Tháo gỡ những vướng mắc trong công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc Hội khóa XII

Đăng ngày: 15/08/2011
Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XII (ngày 20 tháng 5 năm 2007) là sự kiện chính trị quan trọng trong đời sống xã hội của nước ta được tiến hành trong điều kiện đất nước ta đang đứng trước nhiều thời cơ, vận hội mới, vừa có thuận lợi, vừa phải đối mặt với những khó khăn, thách thức. Tình hình mới đặt ra cho Quốc hội khóa XII những nhiệm vụ hết sức nang nề. Chính vì vậy, cuộc bầu cử lần này có ý nghĩa rất quan trọng, thông qua cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội, cử tri cả nước thực hiện quyền làm chủ của mình bằng cách lựa chọn những đại biểu xứng đáng tham gia cơ quan đại biểu cao nhất, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Thị xã Long Khánh chuẩn bị cho ngày bầu cử
Đánh giá đúng tầm quan trọng của công tác bầu cử Quốc hội khóa XII, trong các ngày 03 và ngày 17 tháng 4 năm 2007, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh đã tổ chức các đoàn giám sát do ông Huỳnh Chí Thắng, phó chủ tịch HĐND tỉnh làm Trưởng đoàn để giám sát tại Ban bầu cử số 3 (Tân Phú, Định Quán) và Ban bầu cử số 4 ( Long Khánh, Xuân Lộc, Cẩm Mỹ). Mục đích của đợt giám sát là giúp Thường trực HĐND tỉnh nắm tình hình công tác chuẩn bị cho ngày bầu cử đại biểu Quốc hội, tìm hiểu về những khó khăn, vướng mắc của các  địa phương liên quan đến công tác bầu c
ử để có những kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền kịp thời giải quyết, tháo gỡ.

Nhìn chung các địa phương đang tích cực hoàn thành những phần việc theo đúng tiến độ của kế hoạch bầu cử, khắc phục những khó khăn về điều kiện cơ sở vật chất, con người để phấn đấu hoàn thành thắng lợi cuộc bầu cử. Công tác tuyên truyền pháp luật về bầu cử được các ngành, các cấp quan tâm thực hiện bằng nhiều hình thức khác nhau; các địa phương đã có những sáng kiến trong công tác tuyên truyền để đưa thông tin về bầu cử đến với nhiều cử tri nhất.

Tại Ban bầu cử số 3, đoàn giám sát đã nghe Lãnh đạo địa phương và Ban bầu cử phản ánh những khó khăn hiện nay của địa phương. Do đặc điểm hai huyện Tân Phú, Định Quán có một số người mang Quốc tịch Trung Quốc (Đài Loan) và người là Việt kiều Campuchia sinh sống nên phát sinh những vướng mắc trong công tác lập danh sách cử tri. Những vấn đề này đã được đoàn giám sát ghi nhận và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý. Sau khi có kiến nghị của đoàn giám sát, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo để các địa phương thống nhất thực hiện, cụ thể như sau: Theo báo cáo của Công an tỉnh thì hiện nay trên địa bàn tỉnh có 2.820 người Hoa đã được Công an tỉnh cấp giấy chứng nhận thường trú của người nước ngoài mang Quốc tịch Trung Quốc (Đài Loan), đã có 2.583 người được Công an tỉnh cấp đổi thẻ thường tru. Nhằm đảm bảo việc lập danh sách cử tri bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XII cho đối tượng là người Hoa mang Quốc tịch Trung Quốc (Đài Loan), Theo quy định của luật Quốc tịch, 2.820 đối tượng nêu trên là người nước ngoài cư trú tại Đồng Nai nên không thuộc diện được lập danh sách cử tri.  Những trường hợp đã được Chủ tịch UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận Quốc tịch Việt Nam thì được lập danh sách cử tri. Công an tỉnh phối hợp với sở Tư pháp rà soat xây dựng kế hoạch và đề ra hướng giải quyết đối với việc tiến hành các thủ tục cấp hộ chiếu mang Quốc tịch Trung Quốc(Đài Loan), cấp giấy chứng nhận có Quốc tịch Việt Nam, cấp sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân... cho 1.179 trường hợp còn lại.

Đối với các trường hợp là Việt kiều Campuchia, hiện đã xác định có Quốc tịch Việt Nam cho 715 hộ với 3.799 người do đó số đối tượng này đều được lập danh sách cử tri. Còn lại 440 người chưa xác định được Quốc tịch do không có giấy tờ tùy thân chứng minh nhưng có tờ khai Quốc tịch Việt Nam và đều có thời gian cư trú trước năm 2000. Để đảm bảo quyền lợi cho số đối tượng này, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan Công an, Tư pháp rà soát tiến hành các thủ tục đăng ký hộ tịch, hộ khẩu cho số đối tượng này theo quy định của luật Quốc tịch và hướng dẫn của các ngành cấp trên.

Cũng tại Ban bầu cử số 3, do địa bàn hai huyện Tân Phú và Định Quán nằm dọc theo Quốc lộ 20 nên khả năng sẽ có nhiều cử tri là khách vãng lai tham gia bầu cử, đoàn giám sát cũng đã lưu ý Ban bầu cử có hướng dẫn, chỉ đạo các tổ bầu cử thực hiện đúng thời gian bắt đầu và kết thúc bầu cử nhằm đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ của cử tri là khách vãng lai.

Tại ban bầu cử số 4, vấn đề mà một số Ủy viên ban bầu cử phản ánh là người bị kết án tù cho hưởng án treo có được tham gia bầu cử Đại biểu Quốc hội hay không. Về vấn đề này, căn cứ theo hướng dẫn một số điểm về việc tổ chức cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XII ban hành kèm theo Nghị quyết số 1078/2007/NQ/UBTVQH ngày 29.01.2007, đoàn giám sát đã có kien nghị đề nghị các địa phương khẩn trương bổ sung số đối tượng này vào danh sách bầu cử. 

Đối với các địa phương còn lại, Thường trực HĐND tỉnh đã có văn bản đề nghị Thường trực HĐND cấp huyện phối hợp giám sát về công tác bầu cử.

Với việc giám sát và phát hiện, kiến nghị giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong công tác bầu cử của các địa phương, có thể nói, đoàn giám sát của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh đã có những việc làm kịp thời, cần thiết hỗ trợ cho công tác bầu cử trên địa bàn, góp phần vào thành công của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội đồng thời cũng là góp phần quan trọng vào việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc, tiếp tục xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; góp phần tích cực vào việc thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lan thứ X; đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Nguyễn Thị Oanh