Ban Pháp chế HĐND tỉnh kiến nghị về chế độ cho người làm công tác hòa giải ở cơ sở
Đăng ngày: 15/08/2011
Theo thống kê của sở Tư pháp, hiện nay trên toàn tỉnh có 1.076 tổ hòa giải với 4.572 hòa giải viên ở cơ sở. Các tổ hòa giải được thành lập ở các ấp, khu phố vối số lượng từ 1 đến 2 tổ hòa giải. Trong năm 2006, các xã, phường, thị trấn và các tổ hòa giải đã nhận và thụ lý 4.248 vụ tranh chấp các loại; đã tiến hành hòa giải 3.689 vụ trong đó hòa giai thành 2.770 vụ đạt tỷ lệ 75,1%. Thông qua hòa giải thành đã giúp tăng cường mối đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng dân cư, giảm áp lực giải quyết các tranh chấp bằng pháp luật của các cơ quan nhà nước.
Để đảm bảo quyền lợi cho người làm công tác hòa giải ở cơ sở, ngày 05.8.2005, bộ Tài chính có Thông tư số 63/2005/TT-BTC hướng dẫn việc quản lý và sử dụng kinh phí bảo đảm cho công tác phổ biến giáo dục pháp luật trong đó có kinh phí cho hoạt động hòa giải ở cơ sở. Ngay sau khi Thông tư của bộ Tài chính có hiệu lực thi hành, UBND tỉnh có văn bản giao trách nhiệm cho sở Tài chính phối hợp với sở Tư pháp, UBND các huyện, thị xã Long Khánh và thành phố Biên Hòa hướng dẫn thực hiện Thông tư số 63; tiếp sau đó, sở Tư pháp có văn bản gửi sở Tài chính đề cập đến vấn đề này. Tuy nhiên kể từ khi ban hành đến nay đã 20 tháng nhưng Thông tư số 63 vẫn chưa được triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Việc chậm trễ này ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng và gây nên thắc mắc cho người làm công tác hòa giải ở cơ sở đồng thời không tạo được động lực để hoạt động hòa giải phát huy vai trò, tác dụng.
Qua giám sát công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh, Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh đã kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo Giám đốc sở Tài chính khẩn trương thực hiện theo những nội dung đã được UBND tỉnh chỉ đạo để đảm bảo sớm có chế độ cho người làm công tác hòa giải ở cơ sở theo quy định và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
Khôi Nguyên