII nhấn mạnh, đó là:

- Tập trung đầu tư phát triển các công trình kết cấu hạ tầng, đặc biệt là các công trình trọng điểm. Quan tâm đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, vùng đồng bào dân tộc; quy hoạch và triển khai các dự án tái định cư phục vụ yêu cầu phát triển ở những vùng kinh tế trọng điểm trên địa bàn tỉnh. Cải tạo, chỉnh trang, nâng cấp các đô thị hiện có. Thực hiện tốt công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện quy hoạch và đầu tư các dự án trên địa bàn. Thu hút đầu tư từ những đối tác mạnh, tập đoàn lớn có tiềm lực về công nghệ, vốn, thị trường; các dự án đầu tư thuộc các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch vào các khu công nghiệp trên địa bàn. Dự kiến tổng vốn đầu tư cho phát triển là 27.000 tỷ đồng. Trong đó: Vốn trong nước chiếm 50% (trong đó, vốn ngân sách Nhà nước chiếm 7,8%, vốn dân cư và tư nhân chiếm 22,2%, vốn tín dụng 20%); vốn đầu tư nước ngoài chiếm 50%.

- Quản lý và sử dụng hiệu quả, hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên, hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm, khắc phục tình trạng suy thoái và cải thiện chất lượng môi trường. Tăng cường điều tra, đánh giá tài nguyên thiên nhiên và hiện trạng ô nhiễm môi trường để có giải pháp tích cực hạn chế, ngăn ngừa ô nhiễm môi trường. Tập trung đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tại các khu công nghiệp, khu đô thị; phấn đấu đến cuối năm 100% khu công nghiệp đi vào hoạt động đều có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Nâng cấp khu bảo tồn thiên nhiên và di tích Vĩnh Cửu; nâng cao tỷ lệ che phủ rừng; tập trung giải quyết nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.  Hoàn thành công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo kế hoạch, trong đó tập trung rà soát, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các tổ chức tôn giáo, các đơn vị quốc phòng, an ninh, các nông lâm trường. Hoàn thành việc thành lập hồ sơ địa chính gốc; tổ chức đo đạc lập lại bản đồ và sổ bộ địa chính để phục vụ công tác cấp đổi, cấp bổ sung giấy chứng nhận sử dụng đất và phục vụ quản lý, chỉnh lý biến động đất đai.  Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đất đai; thực hiện kiểm tra các doanh nghiệp sau giao đất, cho thuê đất; lập thủ tục thu hồi đất do vi phạm Luật đất đai.

- Tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tìm cơ hội đầu tư vào tất cả các ngành nghề phù hợp với cam kết của Chính phủ đối với Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ và các nguyên tắc của WTO, trong đó đặc biệt quan tâm khuyến khích các loại dự án có công nghệ kỹ thuật cao như công nghệ vật liệu mới, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, sản xuất linh kiện thiết bị điện,điện tử, ...; Các dự án công nghiệp sạch, công nghệ thân thiện môi trường; Các dự án sản xuất phụ tùng, linh kiện và công nghiệp phụ trợ. Các dự án nông nghiệp kỹ thuật cao, công nghệ sinh học, cây con giống, công nghiệp bảo quản sau thu hoạch và công nghiệp chế biến. Các dự án hạ tầng kỹ thuật như cảng, cầu, đường, vận tải, xử lý chất thải…Khuyến khích đầu tư vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã và đang qui hoạch.

Năm 2008 là năm thứ ba triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006-2010. Đây là năm có nhiều cơ hội và điều kiện thuận lợi cho phát triển nhưng cũng đòi hỏi nỗ lực rất cao của các ngành, các cấp để tận dụng những cơ hội, khắc phục những khó khăn, trở ngại, hoàn thành tốt các mục tiêu đề ra cho năm kế hoạch này và kế hoạch những năm tiếp theo. Do vậy còn nhiều khó khăn và thách thức phải cố gắng vượt qua, như: Việc hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng đầy đủ và sâu hơn thì cạnh tranh sẽ diễn ra gay gắt hơn. Thị trường tài chính, tiền tệ và giá cả có nhiều khả năng sẽ diễn biến phức tạp hơn. Cơ chế chính sách chưa hoàn thiện, thiếu đồng bộ. Công tác cải cách hành chính còn một số hạn chế nhất định; hiệu quả quản lý của các cấp, các ngành còn hạn chế …sẽ  ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch giai đoạn 2006 – 2010. Đời sống dân cư ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người, vùng nông thôn còn nhiều khó khăn; tình hình vi phạm kinh tế, hình sự, tệ nạn xã hội, tai nạn giao thông không giảm mà có chiều hướng gia tăng làm bức xúc trong xã hội; dịch bệnh, ô nhiễm môi trường cũng là những thách thức lớn ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và phát triển bền vững của tỉnh.

Nguyễn Thị Phi