Khóa học không chỉ dành cho cho đại biểu

Đăng ngày: 15/08/2011
Nhiệm kỳ 2004 - 2009, Đồng Nai có 5.407 đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Việc bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng hoạt động cho đại biểu HĐND ngang tầm nhiệm vụ được xác định là một giải pháp quan trọng, thúc đẩy sự nghiệp đổi mới, nâng cao năng lực hoạt động của HĐND.
Ngay từ khi kết thúc công tác bầu cử đại biểu HĐND, các đại biểu cũng đã được tham dự các khóa bồi dưỡng theo các nhóm trình độ đại biểu khác nhau thế nhưng việc bồi dưỡng này còn mang nặng tính lý thuyết nhiều hơn là thực tế. Đây chính là điều mà Thường trực HĐND tỉnh trăn trở bởi để có bản lĩnh thực hiện trọng trách với cử tri, với nhân dân, các đại biểu dân cử không chỉ cần có tâm huyết và ý thức trách nhiệm mà còn cần được rèn luyện năng lực và kỹ năng hoạt động với cương vị người đại biểu của nhân dân, chính điều đó đặt ra vấn đề là phải làm gì để giúp đại biểu thực sự nâng cao được kỹ năng hoạt động.

Ngay từ đầu năm 2007, Thường trực HĐND tỉnh đã liên hệ với Trung tâm bồi dưỡng đại biểu dân cử của Văn phòng Quốc hội để thống nhất kế hoạch tổ chức khóa bồi dưỡng kỹ năng hoạt động cho đại biểu HĐND ba cấp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Sau một quá trình chuẩn bị đã đi đến thống nhất sẽ tổ chức khóa bồi dưỡng trực tiếp trên sóng truyền hình của đài phát thanh truyền hình Đồng Nai.

Sau khi thống nhất về kế hoạch tổ chức khóa học, vẫn không hết những băn khoăn: Liệu với một khóa học chỉ đề cập đến hoạt động của đại biểu và HĐND tổ chức trong hai ngày liên tiếp có gây “ngán” cho người nghe? Cử tri và nhân dân sẽ đánh giá gì về khóa học này? Khâu tổ chức khóa học liệu có “kham” nổi trước một việc làm hoàn toàn mới trong khi khóa học được truyền hình trực tiếp và không được phép để xảy ra sai sót ở bất cứ khâu nào, bộ phận nào?

Nhưng đã quyết là làm, sau một thời gian chuẩn bị, trong hai ngày 17 và ngày 18 tháng 7 năm 2007, khóa bồi dưỡng kỹ năng hoạt động cho đại biểu HĐND tỉnh Đồng Nai qua hình thức truyền hình trực tiếp trên kênh ĐN2 Đài phát thanh truyền hình Đồng Nai (sau đây gọi tắt là khóa bồi dưỡng) đã diễn ra và thành công tốt đẹp, minh chứng cho việc dám nghĩ, dám làm của Thường trực HĐND tỉnh.

Điều trước tiên của khóa học, đó là công tác chuẩn bị. Sau khi thống nhất với Trung tâm bồi dưỡng đại biểu dân cử, Thường trực HĐND tỉnh đã xây dựng Kế hoạch tổ chức khóa bồi dưỡng, hình thức tổ chức theo từng cấp và theo đơn vị hành chính. Công ty điện lực cũng “vào cuộc” phối hợp đảm bảo điện phục vụ tại các khu vực có trụ sở UBND các cấp và Đài phát thanh truyền hình triển khai các công việc theo kế hoạch, đảm bảo chất lượng phát sóng truyền hình. Để đảm bảo trao đổi thông tin hai chiều giữa các Báo cáo viên và đại biểu HĐND cấp huyện, cấp xã, Thường trực HĐND tỉnh bố trí đường dây điện thoại để tiếp nhận và xử lý thông tin.

Trong hai ngày diễn ra khóa bồi dưỡng, 92,18%. Đại biểu HĐND ba cấp đã tham dự và tập trung theo dõi xuyên suốt. Các báo cáo viên đã trình bày 5 chuyên đề: Kỹ năng, kinh nghiệm giám sát của đại biểu HĐND; Giám sát tài chính; Vai trò của đại biểu HĐND trong phát triển kinh tế xã hội của địa phương; kỹ năng ban hành và giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Ban tổ chức đã nhận được trên 60 cuộc điện thoại của đại biểu và rất nhiều cử tri thuộc địa bàn tỉnh Đồng Nai và thành phố Hồ Chí Minh gọi đến, ngoài ra còn có các ý kiến của các đại biểu HĐND tỉnh tham dự trực tiếp tại Hội trường. Hầu hết qua điện thoại, các ý kiến trước hết đều khen ngợi hình thức tổ chức khóa học của Đồng Nai sau đó nêu lên những băn khoăn, thắc mắc của mình đối với những vấn đề phát sinh từ thực tế cũng như tình chính những nội dung mà báo cáo viên đã trình bày. Điều đó đã thể hiện một điều: Khóa bồi dưỡng không chỉ bó hẹp trong việc trang bị kiến thức đến đối tượng là đại biểu HĐND mà đã là khóa học chung của cử tri bạn xem đài để cư tri cùng với đại biểu HĐND thực hiện chức năng giám sát. Một số ý kiến tiêu biểu cụ thể như sau: Đánh giá chất lượng và việc nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của HĐND các cấp; kinh nghiệm giám sát, cách thức tiến hành giám sát của đại biểu; phạm vi giám sát của HĐND và vấn đề quyết định thu, chi ngân sách với việc thực hiện chức năng là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương của HĐND; vai trò của đại biểu trong việc phát triển kinh tế xã hội ở địa phương; vấn đề xây dựng văn bản Quy phạm pháp luật …Ngoài ra còn một số ý kiến không liên quan đến khóa bồi dưỡng do các cử tri phản ánh cũng đã được bộ phận thư ký xử lý và được đại biểu cũng như cử tri đồng tình. Nhiều ý kiến của cả đại biểu và cử tri đề nghị Thường trực HĐND tỉnh nên duy trì hình thức bồi dưỡng kiến thức này để cho cử tri cùng với đại biểu HĐND phối hợp thực hiện chức năng giám sát.

Nhìn chung khóa bồi dưỡng đã đạt được mục đích đã đề ra là nhằm thiết thực nâng cao kỹ năng hoạt động cho đại biểu HĐND các cấp. Đặc biệt, đối với đại biểu HĐND cấp xã do ít có điều kiện tiếp cận thông tin và tham gia các khóa bồi dưỡng nên việc việc tổ chức khóa bồi dưỡng đã có tác dụng rõ rệt, giúp trang bị cho đại biểu những kỹ năng cơ bản, nhất là việc tiếp cận các vấn đề cần giám sát.

Theo Trung tâm bồi dưỡng đại biểu dân cử, Đồng Nai là địa phương đầu tiên tổ chức khóa bồi dưỡng theo hình thức này. Từ những thành công của Đồng Nai, Trung tâm sẽ nghiên cứu và nhân rộng mô hình này ra trên địa bàn các tỉnh khác. Sau dịp này, Thường trực HĐND tỉnh Đồng Nai đã rút ra những kinh nghiệm tổ chức khóa bồi dưỡng, đồng thời mong muốn tiếp tục nhận được sự phối hợp của Trung tâm bồi dưỡng đại biểu dân cử trong việc tổ chức các khóa bồi dưỡng trong thời gian tới.

Nguyễn Thị Oanh