Ngày 16/4/2007, trực tại Ban Pháp chế HĐND huyện Nhơn Trạch, tôi tiếp bà Huỳnh Thị Phận, ngụ tại ấp Bến ngự, xã Phú Đông, huyện Nhơn Trạch. Bà xin HĐND huyện can thiệp vì TAND huyện đang thụ lý và chuẩn bị đưa ra xét xử một vụ tranh chấp quyền sử dụng đất mà bà la bị đơn và bà biết chắc là sẽ bị xử thua, vì thực tế phần đất mà nguyên đơn (bà Nguyễn Thị Cục, ngụ tại ấp 3, xã Phú Thạnh) kiện đòi là do UBND huyện cấp lộn trong giấy CNQSD đất (sổ đỏ) của bà, trong khi đó, phần đất bà đang sử dụng lại cấp cho một người khác. Vì không biết nên khi chuyển nhượng đất của mình cho ông Trần Quang Minh, ở quận 2, thành phố Hồ Chí Minh, bà đã giao sổ đỏ cho ông Minh làm thủ tục chuyển quyền. Do không xác minh nên chính quyền đã chuyển luôn phần đất bị cấp lộn này qua giấy đỏ của ông Minh. Khi bị khiếu nại bà mới phát hiện và đồng ý cùng ông Minh điều chỉnh cho bà Cục, thế nhưng không hiểu UBND xã giải quyết như thế nào lại chuyển vụ việc về TAND huyện và được TAND huyện thụ lý vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất với nội dung: bà Cục kiện bà Phận lấy đất của bà bán cho ông Minh.
Nghe qua sự việc thấy thật lạ lẫm, tôi quyết định nên tìm hiểu từ đầu cách giải quyết của UBND xã Phú Đông. Qua làm rõ thì đúng như lời trình bày của bà Phận. Bà có sử dụng phần đất trồng lúa, diện tích khoảng 1,1ha tại Ngọn Lò Rèn, xã Phú Đông. Năm 1999, bà được UBND huyện Nhơn Trạch cấp Giấy CNQSD đất với diện tích 10.871m2 (thửa 228 và 229 tờ bản đồ số 22). Tuy nhiên, trong phần đất này, UBND huyện đã cấp lộn cho bà 2.174m2 đất (cắt thửa 229) của bà Nguyễn Thị Cục (sử dụng liền kề) và thiếu của bà 2.193m2 (cắt thửa số 8). Năm 2003, bà có chuyển nhượng phần đất này cho ông Trần Quang Minh. Trong quá trình làm thủ tục, các cơ quan chức năng không xác minh, kiểm tra thực tế mà chỉ điều chỉnh trên giấy nên cắt cho ông Minh phần diện tích 10.871m2 đất này.
Năm 2004, bà Cục phát hiện lộn thửa và khiếu nại đến UBND xã Phú Đông với nội dung không được cấp giấy CNQSD phần đất 2.174m2. Lúc này, bà Phận mới biết phần đất trên giấy đỏ của mình vừa bị dư (2.174m2) và vừa bị thiếu (2.193m2), bà đồng ý cùng ông Minh điều chỉnh cho bà Cục, đồng thời lập thủ tục trả cho ông Minh phần diện tích 2.193m2, khi được điều chỉnh, cấp lại giấy đỏ.
Thế nhưng, sự việc khiếu nại của bà Cục kéo dài đến tháng 5/2006, UBND xã mới mời các bên đến hòa giải. Do xử lý vụ viêc không đến nơi, đến chốn nên khi hòa giải không thành, UBND xã đã chuyển hồ sơ đến TAND huyện với lý do vụ việc co yếu tố hợp đồng chuyển nhượng QSD đất giữa bà Phận với ông Minh?!
Nhận được vụ việc, TAND huyện hướng dẫn cho bà Cục viết đơn khởi kiện với nội dung kiện bà Phận lấy đất của bà bán cho ông Minh và yêu cầu bà Phận trả lại QSD 2.174m2 đất cho bà. TAND huyện đã thụ lý vào tháng 11/2006. Trong các lần hòa giải, bà Phận, bà Cục, ông Minh đều thống nhất có việc lộn thửa và đồng ý điều chỉnh giấy đỏ cho bà Cục; đồng thời bà Phận cũng đề nghị phần đất bù cho ông Minh là phần đất thực tế 2.193m2 mà bà đã chỉ ranh khi bán, bà sẽ xin điều chỉnh sổ đỏ rồi chuyển quyền cho ông Minh. Thế nhưng TAND huyện không tìm hiểu ý kiến của bà nên “giải thích” thêm nếu bà Phận không thỏa thuận được với ông Minh về hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất thì hoặc bà Phận bù bằng diện tích mà hiện bà đã có sổ đỏ hoặc có thể phải bồi thường hợp đồng cho ông Minh khoảng 90 triệu đồng vì chính trong hợp đồng chuyển nhượng, bà đã ký tên bán cho ông Minh thửa 229. Từ kết quả hòa giải không thành này, TAND huyện quyết định đưa vụ án ra xét xử. Qua trao đổi, TAND huyện cũng thừa nhận là không biết phần đất bà Phận đã bán cho ông Minh trên thực tế và trả lời cho câu hỏi tại sao biết là do lỗi của cơ quan nhà nước cấp giấy lộn, nguyên đơn, bị đơn không có lỗi và đều thống nhất điều chỉnh mà vẫn đưa vụ án ra xét xử, TAND huyện cho rằng vì bị đơn và người có quyền và nghĩa vụ liên quan (có yêu cầu độc lập) đã không thỏa thuận được!
Nhận định trường hợp này, chúng ta có thể thấy ngay bản chất vụ việc là sai sót trong quá trình cấp Giấy CNQSD đất. Trên thực địa, bà Phận có chuyển nhượng cho ông Minh đầy đủ diện tích đất theo hợp đồng; bà Cục vẫn sử dụng đất đúng vị trí từ trước đến nay, không có tranh chấp và ranh giới vẫn rõ ràng, các bên đều thống nhất điều chỉnh. Việc sai sót là lỗi của UBND xã và các cơ quan chức năng trong quá trình tham mưu cấp Giấy. Do đó, việc điều chỉnh lại cho người dân là trách nhiệm của cơ quan hành chính huyện, xã. UBND xã Phú Đông không xác định đay là nội dung khiếu nại, mà cho đây là việc tranh chấp quyền sử dụng đất và chuyển hồ sơ hòa giải không thành đến TAND huyện là chưa giải quyết đúng bản chất vụ việc và xử lý chưa đến nơi đến chốn. Bản chất việc khieu kiện của bà Cục phải do cơ quan hành chính nhà nước giải quyết.
Từ đó, Ban Pháp chế mạnh dạn đề xuất với Thường trực HĐND huyện kiến nghị giao cho UBND huyện chỉ đạo ngành chức năng kiểm tra, giải quyết khiếu nại của bà Phận; đề nghị TAND huyện chuyển hồ sơ khiếu kiện cho UBND huyện giải quyết điều chỉnh QSD đất cho các bên liên quan và xem xét tạm đình chỉ vụ án theo luật định, chờ kết quả xử lý giải quyết của UBND huyện. Đồng thời, kiến nghị Chủ tịch UBND xã Phú Đông kiểm điểm rút kinh nghiệm về trách nhiệm giải quyết vụ việc trên, chấn chỉnh công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân, công tác hòa giải và việc giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến đất đai.
Đến nay, UBND huyện đã có kết luận giải quyết vụ việc, TAND huyện đã ban hành quyết định đình chỉ vụ án, ông Trần Quang Minh cũng vui vẻ giao giấy đỏ của mình để điều chỉnh, không yêu cau bà Phận bồi thường hợp đồng... đó là một “kết thúc có hậu”. Trong lần đi xác minh thực tế vụ việc, còn nhiều hộ dân sử dụng đất liền kề khu này bị cấp lộn thửa và cũng được điều chỉnh đúng vị trí. Ông Huỳnh Văn Đung, người được cấp giấy đỏ phần diện tích 2.193m2 đất của bà Phận, bày tỏ sự vui mừng khi được điều chỉnh lại giấy đỏ, mặc dù sau khi đo đạc, diện tích đất của ông thiếu khoảng 200m2, ông nói: tôi chấp nhận và giao giấy cho nhà nước điều chỉnh vì từ trước đến giờ tôi không biết làm sao với diện tích đất bị lộn này, thực tế đất của tôi cũng lộn qua giấy của người khác, nhờ vụ việc này mà tự nhiên tôi được nhà nước cấp lại giấy CNQSD đất chính xác, không mất nhiều thời gian đi lại… Và người vui nhất vẫn là bà Phận, trong nước mắt vui mừng, bà nói: tôi rất tin tưởng chính quyền ở huyện, nhất là HĐND huyện, tôi tin là các cô, các chú sẽ giúp được cho tôi, tôi đi đã gần 4 năm rồi…
Thế mới thấy, tiếp công dân là công tác đóng vai trò quan trọng trong quá trình giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân, đồng thời đây cũng là công tác có ý nghĩa quan trọng đối với việc phát huy quyền làm chủ của công dân. Điều 74 Luật khiếu nại tố cáo quy định: “Thủ trưởng các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm trực tiếp tiếp công dân và tổ chức việc tiếp công dân đến trình bày khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh liên quan đến khiếu nại tố cáo; bố trí cán bộ có phẩm chất đạo đức tốt, có kiến thức và am hiểu chính sách pháp luật, có ý thức trách nhiệm làm công tác tiếp dân”. Nếu ngay từ đầu, UBND xã giải thích rõ cho bà Phận và mời các bên liên quan đến giải thích, điều chỉnh cho họ thì đâu làm cho vụ việc trở thêm phức tạp. Nếu khi nhận hồ sơ của UBND xã, TAND huyện chịu khó xem xét, lắng nghe ý kiến của đương sự thì không đến nỗi phải đưa một vụ việc đơn giản trở thành vụ tranh chấp quyền sử dụng đất, trong khi cả nguyên và bị đơn không ai vi phạm quyền sử dụng đất của ai.